Bớt đi một chữ Tham để giữ lấy chữ Liêm

Thứ năm - 27/06/2024 05:28 530 0

Tham lam là bất Liêm, đã bất Liêm thì những việc khác cho dù có tài giỏi cũng bỏ đi. Nếu cán bộ, đảng viên đã Tham thì không giữ được Liêm, đã bất Liêm thì không giữ được đạo đức cách mạng, đã không giữ được đạo đức cách mạng thì làm sao phụng sự được Tổ quốc, phục vụ được Nhân dân?

1
Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 “về chuẩn mực đo đức cách mạng của cán bộ, đng viên trong giai đoạn mới” nhấn mạnh một trong những phẩm chất quan trọng của cán bộ, đảng viên, đó là Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư. Trong đó, Liêm là một trong những phẩm chất hàng đầu của cán bộ, đảng viên. Liêm là tuyệt đối không được tham lam bất cứ thứ gì của nước, của dân. Theo đó, để giữ uy tín của bản thân, uy tín của tổ chức, của Đảng, cán bộ, đảng viên phải giữ được chữ Liêm, muốn giữ được chữ Liêm tất phải bớt đi chữ Tham. Cán bộ, đảng viên bất Liêm, tham ô, tham nhũng, không trong sạch thì làm sao có được uy tín, làm sao được lòng dân?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến chữ Liêm, Người cho rằng: “Liêm là trong sạch, không tham lam. Người nhấn mạnh: Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ” [1].

Trong tác phẩm Cần kiệm liêm chính với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên báo Cứu quốc năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Liêm là trong sạch, không tham lam”. Người chỉ rõ: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất Liêm. Người cho rằng, “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư" [2]. Cán bộ, đảng viên phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho Nhân dân. Người khẳng định: “Mỗi người phải nhận rằng, tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”. Người chỉ rõ: Liêm của ngày xưa để chỉ “những người làm quan không đục khoét dân”, còn Liêm ngày nay có nghĩa rộng hơn và mọi người đều phải Liêm”[3]. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liêm là một phẩm chất đạo đức của con người, thể hiện qua lối sống trong sạch, không hám danh, không bận tâm toan tính nhỏ nhen, ích kỷ… Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải “ít lòng tham muốn về vật chất” [4].

Trong tác phẩm Đời sống mới (3/1947), Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải thực hành “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” Người coi đây là “tứ đức”, là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc, Người khẳng định:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Thiếu một mùa, thì không thành trời

Thiếu một phương, thì không thành đất

Thiếu một đức, thì không thành người” [5].

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cảnh báo về nguy cơ rơi vào bất Liêm: “Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ Trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục Nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu” [6].

Cổ nhân có câu: Đạm bạc dĩ minh chí/ Ninh tĩnh nhi chí viễn (có nghĩa là: Có đạm bạc thì chí mới sáng suốt/ Có tĩnh lặng mới có thể nhìn xa trông rộng). Để giữ chữ Liêm, Ức Trai Nguyễn Trãi đã giữ phẩm chất người “chăn dân”: “Mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen” và quen cuộc sống đạm bạc, từ chối của phi nghĩa “cơm kẻ bất nhân ăn ấy chớ, áo người vô nghĩa mặc chẳng thà”. Còn cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: “Lòng chẳng mắc tham là của quý”.

Phật giáo coi tính tham là nguyên nhân đầu tiên dẫn con người đến bể khổ.

Người xưa rất coi trọng chữ Liêm: Cụ Khổng Tử nói: “Tham lợi chỉ có ở kẻ tiểu nhân”. Cụ Mạnh Tử nói: Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy…” [7].

Nói về sự tham lam, bất Liêm của những cán bộ, đảng viên hư hỏng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lần đặt câu hỏi: "Cứ nghĩ trong cuộc sống mà xem, có những người có thiếu thốn gì đâu, nhưng sao mà tham thế? Chưa làm cái gì đã nghĩ đến chấm mút, nói nhỏ là chấm mút, còn nói to là vi phạm pháp luật, bất chấp cả pháp luật, không còn xứng đáng là đảng viên nữa…”.

Suy cho cùng, cũng bởi Tham mà bất Liêm, cũng vì tham danh vọng, vinh thân phì gia mà người ta bất chấp cả pháp luật, chà đạp, tranh giành hơn - thua với đời… Tham là gốc của mọi tiêu cực, xấu xa… Cán bộ, đảng viên mà tham danh lợi, trước là vi phạm các quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng, sau là vi phạm pháp luật chứ đâu có thoát được tội.

Đã có không ít bài học về lòng tham và ma lực của đồng tiền khiến quan chức phải ngã ngựa, vướng vào lao lý… Qua những vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ, đảng viên được đưa ra ánh sáng công luận thời gian qua, nhất là các vụ án tiêu cực, tham ô, tham nhũng… cho thấy, không ít cán bộ, đảng viên đã không giữ được chữ Liêm, bị cuốn theo những cám dỗ về lợi ích, những “viên đạn bọc đường” đã xuyên thủng hàng rào đạo đức cách mạng đi thẳng đến lòng tham.

Để không mắc phải những sai lầm đáng tiếc từ những bài học nhãn tiền, cán bộ, đảng viên luôn phải cảnh giác với những món lợi bất minh, đứng trước những lợi ích phi nghĩa, lợi ích không rõ ràng thì phải cương quyết không để lòng tham trỗi dậy, không để bản thân rơi vào tình huống “há miệng mắc quai”. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên cần thực hiện nghiêm Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị “về chuẩn mực đo đức cách mạng của cán bộ, đng viên trong giai đoạn mới”; nhất định phải hiểu rằng: Vào Đảng là để cống hiến, hy sinh chứ không phải “để làm quan phát tài”. Vì thế, cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc về đạo đức cách mạng, đã dấn thân vì sự tiến bộ xã hội, vì sự phát triển của đất nước… thì đừng vương vấn đến chữ Tham, không chạy theo chủ nghĩa cá nhân.

Thiết nghĩ, nếu cán bộ, đảng viên ở nước ta, ai cũng nhận thức đầy đủ, thực hiện nghiêm và giữ gìn các chuẩn mực đạo đức cách mạng theo đúng Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, vì sự tiến bộ xã hội, vì khát vọng hùng cường của dân tộc Việt Nam… há chẳng phải là phúc của nước nhà hay sao?!

Muốn vậy, cán bộ, đảng viên phải hội đủ những phẩm chất: Cần, Kiệm, Liêm chính, Chí công vô tư… trong đó, phải giữ chữ Liêm làm đầu. Tham lam là bất Liêm, đã bất Liêm thì những việc khác cho dù có tài giỏi cũng bỏ đi. Nếu cán bộ, đảng viên đã Tham thì không giữ được Liêm, đã bất Liêm thì không giữ được đạo đức cách mạng, đã không giữ được đạo đức cách mạng thì làm sao phụng sự được Tổ quốc, phục vụ được Nhân dân?

Vâng, giữ lấy chữ Liêm! Không chỉ đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng, đã là con người nói chung, tất cả đều cần phải nuôi dưỡng chữ Liêm - một trong “tứ đức” của con người như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy.

Theo đó, ai cũng cần nuôi dưỡng chữ Liêm cho bản thân mình, muốn có chữ Liêm tất phải bớt đi chữ Tham, bởi Tham và Liêm có mối quan hệ nhân - quả, tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Tất nhiên, để giữ được chữ Liêm còn có các yếu tố khác nữa… Trong phạm vi bài viết này cũng mới chỉ phần nào giúp bạn đọc có thêm góc nhìn cho một khuyến nghị như tiêu đề của bài viết mà thôi: Bớt đi một chữ Tham để giữ lấy chữ Liêm!

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, T5, Nxb CTQG, H.2011, tr.292

[2] Hồ Chí Minh - Toàn tập, T6, Nxb CTQG, H2011, tr.126.127

[3] Hồ Chí Minh - Toàn tập, T6, Nxb CTQG, H2011, tr.126.127

[4] Hồ Chí Minh - Toàn tập, T2, Nxb CTQG, H.2011, tr.280

[5] Hồ Chí Minh - Toàn tập, T6, Nxb CTQG, H2011, tr.117

[6] Hồ Chí Minh - Toàn tập, T 5, Nxb CTQG, H.2011, tr.123

[7] Hồ Chí Minh - Toàn tập, T 6, Nxb CTQG, H.2011, tr.126, tr.127

Khắc Trường/HCM.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 97

Hôm nay: 9,653

Hôm qua: 16,487

Tháng hiện tại: 372,691

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,083,008

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây