Cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân

Chủ nhật - 23/08/2020 20:19 350 0

Nhiều năm qua, tỉnh Phú Yên triển khai sâu rộng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) với nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo, hiệu quả. Đặc biệt, các già làng, người có uy tín đã phát huy vai trò tích cực trong việc vận động nhân dân tiếp thu khoa học kỹ thuật, đổi mới cách nghĩ trong làm ăn, tham gia xóa đói giảm nghèo; bảo tồn văn hóa truyền thống, đẩy lùi hủ tục lạc hậu, giữ gìn an ninh trật tự cho buôn, làng, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Họ là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, xây dựng buôn làng ngày càng ấm no, hạnh phúc.

4
Già làng La Chí Thái (thứ 2, từ trái sang) trao đổi công tác giữ gìn an ninh trật tự với Công an xã Xuân Lãnh. Ảnh: CTV

 Tham gia xóa đói giảm nghèo

Trong tình hình mới, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” để chống phá nước ta trên nhiều mặt, nhưng với uy tín của mình, các già làng và người có uy tín trong tỉnh đã tích cực phối hợp với lực lượng công an, MTTQ, các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương sẵn sàng đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù; giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn miền núi, vùng đồng bào DTTS. Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần xây dựng buôn làng ngày càng bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Nơi vùng cao Phú Mỡ, huyện miền núi Ðồng Xuân có một già làng mà cả cuộc đời ông chỉ có một ước mơ cháy bỏng là giúp đồng bào mình vượt qua đói nghèo. Đó là già làng, người có uy tín Ma Nghĩa, tên khai sinh là Lê Mo Tư (SN 1937) trú thôn Phú Lợi. Đến xã Phú Mỡ hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của vùng đất này. Có được thành quả đó, bà con luôn ghi nhớ công lao già làng Ma Nghĩa, người tiên phong đưa cây lúa nước về với buôn làng. Ông đã giúp nhiều gia đình có ruộng lúa nước để canh tác, vươn lên thoát nghèo. Năm nay đã qua 83 mùa rẫy nhưng trông ông vẫn chắc khỏe, nhanh nhẹn.

Từ nhỏ, già làng Ma Nghĩa tham gia cách mạng. Lớn lên đi bộ đội, cả nhà ông là cơ sở cách mạng; ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, gia đình ông về thôn Phú Lợi mưu sinh. Với bàn tay và khối óc, sự cần cù lao động, Ma Nghĩa trở thành hộ khá giả nhất ở buôn với nhiều diện tích lúa nước, lúa rẫy, đàn bò… Các con của Ma Nghĩa đều được học hành đến nơi đến chốn, ai cũng có việc làm, nghề nghiệp ổn định. Con trai đầu của ông là La Văn Nghĩa đang làm Phó Ban Dân tộc tỉnh; con rể (La O Lời) công tác trong lực lượng công an và hai cô con gái của ông làm nghề giáo.

Xã vùng cao Phú Mỡ có 5 thôn, hơn 700 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Ba Na và Chăm sinh sống. Trước đây, tỉ lệ hộ nghèo ở xã gần 100%, nhận thức của bà con rất hạn chế. Để vươn lên thoát khỏi đói nghèo, Ma Nghĩa tự mình đi khai hoang, tận dụng các khe suối đắp các đập nhỏ, khai mương dẫn nước về đồng ruộng để làm lúa nước. Ban đầu chỉ có vài sào, rồi diện tích lúa nước gia đình ông tăng lên 2,5ha. Từ đó, gia đình Ma Nghĩa có của ăn của để. Không chỉ chăm lo cho gia đình, Ma Nghĩa còn nghĩ cho “lũ làng”, làm thế nào để không phải phá rừng làm rẫy mà có thể thoát cái đói, cái nghèo, vươn lên làm giàu. “Nhà mình no cái bụng không chưa đủ, phải biết nghĩ đến đồng bào mình, làng xóm mình no cái bụng nữa”, Ma Nghĩa chia sẻ.

Những năm trước, từ Chương trình 135 ưu tiên xã đặc biệt khó khăn, huyện Ðồng Xuân đầu tư 250 triệu đồng xây dựng công trình trạm bơm điện ở thôn Phú Lợi. Có trạm bơm, nhưng nhiều người chưa có đất sản xuất. Muốn dân tin, làm theo thì mình làm trước có hiệu quả rồi nói dân làng mới tin. Trong việc chia ruộng lúa nước cho bà con, Ma Nghĩa là người có công đầu. Gia đình ông có tất cả 6ha ruộng lúa nước, đất vườn, đất ở, ông đã đem chia tất cả cho bà con trong buôn. Phần gia đình cũng chỉ nhận đúng số diện tích được chia đều như bà con. Phong trào làm lúa nước của xã nhanh chóng nhân rộng từ cách làm này. Ngoài vận động người dân trồng lúa nước, Ma Nghĩa còn vận động bà con tham gia làm những tuyến đường bê tông, hiến đất để làm đường, mương thủy lợi. Anh La O Tú ở thôn Phú Lợi cho biết: “Trước đây, buôn làng mình khó khăn, nay nhờ có già làng Ma Nghĩa tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho bà con cách làm lúa nước, cái bụng không còn đói như trước nữa. Bà con chúng tôi cảm ơn già làng Ma Nghĩa nhiều lắm”.

Đến xã Thồ Lồ (nay là xã Phú Mỡ) hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự thay da đổi thịt ở vùng đất kiên trung, cách mạng này. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cuộc sống kinh tế của bà con ở Phú Mỡ nói chung và thôn Phú Lợi nói riêng không ngừng được cải thiện và nâng cao. Những tuyến đường dẫn về các thôn tiếp tục được mở và đổ bê tông; nhiều công trình mới mọc lên như trụ sở UBND xã, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng... Đặc biệt, từ khi tuyến đường nối tỉnh Phú Yên và Gia Lai đưa vào sử dụng, người dân Phú Mỡ rất phấn khởi.

Ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, nhận xét: “Ma Nghĩa là già làng gương mẫu, tiên phong và uy tín trong mọi lĩnh vực đời sống. Ngoài “kỳ tích” vận động chia ruộng cho dân nghèo, hễ có việc rắc rối cần vận động, giải thích, có tiếng nói của Ma Nghĩa là bà con ưng cái bụng, làm theo”.

3
Lực lượng công an giao lưu với các già làng, người có uy tín ở xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới

Chúng tôi tìm đến nhà già làng La Chí Thái (SN 1941), người có uy tín ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân. Già Thái đã có công lớn trong việc xây dựng thôn Xí Thoại trở thành buôn văn hóa đầu tiên của tỉnh Phú Yên. Thôn Xí Thoại là địa bàn sinh sống của bà con dân tộc Chăm, Ba Na, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Quyết không để cái đói, cái nghèo mãi đeo đẳng, già Thái đã tự mình đi học cách canh tác lúa nước, thâm canh cây màu, phát triển diện tích mía để phát triển kinh tế gia đình. Già Thái tâm sự: “Được cử làm già làng, bản thân rất vinh dự và trách nhiệm cũng rất nặng nề. Phải gương mẫu thì bà con mới nghe”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với uy tín của mình, già Thái còn vận động hàng chục gia đình trong thôn Xí Thoại mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thâm canh tăng vụ, phát triển kinh tế gia đình. Ông là người biết bào chế thuốc từ cây, củ, lá rừng để chữa bệnh, cứu người và được mệnh danh là “thầy thuốc của buôn làng”. Ông cũng là người đầu tiên xây nhà vệ sinh, thực hiện ăn chín, uống chín, vận động dân làng phá bỏ tập quán chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn. Già Thái vận động con em trong làng không bỏ học, không tảo hôn. Bằng uy tín của mình, già Thái cùng chính quyền giải quyết nhiều vụ va chạm, xâm canh, xâm cư dẫn đến mâu thuẫn nhau giữa làng này với làng khác, chỉ rõ cái sai mà khắc phục, không để kéo dài gây phức tạp tình hình an ninh trật tự. Xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong ma chay, cúng bái. Từ một thôn có hơn 70% hộ đói nghèo, đến nay Xí Thoại đã vươn lên khá giả, số hộ giàu, hộ khá chiếm hơn 70% cả thôn.

Ông Võ Trọng Nam, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lãnh, cho biết: “Xí Thoại là một trong bốn thôn đồng bào DTTS còn giữ gìn và phát huy tốt truyền thống của cộng đồng người dân tộc. Trong đó, sản phẩm văn hóa Trống đôi, cồng ba, chiêng năm được Bộ VH-TT-DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng cao. Sự đổi mới của thôn Xí Thoại hôm nay có phần đóng góp quan trọng của già làng La Chí Thái”.

Giữ bình yên buôn làng

Phú Yên có 31 dân tộc anh em sinh sống, với hơn 58.000 người, chiếm 26,6% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là dân tộc Ê Ðê, Chăm, Ba Na, Tày, Nùng... Những năm gần đây, các huyện miền núi Phú Yên luôn được xác định là địa bàn quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh. Trung tá Trần Xuân Toàn, Phó Đội trưởng Đội An ninh dân tộc thiểu số, Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 318 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đa số họ là già làng, trưởng thôn, buôn tại các địa phương, là cầu nối, mối dây liên kết giữa ý Ðảng với lòng dân.

Hiện nay, lực lượng công an các cấp của tỉnh đã tiến hành tiếp xúc, tranh thủ cá biệt trên 318 lượt người có uy tín trong vùng DTTS. Những già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín luôn là cầu nối, giúp đỡ lực lượng công an rất nhiều trong công tác nắm tình hình, tuyên truyền, giáo dục, vận động bà con không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; xây dựng nếp sống văn hóa mới, đẩy lùi và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.

Ông Đặng Ngọc Anh, Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân chia sẻ: “Các già làng, người có uy tín là những người tiêu biểu trong đồng bào DTTS, gương mẫu đi đầu trong việc tham gia cùng với chính quyền địa phương giải quyết kịp thời nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Họ còn chung tay cùng địa phương giáo dục bà con không nghe và không làm theo lời kẻ xấu, những điều trái pháp luật”.

THU NHÀN/PYO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 61

Hôm nay: 12,062

Hôm qua: 19,435

Tháng hiện tại: 411,427

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,121,744

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây