Đang truy cập: 65
Hôm nay: 16,824
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 379,862
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,090,179
- Đang truy cập65
- Hôm nay16,824
- Tháng hiện tại379,862
- Tổng lượt truy cập10,090,179
Công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS); cổ vũ, động viên họ thực hiện chính sách; đấu tranh ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội... Trong bối cảnh hiện nay, công tác này càng cần được quan tâm và có những giải pháp kịp thời để nâng cao chất lượng nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống đồng bào nhanh và hiệu quả hơn nữa.
1. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta luôn chú trọng đến vùng đồng bào các dân tộc, miền núi và đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối về vấn đề dân tộc. Những chủ trương, đường lối mới về vấn đề dân tộc được tuyên truyền rộng rãi trong xã hội, nhất là vùng đồng bào DTTS, được đồng bào các dân tộc đón nhận, ủng hộ và tích cực tổ chức thực hiện; đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và an ninh - quốc phòng. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2001 đến nay, công tác thông tin, tuyên truyền được đầu tư mạnh mẽ, có nhiều lực lượng tham gia từ đội ngũ cán bộ cơ sở đến đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo; từ bộ đội, công an đến giáo viên, nhân viên y tế ở cơ sở…
Trong các loại hình tuyên truyền, báo chí là một trong những phương thức quan trọng nhất. Với việc cấp phát báo in và radio miễn phí cho đồng bào ở một số vùng, lắp đặt các trạm phát thanh, phát sóng truyền hình, mạng Internet... hầu hết người dân ở vùng đồng bào DTTS có điều kiện tiếp cận với các loại hình báo chí, đọc sách, nghe đài, xem tivi, đọc báo điện tử, trang thông tin điện tử trên máy tính hoặc điện thoại thông minh. Hệ thống đài truyền thanh cấp huyện và cấp xã bên cạnh việc tiếp sóng đài trung ương, đài tỉnh còn có chương trình phát thanh riêng, phát ngày 2 đến 3 lần vào sáng sớm, trưa và chiều tối, cung cấp nhiều thông tin thiết yếu đến đồng bào; phát huy vai trò là phương tiện, công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động thông tin, tuyên truyền ở cơ sở; góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền miệng đã thực sự trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng, có hiệu quả trong công tác tuyên truyền. Các báo cáo viên, tuyên truyền viên ở vùng đồng bào DTTS đã bám sát cơ sở, từng bước đổi mới phương thức thông tin phù hợp với trình độ nhận thức và nhu cầu của người dân. Các sự kiện chính trị, những vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương được đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở thông tin một cách đổi mới, sáng tạo, có tính thuyết phục hơn đối với người dân.
Hình thức chiếu phim lưu động vẫn đang là một kênh thông tin, tuyên truyền mang lại hiệu quả truyền thông tích cực ở vùng đồng bào DTTS. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn”; các đội chiếu phim lưu động của các địa phương đã thực hiện 1.176 buổi chiếu phim trên màn hình rộng; bình quân mỗi đội chiếu phim lưu động phục vụ gần 120 buổi/năm với nội dung phim đa dạng, phong phú, nguồn phim được đổi mới, thuyết minh bằng cả tiếng kinh và tiếng đồng bào DTTS (Mường, Mông, Khmer…).
Nhiều địa phương, nhất là ở vùng Tây Bắc đã triển khai thực hiện Ðề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Các dịch vụ thư viện đã được đổi mới đa dạng hóa, liên kết với trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã. Hệ thống thư viện lưu động được mở rộng, một số nơi có xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện tới các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên địa bàn. Trung bình mỗi tháng thư viện lưu động triển khai phục vụ sách báo và thông tin lưu động tới một điểm, đã thu hút hàng nghìn lượt người tới đọc sách và truy cập thông tin trên InternetThông qua xuất bản phẩm, nhiều chính sách, pháp luật cũng như các mô hình phát triển sản xuất hay đã đến gần hơn với đồng bào.
Chính sách hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng mạng lưới viễn thông hiện đại và cung cấp các dịch vụ Internet công ích đến với người dân, hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cho các hộ nghèo, cận nghèo... đã góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông và nâng cao mức thụ hưởng văn hóa cho đồng bào DTTS. Các cơ quan truyền thông đại chúng tổ chức sản xuất nhiều phim tài liệu, chuyên đề, in băng đĩa về phong tục, tập quán, lễ hội, bản sắc văn hóa của các dân tộc; xuất bản phẩm, tờ rơi, tờ gấp... được phát hành tới thư viện huyện, các xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới, các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú.
2. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về dân tộc vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như:
Hiệu quả cung cấp, phổ biến thông tin đến vùng đồng bào DTTS của cơ quan báo chí, truyền thông hiện nay chưa cao. Các tin, bài, chương trình phát thanh, truyền hình phản ánh về đồng bào DTTS tăng về số lượng nhưng chất lượng nội dung còn nhiều hạn chế. Hình ảnh đồng bào DTTS xuất hiện trên báo chí, truyền thông đa số là những hình ảnh nghèo đói, lạc hậu, thiếu hiểu biết về pháp luật. Còn có những bài viết theo khuynh hướng thần bí hóa, lãng mạn hóa hoặc bi kịch hóa, dẫn đến việc hiểu sai lệch về phong tục, tập quán của đồng bào. Trong khi đó, những tấm gương đồng bào DTTS năng động vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo, làm giàu chưa được khai thác nhiều.
Các chương trình phát thanh, truyền hình về đồng bào DTTS nhiều về số lượng, nhưng nội dung nặng về tuyên truyền chính sách, khô cứng, dài dòng, ít chọn lọc, chưa biên tập lại cho phù hợp với trình độ nhận thức, nhu cầu thông tin của đồng bào DTTS. Nhiều ảnh báo chí còn thiếu tính thời sự, chất lượng chưa cao, chưa thực sự đặc sắc và phong phú; các chuyên trang, chuyên mục cũng chưa thể hiện được bản sắc của đồng bào dân tộc; thể loại trình bày còn đơn điệu, chủ yếu là dạng bài phản ánh, rất hiếm bài bình luận, điều tra, phóng sự...
Việc không nắm bắt, hiểu rõ, sâu sắc đời sống văn hóa của người DTTS, cản trở ngôn ngữ, nguồn tin hạn chế, địa bàn xa xôi, hiểm trở… là những nguyên dodẫn đến tác nghiệp báo chí khó khăn trong việc thu thập, khai thác thông tin từ thực tế cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào DTTS. Công tác định hướng thông tin, tuyên truyền trong các chương trình chưa được chú trọng, một số vấn đề trong đời sống xã hội của đồng bào DTTS như y tế, giáo dục chưa được đề cập nhiều. Công tác thông tin, tuyên truyền trực tiếp chưa phát huy được hết vai trò, tầm quan trọng. Điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, nhiều nơi thiếu nhà văn hóa, sân chơi thể thao, trang thiết bị cần thiết để phát triển sinh hoạt cộng đồng nên các cuộc họp thôn, bản, ấp phải họp ở nhà riêng, không theo định kỳ, làm cho các sinh hoạt cộng đồng thưa dần. Một số nhà văn hóa thôn, bản ít thu hút được người dân đến do công tác quản lý, sử dụng không tốt, sách, báo không được cấp đầy đủ, không cập nhật thường xuyên. Việc tuyên truyền, thuyết phục của một số già làng, trưởng bản, người có uy tín, tuyên truyền viên cơ sở chưa phát huy được hiệu quả. Các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan như panô, áp phích, khẩu hiệu, băng đĩa, phim ảnh… còn ít được áp dụng.
Tỉ lệ tin, bài trên các báo của Trung ương về đồng bào DTTS còn ít (chỉ chiếm khoảng 5 đến 10%); trong đó những bài phản ánh về nguồn lực, tiềm năng của địa phương, thu hút đầu tư, du lịch, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào còn thiếu chiều sâu. Các tin, bài, hình ảnh về người DTTS khai thác còn đơn giản, mờ nhạt; bài viết về di sản văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào chưa sâu, chưa có tính định hướng cho cộng đồng trong việc nhận thức về gìn giữ tinh hoa văn hóa và những vấn đề cần phát huy trong điều kiện mới. Có rất ít bài viết phản ánh giá trị của luật tục, nhất là những nội dung văn hóa răn dạy con người sống tu dưỡng đạo đức, thương yêu nhau... Những bài viết về bảo vệ môi trường, chống nạn khai thác bừa bãi tài nguyên, phá rừng... chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Việc quảng bá tiềm năng, cơ hội hợp tác, đầu tư mới chỉ ở dạng đưa tin, ít đi vào phân tích, bình luận, so sánh về lợi thế của vùng đồng bào DTTS. Quảng bá du lịch địa phương đã xuất hiện nhiều trên báo chí, truyền thông, nhưng chất lượng chưa cao, nội dung còn đơn điệu. Bên cạnh đó, những bài viết phân tích chính sách, phản biện và tư vấn chính sách, hiến kế phát triển kinh tế - xã hội của các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là liên quan đến phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS chưa nhiều.
3. Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS. Vấn đề dân tộc và công tác dân tộc đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách; chính vì vậy, mọi quyết định lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống của đồng bào DTTS, phù hợp nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS thì chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc mới đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả.
Thứ hai, công tác tuyên truyền cần bám sát thực tiễn đời sống, diễn biến tư tưởng, tâm trạng của đồng bào; các cơ quan báo chí, truyền thông cần tăng cường đưa phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm truyền thông xuống cơ sở, thâm nhập thực tế để tìm hiểu, khai thác thông tin, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, phát hiện những mô hình hay, nhân tố mới, điển hình tiên tiến để tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng, hướng dẫn đồng bào học hỏi, vận dụng linh hoạt trong lao động, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, làm tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân. Có như vậy mới có thể làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào các DTTS.
Thứ ba, nội dung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng đến đồng bào DTTS cần phải ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào, phù hợp bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của từng DTTS để đồng bào dễ vận dụng, làm theo. Hình thức thể hiện phải hấp dẫn, lôi cuốn; các tranh, ảnh phải rõ chủ đề, bố cục chặt chẽ, chú thích đầy đủ các thông tin cần thiết.
Thứ tư, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến những vấn đề thiết thực của đời sống hằng ngày như: Việc làm, thu nhập, đất đai, chăm sóc sức khỏe, giáo dục dục - đào tạo, an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ môi trường, vệ sinh phòng bệnh, phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội v.v…với các dẫn chứng cụ thể, sinh động, gần gũi, thiết thực.
Thứ năm, cán bộ truyền thông, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí cần phải am hiểu phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt của đồng bào DTTS. Mỗi DTTS có những nét văn hóa, phong tục, tập quán riêng; vì vậy, cán bộ truyền thông, phóng viên, biên tập viên phải tìm hiểu, nắm rõ để phân tích đúng, sai một cách thấu tình, đạt lý, chỉ ra đâu là các hủ tục, tập quán lạc hậu; trên cơ sở đó tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, kiến thức pháp luật cho đồng bào. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ tuyên giáo, cán bộ truyền thông, phóng viên, biên tập viên nâng cao trình độ, kỹ năng tác nghiệp và sự hiểu biết về phong tục, tập quán của đồng bào DTTS phải được tổ chức thường xuyên, từ đó khơi dậy tính sáng tạo trong mỗi tác phẩm báo chí, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung.
Thứ sáu, các cơ quan báo chí, truyền thông cần quan tâm xây dựng lực lượng cộng tác viên là người sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, trong đó chú ý xây dựng cộng tác viên là người DTTS. Trong xây dựng lực lượng cộng tác viên cần sử dụng những người có kinh nghiệm, uy tín trong cộng đồng, những người hiểu rõ phong tục, tập quán của đồng bào, nắm bắt được những đặc điểm tâm lý, diễn biến tư tưởng của đồng bào.
Thứ bảy, phát huy vai trò người có uy tín, các chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng bản… Họ chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân ở vùng đồng bào DTTS; là người có vai trò ảnh hưởng lớn đến đồng bào; tích cực, gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, thực hiện và vận động đồng bào hưởng ứng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đấu tranh phòng, chống các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.
Thứ tám, chú trọng đấu tranh với các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn đời sống đồng bào DTTS; nâng cao nhận thức, ý thức nhằm tăng cường “sức đề kháng” của cán bộ, đảng viên đồng bào DTTS trước âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc./.
TS. Đinh Thị Mai/TG
Liên kết website
Đang truy cập: 65
Hôm nay: 16,824
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 379,862
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,090,179