Đạo đức xã hội xuống cấp là vấn đề đáng lo ngại ở nước ta hiện nay. Chúng ta đều nhận thức được tác hại khôn lường của nó đối với sự phát triển của dân tộc. Đặt câu hỏi sự xuống cấp đó từ đâu mà ra thì hẳn là có rất nhiều câu trả lời và câu trả lời nào cũng có những lý do và giải pháp cơ bản. Tuy nhiên giải pháp nào cũng khó mà thực hiện một cách thấu đáo, bền vững. Từ cách tiếp cận của văn hóa cũng như vậy.
Hình ảnh cướp phết quen thuộc tại Hiền Quan mỗi dịp lễ hội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ XUỐNG CẤP ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI
Xét ở một khía cạnh nào đó, văn hóa là sản phẩm của một xã hội. Tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều phản ánh vào văn hóa. Sự xuống cấp đạo đức cũng nằm trong một bối cảnh chung như thế. Xét theo chiều lịch đại, chúng ta thấy sự thay đổi nhanh chóng của xã hội Việt Nam. Nhiều thành tựu chính trị, kinh tế, xã hội và cả văn hóa đã được người dân chứng kiến, đặc biệt từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc Đổi mới. Tuy nhiên, không có bất cứ thứ gì không có mặt trái của nó. Sự mở cửa về kinh tế, xã hội, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, bên cạnh những tác động tích cực, cũng để lại rất nhiều hệ quả. Ở góc độ văn hóa, sự thay đổi xã hội khiến cho lôgic vận hành của văn hóa thay đổi, bao gồm những vấn đề của định hướng giá trị, thói quen và phong tục, tập quán của một xã hội đang trên đà chuyển đổi. Với định hướng giá trị, thì đó là những giá trị cũ, có những thứ không còn thích hợp thì chưa mất hẳn, còn những giá trị mới, phù hợp hơn thì chưa thực sự định hình. Có những tấm gương đạo đức trước kia có tác dụng rất lớn, giờ không còn đóng đúng vị trí của nó nữa!
Xã hội rơi vào tình trạng khủng hoảng giá trị. Từ khủng hoảng giá trị dẫn đến mất niềm tin và định hướng trong xã hội, đó là lý do quan trọng của tình trạng xuống cấp đạo đức vì xung đột và khủng hoảng giá trị và niềm tin. Kể cả những nghề được xã hội coi trọng, xem là cao quý như nghề giáo và nghề y đang chứng kiến nhiều hiện tượng xuống cấp đạo đức cũng chính vì những lý do này.
Sự thay đổi thói quen, phong tục, tập quán cũng trong vòng quay như vậy. Những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc giờ đây bị thách thức bởi những thói quen mới được ra đời từ cuộc sống giàu sang và tiện nghi hơn, bị quyến rũ bởi những thông tin về cuộc sống xa lạ ở các xã hội xa lạ. Điều này dường như còn được làm đậm hơn bởi những “người của công chúng” khi đưa ra những ca khúc phản cảm với những ca từ nhảm nhí, lối sống tạo scandal để nổi tiếng bằng mọi giá, bất chấp những giá trị đạo đức của dân tộc. Tất cả khiến cho nhiều chủ nhân tương lai của xã hội (thế hệ trẻ) lạc lối trong cách xác định lý tưởng sống cũng như phong cách sống. Những lối sống mới xa lạ, đua đòi, những phong cách thời trang, nghệ thuật không phù hợp với chuẩn mực đạo đức dân tộc đã khiến cho xã hội trở nên hỗn loạn hơn, và đó cũng là nguyên nhân của sự xuống cấp đạo đức trong xã hội xét từ cách nhìn văn hóa.
Các phương tiện truyền thông đang khiến cho những giá trị phản văn hóa được dung dưỡng, lan truyền bằng những thông tin thiếu định hướng. Việc xuất hiện của các phương tiện truyền thông mới với internet và điện thoại di động thông minh, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, cũng tác động tiêu cực đến sự phát triển nhân cách, đặc biệt trong tầng lớp thanh, thiếu niên. Thế giới ảo nhưng tác động thực là những thứ mà xã hội chúng ta chưa từng chứng kiến và chưa có giải pháp hữu hiệu để đối phó. Trào lưu cá nhân hóa khác rất nhiều so với lối sống vì cộng đồng từng phổ biến trong xã hội truyền thống. Các cá nhân tưởng tượng mình vô danh trên thế giới ảo, có thể thể hiện ý kiến (kể cả bức xúc) của mình theo cả những cách tiêu cực nhất. Và khi chính sự tự kiểm soát bản thân không thể thực hiện được trên môi trường mạng, cái xấu sẽ lan tràn ra toàn xã hội. Đó là những điều chúng ta thực sự lo ngại.
GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG XUỐNG CẤP ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI
Chắc sẽ còn nhiều hơn nữa những lý do giải thích cho sự xuống cấp đạo đức, nhưng câu trả lời cho giải pháp nào để giúp giảm bớt và tiến tới loại trừ hẳn hiện tượng tiêu cực này có lẽ sẽ quan trọng hơn việc mải miết đi tìm nguồn gốc mà không đưa ra những cách làm hữu hiệu để loại bỏ nó. Dưới đây là một vài gợi ý nhỏ cho một vấn đề lớn được tiếp cận từ góc độ văn hóa:
Thứ nhất, cần quan tâm hơn đến vai trò của nghệ thuật trong việc xây dựng hình tượng con người mới, xác định những giá trị xã hội mới được xã hội tôn vinh.
Trước kia, cha ông chúng ta chỉ sử dụng các loại hình nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương, sử dụng tục ngữ, dân ca để chuyển tải các thông điệp nhân văn, mà giáo huấn được cả xã hội đi theo tiếng gọi của lương tri, đạo đức. Bối cảnh xã hội hiện nay không cho phép chỉ sử dụng những biện pháp cũ, nhưng nếu chúng ta cho nghệ thuật, hình thành những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân trong xã hội, thì sức lan tỏa của các thông điệp từ nghệ thuật có tác dụng cao hơn nhiều lời hiệu triệu. Chứng kiến cả chục ngàn người đứng lên hát vang quốc ca trong một trận đấu bóng đá và cả nước hân hoan, vẫy cờ, ào xuống phố một cách trật tự, văn minh cùng với niềm vui chiến thắng của dân tộc, cũng là lúc chúng ta hiểu thêm những giá trị tốt đẹp mà văn hóa đem lại cho cả xã hội. Từ những niềm vui tinh thần do văn hóa mang lại đó, bầu không khí xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, thuận tiện hơn để cả dân tộc có thể tạm quên đi những khó khăn, tiếp bước trên hành trình vinh quang của mình.
Thứ hai, xây dựng và củng cố hệ thống các quy tắc đạo đức trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi viết cuốn sách “Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản”, Max Weber đã nhấn mạnh đến khía cạnh dẫn dắt sự phát triển của xã hội từ các giá trị đạo đức. Theo đó, chính các giá trị đạo đức đã có tác dụng vừa ổn định xã hội, vừa tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Muốn làm được như vậy, xã hội cần hình thành hệ thống các quy tắc đạo đức ở tất cả các lĩnh vực khác nhau. Nghề giáo, nghề y hay bất kỳ một ngành nghề nào cũng có một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Bộ quy tắc đạo đức ấy sẽ giúp đạo đức xã hội được ổn định trong từng nhóm nhỏ, rồi từ đó lan ra toàn xã hội (việc Hội Nhà báo Việt Nam vừa cho ra đời Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam là một ví dụ cho thấy, chúng ta cần có thêm các bộ quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức cho các lĩnh vực khác nhau để bảo đảm sự ổn định, rõ ràng trong hành vi ứng xử của từng nhóm xã hội trong những lĩnh vực hoạt động cụ thể).
Thứ ba, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc truyền đi thông điệp tích cực về những lối sống đẹp, những tấm lòng nhân ái trong xã hội, và hình thành một dư luận xã hội ủng hộ các giá trị chân - thiện - mỹ. Về bản chất, xã hội là tốt và con người là hướng thiện. Vì thế, để cái tốt và lòng hướng thiện lan tỏa trong xã hội sẽ khiến cho cuộc sống đẹp hơn. Chính cái thiện, cái đẹp của văn hóa trong xã hội sẽ góp phần đẩy lùi tệ nạn và cái xấu, đạo đức tốt đẹp trong xã hội sẽ dần trở lại. Từ đó, văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, là hệ điều tiết cho sự phát triển xã hội./.
PGS. TS. BÙI HOÀI SƠN - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
Theo tuyengiao.vn