Đang truy cập: 126
Hôm nay: 11,278
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 374,316
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,084,633
- Đang truy cập126
- Hôm nay11,278
- Tháng hiện tại374,316
- Tổng lượt truy cập10,084,633
Xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa trong tình hình hiện nay rất cần thiết, nhằm góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển trong thời kỳ mới.
Bệ đỡ để báo chí phát triển đúng định hướng, chuyên nghiệp
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Đảng ta đã nhấn mạnh đến công tác phát triển nền văn nghệ, báo chí, xuất bản, truyền thanh, điện ảnh, thư viện, bảo tồn bảo tàng, nâng cao tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính quần chúng của các công việc đó…
Đảng ta khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh…”.
Tại Hội Báo toàn quốc năm 2024, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng khẳng định: “Xây dựng môi trường báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa trở thành yêu cầu không thể thiếu và hết sức cấp thiết đối với hết thảy các cơ quan báo chí Việt Nam. Đời sống báo chí càng biến động, môi trường văn hóa báo chí càng phải được thiết lập, càng phải là bệ đỡ vững vàng để báo chí Việt Nam phát triển lành mạnh, đúng định hướng, chuyên nghiệp, hiện đại nhưng phải thực sự nhân văn”.
|
Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Chỉ thị 43-CT/ TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; Luật Báo chí; Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam... đều coi trọng việc nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp người làm báo, coi đây là một trong những vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí.
Những năm gần đây, cùng sự đổi mới đất nước, báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.
Môi trường KT-XH tạo động lực cho báo chí phát triển rộng mở, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sự xuất hiện của mạng xã hội, phương tiện truyền thông mới khiến thị phần nhiều cơ quan báo suy giảm. Một bộ phận thỏa hiệp tính trung thực để đạt mục đích kinh tế.
Vì vậy, nâng cao nhận thức, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan và người làm báo văn hóa là yêu cầu cấp thiết.
Hai năm trước, đúng vào Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân đã phối hợp tổ chức phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, công bố bản tiêu chí cơ bản xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam.
Qua 2 năm thực hiện, phong trào đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí.
Tại Phú Yên, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 15-Ctr/TU, ngày 19/11/2021 về xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện giai đoạn 2021-2025; Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Phú Yên phát triển toàn diện”.
Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT&TT, Báo Phú Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Trường đại học Phú Yên xây dựng và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” nhằm góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí; qua đó động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành những điểm sáng về văn hóa, đồng thời góp phần tăng cường, nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xã hội.
Các cơ quan báo chí trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện phong trào; chú trọng đưa nội dung tiêu chí vào nội quy hoạt động và quy trình tác nghiệp của cơ quan, đề cao yếu tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm báo chí, đưa tiêu chí vào sinh hoạt cơ quan, tiêu chuẩn bình xét thi đua khen thưởng; qua đó, chất lượng người làm báo và chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí từng bước được khẳng định, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp trên báo chí được lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội.
Phát huy văn hóa của người làm báo
Báo chí là một sản phẩm văn hóa. Những người làm báo chính là những người có trách nhiệm truyền tải những thông điệp tích cực, văn hóa, tạo niềm tin cho công chúng, cũng như tạo đồng thuận của xã hội, góp phần xây dựng xã hội phát triển. Trách nhiệm của nhà báo phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết; bằng trình độ và sự hiểu biết của mình, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, lan tỏa các giá trị văn hóa để cùng nhau hướng đến một cộng đồng phát triển tốt đẹp, văn minh. |
Tại Hội Báo toàn quốc năm 2024, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa; cần hạn chế việc hô hào hình thức mà phải đưa nội dung này đi vào chiều sâu, trở thành thói quen văn hóa hằng ngày của từng nhà báo, hội viên trong quá trình sáng tạo các sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội.
Để xây dựng môi trường văn hóa trong các tòa soạn và người làm báo văn hóa, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”, qua đó nhân lên những giá trị nhân văn, lòng tự hào, tự tôn về nghề báo, khích lệ mỗi cá nhân người làm báo, đơn vị báo chí phát triển, đoàn kết và thể hiện sức mạnh của báo chí, góp phần quan trọng chống lại những ảnh hưởng mặt trái về tiêu cực trên không gian mạng và báo chí trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay.
Các cơ quan báo chí phải xây dựng được môi trường cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa thời kỳ mới gắn với phát triển, hội nhập, trọng tâm là xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng; có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống không trong sáng trong một bộ phận cán bộ, phóng viên, công chức, người làm báo.
Mỗi cơ quan báo chí cần tạo điều kiện để những người làm báo sống với nghề, làm việc tận tâm có trách nhiệm, để xây dựng được uy tín, thương hiệu qua các tác phẩm báo chí mà công chúng đón nhận.
Các nhà báo cần đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và gương mẫu thực hiện nghiêm Kết luận 23- KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Mỗi nhà báo cần thường xuyên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ làm báo hiện đại, đồng thời ý thức trách nhiệm về văn hóa, thực hiện 10 điều quy định đạo đức của người làm báo Việt Nam, giữ “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” trong suốt sự nghiệp cầm bút.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và các cơ quan báo chí cũng cần có những chế tài nghiêm minh xử lý những người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp để tăng tính răn đe, cảnh báo.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”. Xây dựng văn hóa báo chí trong các cơ quan báo chí và đối với người làm báo hiện đại là yêu cầu cấp thiết trong thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay. Có như vậy mới hướng đến một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, như yêu cầu mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.
BÙI THANH TOÀN/PYO
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Liên kết website
Đang truy cập: 126
Hôm nay: 11,278
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 374,316
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,084,633