Những cách làm hiệu quả, thiết thực

Thứ ba - 20/12/2022 22:13 408 0
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
11
Cán bộ UBND huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) tham gia “Ngày cuối tuần cùng dân” cùng đoàn viên thanh niên cơ sở.

Thời gian qua, mô hình “gần dân”, “lắng nghe dân” được triển khai tại nhiều địa phương đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, ở đâu đó bệnh quan liêu, cửa quyền, xa rời dân vẫn còn, gây hệ lụy khó lường, đòi hòi phải được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Tháng 12/2021, Ban Thường vụ huyện ủy Thoại Sơn (An Giang) nhất trí thông qua Kế hoạch 63-KH/HU về việc tổ chức diễn đàn “Lắng nghe dân nói”, triển khai đồng bộ tại 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Kế hoạch nêu rõ: Công tác tiếp xúc phải được thông tin rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân đến tham dự đầy đủ và duy trì thường xuyên ở các xã, thị trấn trên địa bàn.

Nội dung thông tin tuyên truyền cần chuẩn bị chu đáo ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm những vấn đề nhân dân quan tâm; cán bộ tham dự diễn đàn phải nắm chắc tình hình và có trách nhiệm nghiên cứu, trao đổi, tham mưu xử lý từng vấn đề để buổi tiếp xúc đạt hiệu quả cao.

Với tinh thần “tích cực, cầu thị, chân thành, lắng nghe, hiệu quả, không hình thức”, diễn đàn “Lắng nghe dân nói” là một cầu nối hữu hiệu giữa chính quyền với người dân, ghi nhận những ý kiến, trăn trở của người dân, giúp giải quyết kịp thời mọi vấn đề phát sinh từ cơ sở. Tại diễn đàn, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành sẽ được kịp thời phổ biến đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Diễn đàn “Lắng nghe dân nói” ở Thoại Sơn là một minh chứng sinh động về thực hành dân chủ tại cơ sở, là hoạt động ý nghĩa và thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang diễn ra sôi nổi trên cả nước.

Diễn đàn “Lắng nghe dân nói” ở Thoại Sơn là một minh chứng sinh động về thực hành dân chủ tại cơ sở, là hoạt động ý nghĩa và thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang diễn ra sôi nổi trên cả nước.

Đến nay, tại nhiều tỉnh, thành phố đã xuất hiện các mô hình tương tự, tiêu biểu có thể kể đến “Ngày cuối tuần cùng dân” ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được triển khai từ tháng 6/2019. Đây vốn là huyện miền núi còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông cũng như phát triển kinh tế xã hội. Nơi đây, đồng bào dân tộc H’Mông chiếm trên 91%, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao. Do đó việc gần dân, nói cho dân nghe và nghe dân nói đặt ra không ít thách thức với chính quyền cơ sở.

Tuy nhiên xác định rõ phương châm “làm hết việc, chứ không làm hết giờ”, mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” đã huy động được sự vào cuộc tích cực của các cấp lãnh đạo từ người đứng đầu cấp ủy cho đến lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cùng xuống xã, bản, hộ dân ở địa bàn tham gia làm đường, dựng nhà, dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác, xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phòng, chống tảo hôn, chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân”, “Gần dân, sát dân”,... đang tiếp tục được cấp ủy nhiều địa phương thực hiện rất hiệu quả như tại các tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng,... với những cách làm sáng tạo. Bên cạnh đó, khối cơ quan hành chính các cấp cũng quyết liệt triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì dân” nhằm phục vụ tốt khi nhân dân đến giải quyết công việc hành chính.

Với mục tiêu “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mô hình này đã góp phần cải thiện chỉ số hài lòng của nhân dân qua từng năm. Năm 2019, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của 63 tỉnh, thành phố đạt mức trung bình là 84,45% thì năm 2020 là 85,17%; và năm 2021 là 87,16%.

Các tỉnh, thành phố có SIPAS 2021 ở nhóm đầu (từ 90% trở lên) gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tĩnh, Sơn La, Bắc Ninh và Bắc Giang. Tương tự, khối doanh nghiệp có các mô hình “Vì người lao động”, “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe ý kiến công nhân” nhằm kịp thời giải quyết các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động; khối lực lượng vũ trang có các mô hình “Công an lắng nghe nhân dân”, “Cống hiến tài năng, xứng đáng Bộ đội Cụ Hồ”...

Mới đây, một thống kê được công bố thu hút sự quan tâm của nhiều người là trên nền tảng Zalo, đã có hơn 10.000 cơ quan nhà nước, dịch vụ công dùng Zalo kết nối với người dân. Cũng thông qua nền tảng Zalo, hơn 1,3 tỷ tin nhắn giữa người dân và chính quyền đã được thực hiện. Nhiều vấn đề vướng mắc được người dân gửi tới cơ quan chức năng thông qua tin nhắn được giải quyết ngay chỉ trong thời gian ngắn. Cùng với đó, chính quyền một số tỉnh, thành phố đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ảnh của người dân, từ đó có biện pháp tháo gỡ những bức xúc, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Những mô hình kể trên tuy ở các lĩnh vực khác nhau với cách làm và biện pháp khác nhau nhưng đều có đích đến duy nhất là nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, tất cả đều vì lợi ích của nhân dân. Cũng từ đây các cách làm hay, những tấm gương sáng về sự tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân được lan tỏa và nhân rộng trong mọi cấp, ngành, mọi lĩnh vực, địa phương, củng cố sự hiểu biết, gắn kết giữa người dân với các cấp chính quyền, cơ quan, ban, ngành...

Người dân thật sự được phát huy vai trò làm chủ, theo đúng tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây cũng chính là mục tiêu và là động lực giúp khơi dậy sức mạnh và nguồn lực nhân dân trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong cuộc sống.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, việc học tập và làm theo phong cách làm việc gần dân, sát dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với một số địa phương và cán bộ, đảng viên vẫn còn mang tính hình thức, hô hào khẩu hiệu, nói một đằng, làm một nẻo, thiếu sự quan tâm sâu sát thật sự từ vai trò, nhiệm vụ, chức năng được giao phó.

Bệnh quan liêu, xa dân vẫn tồn tại ở nhiều cấp, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong nhiều lĩnh vực của đời sống, ở những mức độ khác nhau. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức ở các cơ quan công quyền làm việc dựa trên giấy tờ, báo cáo mà thiếu kiểm tra thực tế, chưa tôn trọng, lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân, thậm chí có biểu hiện xa rời dân, “hành dân”, “nhũng nhiễu dân”, vô cảm trước những tâm tư, nguyện vọng chính đáng và khó khăn mà người dân đang gặp phải.

Một số người đứng đầu các cơ quan chức năng ở nhiều cấp, ngành không quan tâm, phát hiện và giải quyết kịp thời những đòi hỏi, nguyện vọng chính đáng của dân nhất là trong lĩnh vực nhạy cảm như đất đai liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư… gây bức xúc kéo dài trong dân, và là nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ của việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Từ đây đã làm nảy sinh những “điểm nóng” phức tạp, bị các đối tượng cực đoan, thù địch lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, lôi kéo người dân kiếu kiện, biểu tình, gây bất ổn xã hội.

Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức trì trệ, vô trách nhiệm với công việc, với nhân dân, làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, thực hiện nhiệm vụ qua loa, đối phó. Vẫn còn một số cán bộ lãnh đạo cấp cao có trách nhiệm trong việc tham mưu, xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách nhưng chưa xuất phát từ lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân nên còn viển vông, xa rời thực tế, làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân.

Đặc biệt trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, một số cán bộ đứng đầu chính quyền các cấp đã có biểu hiện quan liêu, lơ là, thiếu sâu sát trong thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương, để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn về sức khỏe, tính mạng cũng như cuộc sống của người dân tại nơi mình phụ trách, gây bức xúc dư luận, làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc thực hiện nhiệm vụ tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của quần chúng nhân dân tại nhiều tỉnh, thành phố và một số bộ, ban, ngành còn không ít bất cập.

Báo cáo giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/9/2022 cho thấy, việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định.

Báo cáo giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/9/2022 cho thấy, việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định.

Cụ thể tỷ lệ bình quân bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp công dân chỉ đạt 37,61%, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh đạt 56%, Chủ tịch UBND cấp huyện đạt 90% và Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân đạt 49% so với quy định. Một số tỉnh có tỷ lệ Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân định kỳ ít, chủ yếu là ủy quyền cho cấp phó thực hiện, như: Hà Nội, Nam Định, Sóc Trăng, Thanh Hóa... Trước đó, tháng 10/2021, Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu trong kỳ giám sát 18 tháng cho biết nhiều Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ tiếp dân 1-2 ngày, thậm chí có người không tiếp dân ngày nào!

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, một trong số đó là: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thật sự sâu sát thực tế, cơ sở”.

Từ đây, Nghị quyết cảnh báo những hạn chế, khuyết điểm đó làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đây là sự cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ dưới tư cách “công bộc của dân”. Hơn lúc nào hết, việc “lắng nghe dân nói, nói cho dân nghe” cần phải được nhận thức đúng đắn và triển khai có hiệu quả ở các cơ quan, đơn vị, trên mọi lĩnh vực.

(Còn nữa)

THÀNH NAM và TRANG THU/NHÂN DÂN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây