Tận dụng cơ hội tăng sức chống chịu và năng lực cạnh tranh cho kinh tế
Thứ tư - 20/05/2020 21:082390
Chiều 20/5, Quốc hội thảo luận việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA, gia nhập Công ước số 105 của ILO; Bộ trưởng Công Thương, Kế hoạch-Đầu tư và Lao động giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, chiều 20/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Đồng thời, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tham gia giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
Cải thiện kinh tế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về một số nội dung chính: Sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định EVIPA; việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn; tính hợp hiến và mức độ phù hợp với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Hiệp định EVIPA; yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Hiệp định EVIPA; dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVIPA...
Tham gia thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều khẳng định ý nghĩa, tác động và đóng góp quan trọng của hai hiệp định EVFTA và EVIPA cho sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua hàng loạt các khía cạnh cả trước mắt cũng như trong trung hạn và dài hạn về tăng trưởng kinh tế, cải cách, hoàn thiện xây dựng thể chế và pháp luật, cũng như tiếp tục thúc đẩy, tạo động lực tăng trưởng mới cho đất nước...
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phê chuẩn hai hiệp định trong bối cảnh hiện nay, khi nước ta vừa vượt qua đại dịch COVID-19 và đang tái khởi động quá trình khôi phục nền kinh tế, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), đây chính là thời điểm Việt Nam cần nhiều động lực phát triển kinh tế và hai hiệp định có thể chính là một trong những động lực quan trọng.
“Tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), chúng ta có cơ hội tiếp cận thị trường với gần 450 triệu dân của nền kinh tế thuộc hàng giàu có nhất thế giới; giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, khơi thông dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ EU; có điều kiện cải thiện kinh tế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng có giá trị gia tăng, công nghệ cao hơn; thân thiện với môi trường và phát triển bền vững hơn,” đại biểu khẳng định.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, việc phê chuẩn hai hiệp định đồng thời tạo động lực để cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, tạo nhiều công ăn việc làm.
“Đây là đích đến cuối cùng của mọi chiến lược phát triển. Có thể nói, đây như là đường cao tốc hội nhập với Liên minh châu Âu, EVFTA sẽ mang lại cơ hội hiện thực hóa kỳ vọng tái khởi động nền kinh tế sau đại dịch,” đại biểu nhấn mạnh.
Bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong những năm qua để đạt thỏa thuận về hai hiệp định này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng EVFTA và EVIPA sẽ tạo ra “thời cơ vàng” để Việt Nam vươn lên gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, muốn tận dụng thời cơ đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định còn một số vấn đề lớn cần quan tâm. Theo đó, Việt Nam cần có những bước phát triển nhất định trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế số và trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, nền kinh tế phải đủ năng lực đối phó với các nguy cơ, đe dọa, các thách thức an ninh phi truyền thống, điển hình như đại dịch toàn cầu COVID-19.
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, trong 27 nước Liên minh châu Âu, có những quốc gia hàng đầu thế giới về thương mại, đầu tư, công nghệ, pháp luật, quản lý Nhà nước. Do đó, đây cũng sẽ là những lĩnh vực Việt Nam có cơ hội nâng tầm khi hiệp định có hiệu lực.
“Trận đại dịch hiện nay buộc chúng ta phải thay đổi phương thức hoạt động kinh tế, tổ chức xã hội về mọi mặt, không được phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ một quốc gia nào ở bất cứ một lĩnh vực nào. Hai hiệp định này cũng tạo cơ hội đa phương, đa dạng hóa, tối đa hóa hoạt động thương mại đầu tư của chúng ta với thế giới trong điều kiện toàn cầu hóa,” đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
Đảm bảo cân bằng giữa thụ hưởng và năng lực trong thực thi hiệp định
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tham gia giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). (Ảnh: TTXVN)
Khẳng định ý nghĩa, sự đóng góp của hai hiệp định đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua hàng loạt các khía cạnh tăng trưởng kinh tế, cải cách, hoàn thiện xây dựng thể chế, pháp luật, thúc đẩy, tạo động lực tăng trưởng mới cho đất nước... cả trong giai đoạn trước mắt và trung hạn, dài hạn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ cảm ơn, ghi nhận tất cả ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội.
Ông khẳng định sẽ tiếp thu, rút kinh nghiệm để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhất Hiệp định Thương mại tự do cũng như Hiệp định Bảo hộ đầu tư, đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới.
Về tính chất, ý nghĩa, hiệu quả của hai hiệp định này với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh: Dịch COVID-19 tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới và Việt Nam theo chiều hướng tiêu cực, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, do đó nhu cầu khẩn trương kích hoạt lại nền kinh tế ở trạng thái bình thường mới, đặc biệt là khai thác và phát triển những thị trường tiềm năng, có ý nghĩa chiến lược như thị trường của Liên minh châu Âu được đẩy cao hơn bao giờ hết.
“Đây cũng là cơ hội rất lớn để chúng ta không những tăng sức chống chịu cho nền kinh tế mà còn tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt là tiếp tục đa dạng hóa các thị trường, tránh sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định,” ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết Chính phủ rất quan tâm và đã có chỉ đạo kiên quyết, liên tục để đảm bảo được tiến độ chung của hai hiệp định. Theo đó, Chính phủ yêu cầu sớm xây dựng, hoàn thiện chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện hiệp định. Đây là vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam mà Liên minh châu Âu cũng rất quan tâm và yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ từ phía Việt Nam trong chương trình hành động này, nhằm đảm bảo cân bằng giữa việc thụ hưởng và năng lực trong thực thi hiệp định.
Theo ông Trần Tuấn Anh, thời gian qua, các Bộ, ngành đã tích cực thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng. Đến nay, phần lớn các địa phương, bộ, ngành đã có chương trình hành động riêng, căn cứ theo chỉ đạo chung của Thủ tướng để hoàn thiện kế hoạch hành động cùng Chính phủ.
Giải trình, làm rõ thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh bên cạnh những cơ hội lớn, đứng trước hai hiệp định, Việt Nam cũng phải đối diện với các thách thức đi kèm, nhất là trong bối cảnh khi hệ thống thể chế, pháp luật còn những vướng mắc nhất định.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
“Cơ sở hạ tầng đầu tư của chúng ta chưa được đảm bảo đáp ứng được yêu cầu. Năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được,” ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Đồng thời, ông cũng cho rằng đây là những cản trở lớn nhất của Việt Nam khi ký hiệp định với Liên minh châu Âu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp khả năng cạnh tranh còn hạn chế, với quy mô, vốn đầu tư nhỏ; khả năng công nghệ, năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu...
Để tận dụng các cơ hội, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc tổ chức thực hiện hiệp định là vấn đề quan trọng nhất như nhiều đại biểu đã nêu, trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, để đáp ứng được yêu cầu phát triển, giải quyết triệt để những điểm nghẽn, vướng mắc hiện nay. Đồng thời, hệ thống hạ tầng cần được khẩn trương đầu tư, nâng cấp.
Song song đó, các vấn đề còn tồn tại trong quy hoạch, đất đai, năng lượng, nguồn nhân lực.. cần có giải pháp tháo gỡ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đặc biệt, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phải được quan tâm đúng mức, tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao sức chống chịu và năng lực, từ đó tham gia được vào các thị trường trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài. Đối với doanh nghiệp, cần đổi mới công nghệ, có hệ thống quản trị hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, có nguồn nhân lực chất lượng cao...
Khẳng định sự cần thiết của việc gia nhập Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức
Thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, đa số ý kiến của các đại biểu cho rằng, việc Việt Nam gia nhập Công ước sẽ góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ lao động, tạo ra môi trường lao động ổn định, hài hòa để người lao động yên tâm làm việc và nâng cao hiệu quả lao động.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhất trí với sự cần thiết và tính tương thích của pháp luật Việt Nam khi tham gia Công ước 105. Việc tham gia Công ước còn khẳng định Việt Nam nghiêm túc thực hiện các cam kết; nâng cao vị thế chính trị và khẳng định Việt Nam luôn đề cao quyền con người; góp phần hạn chế các xung đột xã hội.
Tại phiên họp, đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, để đảm bảo việc thực thi Công ước, đại biểu cho rằng cần xây dựng kế hoạch với các giải pháp cụ thể, tập trung đào tạo nâng cao năng lực lao động; xây dựng cơ chế kiểm tra giám sát để Công ước được thực hiện một cách hiệu quả nhất.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo thuyết minh việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: “Công ước 105 là một công ước tiến bộ, văn minh, quá trình chuẩn bị trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã chỉ đạo xem xét một cách thấu đáo về vấn đề này, đặc biệt là có tham vấn Tổ chức Lao động quốc tế và các tổ chức liên quan.”
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng việc gia nhập Công ước 105 trước hết xuất phát từ chính lợi ích của Việt Nam, không chịu bất cứ một sức ép nào từ bên ngoài, nhằm đảm bảo quyền công dân và quyền con người và thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là chống và không chấp nhận lao động cưỡng bức.
Theo ông Đào Ngọc Dung, đến nay, cơ sở pháp lý của Việt Nam đầy đủ, hệ thống pháp luật Việt Nam hoàn toàn tương thích với quy định của Công ước 105, không có một văn bản nào trái với các quy định của Công ước 105.
Làm rõ một số băn khoăn của đại biểu Quốc hội về vấn đề lao động của phạm nhân trong trại giam, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Vấn đề lao động của phạm nhân trong trại giam không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước 105 mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước 29.
Theo Công ước 29, lao động của phạm nhân được coi là trường hợp ngoại lệ, không phải là lao động cưỡng bức, với việc quy định cụ thể ba dấu hiệu: phạm nhân là những người có quyết định thi hành án của tòa án; việc lao động của phạm nhân trong trại giam được thực hiện theo quy định của luật và đặt dưới sự giám sát, quản lý của trại giam; họ không bị chuyển nhượng hoặc bị áp đặt dưới quyền sử dụng tư nhân.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức; khẳng định Việt Nam đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng; tiếp tục tôn trọng và đảm bảo các quyền, nghĩa vụ cơ bản của người lao động.
Sau phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan chuyên môn tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, chuẩn bị dự thảo Nghị quyết để báo cáo trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua nội dung này./.