Bản lĩnh văn hóa Việt Nam trong toàn cầu hóa

Thứ hai - 15/11/2021 19:50 913 0

Bản lĩnh văn hóa Việt Nam không chỉ là những vấn đề về văn hóa, mà cao hơn, quan trọng hơn phải được thể hiện trong tầm nhìn xa trông rộng của Đảng, phải được thẩm thấu vào mọi khía cạnh, lĩnh vực của quốc gia - dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa.

1
Ảnh minh họa

1. DẪN NHẬP

Văn hóa Việt Nam hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước, mà nền tảng của nó là hệ giá trị tinh thần bền vững, chìm sâu vào các lớp văn hóa. Bản lĩnh của một dân tộc là phẩm chất tự quyết định một cách độc lập thái độ, hành động của mình, không vì áp bức hay áp lực bên ngoài mà thay đổi quan điểm, hành động. Bản lĩnh Việt Nam được thể hiện ở nhiều lĩnh vực, nhưng vùng hội tụ đậm đặc nhất là ở đời sống tinh thần, ở bình diện văn hiến.

Khi khái niệm toàn cầu hóa đã ngày càng trở nên thông dụng, thì nó cũng gặp phải sự mơ hồ, hiện tượng nghịch lý, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm của văn hóa. Các chuyên gia ở những lĩnh vực kinh tế, công nghiệp, thông tin - truyền thông, công nghệ... là những người đầu tiên đề cập đến toàn cầu hóa và đưa ra một lý thuyết về tính toàn cầu. Trên thực tế, xu thế này đã đưa lại không ít thành tựu, đó là sự hợp tác kinh tế quốc tế và khu vực, sự bùng nổ thông tin, vấn đề dân chủ hóa các sản phẩm thông tin đại chúng.v.v.. Nhưng, nguy cơ san bằng, đồng nhất hóa các chuẩn mực, các hệ giá trị của mỗi quốc gia - dân tộc mà loài người đã và đang e ngại một “mẫu hình văn hóa đồng phục” là có thật. Những khuynh hướng ngạo mạn, coi thường nhân tố dân tộc, đề cao thế giới một cực, tâng bốc sức mạnh quân sự, quyền lực kinh tế... để đi đến khẳng định một “nền văn văn hóa có thiên hướng toàn thế giới”, một lối sống toàn cầu theo mô hình “thế giới Mỹ” là không thể chấp nhận được.

Bản lĩnh của một dân tộc là phẩm chất tự quyết định một cách độc lập thái độ, hành động của mình, không vì áp bức hay áp lực bên ngoài mà thay đổi quan điểm, hành động.

Nhân loại đang cảnh giác! Từ “Tuyên bố về những chính sách văn hóa” tại Hội nghị quốc tế do UNESCO chủ trì tại Mexico (1982) đến Hội nghị liên chính phủ về chính sách văn hóa vì sự phát triển (Stockholm - Thụy Điển, 1998); từ Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa các nước không liên kết (Colombo - Sri Lanka, 1997) đến những hội thảo, hội nghị quốc tế về toàn cầu hóa và việc xây dựng bản sắc cộng đồng... các nhà hoạt động văn hóa đều thừa nhận tính khác biệt và tính đa dạng của văn hóa các dân tộc. Hội nghị liên chính phủ về chính sách văn hóa vì sự phát triển ở Thụy Điển năm 1998 ghi nhận 12 điểm cam kết, trong đó ở điểm thứ 11 nói rõ: “Việc bảo vệ các nền văn hóa bản địa và khu vực bị đe dọa bởi quá trình toàn cầu hóa, không được biến các nền văn hóa thành các di tích và làm cho văn hóa bị tước đi sức sáng tạo của sự phát triển năng động của chính mình”. Trong 5 mục tiêu, chính sách, khuyến nghị với các chính phủ, ở Mục tiêu I, điểm 7 nhấn mạnh: Hợp tác quốc tế và khu vực trong các hoạt động văn hóa nhằm vượt qua các thách thức của quá trình đô thị hóa, toàn cầu hóa và các thay đổi của khoa học công nghệ đang diễn ra. Xem vậy mới biết việc khơi dậy những giá trị truyền thống, phát huy chúng nhằm đối lập với những phản giá trị, phân biệt những giá trị thật và giá trị mạo nhận là vô cùng cấp bách, để sau cùng xây dựng một hệ giá trị chuẩn mực trước thực trạng rối loạn giá trịchuyển đổi giá trị do sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa gây nên. Người ta nói toàn cầu hóa là con dao hai lưỡi, quả không sai.

2. BẢN SẮC DÂN TỘC VÀ HỘI NHẬP THẾ GIỚI

Bản sắc dân tộc và hội nhập thế giới là một nội dung rất rộng mang tính lịch sử; ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau có những bổ sung khác nhau để phù hợp với xu thế phát triển và phép biện chứng giữa hai phạm trù nói trên. Ở đây xin nói thêm hai điều:

Một là, giữ gìn và phát huy các giá trị dân tộc đã và đang đi vào đời sống một cách sôi động từ chính sách vĩ mô cho đến công việc vi mô, nhất là trong giai đoạn 15 năm đầu của sự nghiệp đổi mới. Chính sách văn hóa bao giờ cũng là một thực thể động. Làm thế nào để xác định hướng cần và đủ cho hoạt động văn hóa hôm nay? Khi đề cập đến cấu trúc ba giai đoạn của văn hóa dân tộc: giai đoạn cấu trúc ổn định; giai đoạn giải cấu trúc và giai đoạn tái cấu trúc, cần tính đến điểm xuất phát, tính bền vững của các giá trị; đồng thời phải có tầm nhìn văn hóa khoáng đạt và tính cởi mở để hội nhập và giao lưu. Hiện nay trong quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nền văn hóa chúng ta đang ở giai đoạn hai: sự khơi dậy và những giá trị truyền thống song hành với sự tiếp biến các dòng chảy văn hóa ngoại lại; mục tiêu định hướng chân, thiện, mỹ trong sáng tạo văn hóa vấp phải sự tác động tiêu cực của cơ chế thị trường vào lối sống, lối suy nghĩ, cách làm ăn...

Vì vậy, cần ý thức sớm sự chuyển hóa giữa các mặt đối lập trong hoạt động văn hóa, giữa bảo tồn văn hóa dân tộc và giao lưu, giữa bản sắc dân tộc và yếu tố lạ, giữa cái được và cái mất, giữa tính định hướng và tình trạng hỗn độn của thị trường, nhất là thị trường văn hóa.v.v..; cần khắc phục: phương châm nặng về nhận, nhẹ về cho, chỉ chú ý tới một số nước thuận giao lưu, nuôi hy vọng chỉ muốn được mà không muốn mất, chỉ thấy cái hay của người mà không thấy cái dởcái không phù hợp với ta. Từ nhiều năm nay, công việc khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống đã có nhiều thành tựu lớn và đang đi vào đời sống một cách sôi động. Nhưng, sự yếu kém về tri thức quản lý, thiếu cơ chế đấu tranh chống phục cổ nệ cổ đã gây nên làn sóng tự phát ồ ạt của một bộ phận dân chúng đối xử thô bạo với di sản văn hóa dân tộc. C.Mác nói: “Văn hóa, nếu như nó phát triển một cách tự phát thì sẽ để lại sau lưng một hoang mạc”. Kết quả là nhiều lễ hội bị thương mại hóa; không ít chùa chiền trở thành nơi trú ẩn của những thân phận si mê, cuống tín; nhiều đồ cổ quý giá bị đánh cắp và trở thành hàng hóa của những kẻ bất lương.v.v..

Hai là, trong quá trình giao lưu, việc tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới cần lưu ý: ưu tiên những tinh hoa phù hợp với tâm lý, thị hiếu tích cực, tiến bộ của đại đa số dân chúng, tập quán tốt đẹp của dân tộc ta. Không vậy thì có khi lợi bất cập hại. Đọc một vài tiểu thuyết thuộc khuynh hướng hiện thực huyền ảo ở châu Mỹ, loại sách kinh dị của Stephen King, của Edgar Poe (Mỹ), không phải ai cũng có thể tiếp nhập một cách có lợi hoặc phân biệt được cái hay và điều cần tránh như các nhà nghiên cứu. Làm công tác văn hóa mà không nghĩ tới điểm xuất phát, mặt bằng dân trí của quần chúng nhân dân là dễ phiêu lưu, xa thực tế. Có lần, trong một cuộc hội thảo bàn về chống văn hóa độc hại, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa đã nêu một thực trạng: hiện nay, nhân viên hải quan, thuế, bộ đội biên phòng ở các cửa khẩu không phải ai cũng phân biệt được tranh của các danh họa thời kỳ Phục hưng, tranh - tượng Rodin (Rôđanh), tranh về đề tài phụ nữ của họa sĩ cộng sản Ý Gúttuđô với tranh lõa thể đang bày bán la liệt ở các chợ trời nhiều nước. Đấu tranh chống sự xâm nhập của các loại văn hóa độc hại mà thiếu tri thức về đối tượng, thiếu bản lĩnh nghề nghiệp, nhất là thiếu cơ chế đồng bộ thì cuộc đấu tranh sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí là vô hiệu.

Đấu tranh chống sự xâm nhập của các loại văn hóa độc hại mà thiếu tri thức về đối tượng, thiếu bản lĩnh nghề nghiệp, nhất là thiếu cơ chế đồng bộ thì cuộc đấu tranh sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí là vô hiệu.

3. MẤY ĐIỂM NHẤN VỀ CÁ NHÂN, GIA ĐÌNH, CỘNG ĐỒNG Ở VIỆT NAM

Khảo sát văn hóa Việt Nam từ cổ đại cho đến hiện đại, từ văn hóa dân gian cho đến văn hóa bác học, có thể thấy ba đặc trưng nổi bật: dân tộc, hiện đại, nhân văn phản ánh ở mức độ đậm - nhạt khác nhau và tương đối ổn định qua các thời đại. Duy chỉ có vai trò của cá nhân và phẩm chất dân chủ là những phạm trù còn mờ nhạt. Đó là những nội dung cần được bàn luận thêm. Vì sau vậy? Văn hóa nước ta từ cổ đại cho đến nay gắn chặt với thể chế chính trị. Nước không độc lập hay bị thống trị là thực trạng đau lòng gay gắt: bấy giờ văn hóa trở nên vô nghĩa. Vấn đề tồn tại hay không tồn tại được đẩy lên hàng đầu rồi mới nói đến tồn tại như thế nào. Tính cộng sinh, cộng cảm cao của cộng đồng làng xã là biểu hiện xu thế hợp quần, đoàn kết, tôn trọng con người; còn cá nhân, cá tính đối với văn nhân, kẻ sĩ là khó hiểu và không phổ biến. Một trong nhiều giá trị hạt nhân của truyền thống Việt Nam là tôn trọng người có đức độ, tài năng, ngưỡng mộ các bậc danh nho hiền tài, hiền triết mà phẩm chất nổi bật của họ là chữ Nhân - “nhân tâm thế đạo”. Khi tiếp cận văn hóa bốn phương không nên dùng khuôn thước văn hóa “cá nhân”, “dân chủ” của một nước nào đó để đo đếm giá trị truyền thống, đó là việc quy chiếu áp đặt ít có hiệu quả.

Khi tiếp cận văn hóa bốn phương không nên dùng khuôn thước văn hóa “cá nhân”, “dân chủ” của một nước nào đó để đo đếm giá trị truyền thống, đó là việc quy chiếu áp đặt ít có hiệu quả.

Về gia đình Việt Nam trong toàn cầu hóa, có hai điều đáng nói thêm:

Một là, thực trạng đánh mất thói quen đọc sách ở một bộ phận lớn thanh thiếu niên. Dường như đa số các em - nhất là ở các khu vực thành thị và nông thôn phát triển - đều dành khá nhiều thời gian cho việc “dán mắt” vào màn hình TV, máy vi tính, Smartphone để xem phim, chơi game hoặc lướt mạng. Văn hóa nghe - nhìn đã và đang tiếp tục lấn át mạnh mẽ, khốc liệt văn hóa đọc. Làm thế nào để trả lại chức năng giáo dục của các sản phẩm văn hóa cho lớp trẻ? Giải pháp cơ bản và lâu dài vẫn phải là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục - phải bắt đầu từ người lớn để định hướng, tác động, thẩm thấu đến thế hệ thanh thiếu niên. Dùng truyền hình, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu những sản phẩm, tác phẩm văn hóa, nhất là sách về văn hóa - văn nghệ là cách thức khá hiệu quả trong tình hình hiện nay. Chương trình Télé 5 của Đài Truyền hình Pháp đã từng là một ví dụ về phục hưng văn hóa đọc. Ở Singapore, chính phủ nước này đã từng cảnh giác cao độ trước ảnh hưởng xấu của văn hóa phương Tây, cho rằng thanh thiếu niên là những người bị hại nhiều nhất về tư tưởng và lối sống sa đọa do các ấn phẩm du nhập từ phương Tây mang lại. Không ít tác phẩm điện ảnh nổi tiếng thế giới cũng chỉ được phép chiếu ở Singapore khi đã qua kiểm duyệt - cắt bớt một số cảnh không hợp với chủ trương, chính sách văn hóa của nước này. Khẩu hiệu “Già có nuôi, trẻ có dạy” được coi là tín điều xã hội của Singapore nhằm duy trì sự bền vững của quan hệ gia đình.

Hai là, ở nước ta không có hiện tượng tan rã gia đình, không có “lối sống gia đình không có hạt nhân” như ở phương Tây, nhưng lại có sự khủng hoảng giữa các thế hệ: ông bà, cha mẹ, con cháu, có thể dẫn gia đình đến chỗ thiếu ổn định. Vấn đề gia phong, gia lễ bị chi phối bởi nhiều nhân tố: kinh tế, lối sống, chất lượng sống, vấn đề công danh, mưu sinh lập nghiệp, thị hiếu... Có sự mâu thuần giữa các thành viên trong gia đình, đồng thời có những phương thức giải quyết thấu tình đạt lý, có sức thuyết phục, làm gương cho con cháu noi theo, có thể bắt đầu bằng việc giáo dục cho các bậc làm cha, làm mẹ. C.Mác nói: Những người giáo dục cũng cần được giáo dục; thương yêu, tôn trọng, phê phán, nhắc nhở, răn đe là cần thiết, nhưng tuyệt đối không nên dùng bạo lực, lăng nhục đối với trẻ em.

Nói tinh thần cộng đồng mà quên nói đến bộ phận Việt kiều ở nước ngoài là thiếu sót. Trong nhiều văn kiện của Đảng đều khẳng định đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời với cộng đồng dân tộc. Mới đây nhất, Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới tiếp tục khẳng định: “Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”. Đây vừa là lôgíc lịch sử, vừa là tình cảm lớn của Tổ quốc đối với kiều dân bắt nguồn từ chữ Nghĩa; nghĩa đồng bào. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, luôn quan tâm tới tất cả kiều bào ở mọi nơi trên thế giới. Hiện nay cần đặc biệt quan tâm tới thế hệ sinh sau năm 1975 với mấy lẽ sau: 1) quê hương Việt Nam trong tâm tưởng của thế hệ này hầu như chỉ còn là tượng trưng qua lời kể của ông bà, cha mẹ; 2) Tổ quốc Việt Nam không còn hoàn toàn là động lực thiêng liêng đối với họ; 3) nhu cầu nói tiếng Việt, học chữ Quốc ngữ đang là bức bách; 4) nguyện vọng muốn đóng góp cho đất nước ở các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, quản lý doanh nghiệp là rất lớn; 5) số cá nhân đầu tư kinh doanh thành đạt ngày càng tăng. Trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, những tên tuổi nghệ sĩ, trong đó có hàng trăm nghệ sĩ trẻ chân chính là người gốc Việt ở nước ngoài không chỉ là niềm tự hào nói chung, mà chúng ta cần quan tâm, hướng tới để tạo sức “cộng hưởng”, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần cộng đồng.

4. VĂN HÓA HÒA BÌNH - MỘT GIÁ TRỊ CỦA VĂN HIẾN VIỆT NAM

Hòa bình là một giá trị lớn, bền vững của văn hóa, văn hiến Việt Nam.

Trong thời đại Lê Lợi - Nguyễn Trãi, hòa bình có nghĩa là hòa hiếuĐức lớn hiếu sinhNghĩa vi kế lâu dài của nhà, nướcTha kẻ hàng mười vạn sĩ binhSửa hòa hiếu cho hai nước/ Tắt muôn đời chiến tranh/ Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh... (Phú núi Chí Linh). Tinh thần hòa hiếu - hòa bình lan tỏa, thấm đẫm trong thơ văn Nguyễn Trãi, tiêu biểu là Bình Ngô đại cáo, thể hiện rõ: nước Đại Việt là nước văn hiến, không gây sự với ai, nhưng nếu giặc đến thì từ vua đến dân đều sẵn “chí phục thù, thức ngủ chẳng quên”, khi giặc đã “kiệt đường, chờ chết bó tay” thì ta chỉ dùng mưu “tâm công” để không chiến mà cũng thắng, sẵn lòng “mở lượng hiếu sinh” cho kẻ bại trận. Bởi, mục đích cao nhất của cuộc kháng chiến chống giặc Minh là cốt “để mở nền thái bình muôn thuở”. Sau chiến tranh, chính sách hòa bình - an dân được thể hiện trong việc đặt lễ nhạc, khi Nguyễn Trãi thưa với vua: “Thời loạn thì dùng võ, thời bình thì dùng văn... Hòa bình là gốc của nhạc”.

Ở thời đại Quang Trung, sau đại thắng quân Thanh, nhà vua và các quần thần xây dựng lại đất nước với chính sách đối ngoại hòa bình vừa kiên quyết vừa thực tế: đòi lại 7 châu xứ Hưng Hóa, bỏ lệ cống nộp người và vàng, mở cửa biên giới thông thương buôn bán... Chính sách hòa hiếu đó được ghi lại trong nhiều tác phẩm, mà tiêu biểu là Hịch Tây SơnChiếu lên ngôi... Hịch Tây Sơn được viết lúc quân Tây Sơn ra kinh thành Thăng Long năm 1786. Kéo quân ra Bắc Hà lần này với mục đích làm cho dân yên ổn: “Sinh dân phải nuôi dân làm trước”, khi ở phía Bắc “mấy thành tin nhạn chưa yên, bề cứu viện ngồi yên sao tiện?”. Nhưng khi đã “vỗ yên bốn phương” thì lấy chính sách an dân, “giữ chặt lòng người”, “thuận ý trời” làm trọng. Âm hưởng chủ đạo của Chiếu lên ngôi là mong người làm quan giữ đạo công liêm, người làm dân vui theo tục tốt... đi đến con đường chính thuận để vãn hồi thời thịnh trị, để kéo dài phúc lành cho tôn miếu, xã tắc(1).

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, trước khi giành được chiến thắng hoàn toàn, đã có nhiều thời cơ để nhân dân ta có được hòa bình, nhưng đều bị đối phương xâm lược từ chối và phá hoại trên thế mạnh kinh tế - quân sự của họ. Kinh nghiệm Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chỉ ra rằng, mỗi lần đối tượng xâm lược muốn “leo thang chiến tranh” thì họ đều mượn cớ, trùm lên “chiếc áo hòa bình” để lừa dối dư luận thế giới. Đó thực chất là đi ngược lại giá trị của hòa bình, không có thiện chí, lấy thế mạnh quân sự để áp đặt, gây sức ép với ta trong đàm phán, thương lượng.  

Văn hóa hòa bình - từ quan niệm của các bậc tiền nhân đến nhận thức của chúng ta hôm nay vẫn luôn là một giá trị vĩnh hằng, vừa là cương lĩnh hành động, vừa là nguyện vọng tha thiết nghìn đời của dân tộc Việt Nam.

Trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, việc Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương tham gia sâu rộng vào tiến trình phát triển, hội nhập của thế giới không ngoài mục đích nhằm nâng cao vị thế đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, khẳng định và nâng cao giá trị văn hóa hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Việc Việt Nam cử cán bộ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới cũng là một biểu hiện cụ thể, sinh động, phù hợp với giá trị văn hóa hòa bình trong bối cảnh, tình hình mới.

Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định rõ Việt Nam cần tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Đây là nội dung hết sức quan trọng, xuyên suốt trong đường lối đối ngoại của Đảng thời kỳ đổi mới. Đồng thời thể hiện và khẳng định rõ bản lĩnh văn hóa Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đó là: Độc lập tự chủ vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng của đối ngoại. Chỉ có độc lập tự chủ, chúng ta mới có thể hội nhập quốc tế thành công, phát huy đầy đủ thế mạnh, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, xử lý được các mối quan hệ quốc tế phức tạp trong môi trường đầy bất định, khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen như hiện nay. Cũng chỉ có độc lập tự chủ thì chúng ta mới có thể gìn giữ, củng cố và phát huy được những giá trị, bản lĩnh văn hóa Việt Nam “hội nhập mà không hòa tan”.

Chủ trương đúng đắn, chính sách phù hợp, quyết tâm lớn... đã và đang đặt ra những cơ hội, niềm tin, sự kỳ vọng của “trăm họ”. Vấn đề quan trọng và khó nhất vẫn là các giải pháp, cách thức thực thi nhằm thúc đẩy sự đồng thuận, đoàn kết của “muôn dân”; phát huy minh triết của các bậc “hiền tài”; nâng cao năng lực, phẩm chất, bản lĩnh của những người gánh trọng trách “chăm dân, an dân”...

Bản lĩnh văn hóa Việt Nam không chỉ là những vấn đề về... văn hóa, mà cao hơn, quan trọng hơn phải được thể hiện trong tầm nhìn xa trông rộng của Đảng, phải được thẩm thấu vào mọi khía cạnh, lĩnh vực của quốc gia - dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa./.

GS. Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh/TG

___________________

(1) Xem: GS. Nguyễn Lộc: Văn học Tây Sơn, Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình, 1986.

 Từ khóa: văn hóa Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 115

Hôm nay: 11,061

Hôm qua: 16,892

Tháng hiện tại: 390,991

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,101,308

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây