Trách nhiệm của tác giả trong việc bảo vệ tác quyền

Thứ năm - 04/07/2019 20:39 933 0
Tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật thời gian qua diễn ra với chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường. Dù đã có một vài vụ việc được cơ quan chức năng đưa ra xét xử, song vẫn còn không ít trường hợp chỉ ồn ào một thời gian rồi lại “chìm xuồng” vì nhiều nguyên nhân khác nhau, khiến cho tình trạng xâm phạm bản quyền ngày càng trở nên nhức nhối. Vậy các chủ thể sáng tạo có vai trò như thế nào trong việc ngăn chặn bất cập nêu trên?
3
(Hình minh họa)

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ vi phạm tác quyền đã bị phát hiện, gây bức xúc dư luận.

Mới đây, ngày 17/5, họa sĩ Hà Hùng Dũng đã buộc phải thông tin với báo chí về việc ông phát hiện hàng chục tác phẩm về vẻ đẹp người phụ nữ Tây Bắc của mình bị đơn vị tranh tường Trần Tuân (Hà Nội) xâm phạm bản quyền một cách nghiêm trọng. Cụ thể, đơn vị này đã chép tranh của ông lên tường để trang trí cho không gian quán bar tại một khách sạn 5 sao ở Sa Pa (Lào Cai). Không chỉ bị sử dụng để vẽ lên tường, 15 bức tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng còn bị chép và treo công khai trong khách sạn này.

Cũng trong tháng 5, một sự việc gây xôn xao giới hội họa đó là việc họa sĩ Bùi Trọng Dư cùng 7 họa sĩ (gồm Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Thu Huyền, Nguyễn Đăng Sơn, Lê Phan Quốc, Nguyễn Quý Tâm, Phan Linh Bảo Hạnh) cùng lên tiếng tố cáo nhiều công ty sản xuất áo dài ngang nhiên sao chép tranh của họ lên hàng nghìn sản phẩm áo dài để bán mà không hề xin phép tác giả.

Liên quan vấn đề tác quyền trong lĩnh vực sân khấu, hồi tháng 3 năm nay, phiên tòa xét xử vụ tranh chấp bản quyền vở diễn thực cảnh “Ngày xưa” (còn có tên gọi khác là “Thuở ấy xứ Đoài”) giữa Công ty Tuần Châu Hà Nội và đạo diễn Việt Tú cũng thu hút sự quan tâm của dư luận.

Kết quả, đạo diễn Việt Tú đã thắng trong phiên xét xử. Anh được tòa công nhận là tác giả vở diễn “Ngày xưa”, đồng thời Công ty Tuần Châu Hà Nội bị tòa yêu cầu chấm dứt hành vi xâm hại quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn này.

Còn trong lĩnh vực xuất bản, sự kiện xâm phạm quyền tác giả đáng quan tâm gần đây là vụ việc liên quan quyền sở hữu trí tuệ đối với bốn hình tượng nhân vật “Trạng Tí”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo” trong bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”. Ngày 18/2/2019, Tòa án nhân dân quận 1, TP. Hồ Chí Minh đã ra phán quyết công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của bốn hình tượng nhân vật nêu trên, và kết thúc vụ kiện kéo dài nhiều năm giữa họa sĩ này và Công ty Phan Thị.

Tuy nhiên, đáng báo động nhất về nạn xâm phạm tác quyền có lẽ là trong lĩnh vực âm nhạc. Nhiều năm qua, tình trạng sao chép, đạo nhạc, thậm chí ăn cắp bản quyền tác giả diễn ra khá ngang nhiên và tràn lan, nhất là trong bối cảnh trào lưu nghe nhạc trực tuyến đang trở thành xu hướng được ưa chuộng của nhiều người.

Không chỉ lên tiếng với một số vụ việc lẻ tẻ, ngày 19/12/2018, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức cuộc họp báo để thông tin về việc trung tâm sẽ khởi kiện Sky Music - một đơn vị cung cấp nền tảng nghe nhạc trực tuyến, vì cho rằng đơn vị này đã vi phạm bản quyền của 700 tác giả trong nước và quốc tế, với hơn 2.000 tác phẩm đang được ủy thác quyền bảo hộ tại VCPMC.

Đến thời điểm hiện tại, VCPMC đang hoàn tất hồ sơ đệ trình lên tòa án, nhằm yêu cầu phía Sky Music chấm dứt hoàn toàn việc vi phạm quyền tác giả cũng như bồi thường tác quyền cho các tác giả có tác phẩm mà Sky Music đã phát trên nền tảng của mình.

Thực trạng nêu trên đã phần nào cho thấy tình trạng vi phạm tác quyền đang diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đáng lo ngại là các hành vi vi phạm này diễn ra trong bối cảnh Luật Sở hữu trí tuệ đã được ban hành với những điều khoản cụ thể nhằm bảo vệ các chủ sở hữu sáng tạo. Việt Nam cũng đã tham gia nhiều công ước quốc tế có liên quan như: năm 2004 tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật; năm 2006 tham gia Công ước Brussel liên quan việc phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh; năm 2006 tham gia Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng...

Dù rằng với sự vào cuộc tích cực từ phía cơ quan chức năng và truyền thông, công tác bảo vệ quyền tác giả đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, một bộ phận người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm văn học, nghệ thuật đã dần hình thành thói quen tôn trọng tác quyền, nhưng tâm lý “xài chùa” vẫn còn khá nặng trong tư duy của không ít người tiêu dùng trong nước. Đôi khi vì lợi nhuận, họ sẵn sàng vi phạm quyền tác giả nhằm trục lợi. Chưa kể, thời gian gần đây khi việc chuyển tải các tác phẩm văn học, nghệ thuật trên nền tảng số trở thành một thị trường mới mẻ và béo bở thu hút rất nhiều doanh nghiệp công nghệ tham gia, tình trạng doanh nghiệp bất chấp pháp luật vì lợi nhuận, sẵn sàng đưa cả các tác phẩm văn học, nghệ thuật mà họ không có bản quyền lên mạng để kinh doanh thu tiền của người xem hay thu lợi từ quảng cáo đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Sách điện tử, dịch vụ nghe nhạc trực tuyến trở thành “điểm nóng” trong toàn cảnh vi phạm tác quyền hiện nay. Trong nhiều trường hợp, khi bị phát hiện, phần lớn các đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh dịch vụ trái phép chỉ xin lỗi, xóa bỏ các sản phẩm đã đưa lên hoặc cùng lắm là chấp nhận đền bù một cách hình thức. Nhưng để có được kết quả như vậy, người bị xâm phạm tác quyền cũng phải qua nhiều khâu kiện tụng rất phức tạp, tốn thời gian, công sức.

Tất cả các diễn biến này đang làm nhiễu loạn đời sống văn học, nghệ thuật, tạo nên sự mất công bằng giữa bên sáng tạo và bên phát hành sản phẩm văn học, nghệ thuật, đồng thời tạo ra xu hướng tiêu dùng văn học, nghệ thuật thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm pháp luật. Về lâu dài, tình trạng này còn gây ra những hậu quả xã hội nguy hại như triệt tiêu sức sáng tạo nghệ thuật, ảnh hưởng đến văn hóa đọc, thưởng thức nghệ thuật của người dân, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp...

Thực tế cho thấy, với các vụ vi phạm bản quyền bị phát hiện, nếu tác giả có chứng cứ rõ ràng về quyền sở hữu tác phẩm cùng với sự đấu tranh kiên trì, bản lĩnh, quyết tâm theo đuổi vụ việc đến cùng thì kết quả thường rất khả quan. Nhiều vụ việc được giải quyết thời gian qua đã chứng minh: bên vi phạm sẽ phải chấm dứt các hành vi trái pháp luật và phải bồi thường cho tác giả.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn của cuộc chiến chống vi phạm bản quyền lại đang nằm ở chính các chủ thể sáng tạo. Vẫn có không ít văn nghệ sĩ vì ngại va chạm, phiền phức, hoặc còn thờ ơ, xem nhẹ vấn đề bản quyền. Chưa kể, dù sự ra đời của tác phẩm là kết quả của một quá trình lao động nghệ thuật hết sức vất vả, khó khăn, hao tổn tài năng, tâm sức, đôi khi cả tiền bạc, nhưng lại rất ít người quan tâm tới việc đăng ký bản quyền tác phẩm, lấy đó làm cơ sở pháp lý cho mọi tranh chấp bản quyền nếu có thể xảy ra.

Thông tin từ Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, hằng năm, số lượng tác phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền rất khiêm tốn, mới chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng chục nghìn tác phẩm thuộc các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Cụ thể, trung bình mỗi quý chỉ có chừng hơn một nghìn giấy chứng nhận quyền tác giả được cấp trên toàn quốc cho tất cả các loại hình nghệ thuật. Phần lớn các chủ thể sáng tạo vẫn thiếu ý thức trong bảo vệ quyền tác giả thông qua việc đăng ký quyền tác giả cho sản phẩm mình sáng tạo ra.

Với việc thiếu quan tâm tới bảo vệ bản quyền, không đăng ký quyền tác giả, nhiều tác giả đã tự làm khó mình. Trong một số vụ việc vi phạm tác quyền, nhiều tác giả đã phải tốn nhiều thời gian, công sức để đi tìm chứng cứ, thí dụ như bản viết tay và xác định thời điểm bản viết tay ra đời, hay thời điểm sáng tạo, trình diễn, công bố tác phẩm. Điều này ít nhiều dẫn đến tâm lý chán nản, mệt mỏi, muốn bỏ cuộc, hoặc muốn buông xuôi. Tâm lý này ở các tác giả chính là “hạt mầm” nuôi dưỡng cho những vi phạm tác quyền đang diễn ra ngày càng nhiều, với mức độ ngày càng ngang nhiên, trắng trợn, bất chấp các quy định của pháp luật, đồng thời làm cho nhiều vụ việc trở nên phức tạp, khó giải quyết hơn. Đây cũng là lý do cho thấy vì sao nhiều vụ xâm phạm quyền tác giả được xới ra, dư luận quan tâm nhưng sau đó lại rơi vào im lặng. Trong khi, chỉ cần mỗi chủ thể sáng tạo có ý thức đăng ký tác quyền và có giấy chứng nhận quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả cấp thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều.

Trong cuộc chiến bảo vệ tác quyền, bên cạnh việc đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội cũng như nâng cao vai trò của các cơ quan bảo vệ văn hóa, bảo vệ pháp luật, hiệp hội nghề nghiệp,... thì còn cần nhiều hơn nỗ lực của chính các tác giả. Điều này góp phần tạo ra một môi trường văn học, nghệ thuật lành mạnh.

Hơn ai hết, với tư cách là chủ thể sáng tạo của tác phẩm, các văn nghệ sĩ cần phải là người tiên phong, chủ động bảo vệ tác phẩm của bản thân và đồng nghiệp, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi xâm hại quyền tác giả. Sự thay đổi mạnh mẽ từ phía các văn nghệ sĩ trong nhận thức và biện pháp hành động nhằm bảo vệ tác quyền sẽ góp phần tích cực thay đổi nhận thức trong cả cộng đồng, trên cơ sở đó từng bước hạn chế, tiến tới ngăn chặn tình trạng xâm hại quyền tác giả đang diễn ra phức tạp hiện nay/.

nhandan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 81

Hôm nay: 12,007

Hôm qua: 16,487

Tháng hiện tại: 375,045

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,085,362

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây