Đang truy cập: 94
Hôm nay: 10,934
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 373,972
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,084,289
- Đang truy cập94
- Hôm nay10,934
- Tháng hiện tại373,972
- Tổng lượt truy cập10,084,289
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 18/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
NGHỊ QUYẾT
CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY
về phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ
và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
-----
Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên như sau:
I- ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
1- Những kết quả đạt được
Trong những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) và đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt kết quả tích cực, đóng góp của KHCN và ĐMST vào tăng trưởng kinh tế thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đạt mức 32%. Năng lực khoa học và công nghệ (KH và CN) của tỉnh được nâng cao, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã có nhiều chuyển biến, thị trường KH và CN từng bước hình thành. Hoạt động nghiên cứu KH và CN được triển khai trên các mặt của đời sống xã hội. Trong đó, chú trọng hoàn chỉnh một số luận cứ khoa học phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử Phú Yên qua các thời kỳ; nghiên cứu lai tạo một số giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển giao một số công nghệ tiên tiến, công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; sản xuất một số dược phẩm thay thế hàng nhập khẩu; phát triển một số nhãn hiệu hàng hóa đặc trưng của tỉnh có giá trị kinh tế cao... KHCN và ĐMST đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
2- Những hạn chế, yếu kém
- Hoạt động KH và CN nhìn chung chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KHCN và ĐMST chưa được chú trọng; cơ chế tài chính còn nhiều bất cập; đầu tư cho KH và CN nhìn chung còn thấp (giai đoạn 2016 - 2020 đạt 0,68% tổng chi ngân sách); quỹ phát triển KH và CN tỉnh chưa hình thành.
- Việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH và CN chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; cơ chế quản lý hoạt động KH và CN có đổi mới nhưng còn chậm; công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển KH và CN gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chưa được triển khai đồng bộ; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện các nhiệm vụ KH và CN chưa tốt, hiệu quả chưa cao.
- Thị trường KH và CN chưa phát triển; kết quả nghiên cứu ứng dụng gắn kết với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý nhưng chưa nhiều; chưa có nhiều kết quả nghiên cứu KH và CN nổi bật được nhân rộng.
3- Nguyên nhân
- Một số cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức KH và CN chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí của KHCN và ĐMST đối với phát triển kinh tế nhanh và bền vững; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa đúng mức; đầu tư cho phát triển KH và CN còn hạn chế, thiếu trọng tâm; chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KH và CN.
- Cơ chế, chính sách phát triển, ứng dụng KHCN và ĐMST chưa đồng bộ. Thiếu cơ chế phù hợp với tính đặc thù của hoạt động trí tuệ, tạo động lực thúc đẩy phát triển, ứng dụng KHCN và ĐMST.
- Mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh chủ yếu theo chiều rộng, sử dụng lao động trình độ thấp, giá rẻ; trình độ công nghệ chưa phát triển, sản xuất chủ yếu sản phẩm thô, gia công, lắp ráp, không tạo được thị trường công nghệ để khuyến khích, thúc đẩy phát triển, ứng dụng KHCN và ĐMST.
II- MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1- Mục tiêu chung: Phát triển, ứng dụng KHCN và ĐMST, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ; chú trọng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực, nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên nhanh và bền vững.
2- Mục tiêu cụ thể
- Nâng tỷ lệ đóng góp của KHCN và ĐMST vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đạt hơn 35% và tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao chiếm khoảng 10% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2025. Phấn đấu 90% các nhiệm vụ KH và CN đưa vào ứng dụng trong thực tiễn sản xuất và đời sống.
- Phấn đấu đến năm 2025, hình thành không gian ĐMST và chuyển đổi số, phục vụ chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số cho các tỉnh, khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên; sẵn sàng tiếp nhận, chuyển giao giữa các viện, trường, doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị trên cơ sở hạ tầng, vật chất của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ thuộc Sở Khoa học - Công nghệ; tổ chức sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ.
- Hỗ trợ phát triển 10 dự án khởi nghiệp ĐMST, 05 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Hỗ trợ xây dựng ít nhất 05 doanh nghiệp KH và CN; ít nhất 01 doanh nghiệp về ứng dụng trí tuệ nhân tạo; 05 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Hỗ trợ khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho ít nhất 20 sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Số văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp tăng ít nhất 50% so với giai đoạn 2016-2020. Thẩm định về công nghệ đối với 100% dự án đầu tư mới vào tỉnh, kiên quyết không cấp phép dự án sử dụng công nghệ hạn chế hoặc có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
- Tăng tỷ lệ cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 05-07 người/một vạn dân; hình thành 05 nhóm chuyên gia nghiên cứu KH và CN trên các lĩnh vực: nông nghiệp; công nghệ sinh học và môi trường; công nghệ thông tin; y dược; kỹ thuật cơ khí - chế tạo máy và điều khiển, tự động hóa.
- Phấn đấu đến năm 2025, 100% tổ chức KH và CN công lập chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
- Xây dựng chương trình chuyển đổi số và khung kiến trúc chính quyền điện tử 2.0, phát triển hạ tầng mạng, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
- Phấn đấu bố trí ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ đạt 2% tổng chi hàng năm.
(Phụ lục 1 kèm theo).
3- Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
3.1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển, ứng dụng KHCN và ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội:
- Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và đội ngũ cán bộ, công chức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của KH và CN trong phát triển kinh tế - xã hội; về cơ hội và thách thức trước các xu thế hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, từ đó chủ động khai thác, tận dụng có hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển. Người đứng đầu các cấp, các ngành chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo phát triển, ứng dụng KH và CN để nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của ngành, địa phương.
- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách phát triển KHCN và ĐMST, trong đó tập trung hướng đến đội ngũ trí thức, học sinh, sinh viên, khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp của thế hệ trẻ, tạo sự lan tỏa trong xã hội. Kịp thời phát hiện, thông tin về những mô hình, điển hình, cách làm mới mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
- Gắn các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển, ứng dụng KHCN và ĐMST với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành. Đưa phát triển, ứng dụng KHCN và ĐMST là một nội dung trong kế hoạch phát triển của từng ngành, địa phương.
3.2- Đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách phát triển, ứng dụng KHCN và ĐMST cả về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động:
- Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm; trường đại học, cao đẳng, tổ chức KH và CN là chủ thể chủ yếu trong phát triển, ứng dụng KHCN và ĐMST; kết nối chặt chẽ Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp ĐMST, thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo, ứng dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong xã hội, góp phần hình thành lực lượng mới đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.
- Tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp cải tiến, đổi mới và phát triển công nghệ, ứng dụng thành tựu KH và CN; đẩy mạnh giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước; hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm địa phương.
- Xây dựng cơ chế phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh với cơ quan Trung ương trong việc tham mưu, đề xuất, thực hiện, nhân rộng kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN và ĐMST, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Rà soát, nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý các nhiệm vụ KH và CN sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm chặt chẽ, theo hướng xác định rõ nguồn ngân sách, định mức chi, thủ tục thanh quyết toán, phương pháp khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc từng phần để tạo điều kiện cho các cấp, các ngành chủ động triển khai thực hiện.
- Chú trọng hướng dẫn khai thác Quỹ phát triển KH và CN Quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia; xem xét hình thành Quỹ phát triển KH và CN của tỉnh khi có đủ điều kiện theo quy định. Khuyến khích tăng số lượng, quy mô và sử dụng có hiệu quả các Quỹ phát triển KH và CN trong các doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác công - tư trong thực hiện các nhiệm vụ về KH và CN.
- Xác định danh mục các sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các nhiệm vụ KH và CN sử dụng ngân sách nhà nước. Chú trọng thực hiện tốt công tác thẩm định trình độ công nghệ; giám sát, khuyến nghị xử lý kịp thời các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
3.3- Nâng cao tiềm lực KHCN và ĐMST của tỉnh trên cả 4 yếu tố cơ bản: nhân lực, tổ chức, cơ sở vật chất và vốn đầu tư:
- Tập trung phát triển nhân lực KHCN và ĐMST. Xây dựng khung chính sách thu hút nguồn nhân lực trong các cơ quan Nhà nước và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thu hút nguồn nhân lực KH và CN.
Đẩy mạnh thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực KH và CN chất lượng cao; có chế độ, chính sách ưu tiên tuyển dụng các nhà khoa học trẻ tài năng vào các tổ chức KH và CN công lập, cơ quan nhà nước; xây dựng mạng lưới các nhà khoa học, chuyên gia giỏi trong, ngoài tỉnh và quốc tế sẵn sàng tham gia giải quyết các vấn đề KHCN và ĐMST. Tăng cường hợp tác với các tổ chức KH và CN trong và ngoài nước trong khai thác, tiếp nhận công nghệ từ nơi khác để rút ngắn khoảng cách, nâng cao trình độ KH và CN trên địa bàn tỉnh; tổ chức hiệu quả các cuộc thi, hội thi, các giải thưởng sáng tạo KH và CN, phát hiện và tôn vinh kịp thời các tổ chức, cá nhân có phát minh, sáng chế, công trình khoa học đem lại hiệu quả cao.
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành KH và CN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; quy hoạch, luân chuyển và tạo điều kiện cho cán bộ KH và CN phát huy tối đa năng lực, sở trường công tác. Có chính sách khuyến khích cán bộ làm công tác KH và CN thường xuyên nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn, cập nhật thông tin, nắm bắt xu hướng KH và CN trên thế giới.
Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về KH và CN các cấp. Nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng tư vấn KH và CN các cấp, các ngành.
- Chú trọng phát triển các tổ chức, doanh nghiệp KH và CN. Tiếp tục rà soát, sắp xếp hợp lý các tổ chức KH và CN của các ngành, các trường đại học, cao đẳng theo hướng tự chủ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngân sách tỉnh bảo đảm kinh phí hoạt động cho các tổ chức KH và CN công lập thông qua việc giao thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ KH và CN các cấp và nhiệm vụ khác.
Xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp KH và CN, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, dự án khởi nghiệp ĐMST, doanh nghiệp công nghệ thông tin.
- Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN và ĐMST. Đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất cho một số trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, thử nghiệm của các ngành và trường đại học, cao đẳng có năng lực trong nghiên cứu - triển khai. Quan tâm ưu tiên đầu tư cho Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ thuộc Sở Khoa học - Công nghệ trở thành đơn vị chủ lực, cùng với các đơn vị sự nghiệp đẩy mạnh phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số và ĐMST, kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên phù hợp yêu cầu thực tiễn theo hướng ưu tiên công tác nghiên cứu, chuyển giao KH và CN trong sản xuất nông nghiệp.
Xây dựng hình thành sàn giao dịch công nghệ (thật, ảo) của tỉnh kết nối với các sàn giao dịch công nghệ quốc gia, sàn giao dịch một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng... để hỗ trợ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và phát triển thị trường KH và CN.
- Đẩy mạnh đầu tư từ ngân sách và tích cực huy động các nguồn lực xã hội phát triển, ứng dụng KHCN và ĐMST. Tăng dần tỷ lệ chi ngân sách cho KHCN và ĐMST, phấn đấu đạt mức 2%, bao gồm ngân sách Trung ương từ các chương trình cấp Nhà nước; tăng mức đầu tư của xã hội cho hoạt động KHCN và ĐMST.
Lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước trong các chương trình, dự án, nhiệm vụ để phát triển KHCN và ĐMST. Khuyến khích việc huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển KHCN và ĐMST thông qua đầu tư của doanh nghiệp, nhà nước thuê dịch vụ, hình thức hợp tác công - tư. Hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp tham gia các chương trình, dự án KHCN và ĐMST của Trung ương, các tổ chức quốc tế triển khai trên địa bàn tỉnh.
3.4- Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng KHCN và ĐMST, chuyển đổi số, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội:
- Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình ứng dụng KHCN và ĐMST trọng điểm giai đoạn 2021-2025, cụ thể: (1) Phát triển tiềm lực KHCN và nâng cao năng lực ĐMST; (2) Ứng dụng KH và CN phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, xây dựng nông thôn mới; (3) Đổi mới công nghệ, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa; (4) Ứng dụng thành tựu KH và CN trong y dược phục vụ nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; (5) Khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; (6) Ứng dụng KH và CN phục vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (Phụ lục 2 kèm theo).
- Xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số, thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng các lĩnh vực, ngành, trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục...; kế thừa kết quả đạt được trong triển khai Chính quyền điện tử, xây dựng khung kiến trúc Chính quyền điện tử 2.0, phát triển hạ tầng mạng, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án tạo ra sản phẩm mới, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các vùng nông nghiệp đáp ứng các tiêu chí được công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định.
3.5- Xây dựng và phát triển nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống truy xuất nguồn gốc:
- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và phát triển nhãn hiệu đối với sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP...; đồng thời áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý chất lượng tiên tiến. Hỗ trợ các địa phương xây dựng và khai thác tốt chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm, đặc sản địa phương và phát triển thị trường tiêu thụ.
- Xây dựng, đưa vào vào hoạt động Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa có tích hợp phần mềm kết nối cung - cầu các sản phẩm của tỉnh, kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia. Thực hiện hiệu quả việc quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh vào năm 2024.
3.6- Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về KHCN và ĐMST:
- Tích cực phối hợp, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu đầu ngành trong nước, quốc tế và một số địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Bình Định, Khánh Hòa... để chuyển giao công nghệ, thực hiện một số nhiệm vụ KH và CN trực tiếp giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp với điều kiện của tỉnh trên các lĩnh vực như: Năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; bảo vệ môi trường; cơ khí, chế tạo máy phục vụ phát triển nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; trao đổi, đào tạo nguồn nhân lực KH và CN, xây dựng luận cứ khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST sử dụng dịch vụ của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST quốc gia. Thu hút cố vấn, chuyên gia, nhà đầu tư khởi nghiệp ĐMST có uy tín ở trong nước, nước ngoài hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Đảng đoàn HĐND tỉnh căn cứ Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo HĐND tỉnh nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách về phát triển, ứng dụng KHCN và ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện; đồng thời giám sát thực hiện.
2- Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết này đảm bảo phù hợp, hiệu quả; quan tâm việc bố trí ngân sách cho hoạt động KHCN và ĐMST theo quy định. Thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết.
3- Các cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị mình; hoàn thành trong quý III năm 2021.
4- Các ban đảng Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy những nội dung có liên quan. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng hệ thống tuyên giáo và các cơ quan thông tin truyền thông lựa chọn những nội dung cơ bản của Nghị quyết để tuyên truyền, định hướng, động viên các cấp ngành, địa phương, cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực tham gia thực hiện.
---------
Phụ lục 1: CÁC CHỈ TIÊU CƠ BẢN (Xem chi tiết tại đây)
Phụ lục 2: CÁC CHƯƠNG TRÌNH ỨNG DỤNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 (Xem chi tiết tại đây)
Tải file tại đây: Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 18/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Liên kết website
Đang truy cập: 94
Hôm nay: 10,934
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 373,972
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,084,289