Khơi dậy năng lực nội sinh của dân tộc nhằm xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Thứ hai - 14/03/2022 21:23 355 0

Nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, Đảng đã lãnh đạo xây dựng và phát huy sức mạnh của nền văn hóa và con người Việt Nam để đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển đất nước nhanh, bền vững.

2
Ảnh minh họa.

SỨC MẠNH VĂN HÓA VÀ CON NGƯỜI VIỆT NAM

Nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, Đề cương về văn hóa Việt Nam ( năm 1943) của khẳng định: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”(1). Trên quan điểm mác-xít, Đề cương nêu lên những nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam là: dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. Quan điểm về xây dựng của Đảng đã tạo ra một luồng sinh khí mới, góp phần quy tụ đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân đứng lên giành độc lập cho dân tộc, với tinh thần “… dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”(2).Khát vọng giành độc lập mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thắp lên là ngọn cờ quy tụ và phát huy sức mạnh của toàn dân đứng lên giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam một lần nữa được phát huy với tinh thần: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(3). Quyết tâm sắt đá đó đã thức tỉnh chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, là ánh sáng soi đường để chiến thắng kẻ thù xâm lược. Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc: văn hóa “không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(4). Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (năm 1946), Người chỉ rõ: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất là mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do”(5).

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai (năm 1948), Tổng Bí thư Trường Chinh công bố tác phẩm Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, với nội dung cơ bản là: Xây dựng “nền văn hóa mới Việt Nam phải theo ba nguyên tắc dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa”(6). Trên cơ sở chiến lược văn hóa đó, “văn hóa - văn nghệ là một mặt trận”, “văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Khẩu hiệu hành động là: Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hoá kháng chiến.

Những quan điểm, định hướng về phát triển văn hóa của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy ý thức tự tôn, tự hào dân tộc cũng như tinh thần yêu nước được đúc kết từ hàng nghìn năm lịch sử và trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam đối với sứ mệnh giải phóng dân tộc. Nhờ vậy, đã quy tụ và nhân lên sức mạnh của toàn dân tộc đánh bại các chiến lược quân sự của kẻ thù, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào năm 1954.

Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”(7). Đề cập đến tính dân tộc của văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều. Nhưng nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em, thì sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại”(8).

Nhờ đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn, sáng tạo của Đảng mà qua hai cuộc kháng chiến, dân tộc Việt Nam đã xây dựng được một nền văn hóa cung cấp đủ năng lượng tinh thần cho hàng triệu con người Việt Nam trở thành những chiến sĩ xả thân vì lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Trên nền văn hóa ấy, văn học - nghệ thuật nước ta “xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học, nghệ thuật chống đế quốc và phong kiến”.

Vì một Việt Nam hùng cường, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân
Vì một Việt Nam hùng cường, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân

NĂNG LỰC NỘI SINH ĐỂ XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HẠNH PHÚC

Trong thời kỳ đổi mới, tư duy lý luận của Đảng ngày càng đổi mới khi xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nhờ vậy, sự nghiệp văn hóa cũng đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực đến xã hội, khiến cho các bậc thang giá trị bị đảo lộn. Trước tình hình đó, để chấn hưng văn hóa dân tộc, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương, khóa VIII ra Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hội nghị nêu ra 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ và 4 giải pháp xây dựng văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết đánh dấu bước phát triển trong tư duy lý luận của Đảng về văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong các kỳ Đại hội, Đảng khẳng định nội dung quan trọng nhất trong xây dựng, phát triển văn hóa là phát triển con người và xây dựng môi trường văn hóa. Nhằm nâng cao chất lượng xây dựng văn hóa và phát triển con người Việt Nam, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thảo luận và ban hành Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Hội nghị nhấn mạnh: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cùng với việc nêu ra 5 quan điểm chỉ đạo, Hội nghị đề ra 6 nhiệm vụ và đề ra 4 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng văn hóa và phát triển con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Nhã nhạc cung đình Huế mang ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử cũng như giá trị văn hóa
Nhã nhạc cung đình Huế mang ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử cũng như giá trị văn hóa

Trong bối cảnh mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”(9). Đại hội chủ trương: “Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(10).Trong đó, chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa dân tộc.Chăm lo giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc của con người Việt Nam.

Đường lối đúng đắn và sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng tạo nên những chuyển biến tích cực về xây dựng văn hóa và phát triển con người Việt Nam: Nhiều chuẩn mực đạo đức mới, tiến bộ được hình thành. Các tầng lớp nhân dân tích cực học tập, lao động sản xuất để đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói. Lớp trẻ có tinh thần vượt khó để lập thân, lập nghiệp và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc được phát huy; các di sản văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy; nhiều giá trị văn hóa mới hình thành và phát triển; môi trường văn hóa ngày càng lành mạnh; giao lưu văn hóa với nước ngoài được mở rộng; thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện; hệ thống truyền thông đại chúng ngày càng tiên tiến, hiện đại; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trở thành hành động tự giác của mỗi người dân; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện. Sự lãnh đạo của Đảng đã hướng các hoạt động văn hóa đến các giá trị chân, thiện, mỹ và đảm bảo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thành tựu về xây dựng văn chưa tương xứng với những thành tựu về kinh tế; nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp và bản sắc văn hóa dân tộc bị mai một; đạo đức xã hội xuống cấp; di sản văn hóa bị xâm hại nghiêm trọng; văn hóa phẩm phản động, độc hại tràn lan trên thị trường; khoảng cách về văn hóa giữa các vùng miền còn chênh lệch; môi trường văn hóa thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” còn mang tính hình thức; văn học - nghệ thuật còn thiếu những tác phẩm đỉnh cao về tư tưởng…

Trước tình hình đó, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội và trở thành năng lực nội sinh thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững cần chú trọng một số vấn đề sau: 1) Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vự văn hóa. 2) Đi đôi với việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc lên một tầm cao mới, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hóa mới để văn hóa Việt Nam vẫn giữ được "cốt cách" (bản sắc) dân tộc, vừa theo kịp bước tiến chung của nhân loại. 3) Xây dựng và phát triển con người Việt Nam toàn diện, hướng tới những giá trị “chân, thiện, mỹ”, nâng cao ý thức tự tôn, tự cường dân tộc, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc. 4) Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội. 5) Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc đi đôi với giữ gìn những giá trị văn hóa đa dân tộc, nhiều màu sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nhằm khơi dậy tiềm năng của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể - nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế đất nước. 6) Xây dựng ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở phát huy bản sắc văn hóa và ngoại giao văn hóa - sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam; vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. 7) Đẩy mạnh phát triển các phương tiện thông tin đại chúng trên cơ sở tranh thủ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để hiện đại hóa hệ thống báo chí, xuất bản, truyền thanh, truyền hình nhằm quảng bá hình ảnh của đất nước ra toàn thế giới./.

PGS. TS. Nguyễn Danh Tiên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh  

----------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập (1940-1945), Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 7, tr.316.

(2) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2016, t.2, tr.225.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 6, tr.579.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng và Nhà nước về văn hoá, văn nghệ từ 1943 đến 1968, Nxb. Sự thật, H, 1970, tr.588.

(5) Hồ Chí Minh: Về công tác văn hoá nghệ thuật, Nxb. Sự thật, H, 1977, tr.90.

(6) Trường Chinh: Về văn hoá nghệ thuật, Nxb. Văn học, H, 1985, tr.30.

(8) (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 92, 97-98.

(10) (11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, T.I, tr.216, 47.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 76

Hôm nay: 15,833

Hôm qua: 17,926

Tháng hiện tại: 436,230

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,146,547

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây