Đang truy cập: 75
Hôm nay: 24,484
Hôm qua: 24,142
Tháng hiện tại: 203,847
Tháng trước: 799,455
Tổng lượt truy cập: 8,582,243
- Đang truy cập75
- Hôm nay24,484
- Tháng hiện tại203,847
- Tổng lượt truy cập8,582,243
Tết cổ truyền có ý nghĩa rất lớn đối với người Việt. Đây là dịp lễ quan trọng nhất, thể hiện sự tri ân với tổ tiên, gửi gắm những mong muốn cả vào quá khứ, hiện tại và tương lai. Tết chứa đựng những giá trị quan trọng nhất trong văn hoá của người Việt. Chính vì thế, Tết luôn được xem là thiêng liêng, là một nét sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong văn hoá Việt Nam.
Về mặt văn hóa, Tết Nguyên Đán của người Việt mang đậm bản sắc dân tộc. Từ xa xưa, khi còn là cư dân nông nghiệp, người Việt có quan niệm rằng năm mới là thời điểm đất trời giao hòa, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Vì vậy, Tết Nguyên Đán là dịp để người Việt cầu mong cho một năm mới an lành, may mắn, mùa màng bội thu, đồng thời cũng là dịp để người Việt họp mặt gia đình, đoàn tụ, cầu mong cho một năm mới an lành, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để người Việt nhớ về cội nguồn, tưởng nhớ tổ tiên.
Để thực hành văn hóa, trong dịp Tết Nguyên Đán, người Việt tiến hành nhiều nghi lễ thờ cúng thần linh, tổ tiên. Bởi, họ có niềm tin rằng, việc thờ cúng này sẽ mang lại cho mỗi cá nhân cũng như gia đình sự che chở, phù hộ của thần linh, tổ tiên trong năm mới.
Trước Tết là cúng Táo quân. Ý nghĩa của cúng Táo quân, ngày 23 tháng Chạp của người Việt là để “tiễn” Táo quân lên chầu trời, báo cáo Ngọc Hoàng về mọi việc xảy ra của mỗi gia đình trong năm cũ. Táo quân hay còn gọi là ông Táo, là vị thần cai quản việc bếp núc, trông coi mọi công việc trong gia đình. Theo quan niệm của người Việt, bên cạnh việc “làm lễ tiễn” ông Táo, cúng Táo quân còn có ý nghĩa giáo dục, nhắc nhở con người phải sống lương thiện, chăm lo cho gia đình, để Táo quân có thể “báo cáo tốt” với Ngọc Hoàng.
Cúng Tất niên có ý nghĩa đoàn viên rất lớn đối với người Việt, được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm âm lịch, tức là ngày 30 Tết. Các thành viên trong gia đình sum vầy, đoàn tụ sau một năm làm việc hoặc bôn ba, giờ được trở về nhà, quây quần bên nhau, cùng thưởng thức những món ăn ngon truyền thống, cùng trò chuyện, “tổng kết” về một năm sắp qua. Đồng thời, để mọi người cùng thể hiện tình cảm, sự yêu thương, gắn bó ruột thịt. Đây là dịp để các thế hệ trong gia đình có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với nhau những câu chuyện, tâm tư, tình cảm trong năm qua. Cúng Tất niên thể hiện giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc. Nó không chỉ là một nghi lễ mà còn là dịp để người Việt thể hiện tình yêu thương, gắn bó với gia đình, cầu mong cho một năm mới an lành, may mắn.
Cúng Giao thừa cũng là một nghi lễ quan trọng đối với người Việt, thường được tiến hành vào 12 giờ đêm - thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, với ý nghĩa đón năm mới, chào năm cũ, cầu mong cho một năm mới an lành, may mắn. Đây cũng là thời điểm chuyển giao giữa một kỳ vận hành của đất trời, thần linh, vạn vật cỏ cây. Vì vậy, người Việt thường làm lễ cúng Giao thừa để đón chào các vị thần mới với niềm tin, hy vọng sẽ được “phù hộ độ trì” cho cả năm an lành, may mắn, mùa màng bội thu.
Những ngày tiếp theo, để thể hiện sự coi trọng cầu mong may mắn, tốt lành ngay từ đầu năm, người Việt đều tổ chức cúng mùng 1, cúng ông bà, cúng tổ tiên, cúng thần tài,... Trong đó, cúng mùng 1 Tết là một nghi lễ được tổ chức vào sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới. Theo quan niệm của người Việt, ngày mùng 1 Tết là ngày khởi đầu của một chu kỳ hành động mới của đất trời, vạn vật. Vì vậy, lễ cúng mùng 1 Tết để chào đón năm mới, cầu mong cho một năm mới an lành, may mắn, vạn sự như ý. Trong khi đó, lễ hóa vàng sau Tết có ý nghĩa là tiễn ông bà, tổ tiên về cõi âm sau 3 ngày về ăn Tết cùng con cháu. Đây cũng là dịp để con cháu thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên, cầu mong cho một năm mới an lành, may mắn. Thông thường, lễ hóa vàng được tổ chức vào ngày mùng 3 Tết, nhưng hiện nay, nhiều gia đình cũng tổ chức vào ngày mùng 7, mùng 10 hoặc mùng 15 Tết. Mâm cúng hóa vàng thường có các món ăn truyền thống như: bánh chưng, bánh tét, gà, giò chả, xôi, chè, hoa quả,... Ngoài ra, trên mâm cúng còn có tiền vàng, vàng mã,... để đốt cho ông bà.
Bên cạnh việc thực hành các nghi lễ, người Việt thường rất chú trọng đến việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa sạch sẽ, tươm tất để đón Tết. Việc dọn dẹp nhà cửa bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Táo về trời. Gia chủ quét dọn nhà cửa từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, với mong muốn xua đi những bụi bẩn, rủi ro năm cũ, đón chào một năm mới an lành, may mắn. Ngoài ra, gia chủ cũng thường xuyên mua sắm, trang trí nhà cửa bằng các vật dụng, đồ trang trí truyền thông như: câu đối, tranh Tết, hoa tươi, cây cảnh,... Việc trang trí nhà cửa mang ý nghĩa cầu mong cho một năm mới an khang, thịnh vượng, tràn đầy niềm vui.
Xin chữ đầu năm là một nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt.
Người Việt có phong tục biếu quà Tết cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp, những người có ơn với mình vào dịp Tết. Quà Tết dịp Tết Nguyên Đán thường có ý nghĩa tinh thần là chính, thể hiện tình cảm, sự yêu thương, gắn bó giữa quà và người nhận, cũng như thể hiện lòng biết ơn đối với những người có ơn với mình trong một năm vừa qua. Quà Tết cũng là một lời chúc tốt đẹp cho một năm mới an lành, may mắn. Loại quà Tết được biếu thường là những món ăn, đồ uống, vật dụng có ý nghĩa mang lại may mắn, sung túc, thịnh vượng trong năm mới. Bên cạnh đó, tục lì xì đầu năm trong văn hóa người Việt là một truyền thống quan trọng trong dịp Tết Nguyên Đán. Việc tặng lì xì không chỉ mang lại chúc phúc và may mắn mà còn thể hiện lòng tôn trọng, tri ân đối với người lớn tuổi và duy trì mối quan hệ gia đình; tạo điểm nhấn vui tươi trong không khí Tết và thể hiện tâm lý chia sẻ và kết nối mọi người trong cộng đồng.
Trong ngày Tết, người Việt thường đến với các di tích tín ngưỡng, tôn giáo, tham gia các nghi lễ truyền thống như lễ hội, hội chùa,.... kết nối với tâm linh, tôn giáo và mong cầu sự hỗ trợ tâm linh, chúc cho sức khỏe, may mắn và hạnh phúc trong năm mới, đồng thời mang lại năng lượng tích cực và tinh thần lạc quan cho người tham gia. Sự tập trung vào những giá trị tốt lành và lòng biết ơn giúp tạo nên không khí tích cực cho cả cá nhân và cộng đồng.
Đi kèm với đó là tục xin lộc đầu năm. Tục xin lộc đầu năm là một phong tục của người Việt, cũng có ý nghĩa cầu mong cho một năm mới an lành, may mắn, gặp nhiều điều tốt lành. Theo quan niệm của người Việt, lộc biểu tượng cho sự sinh sôi, phát triển, mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ. Tục hái lộc đầu năm thường được thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết. Người dân thường đi hái lộc ở những nơi linh thiêng, như đình chùa, miếu giả,... hoặc những cây cổ thụ, to lớn, xanh tốt. Cành lộc thường được cắm ở nhà, ở bàn thờ tổ tiên, hoặc ở nơi trang trọng trong nhà. Bên cạnh đó, với quan niệm, chữ là biểu tượng của tri thức, trí tuệ, thành đạt, tục xin chữ đầu năm là một cách để cầu mong cho một năm mới được học hành, thi cử đỗ đạt, công việc thuận lợi, làm ăn phát đạt. Người dân thường đến nhà các thầy đồ, nhà thư pháp để xin chữ.
Ý nghĩa quan trọng nhất của Tết chính là thể hiện, thực hành những giá trị đạo lý của dân tộc, đồng thời tạo ra động lực tinh thần cho một năm mới. Những thực hành đạo lý này như báo hiếu, chia sẻ tình cảm không chỉ dành cho quá khứ, hiện tại mà còn cho cả tương lai. Đây là những cách các gia đình, cộng đồng và toàn xã hội truyền đi những thông điệp đầy ý nghĩa về văn hoá, là một cách giáo dục giá trị đạo đức cho mỗi con người. Những mong ước gửi gắm đến các cơ sở tâm linh đầu năm lại chính là những thực hành giúp tạo ra động lực tinh thần tốt, để từ đó chúng ta vững tin hơn vào cuộc sống, vào hành động của mình trong tương lai. Chính vì thế, đầu năm, chúng ta luôn cầu mong những điều tốt đẹp về sức khoẻ, hạnh phúc, tiền tài, danh vọng là vì lý do như vậy.
Về cơ bản, tinh thần Tết Nguyên đán vẫn còn được giữ gìn đến ngày hôm nay. Chúng ta vẫn luôn mong chờ được đến những ngày Tết, được đón Giao thừa, nghe chúc Tết từ Chủ tịch nước, xem bắn pháo hoa, chia sẻ với nhau những lời chúc tốt lành. Đó là điều đáng mừng khi quá trình toàn cầu hóa đã khiến cho không ít giá trị truyền thống của nhiều dân tộc bị biến mất, đi kèm với đó là sự nguy vong của văn hóa dân tộc.
Có nhiều điều đã bị mai một trong cuộc sống hiện nay do chúng ta đang sống trong một bối cảnh xã hội khác. Có những thứ, dù chúng ta mong muốn, cũng khó có thể phục hồi. Tết cũng vậy! Trải qua thời gian, do tác động của bối cảnh xã hội, Tết ngày nay đã có nhiều biến đổi. Có nhiều nét tích cực như Tết giờ đây phong phú và đa dạng hơn. Thay vào chủ yếu tập trung cho ăn uống (ăn Tết) và nghi lễ, ngày nay “chơi” Tết được chú trọng hơn. Người dân dành thời gian đi du lịch, thưởng ngọan cảnh đẹp, vui chơi, giải trí nhiều hơn để giải tỏa cho những ngày làm việc vất vả. Việc cúng lễ cũng trở nên thuận tiện hơn nhờ dịch vụ bên ngoài đã giúp đỡ các gia đình không quá vất vả với nồi bánh chưng hay các món nấu nướng khác. Mâm cỗ cúng có nhiều món hơn; hoa quả cũng phong phú, hình thức và chất lượng cũng tốt hơn trước...
Tuy nhiên, cũng có nhiều biểu hiện tiêu cực khiến chúng ta lo ngại về việc giữ gìn giá trị và tinh thần Tết. Tết giờ đây chú trọng nhiều đến cá nhân, đến những lợi ích vật chất. Nhiều những nét đẹp cộng đồng bị phai nhạt. Nhiều tục lệ bị biến tướng, thương mại hóa làm mất đi ít nhiều ý nghĩa ban đầu của ngày Tết hay những lễ hội trong dịp Tết. Đặc biệt, việc lợi dụng dịp Tết để biếu, tặng quà như một hình thức hối lộ trá hình, biểu hiện của tham nhũng khiến năm nào Trung ương cũng phải có một Chỉ thị về nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp theo mọi hình thức. Có lẽ chúng ta cần tìm hiểu kỹ hơn những giá trị căn bản của Tết như báo hiếu, như chia sẻ tình cảm, như tạo động lực tinh thần cho một năm mới, từ đó, có những thực hành để làm sâu sắc hơn những giá trị này, thì Tết sẽ có thêm giá trị. Bằng không, chúng ta sẽ đánh mất những giá trị đáng quý của Tết, và cũng là một phần hồn cốt của dân tộc.
Xông đất ngày Tết.
Cuối cùng, Tết Nguyên đán là một dịp vô cùng đặc biệt đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội. Đây là thời điểm của những thực hành nghi lễ truyền thống và tạo tâm lý tích cực cho một năm mới có thể có nhiều khó khăn. Chính vì thế, chúng ta cần làm nhiều việc để thể hiện trách nhiệm đối với truyền thống cũng như giúp tâm lý của chúng ta vững vàng hơn cho giai đoạn thử thách sắp tới. Tri ân truyền thống qua việc đoàn tụ với gia đình, thực hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên để không chỉ tưởng nhớ ông bà, mà còn kết nối thế hệ hiện tại, và tạo ra bài học về tình thương yêu cho thế hệ tương lai; đến với những thiết chế tâm linh để tìm kiếm sự an ủi về tinh thần từ truyền thống, tín ngưỡng, làm những việc thiện nguyện, sống tích cực, vui vẻ để có một không khí tràn đầy năng lượng của một năm mới, chính là những việc chúng ta cần làm trong năm mới. Tất cả vì một Việt Nam giàu mạnh, văn minh, phồn vinh và hạnh phúc từ những hành động thiết thực trong ngày Tết./.
Về nguồn gốc, Tết Nguyên Đán, hay còn gọi là Tết cổ truyền, là một trong những lễ hội quan trọng và truyền thống nhất của người Việt Nam, được tổ chức vào ngày mùng 1 tháng Giêng âm lịch, đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa một kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Theo một số nhà khoa học, Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ văn hóa truyền thống của người Việt, có ảnh hưởng từ các nền văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ. |
PGS. TS. BÙI HOÀI SƠN/TG
Liên kết website
Đang truy cập: 75
Hôm nay: 24,484
Hôm qua: 24,142
Tháng hiện tại: 203,847
Tháng trước: 799,455
Tổng lượt truy cập: 8,582,243