Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Phú Yên

https://tuyengiao.phuyen.gov.vn


35 năm sự kiện Gạc Ma: Tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc!

"Sự hy sinh của các chiến sĩ Gạc Ma đã được dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc. Thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc cốt ghi tâm, không ai được phép lãng quên" -  ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng.
"Sự hy sinh của các chiến sĩ Gạc Ma đã được dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc. Thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc cốt ghi tâm, không ai được phép lãng quên" -  ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng.
12
Đồng đội của các liệt sĩ Gạc Ma thả mô hình tàu HQ-604, vòng hoa tưởng niệm xuống sông Hàn.Ảnh: NGÔ QUANG

Sáng 12-3, tại đình làng Nại Nam (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng (giai đoạn 1984 - 1988) đã tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm 35 năm cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma - Trường Sa, tri ân 64 liệt sĩ đã hy sinh vào ngày 14-3-1988.

35 năm nỗi nhớ khôn nguôi

Từ sáng sớm, thân nhân của các liệt sĩ cùng đồng đội là những cựu chiến binh Trường Sa có mặt để chuẩn bị cho buổi lễ.

Cách đây gần 35 năm trước, 64 người lính công binh Hải quân nhân dân Việt Nam đã Anh dũng hy sinh, bảo vệ đảo đá Gạc Ma, thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cùng nhau, các anh đã kết thành “vòng tròn bất tử” mãi mãi bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chỉ tính riêng tại Đà Nẵng có một phường mất một lúc bảy người con kiên trung, đó là phường Hòa Cường (nay tách thành Hòa Cường Nam, Hòa Cường Bắc thuộc quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Để ghi nhớ công ơn những người đã cầm súng và ngã xuống tại Gạc Ma, Đà Nẵng đã lấy đình Nại Nam làm nơi tưởng niệm, khắc bia vàng ghi tên các liệt sĩ quê Đà Nẵng, Quảng Nam.

35 năm sự kiện Gạc Ma: Tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc! ảnh 1
Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa tại TP Đà Nẵng (giai đoạn 1984 - 1988) tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh trong sự kiện Gạc Ma.Ảnh: NGÔ QUANG

Buổi lễ tưởng niệm sáng ngày 12-3 diễn ra trong không khí trang nghiêm. Ngay sau lễ chào cờ, mọi người đã dành 1 phút mặc niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma.

Trong số những thân nhân liệt sĩ có mẹ Lê Thị Lan tuổi đã ngoài 80, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc. Mẹ Lan dù không còn được khoẻ như trước nhưng vẫn đến dâng hương cho người con trai và 63 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh khi bảo vệ Gạc Ma. Cụ bà không giấu được cảm xúc vì quá thương nhớ đứa con trai đã ngã xuống.

35 năm sự kiện Gạc Ma: Tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc! ảnh 2
Cụ bà Lê Thị Lan ngồi xe lăn đến thắp hương 64 chiến sỹ hy sinh. Ảnh: NGÔ QUANG

“Trước đây tôi làm công nhân môi trường, hằng ngày đi làm là Lộc hay đi theo cô để phụ đẩy xe, xúc đất giùm cô nên cô thương nó lắm. Ngày con đi ra Trường Sa, cô sợ con mình lạnh với đói nên chỉ nhét vào ba lô nó được cái mền với ít đồ ăn. Rồi ngày biết con hy sinh, cô thương nhớ con lắm nhưng nếu được quay trở lại cô vẫn ủng hộ việc làm của con đi bảo vệ biển đảo, bảo vệ Tổ quốc”, bà Lan cho hay.

"Không ai được phép lãng quên"

35 năm trôi qua, nhưng bà Trần Thị Huệ, mẹ của liệt sỹ Lê Thế vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ con. Là người con trai cả của gia đình, ba mất sớm, từ nhỏ anh Thế đã phụ mẹ chăm lo cho các em.

Năm 1986, anh gia nhập lực lượng ra xây dựng, bảo vệ quần đảo Trường Sa và hy sinh khi anh chỉ mới vừa 21 tuổi.

“Hồi nớ cô sinh hắn là hắn có cái bớt ngay mắt, rồi đi khám hai đợt không trúng lính. Nhưng vì hắn ưng đi bộ đội quá nên tìm bác sĩ mổ cái bớt đó, khi khám đợt ba trúng ngũ, hắn trở thành người lính ra xây dựng bảo vệ Trường Sa năm ấy” bà Huệ chia sẻ.

Những người lính đời thường như anh Thế, anh Lộc đã anh dũng đi vào cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên các đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao 35 năm trước. Với tình yêu đất nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, họ đã kiên cường đứng vững đến hơi thở cuối cùng.

“35 năm qua, sóng biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những người lính quả cảm. Sự hy sinh của họ đã được dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc. Thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc cốt ghi tâm, không ai được phép lãng quên", Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Tấn nhấn mạnh.

Sau lễ tưởng niệm, chiếc thuyền giấy mang hình dáng con tàu HQ604 từng tham gia bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988 đã được đồng đội, người thân thả ra giữa dòng sông Hàn để thả trôi về cửa biển....

NGÔ QUANG/PLO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây