Để thực hiện công tác tuyên truyền về biển, đảo đúng đắn, đúng mức và thích hợp với những diễn biến của tình hình Biển Đông, đòi hỏi phải am hiểu và sử dụng đúng những kiến thức cơ bản xoay quanh nội dung này.
SỬ DỤNG ĐÚNG CÁC KHÁI NIỆM
Lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, cụm từ “chủ quyền biển đảo” thường được sử dụng để thay cho thuật ngữ “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia” áp dụng cho các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo, với những quy chế pháp lý khác nhau khi xác định quyền hạn và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển, cũng như các quốc gia có biển hay không có biển khác. Điều này khiến cho nhiều người có nhận thức mơ hồ, lệch lạc về tính chất và mức độ bảo vệ và thực thi các quyền hợp pháp của quốc gia đối với các vùng biển, thềm lục địa và các hải đảo, quần đảo mà hậu quả có thể có tác động tiêu cực đến các hành xử của các cá nhân, cơ quan quản lý, của các tầng lớp nhân dân trước những sự kiện xảy ra trên từng khu vực khác nhau. Cần hiểu nội hàm của các quyền đó như sau:
Chủ quyền quốc gia: Là quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Trong phạm vi lãnh thổ của mình, quốc gia có quyền tối cao về lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mọi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia phải do quốc gia đó quyết định, các quốc gia khác cũng như các tổ chức quốc tế không có quyền can thiệp, mọi tổ chức, cá nhân cư trú trên lãnh thổ của quốc gia đó phải tuân thủ pháp luật của quốc gia nếu điều ước quốc tế mà quốc gia đã ký kết không có quy định khác. Trong quan hệ quốc tế, quyền độc lập của quốc gia thể hiện ở chỗ:
1) Tự quyết định mọi vấn đề đối nội và đối ngoại của mình, các quốc gia khác không có quyền can thiệp hoặc áp đặt; không có một thế lực nào, cơ quan nào đứng trên quốc gia, có quyền đặt ra pháp luật và bắt buộc quốc gia phải thực hiện.
2) Quốc gia chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại, các quy định của điều ước quốc tế mà quốc gia đã ký kết hoặc tham gia, đồng thời, tôn trọng các tập quán quốc tế cũng như các điều ước quốc tế do các quốc gia; khác ký kết phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại.
Chủ quyền quốc gia trên biển: Quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền của mình một cách tuyệt đối, đầy đủ, toàn vẹn ở trong vùng nội thủy và thực hiện chủ quyền một cách đầy đủ, toàn vẹn ở trong lãnh hải. Nội thủy là bộ phận đất liền như ao hồ, sông suối, các vùng nước nằm trong đất liền. Lãnh hải cũng được coi là lãnh thổ biển của quốc gia ven biển. Tuy nhiên, tàu thuyền của các quốc gia khác được quyền “đi qua vô hại” trong lãnh hải của quốc gia ven biển với những quy định kiểm soát chặt chẽ của quốc gia ven biển theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS năm 1982). Vì vậy, chủ quyền của quốc gia ven biển được thực hiện ở trong lãnh hải của mình là “đầy đủ và toàn vẹn”, chứ không “tuyệt đối” như ở trong nội thủy.
Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia ven biển. Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất dưới đáy của lãnh hải. Mọi hoạt động của tự nhiên nhân hay pháp nhân của quốc gia khác, cũng như các phương tiện hoạt động trên biển của họ ở trong nội thủy, lãnh hải của quốc gia ven biển, mà không tuân thủ luật pháp của quốc gia ven biển, cũng như luật pháp quốc tế hiện hành, đều bị coi là hành động xâm phạm biên giới, lãnh thổ biển của quốc gia ven biển; quốc gia ven biển có quyền sử dụng mọi biện pháp, kể cả biện pháp quân sự để bảo vệ chủ quyền quốc gia trong phạm vi nội thủy và lãnh hải được xác lập theo đúng quy định của UNCLOS năm1982.
Quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia: Quyền chủ quyền là quyền riêng biệt của quốc gia được thực thi trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đây là quyền có nguồn gốc chủ quyền, mang tính chất chủ quyền.
Quyền tài phán là hệ quả của chủ quyền và quyền chủ quyền, có tác dụng bổ trợ tạo ra môi trường để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền. Như vậy, quyền tài phán gắn bó chặt chẽ với lãnh thổ quốc gia. Tuy vậy, quyền tài phán cũng có thể thực thi ở nơi mà quốc gia đó không có chủ quyền. Chẳng hạn, quyền tài phán có thể được áp dụng trên tàu thuyền, phương tiện treo cờ của quốc gia đó khi chúng đang hoạt động trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia khác.
Quyền tài phán theo nghĩa rộng bao gồm: 1) Thẩm quyền đưa ra các quyết định, quy phạm; 2) Thẩm quyền giám sát việc thực hiện; 3) Thẩm quyền xét xử của tòa án đối với một lĩnh vực cụ thể; theo nghĩa hẹp đó là thẩm quyền pháp định của tòa án khi xét xử một người hay một việc.
Khi thực hiện các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của mình, quốc gia ven biển có nghĩa vụ tôn trọng quyền lợi của các quốc gia khác, không được có hành vi cản trở quyền tự do hàng hải và tự do hàng không của tàu thuyền và các phương tiện bay, quyền tự do đặt cáp và ống dẫn dầu ngầm; không được có hành vi phân biệt đối xử trong việc các quốc gia khác thực hiện các quyền được UNCLOS1982 quy định…
CÂN NHẮC CÁC THUẬT NGỮ PHÁP LÝ
Hiện nay, tên gọi Biển Đông mà Nhà nước ta đã chính thức công bố vẫn bị sử dụng sai. Biển Đông là danh từ riêng, viết hoa cả 2 chữ; khi dịch sang tiếng Anh là “BienDong Sea”, dịch sang tiếng Pháp là “Mer de BienDong”.
Các thuật ngữ “lãnh hải”, “vùng đặc quyền kinh tế”, “thềm lục địa” vẫn còn sử dụng sai, nhất là khi dịch ra tiếng nước ngoài, có thể gây sự hiểu lầm đối với lập trường đúng đắn của Việt Nam. Ví dụ: Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam đã mô tả trong tạp chí “Heritage” là “Territoral water” (là Lãnh hải theo UNCLOS 1982) lại bao gồm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thềm lục địa 200 hải lý…
Về việc sử dụng các tài liệu lịch sử, bản đồ liên quan đến 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cần lưu ý, chỉ có những tư liệu lịch sử và bản đồ có giá trị pháp lý (nghĩa là các tư liệu do hệ thống tổ chức Nhà nước có thẩm quyền ban hành) mới được coi là những chứng cứ pháp lý. Không phải bất cứ tư liệu lịch sử và bản đồ nào cũng đều có giá trị pháp lý để chứng minh và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Các tư liệu lịch sử, bản đồ, không do Nhà nước xuất bản chỉ có giá trị cho các chuyên gia pháp lý dựa vào đó để sưu tầm, tập hợp các chứng cứ pháp lý phục vụ cho giải pháp giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình - đàm phán ngoại giao, sử dụng cơ chế tài phán quốc tế.
Cần cân nhắc sử dụng thuật ngữ “tranh chấp” khi diễn tả thực trạng xác lập, bảo vệ, quản lý các quyền của các bên trong Biển Đông. Việc sử dụng thuật ngữ “tranh chấp” một cách chung chung, không phân biệt thời điểm và phạm vi tranh chấp đồng nghĩa với việc chấp nhận chủ trương “biến không thành có”, “biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp”. Hậu quả, sẽ làm yếu đi lập trường pháp lý mà chúng ta đang vận dụng để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chí ít là vào thời điểm trước khi các bên có thỏa thuận ngồi vào đàm phán hay sử dụng cơ chế tài phán quốc tế để giải quyết vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo này./.
TS. Trần Công Trục/tuyengiao.vn