Đang truy cập: 49
Hôm nay: 19,435
Hôm qua: 16,892
Tháng hiện tại: 406,930
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,117,247
- Đang truy cập49
- Hôm nay19,435
- Tháng hiện tại406,930
- Tổng lượt truy cập10,117,247
Ở nước ta, tuyên truyền chính trị tập trung chủ yếu vào các nội dung tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại, sự kiện chính trị trong nước và quốc tế; chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
MŨI NHỌN XUNG KÍCH TRONG CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Công tác tuyên truyền là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Đảng, là một lĩnh vực hoạt động trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị trong xã hội. Trong đó, tuyên truyền chính trị có vai trò cực kỳ quan trọng đối với một chính Đảng cầm quyền, nhằm giải thích, thuyết phục, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ công cuộc cách mạng và hành động theo đường lối, tư tưởng chính trị của Đảng. Đánh giá về vai trò của công tác tuyên truyền chính trị, V.I. Lênin nhấn mạnh: “Nhiệm vụ thứ nhất của bất cứ một chính đảng nào có trọng trách đối với tương lai là thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình”(1). Ở nước ta, tuyên truyền chính trị tập trung chủ yếu vào các nội dung tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại, sự kiện chính trị trong nước và quốc tế; chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong thời gian qua diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước; đồng thời là thời điểm nước ta vừa nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa tiếp tục xử lý những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, năm 2022 nước ta đã đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh; tổ chức thành công, tham dự và đạt thành tích cao tại nhiều sự kiện văn hóa thể thao lớn của khu vực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ… Đạt được những kết quả đó là nhờ chúng ta đã khơi dậy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp; sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong đó, có những đóng góp tích cực của công tác tuyên truyền chính trị.
Một là, công tác tuyên truyền triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được thực hiện thường xuyên, gắn với giáo dục chính trị, tư tưởng, góp phần nâng cao nhận thức, cổ vũ hành động thực hiện theo định hướng, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Việc tham mưu chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền về nội dung các kỳ họp Trung ương, kỳ họp Quốc hội được chú trọng, bảo đảm tính thời sự, lan tỏa tinh thần, kết quả các kỳ họp, sự kiện chính trị vào đời sống xã hội. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được chỉ đạo quán triệt đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc và tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng. Đồng thời, chuyển tải tinh thần, nội dung các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước qua tuyên truyền triển khai các phong trào thi đua yêu nước; xây dựng, phát hiện, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong lao động sản xuất, như trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... tại các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Hai là, công tác tuyên truyền về các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ngày càng hiệu quả, tạo những ảnh hưởng tích cực trong xã hội. Với việc ban hành các hướng dẫn và tài liệu tuyên truyền, chỉ đạo nhiều hoạt động kỷ niệm các sự kiện, đã góp phần xây dựng bầu không khí phấn khởi, làm nên những dấu ấn, tác động sâu sắc tới tư tưởng, dư luận xã hội, như: kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt, 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc, sự kiện SEA Games 31... Chú trọng công tác “đặt hàng”, chỉ đạo việc xây dựng các phim tài liệu, các chương trình cầu truyền hình trực tiếp, chương trình chính luận nghệ thuật đặc sắc kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử và chính trị quan trọng (như các chương trình “Khúc tráng ca hòa bình” kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, “12 ngày đêm - Lằn ranh lịch sử” kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”). Đặc biệt, việc định hướng tư tưởng chính trị, thẩm định nội dung kịch bản và yêu cầu về chất lượng các phim tài liệu, chương trình nghệ thuật này luôn được đặt lên hàng đầu. Qua đó, đã góp phần tạo nên hiệu ứng tuyên truyền sâu đậm, tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm của các tầng lớp Nhân dân; khắc sâu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc với các bậc tiền nhân, danh nhân đã có công dựng nước và giữ nước; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường dân tộc…
Ba là, tuyên truyền xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức được tăng cường. Nhất là việc tuyên truyền triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chú trọng định hướng tuyên truyền thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương, như Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Qua đó, đã nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và tầng lớp nhân dân về tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tạo những bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhờ đó, tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình, mục tiêu quốc gia (như cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh) đạt nhiều kết quả, có tác dụng nêu gương, cổ vũ các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia.
Có thể nói, công tác tuyên truyền chính trị đã thể hiện đúng vai trò là mũi nhọn xung kích, là “vũ khí” sắc bén trong công tác tư tưởng của Đảng. Qua đó, nâng cao nhận thức chính trị của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
CẦN TIẾP TỤC ĐỔI MỚI THEO HƯỚNG CHỦ ĐỘNG, HIỆN ĐẠI HÓA, NÂNG CAO TÍNH THUYẾT PHỤC
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác tuyên truyền vẫn còn những hạn chế. Nội dung tuyên truyền chính trị có nơi có lúc thiếu sức hấp dẫn, chưa đáp ứng nhu cầu thông tin phong phú của các tầng lớp nhân dân. Phương thức tuyên truyền ở nhiều nơi còn lạc hậu, thiếu tính thuyết phục, hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. Một số cấp ủy, người đứng đầu chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền chính trị. Năng lực nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình tư tưởng chưa cao; khả năng phát hiện, tham mưu, xử lý, giải quyết các vấn đề trong thực tiễn chưa kịp thời.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng có tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống thực tiễn. Xã hội ngày càng phát triển hiện đại đòi hỏi một môi trường thông tin ngày càng rộng mở, đa dạng, bảo đảm quyền và nhu cầu được thông tin ngày càng cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời cũng đặt ra những thách thức đối với công tác tuyên truyền chính trị, cần tiếp tục đổi mới theo hướng chủ động, hiện đại hóa, nâng cao tính thuyết phục. Hơn nữa, thông tin kịp thời, đúng đắn, có định hướng có ý nghĩa quan trọng hướng dẫn dư luận, giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao dân trí, chủ động ngăn chặn và đấu tranh với những thông tin sai lệch, các luận điệu xuyên tạc chống phá... Thực tiễn đó đòi hỏi công tác tuyên truyền chính trị cần tiếp tục được quan tâm, chú trọng những nội dung, giải pháp cơ bản sau.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về công tác tuyên truyền chính trị. Các cấp ủy, người đứng đầu chính quyền, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội cần coi tuyên truyền chính trị là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong lãnh đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của mình. Theo đó, thường xuyên chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền kỷ niệm các sự kiện lịch sử, sự kiện chính trị quan trọng, gắn với quá trình, kết quả, thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Tăng cường chỉ đạo công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kiến thức những vấn đề lý luận cơ bản về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Việc tuyên truyền chính trị cần được tiến hành thường xuyên, chỉ đạo kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là vào dịp kỷ niệm các sự kiện lịch sử, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, địa phương.
Thứ hai, chú trọng tuyên truyền xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, gắn với trách nhiệm nêu gương. Tuyên truyền tốt phải gắn với thực hiện tốt, nói đi đôi với làm, có như vậy thì quần chúng mới noi theo, nếu không thì sẽ phản tác dụng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”(2), bởi “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Cho nên, chúng ta cần chú trọng tuyên truyền lan tỏa những tấm gương tiêu biểu trong hệ thống chính trị, những tập thể, cá nhân tận tụy với công việc, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Tiếp tục tuyên truyền thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; gắn việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tinh thần, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ; gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; giúp cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nâng cao “sức đề kháng”, ý thức cảnh giác, thấy rõ đúng sai và trách nhiệm trước việc tiếp nhận thông tin.
Thứ ba, chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền về các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Căn cứ các quy định của Đảng, Nhà nước và văn bản hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chú trọng công tác chỉ đạo, lập kế hoạch chuẩn bị các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương. Trong đó, cần xác định rõ chủ đề, quy mô các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm trọng tâm, các hoạt động ở các cơ quan, đơn vị, bảo đảm tính kế thừa, đổi mới, thiết thực, hiệu quả, hướng đến nhiều đối tượng; phù hợp với tính chất, ý nghĩa sự kiện và điều kiện thực tế, nhất là đối với các sự kiện nổi bật cần quan tâm trong thời gian tới như: kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng 3/2/2025; 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công 19/8/2025 và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9/2025; 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/2024; 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/2025; 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/2025; 100 năm và trên 100 năm ngày sinh của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu…
|
Thứ tư, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, định hướng tuyên truyền thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhất là coi trọng việc nắm bắt tâm trạng xã hội, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của các tầng lớp nhân dân, những vấn đề mới xuất hiện trong đời sống chính trị, kinh tế đất nước, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của người dân. Để trên cơ sở đó, có những chỉ đạo, tổ chức biện pháp tuyên truyền phù hợp; kịp thời định hướng tuyên truyền trước những vấn đề bức xúc nảy sinh trong thực tiễn. Cơ quan quản lý, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường đối thoại, thường xuyên thông tin, tuyên truyền về quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, xây dựng và triển khai chính sách, pháp luật. Các cơ quan báo chí cần tạo ra nhiều diễn đàn dẫn dắt môi trường thông tin lành mạnh, hình thành và phát triển văn hóa đối thoại, củng cố niềm tin và tạo động lực hành động tích cực. Công tác tuyên truyền chính trị phải làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia quản lý xã hội, hiểu rõ và tích cực chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Thứ năm, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền chính trị theo hướng hiện đại hóa, hướng mạnh về cơ sở, phù hợp với đối tượng và thực tiễn. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội theo hướng thiết thực”(3). Theo đó, cần phát huy các phương tiện truyền thông xã hội trong việc cung cấp thông tin chính thống, bảo đảm nhanh nhạy, kịp thời; chú trọng tuyên truyền giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc; tôn vinh các anh hùng trong lịch sử dân tộc và những tấm gương người tốt, việc tốt; định hướng hệ giá trị chuẩn mực văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, tuyên truyền hướng mạnh về cơ sở, vừa kịp thời phản ánh mọi mặt của đời sống thực tiễn, vừa chuyển tải nội dung thông điệp chính trị đến với các đối tượng, bảo đảm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Công tác tuyên truyền chính trị có vai trò dẫn dắt đi đầu trong công tác tư tưởng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát. Qua đó, tạo nên không khí phấn khởi, cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân nỗ lực vượt lên khó khăn, thách thức, chung sức đồng lòng, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra. Đồng thời, không ngừng phát huy sức mạnh tổng hợp đại đoàn kết toàn dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường dân tộc, hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. |
Chú trọng kết hợp đa dạng hình thức, kỹ năng và áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính trị. Tiếp tục sử dụng các phương thức truyền thống kết hợp với hiện đại, như tuyên truyền trực quan qua các khẩu hiệu ngắn gọn để chuyển tải những nội dung cốt lõi qua các bảng tin điện tử. Về đối tượng, đối với giới trẻ, cần chú ý tâm lý lứa tuổi để có nội dung và hình thức tuyên truyền tạo sức hút, có tác động lan tỏa sâu rộng. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nội dung thông tin cần ngắn gọn, dễ hiểu, nêu bật thông điệp truyền thông phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán vùng miền của đồng bào./.
Nguyễn Thị Ánh/TG
Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền,
Ban Tuyên giáo Trung ương
----------------------
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2006, t. 36, tr. 208.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, T. 5, tr. 126.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr. 191.
Liên kết website
Đang truy cập: 49
Hôm nay: 19,435
Hôm qua: 16,892
Tháng hiện tại: 406,930
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,117,247