Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Ph. Ăng-ghen (28/11/1820 - 28/11/2020): Những cống hiến to lớn của Ph. Ăng-ghen cho phong trào công nhân quốc tế

Thứ năm - 26/11/2020 19:28 3209 0
Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen (Friedrich Engels) là nhà lý luận chính trị, là một triết gia, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, người cùng với Các Mác (Karl Marx) đã sáng lập học thuyết Mác - học thuyết khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.
tu duy bien chung cua ph angghen ve con duong di len cnxh va su van dung cua dang cong san viet nam thoi ky doi
Ph.Ăngghen - Nhà lý luận lỗi lạc và chiến sĩ cách mạng vĩ đại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế
Những cống hiến to lớn của Ph. Ăng-ghen

Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen sinh ngày 28/11/1820 trong một gia đình chủ xưởng dệt ở thành phố Ba-rơ-men, tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ (ngày nay là nước Đức). Ông sinh sống, thâm nhập thực tiễn vào phong trào cách mạng ở nhiều nước khác nhau để tìm hiểu cuộc sống người dân. Cuối năm 1842, ông sang Anh nghiên cứu đời sống kinh tế - chính trị nước Anh, đồng thời trực tiếp tham gia phong trào công nhân mới, chứng kiến sự khổ cực của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động ngay trong xã hội tư bản, nguồn động lực mạnh mẽ để ông viết nên tác phẩm “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh”, miêu tả một cách chân thực, sâu sắc nhất cuộc sống khốn cùng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đồng thời, ông trực tiếp viết nhiều bài chính luận về kinh tế - xã hội nước Đức, kêu gọi nông dân Đức đấu tranh chống chế độ nông nô và phong kiến, vạch trần sự phản bội của giai cấp tư sản Đức và ông còn nghiên cứu các môn khoa học tự nhiên, nghệ thuật quân sự, chính sách quốc tế.

Được sự ủy thác của Liên đoàn những người cộng sản, năm 1848, Ph. Ăng-ghen cùng với C. Mác đã soạn thảo bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Đây là một văn kiện có tính chất cương lĩnh cách mạng, phê phán mạnh mẽ tất cả những trật tự kinh tế, chính trị và những thể chế của xã hội tư sản, trở thành vũ khí lý luận, tư tưởng sắc bén của giai cấp vô sản thế giới trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ sự thống trị xã hội của giai cấp tư sản, xây dựng một chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong quá trình phát triển của các tư tưởng xã hội chủ nghĩa từ không tưởng trở thành khoa học, V.I. Lênin nói “Cuốn sách nhỏ đó đáng giá bằng cả một tủ sách: Toàn bộ giai cấp vô sản có tổ chức và chiến đấu của thế giới văn minh sống và vận động theo tinh thần của nó”.

Ph. Ăng-ghen đã cùng với Các Mác dày công nghiên cứu, kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại, mà trước hết và trực tiếp là triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp; đồng thời hòa mình vào trong thực tiễn phong phú, sinh động của phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, xây dựng nên chủ nghĩa Mác, một học thuyết, một hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, bao gồm triết học Mác-xít, kinh tế chính trị học Mác-xít và chủ nghĩa xã hội khoa học; sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, phát hiện ra những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; xây dựng nên lý luận giá trị thặng dư với các quy luật chi phối sự vận động, phát triển và diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản. Đây là những cơ sở lý luận khoa học, là vũ khí tư tưởng cho cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân.

Để bảo vệ quan điểm học thuyết Mác, Ph. Ăng-ghen đã có nhiều bài viết sắc bén trên nhiều vấn đề quan trọng của triết học, khoa học tự nhiên và xã hội nhằm phản bác các quan điểm tư sản, cơ hội chủ nghĩa, trong đó nổi bật là cuộc luận chiến “Chống Đuy-rinh”, ông đã phê phán triết học tự nhiên của Đuy-rinh và trình bày những quan điểm chính thống của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của học thuyết Mác. Năm 1883, C. Mác qua đời khi công trình khoa học đồ sộ nhất của ông là bộ “Tư bản” mới xuất bản được quyển I, còn lại là hàng ngàn trang bản thảo còn bỏ ngõ với chi chít những dòng chữ rất khó đọc và rất nhiều chú thích, ký hiệu cần trích dẫn nhưng chưa ghi rõ nguồn gốc, Ph. Ăng-ghen đã gác những công trình nghiên cứu của mình, dồn hết tâm huyết, trí tuệ để chỉnh lý, biên tập và cho xuất bản trọn vẹn quyển II và quyển III của bộ “Tư bản”. Lúc này, ông còn đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, dành nhiều thời gian, công sức truyền bá tư tưởng, lý luận cách mạng và khoa học của C. Mác, xây dựng các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân; đấu tranh chống các trào lưu tư tưởng cải lương, xét lại, cơ hội chủ nghĩa, bảo vệ sự trong sáng của học thuyết Mác. Ông còn xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị: “Biện chứng của tự  nhiên”, “Nguồn gốc của gia đình, sở hữu tư nhân và Nhà nước”…

Nói về ông, Lênin đã khẳng định Ph. Ăng-ghen là một “bó đuốc sáng ngời” trong những trí tuệ anh minh, là một “trái tim vĩ đại” trong những trái tim nhân loại. Tuy xuất thân từ một gia đình thuộc giai cấp tư sản, nhưng Ph. Ăng-ghen đã dành tất cả con tim, khối óc, tình cảm và trí tuệ cho giai cấp vô sản, hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhằm mục tiêu, lý tưởng cao đẹp là giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi ách áp bức, bóc lột.

Vận dụng sáng tạo học thuyết của Mác và Ăng-ghen trong thời đại mới

Cũng như C.Mác, Ph.Ăng-ghen không bao giờ coi lý luận của mình là học thuyết hoàn hảo, đã xong xuôi và buộc mọi người phải dập khuôn, sao chép, mà luôn đòi hỏi phải phát triển lý luận thông qua nghiên cứu thực tiễn, tổng kết thực tiễn. Ông kiên quyết bác bỏ những mưu toan giáo điều về học thuyết Mác, biến học thuyết đó thành một mớ những công thức bất biến; đồng thời đấu tranh với bất cứ người nào coi thường sự tiến bộ của khoa học, coi thường những điều kiện và những nhu cầu xã hội mới nảy sinh. Khi tình hình thay đổi và cuộc sống thực tiễn đặt ra những vấn đề mới, Ph.Ăng-ghen dũng cảm xem xét lại ngay cả những quan điểm của mình. Ngay cả một số nhận định trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” sau này đã được Ph.Ăng-ghen cùng với Mác thừa nhận: nếu được viết lại thì cũng cần bổ sung và yêu cầu những người cộng sản “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy không nên quá câu lệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”.

Với tinh thần đó, Đảng ta luôn bám sát thực tiễn, không ngừng nhiên cứu, bổ sung, vận dụng sáng tạo học thuyết, tư tưởng của C. Mác và Ăng-ghen để đề ra đường lối lãnh đạo đất nước phù hợp với điều kiện của từng giai đoạn cách mạng và đem lại những thắng lợi lịch sử trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… cũng là những minh chứng sinh động nhất trong việc vận dụng sáng tạo học thuyết, tư tưởng của  C. Mác và Ph. Ăng-ghen về xây dựng Đảng trong thời đại mới.

Ngày nay, mặc dù tình hình có nhiều thay đổi so với thời điểm đó, nhưng học thuyết, tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về chủ nghĩa xã hội khoa học, vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về công tác xây dựng Đảng vẫn còn nguyên giá trị. Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là nền tảng tư tưởng và hành động cho các Đảng Cộng sản trên thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hồng Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 89

Hôm nay: 11,559

Hôm qua: 19,435

Tháng hiện tại: 410,924

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,121,241

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây