Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Phú Yên

https://tuyengiao.phuyen.gov.vn


Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong công tác tư tưởng của Đảng hiện nay

Về bản chất văn học, nghệ thuật không sinh ra để phục vụ chính trị nhưng trong suốt tiến trình lịch sử của nhân loại, nó luôn được các giai cấp sử dụng làm công cụ, phương tiện trong công tác tư tưởng.

Về bản chất văn học, nghệ thuật không sinh ra để phục vụ chính trị nhưng trong suốt tiến trình lịch sử của nhân loại, nó luôn được các giai cấp sử dụng làm công cụ, phương tiện trong công tác tư tưởng.

2
Tiết mục trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Niềm tin và khát vọng" chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tháng 11-2021. Ảnh: HOÀNG HIẾU
Văn học, nghệ thuật (VHNT) ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người, nhưng từ khi có giai cấp và đấu tranh giai cấp, để thu hút, tập hợp được đông đảo quần chúng, các giai cấp đã sử dụng VHNT làm công cụ truyền bá hệ tư tưởng của mình, xây dựng niềm tin và cổ vũ, khích lệ quần chúng hành động vì mục tiêu giành, giữ quyền lực nhà nước. Như vậy, về bản chất VHNT không sinh ra để phục vụ chính trị nhưng trong suốt tiến trình lịch sử của nhân loại, nó luôn được các giai cấp sử dụng làm công cụ, phương tiện trong công tác tư tưởng.

 Khoa học chính trị Việt Nam coi VHNT là một phương tiện hữu hiệu của công tác tư tưởng. Bởi lẽ, ngoài chức năng giáo dục, thẩm mỹ, giải trí... VHNT còn có chức năng tư tưởng. Chức năng này không đơn thuần ở chỗ các tác phẩm VHNT có thể chuyển tải hệ tư tưởng của Đảng đến quần chúng một cách nhẹ nhàng, lôi cuốn, hấp dẫn mà còn tham gia sáng tạo, hoàn thiện hệ tư tưởng và biến hệ tư tưởng của Đảng thành hành động cách mạng của đông đảo quần chúng nhân dân.

Mặc dù không phải mọi tác phẩm VHNT đều có khả năng góp phần sáng tạo, hoàn thiện hệ tư tưởng nhưng bằng tài năng và sự sáng tạo của mình, văn nghệ sĩ có thể làm nổi bật lên những vấn đề của thời đại, làm lóe sáng những khát vọng lớn lao, vạch con đường xóa bỏ áp bức, bất công thông qua các hình tượng nghệ thuật đặc sắc. VHNT không trực tiếp sáng tạo ra hệ tư tưởng nhưng nó gợi mở, thôi thúc người ta vươn tới lý tưởng cao đẹp, tiếp cận phương pháp hành động cách mạng. Trong lịch sử thế giới, những tác phẩm như “Don Quixote” của Cervantes, kịch “Hamlet” của Shakespeare, tiểu thuyết “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” của Victor Hugo… đã le lói những tư tưởng lớn của thời đại, ươm mầm cho hệ tư tưởng tư sản ra đời. Trước năm 1945, dòng văn học hiện thực phê phán đã dọn dường cho hệ tư tưởng vô sản thâm nhập và bén rễ trên mảnh đất Việt Nam.

Khi học thuyết cách mạng ra đời, VHNT tham gia truyền bá hệ tư tưởng bằng các hình thức vô cùng sinh động. Tính thuyết phục của VHNT không nằm ở những bài thuyết giảng với các luận chứng, luận cứ khoa học mà ở hình tượng, ngôn từ, giai điệu, hình khối, màu sắc… Chúng có sức hấp dẫn, lôi cuốn và dễ dàng làm thay đổi thái độ, hành vi của con người. Cùng với các phương tiện tuyên truyền khác tác động vào lý trí, VHNT chủ yếu tác động vào tình cảm và cùng tạo nên niềm tin cách mạng trong quần chúng. VHNT như là chất kích thích thôi thúc người ta ngưỡng mộ, học tập và làm theo những hình tượng cách mạng được xây dựng và diễn tả một cách sinh động trong các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

Trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân thế giới, những tác phẩm VHNT như  “Quốc tế ca”, “Thép đã tôi thế đấy”... đã có tác dụng truyền cảm hứng rất lớn, thôi thúc các tầng lớp bị áp bức vùng lên đấu tranh cho lý tưởng cao đẹp. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta, những cuốn tiểu thuyết gối đầu giường, những tác phẩm điện ảnh kinh điển, những bài ca đi cùng năm tháng đã góp phần khơi dậy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần lạc quan cách mạng, ý chí chiến đấu dũng cảm, kiên cường của dân tộc, góp phần làm nên những chiến công vĩ đại trong thế kỷ XX.

Nhận thức sâu sắc vai trò của VHNT, Đảng ta khẳng định: “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân cách, đạo đức, trí tuệ bản lĩnh cho các thế hệ con người”(1). Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện để văn nghệ sĩ sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng. Nhờ đó, hơn 35 năm đổi mới đã có nhiều tác phẩm VHNT phản ánh được những thành quả lớn lao của sự nghiệp đổi mới cùng những băn khoăn, trăn trở, lo âu trước những vấn đề mới của thời cuộc. Mới nhất, trong đại dịch COVID-19, VHNT đã thể hiện vai trò của mình qua những bài hát, vũ điệu, tranh cổ động, phim ảnh… có tác dụng cổ vũ lớn lao, giúp nhân dân cả nước lạc quan, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc phòng, chống dịch bệnh, khơi dậy tinh thần xả thân vì cộng đồng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn.

Trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, VHNT đã kịp thời tôn vinh, lan tỏa các giá trị nhân văn, nhân đạo, sống hài hòa với thiên nhiên, khoan dung, đoàn kết, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc… Nhiều tác phẩm tham gia vạch trần những tư tưởng, quan điểm sai trái, giả hiệu, những thói hư, thật xấu trong xã hội, đấu tranh gián tiếp với các luận điệu sai trái, thù địch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông hiện đại như internet, mạng xã hội, VHNT càng có sức lan tỏa rộng rãi, tác động mạnh mẽ đến việc củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào hành động cách mạng của quần chúng trong sự nghiệp đổi mới.  

Tuy nhiên, nhìn lại những năm đổi mới vừa qua, có thể thấy vai trò của VHNT trong công tác tư tưởng chưa được thể hiện rõ nét. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Vai trò của văn học, nghệ thuật trong công tác tư tưởng chưa được phát huy đầy đủ”(2). Thực tế có rất ít tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, chưa phản ánh được tầm vóc lịch sử của công cuộc đổi mới, chưa có sức lan tỏa và cổ vũ lớn lao, chưa xây dựng được những hình tượng tiêu biểu trong lao động, sản xuất, kinh doanh của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Hầu như chưa có các tác phẩm phản ánh sinh động, hấp dẫn những mâu thuẫn lớn của thời kỳ đổi mới như: giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, v.v… Trên mặt trận tư tưởng càng thiếu vắng các tác phẩm VHNT đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái, thù địch. Một số bộ, ngành, địa phương vội vã cổ phần hóa, tư nhân hóa các thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng đối với VHNT như: hãng phim, nhà hát, rạp chiếu bóng, thư viện, nhà sách… hoặc chỉ sử dụng chúng để thực hiện chức năng giải trí, chức năng kinh tế thông thường.

 Trong khi đó, hoạt động VHNT lại cho ra đời quá nhiều tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, buông bỏ chức năng tư tưởng, giáo dục. Có không ít tác phẩm truyền bá những tư tưởng đối lập với quan điểm, đường lối của Đảng, xét lại lịch sử, xóa nhòa ranh giới chính nghĩa và phi nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc; ám chỉ, phê phán, thổi phồng, khoét sâu vào những sai lầm, khuyết điểm của sự nghiệp đổi mới; giải thiêng, hạ bệ thần tượng... rất nguy hại cho công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Xuất hiện trào lưu sáng tác, quảng bá dòng văn học ngôn tình, đam mỹ, ru ngủ, ảo tưởng, cổ vũ lối sống hưởng thụ, đề cao vật chất có tác động xấu đến giới trẻ, kích động sự bất mãn của đội ngũ trí thức, doanh nhân với chế độ.

Sự nghiệp đổi mới đất nước bước vào thời kỳ mới đặt ra cho công tác tư tưởng những nhiệm vụ to lớn và hết sức nặng nề. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa làm gia tăng khả năng lan tỏa của các tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng cao, nhưng cũng dễ lan truyền những tư tưởng sai trái, tiêu cực. Để phát huy truyền thống cách mạng của VHNT trong kháng chiến và thực hiện đường lối Đại hội XIII của Đảng về “phát huy hơn nữa vai trò của văn học, nghệ thuật trên mặt trận tư tưởng”(3), chấn hưng văn hóa theo tinh thần Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 vừa qua, chúng ta cần tiến hành một số biện pháp sau đây:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp về vai trò của VHNT trong công tác tư tưởng.

Trách nhiệm phát huy vai trò của VHNT trong công tác tư tưởng trước hết thuộc về cấp ủy và người đứng đầu tổ chức Đảng các cấp. Chỉ khi nào cấp ủy và bí thư cấp ủy nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò của VHNT trong bổ sung, hoàn thiện, truyền bá và vật chất hóa hệ tư tưởng thì mới tạo ra những điều kiện thuận lợi để VHNT trở thành một phương tiện có hiệu quả và cống hiến cho công tác tư tưởng của Đảng.

 Hiện nay có một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức một cách cứng nhắc rằng văn hóa, văn nghệ là một bộ phận của công tác tư tưởng và VHNT chỉ là phương tiện của công tác tuyên truyền, từ đó dẫn đến “chính trị hóa” VHNT, biến VHNT thành một công cụ tuyên truyền mà coi nhẹ chức năng đáp ứng nhu cầu hiểu biết, thẩm mỹ và giải trí của quần chúng. Đây cũng là một hạn chế khiến các lực lượng thù địch và số văn nghệ sĩ “cấp tiến” lợi dụng để chống phá đường lối VHNT đúng đắn của Đảng. Trái lại, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý lại đề cao chức năng thẩm mỹ, giải trí, kinh tế, không nhận thức đầy đủ về chức năng tư tưởng của VHNT, dẫn đến không quan tâm sử dụng và phát huy vai trò của VHNT trong công tác tư tưởng. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế này hạn chế về năng lực và phương pháp lãnh đạo, quản lý hoạt động sáng tác, thẩm định, phê bình, quảng bá VHNT. Còn nhiều bất cập, kém hiệu quả trong lĩnh vực phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng tài năng VHNT phục vụ công tác tư tưởng.

Muốn phát huy vai trò của VHNT trong công tác tư tưởng thì trước hết Đảng phải quy tụ được đội ngũ văn nghệ sĩ toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng. Do đó, cấp ủy các cấp phải là những người đức cao, vọng trọng, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng, chính họ phải là nguồn cảm hứng và là nơi gửi gắm niềm tin của văn nghệ sĩ. Bên cạnh đó, cấp ủy và người đứng đầu tổ chức đảng phải luôn quan tâm, ứng xử văn minh, tôn trọng cá tính sáng tạo, biết lắng nghe, chia sẻ và làm việc với từng cá nhân văn nghệ sĩ.

Để làm được điều đó, cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về mối quan hệ biện chứng giữa sự lãnh đạo của Đảng và VHNT. Trang bị cho họ một cách có hệ thống, đầy đủ, sâu sắc về những đặc điểm, vai trò của VHNT trong công tác tư tưởng cũng như các kỹ năng cần thiết để sử dụng VHNT trong tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng một cách tự nhiên, tinh tế nhất.

Trên cơ sở nhận thức đúng sẽ hình thành trách nhiệm, tức là sự quan tâm, chủ động, tự giác, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trách nhiệm của các chủ thể công tác tư tưởng vừa hình thành một cách tự giác trên cơ sở nhận thức, vừa mang tính bắt buộc gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân. Để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng các cấp, Ban Tuyên giáo Trung ương cần sớm xây dựng tài liệu về phát huy vai trò của VHNT trong công tác tư tưởng. Nội dung tài liệu cần làm rõ khái niệm, nguồn gốc, chức năng, đặc điểm, vai trò của VHNT trong công tác tư tưởng; quan điểm, đường lối của Đảng về VHNT; kỹ năng sử dụng VHNT trong công tác tư tưởng; giáo dục chính trị, tư tưởng cho văn nghệ sĩ; xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động VHNT... Tài liệu này cần được gửi đến cấp ủy các cấp, trên cơ sở đó, cấp ủy tổ chức học tập và vận dụng trong quá trình tiến hành công tác tư tưởng trong phạm vi mình phụ trách.

Hai là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư tưởng, tuyên giáo các tri thức và kỹ năng sử dụng VHNT trong công tác tư tưởng.

VHNT sinh ra là để phục vụ nhu cầu tinh thần của con người, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chỉ là chức năng mang tính tiềm tàng. Việc có sử dụng tốt VHNT trong công tác tư tưởng hay không không chỉ phụ thuộc vào nhận thức và ý chí của cấp ủy mà còn phụ thuộc vào năng lực của cơ quan tuyên giáo và cán bộ tuyên giáo vốn là người tham mưu cho cấp ủy về công tác tư tưởng, văn hóa, văn nghệ và khoa giáo. Mặc dù có nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy về công tác văn hóa, văn nghệ nhưng hiện nay có tình trạng một bộ phận cán bộ tuyên giáo chưa nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ của mình. Một số người cho rằng công tác tuyên giáo chỉ là tham mưu cho cấp ủy sử dụng VHNT trong tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng. Đó là một nhận thức hết sức phiến diện. Nhiệm vụ chính của cơ quan tuyên giáo là tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo toàn diện lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, bao gồm cả việc sáng tạo, truyền bá, lưu giữ các giá trị văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, bảo đảm cho lĩnh vực này phát triển theo đúng mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Lãnh đạo phát triển văn hóa, văn nghệ bao gồm cả việc đề ra chủ trương, biện pháp; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết chứ không đơn thuần chỉ sử dụng văn hóa, văn nghệ trong tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng. Để khắc phục hiện tượng này cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư tưởng, tuyên giáo một cách bài bản, khoa học, trong đó bao gồm việc trang bị các kiến thức cơ bản về VHNT như: bản chất, chức năng, vai trò, đặc điểm của VHNT; vai trò của VHNT trong đời sống xã hội nói chung và trong công tác tư tưởng nói riêng; đường lối, quan điểm, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước về VHNT; kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý VHNT. Trong đó, đặc biệt chú ý về kỹ năng tham mưu cho cấp ủy về VHNT; cách làm việc, giao tiếp với văn nghệ sĩ; giáo dục chính trị tư tưởng cho văn nghệ sĩ. Phương thức đào tạo cần gắn với thực tế đời sống VHNT của đất nước, tạo điều kiện để người học được giao lưu, tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ, đưa những tình huống ngoài đời sống vào chương trình học tập...

Ba là, phát huy vai trò của hội VHNT các cấp trong định hướng tư tưởng và bồi dưỡng phẩm chất chính trị cho văn nghệ sĩ.

Ở Việt Nam, Liên hiệp các hội VHNT toàn quốc và các hội VHNT địa phương không đơn thuần chỉ làm nhiệm vụ bồi dưỡng, động viên, giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ cho những người hoạt động trong lĩnh vực VHNT mà còn làm nhiệm vụ đóng góp ý kiến và kiến nghị với các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các chủ trương, cơ chế, chính sách, luật pháp đối với lĩnh vực VHNT cũng như đối với văn nghệ sĩ nhằm phát triển sự nghiệp VHNT, nói cách khác là tập hợp văn nghệ sĩ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, tổ chức Hội có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất chính trị cho văn nghệ sĩ, xây dựng lòng tin, ý thức trách nhiệm phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Để các tác phẩm VHNT truyền tải được hệ tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, phản ánh toàn diện sự nghiệp đổi mới cần phải có những văn nghệ sĩ không chỉ có tâm, có tài mà còn phải có sự hiểu biết sâu sắc và niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Chỉ có như vậy, VHNT mới chuyển tải tư tưởng chính trị một cách tinh tế, linh hoạt, uyển chuyển, không cứng nhắc, áp đặt. Công chúng ngày nay có trình độ dân trí cao, có thể tiếp cận với nguồn thông tin nhiều chiều nên không thể tuyên truyền theo kiểu áp đặt, hô hào khẩu hiệu như trong chiến tranh. Thực tiễn cho thấy, những tác phẩm VHNT mang tính tuyên truyền, giáo dục tư tưởng dù được Nhà nước đầu tư lớn, được trao các giải thưởng danh giá nhưng thiếu sự tinh tế đã không trở thành “best seller”, không chiếm lĩnh được phòng vé như những tác phẩm giải trí đơn thuần.

Hiện nay, trước những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường và sự lôi kéo, mua chuộc của các thế lực thù địch, cần coi trọng bồi đắp nhân cách, lý tưởng, trách nhiệm đối với Tổ quốc để hình thành một đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, cùng với các lực lượng trong xã hội tham gia vào công tác tư tưởng. Phải làm cho trí thức, văn nghệ sĩ nhận thức sâu sắc được cống hiến, phục vụ cho nhân dân, phục vụ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm thiêng liêng. Từ đó, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho họ tiếp tục đồng hành với Đảng và dân tộc, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân, đem tài năng của mình sáng tạo nhiều hơn những công trình, tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn, tư tưởng và nghệ thuật, phục vụ cao nhất cho công cuộc đổi mới, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổ chức Hội VHNT có vai trò định hướng tư tưởng chính trị cho văn nghệ sĩ nhưng đòi hỏi sự tinh tế, không máy móc, giáo điều, áp đặt. Trên cơ sở nắm chắc đường lối, quan điểm của Đảng, cần thường xuyên định hướng và tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ đi thực tế, cọ sát với thực tiễn phong phú của sự nghiệp đổi mới. Bản thân Ban Chấp hành Hội phải thuyết phục chính mình trước khi thuyết phục văn nghệ sĩ. Lựa chọn người đứng đầu tổ chức Hội là rất quan trọng, không chỉ phải giỏi về chuyên môn mà phải là tấm gương sáng về ý thức chính trị, về lòng tin và tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Công tác giáo dục tư tưởng phải làm cho lý tưởng cách mạng và đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng, những thành tựu của sự nghiệp đổi mới trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác của văn nghệ sĩ. Phải làm cho từng văn nghệ sĩ hiểu được nếu VHNT hòa vào dòng chảy chung của cách mạng, của dân tộc sẽ nâng tầm giá trị các tác phẩm của mình, đó cũng là những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng.

Coi trọng việc phát hiện bồi dưỡng những văn nghệ sĩ trẻ, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng để đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, về kỹ năng tiến hành công tác tư tưởng. Tổ chức cho họ đi thực tế, tự mình chiêm nghiệm, cọ sát thực tiễn, đồng thời phải dẫn dắt, giải đáp cho họ những vấn đề thuộc về chính trị một cách thuyết phục. Quan tâm giáo dục lịch sử, truyền thống VHNT cách mạng, học tập những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao trong lịch sử cách mạng thế giới và các cuộc kháng chiến của dân tộc. Tạo môi trường dân chủ, tự do trong sáng tạo, khuyến khích họ tìm kiếm các thủ pháp nghệ thuật mới mẻ, phù hợp với giới trẻ và thời đại công nghệ thông tin, đồng thời chăm lo cho họ sống được bằng nghề, sống sung túc bằng tài năng và sự cống hiến cho cách mạng.

Màn trình diễn “Tinh hoa nghệ thuật Xòe” tại Lễ đón nhận Bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại _Ảnh: VGP
Màn trình diễn “Tinh hoa nghệ thuật Xòe” tại Lễ đón nhận Bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại _Ảnh: VGP

Bốn là, phát huy vai trò của Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, các nhà lý luận, phê bình, nhà báo, nhà truyền thông trong định hướng tư tưởng và dẫn dắt dư luận xã hội.

Lý luận, phê bình là một thành tố hữu cơ trong đời sống VHNT; có chức năng thẩm định, đánh giá tác phẩm, tác giả, phát hiện các giá trị, các quy luật, dự báo, phát hiện cái mới; tham gia điều chỉnh, định hướng cho sự vận động, phát triển của VHNT. Lý luận, phê bình và sáng tạo VHNT bao giờ cũng đồng hành, tác động tương hỗ lẫn nhau để làm nên tiến trình VHNT của một dân tộc. Thời gian gần đây, hoạt động phê bình mới tập trung vào thủ pháp nghệ thuật, về chuyên môn, chưa quan tâm đúng mức đến phê bình về tư tưởng chính trị.  

Để VHNT góp phần hoàn thiện và truyền bá hệ tư tưởng của Đảng thì nhà phê bình phải nhận thức sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa chính trị và VHNT, phải có lập trường vững vàng và sự nhạy bén về chính trị. Mặc dù đi sau sáng tác nhưng phê bình lại mang tính định hướng dư luận xã hội và dẫn dắt văn nghệ sĩ sáng tác theo mục tiêu và nhiệm vụ của công tác tư tưởng. Phê bình về khía cạnh tư tưởng chính trị có tác dụng cảnh báo giúp văn nghệ sĩ tránh được những sai lầm, thiếu sót, khiếm khuyết về tư tưởng trong sáng tác, biểu diễn. Những bài viết có chất lượng về lý luận, phê bình ở khía cạnh tư tưởng chính trị không chỉ giúp công chúng hiểu sâu hơn về tác giả, tác phẩm trong bối cảnh xã hội, tâm lý và tình cảm... mà còn giúp họ thẩm thấu một cách tự nhiên mục tiêu, lý tưởng cách mạng, đường lối, quan điểm của Đảng. Hoạt động phê bình không quy chụp, áp đặt, suy diễn, bóp chết sự sáng tạo của văn nghệ sĩ nhưng cũng không vì thế mà coi nhẹ vấn đề tư tưởng chính trị của các tác phẩm VHNT trong bối cảnh hiện nay. Thời gian vừa qua, có một số hiện tượng lệch lạc trong sáng tác và biểu diễn VHNT nhưng hoạt động phê bình chưa kịp thời làm rõ những sai phạm về mặt tư tưởng chính trị của các hiện tượng đó.

Hội đồng Lý luận và phê bình VHNT Trung ương cần tổ chức tốt các hội thảo, hội nghị tập huấn, thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát việc triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Sớm phát hiện những vấn đề nảy sinh về tư tưởng chính trị trong thực tiễn hoạt động VHNT của cả nước. Thường xuyên bám sát tình hình, tích cực tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực VHNT. Hàng năm, tổ chức xét và trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao...

Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cần phải xây dựng được những nhà phê bình có uy tín nghề nghiệp, có ý thức chính trị tốt, có khả năng dẫn dắt công chúng trên mạng xã hội. Bên cạnh các nhà lý luận và phê bình về nghệ thuật rất cần những nhà phê bình về chính trị tư tưởng, sẵn sàng nêu chính kiến, chỉ rõ đúng sai với những sản phẩm VHNT có nhiều ý kiến trái chiều. Lực lượng phê bình trẻ hiện nay có trình độ văn hóa và trình độ phê bình cao; có đam mê và giàu sáng tạo nhưng hạn chế về lý luận chính trị. Một mặt cần phải khuyến khích tạo điều kiện cho từng cá nhân tự học, tự đào tạo thông qua thực tiễn trang viết. Bên cạnh đó là sự động viên, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, hội nghề nghiệp về mọi mặt để từng nhà phê bình tiếp cận với lý luận văn học cách mạng và hệ thống lý luận chính trị của Đảng.

Các Hội chuyên ngành VHNT Trung ương thông qua Ban Lý luận, phê bình có những biện pháp cụ thể, hiệu quả để tạo điều kiện cho các cây bút lý luận, phê bình vượt qua những rào cản, nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo, phản ánh hiện thực sáng tác của Hội mình và tránh tình trạng không đồng đều như hiện nay. Mặt khác, các nhà lý luận, phê bình VHNT, ngoài trau dồi bản lĩnh chính trị, cần phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, không ngừng tích lũy kiến thức và gắn bó sâu sát với đời sống thực tiễn.

Các bộ, ngành chức năng tập trung đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình VHNT. Trước mắt, cần rà soát, quy hoạch lại hệ thống các cơ sở đào tạo ngành lý luận, phê bình VHNT; khôi phục và đổi mới cơ chế đào tạo ngành lý luận phê bình; đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy theo hướng toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại. Rà soát quy hoạch lại nguồn lực, tạo điều kiện nhiều hơn cho đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình VHNT về chính sách đãi ngộ, ưu tiên bố trí, sắp xếp việc làm đối với số học viên tốt nghiệp loại khá, giỏi sau khi ra trường.

Các nhà báo, nhà truyền thông cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu, bảo vệ các tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng. Với uy tín của các tờ báo, phương tiện truyền thông chính thống, tin cậy, có trách nhiệm giải trình cần đăng tải kịp thời các ý kiến mang tính định hướng tư tưởng cho hoạt động VHNT cũng như những nhận xét, đánh giá, hướng dẫn cho công chúng tiếp cận và thưởng thức các tác phẩm có tính giáo dục tư tưởng tốt. Vì vậy, rất cần các nhà báo, phóng viên, nhà truyền thông nhạy bén, vững vàng về chính trị, các tổng biên tập có tâm, có tầm, có tài, dũng cảm đương đầu với dư luận để bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai trong sáng tác, phát hành và biểu diễn các tác phẩm VHNT. Các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông cũng cần hết sức chú ý trong đào tạo, bồi dưỡng ý thức chính trị, kỹ năng tiến hành công tác tư tưởng cho sinh viên và cán bộ chuyên ngành.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, khuyến khách và tạo điều kiện để VHNT phát huy vai trò của mình trong công tác tư tưởng và VHNT đã có nhiều đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Sự nghiệp đổi mới với những thành tựu và những khó khăn thách thức mới đang rất cần sự dấn thân, đóng góp của văn nghệ sĩ nhiều hơn nữa với những phương pháp, hình thức mới. Phát huy vai trò của VHNT trong công tác tư tưởng trong bối cảnh hiện nay là một công việc tuy phức tạp và lâu dài nhưng không thể chậm trễ. Khi có nhận thức đúng, quyết tâm cao và hành động phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, hội nghề nghiệp và văn nghệ sĩ thì nhất định VHNT sẽ tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa trong công tác tư tưởng của Đảng./.

TS. LƯƠNG NGỌC VĨNH/TG

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

______________________

(1) Nghị quyết số 23, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. 

(2) (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II, tr.172, 234.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây