Ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa ngoại lai độc hại

Thứ sáu - 28/10/2022 04:43 2083 0
Hội nhập toàn cầu đã đem lại những cơ hội, điều kiện thuận lợi trong việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác phát triển về mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Thời gian qua, bên cạnh việc tiếp nhận những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, hướng con người đến những giá trị tiến bộ, nhân văn, dân chủ, đoàn kết thì cũng có không ít những sản phẩm mượn danh văn hóa để truyền bá những tư tưởng, nội dung thiếu lành mạnh, hủy hoại đạo đức, nhân phẩm con người. 
11
Ảnh minh họa.
Thủ đoạn của chúng là lợi dụng chính sách mở cửa, giao lưu văn hóa của Đảng, Nhà nước ta để du nhập, chuyển tải các sản phẩm văn hóa độc hại qua các phương tiện như: sách, báo, tạp chí, băng hình, phim ảnh, tác phẩm hội họa, trò chơi điện tử, trang phục, các hoạt động nghi lễ mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng,... Nhiều sản phẩm có nội dung thông tin xấu độc, cổ vũ lối sống gấp, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ; sống không có tương lai, hoài bão, lý tưởng, gieo rắc những tư tưởng bi quan, hoài nghi cuộc sống; cổ vũ bạo lực, đề cao danh vị, đồng tiền. Một số tác phẩm do các thế lực thù địch tuyên truyền, phát tán trên mạng internet với những mưu đồ chính trị, tiềm ẩn những nguy cơ lớn về sự lung lạc, dao động, mất niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Điều này đã được Đảng ta cảnh báo trong Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, Chỉ thị nêu rõ: “Thời gian qua, nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, thích hưởng lạc, sa đọa; cái xấu, cái ác, phi nhân tính có dấu hiệu tăng lên rõ rệt. Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe doạ nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng”.

Bên cạnh đó, chúng còn tìm mọi cách tài trợ, khuyến khích một số văn nghệ sĩ thoái hóa, biến chất sáng tác các tác phẩm theo khuynh hướng văn hóa, nghệ thuật phương Tây, hạ thấp, coi rẻ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đề cao giá trị dân chủ, tự do tư sản làm tha hóa thế hệ trẻ, tạo ra một thế hệ mất gốc thích đua đòi, ăn chơi hưởng lạc, kích thích các tệ nạn xã hội phát triển… Ngoài ra, chúng còn đầu độc nhu cầu thưởng thức văn hóa của các tầng lớp nhân dân bằng việc gieo rắc các sản phẩm đồi trụy, độc hại, có quan điểm, tư tưởng, lối sống thực dụng, đề cao các giá trị văn hóa phương Tây, coi đó là biểu tượng, “giá trị chung” của nhân loại…Mục đích cuối cùng của các thủ đoạn trên là làm xói mòn các giá trị đạo đức, làm băng hoại truyền thống văn hóa dân tộc, gieo rắc lối sống thực dụng, xa rời lý tưởng, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, từng bước chuyển hóa tư duy của con người Việt Nam theo hướng đối lập với quan điểm, tư tưởng của Đảng và những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc…

Văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Xuất phát từ quan điểm này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”... Do đó, để phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc,đồng thời đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các hoạt động văn hóa để chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch, trong thời gian đến chúng ta cần tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của các sản phẩm văn hóa, hoạt động nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, hình thành nhân cách tốt đẹp cho con người. Bên cạnh đó cần luôn đổi mới tư duy, nhận thức, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu lĩnh vực, đối tượng quản lý để nhận diện, nắm bắt và đánh giá chính xác những hiện tượng sai trái, những tác phẩm có nội dung lệch lạc, độc hại trong đời sống văn hóa, văn nghệ để có những cảnh báo xã hội sớm; kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi, làm lành mạnh môi trường, không gian sáng tạo, tiếp cận và thụ hưởng những tác phẩm văn hóa của nhân dân. Do đó cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 về Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22-10-2018 về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với các ngành chủ quản và cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng trong các hoạt động về văn hóa, báo chí, xuất bản, hội thảo, tọa đàm về văn hóa, nghệ thuật. Trong đó chú trọng kiểm soát và quản lý chặt chẽ công tác in ấn, xuất bản, đưa tin… nhằm ngăn chặn không để các loại ấn phẩm, văn hóa phẩm độc hại từ nước ngoài thẩm thấu và tán phát trên không gian mạng của nước ta.

Ba là, giữ vững tính định hướng chính trị của các hoạt động văn hóa. Đẩy mạnh và coi trọng nội dung tư tưởng chính trị trong các hoạt động văn hóa, ngăn chặn và làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng các hoạt động văn hóa hòng làm thay đổi hệ giá trị văn hóa Việt Nam bằng hệ giá trị văn hóa tư sản. Đảm bảo sinh hoạt văn hóa và hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng phải hướng vào phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Chống phi chính trị trong các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, biểu diễn, tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái, phản động.

Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, văn hoá, truyền thông, đặc biệt là các lực lượng xung kích trên mặt trận đấu tranh phòng, chống ảnh hưởng của sản phẩm văn hóa xấu độc trên không gian mạng; xây dựng cơ chế phối hợp, kết hợp giữa các lực lượng của cả nước, bảo đảm sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

Năm là, tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống luật pháp về bảo đảm an toàn, an ninh mạng phù hợp với tình hình hiện nay, đồng thời khẩn trương nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để quản lý không gian mạng an toàn. Mỗi cá nhân phải biết chọn lọc những giá trị văn hóa phù hợp, cũng như việc tiếp nhận và sáng tạo văn hoá; tích cực tu dưỡng nhằm “nội hoá” và tiếp biến các giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa nhân loại vào nhân cách, đồng thời bồi dưỡng và phát triển giá trị văn hoá trong nhân cách là lẽ sống của mọi người.

Sáu là, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tôn vinh những nhân tố tích cực, giúp những nét đẹp văn hóa tỏa sáng trong đời sống xã hội; chủ động rà soát bổ sung, nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, góp phần đưa các hoạt động văn hóa trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc và khởi nguồn cho sức mạnh nội sinh trong mỗi cá nhân, cộng đồng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.

(MH)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 122

Hôm nay: 17,490

Hôm qua: 18,245

Tháng hiện tại: 132,790

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 9,843,107

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây