Đang truy cập: 70
Hôm nay: 17,157
Hôm qua: 18,245
Tháng hiện tại: 131,225
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 9,841,542
- Đang truy cập70
- Hôm nay17,157
- Tháng hiện tại131,225
- Tổng lượt truy cập9,841,542
Gần đây, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, làm việc với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và từng hội thành viên, làm việc với các tỉnh, thành lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng… về công tác văn hóa. Qua kết quả làm việc, khảo sát cho thấy nổi lên một số vấn đề như sau về công tác Hội và phát huy vai trò đội ngũ văn nghệ sỹ trong tham gia đồng hành cùng công tác tuyên giáo và sự nghiệp xây dựng đất nước:
Sau hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có những chỉ đạo sát sao, cụ thể, sáng tạo, toàn diện và lâu dài về công tác văn hóa. Gần đây, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, làm việc với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và từng hội thành viên, làm việc với các tỉnh, thành lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng… về công tác văn hóa. Qua kết quả làm việc, khảo sát cho thấy nổi lên một số vấn đề như sau về công tác Hội và phát huy vai trò đội ngũ văn nghệ sỹ trong tham gia đồng hành cùng công tác tuyên giáo và sự nghiệp xây dựng đất nước:
1- NHỮNG NÉT TƯƠI SÁNG, TÍCH CỰC CỦA CÔNG TÁC HỘI VÀ TÌNH HÌNH ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ
Số lượng văn nghệ sỹ cả nước do Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố quản lý là hơn 42.000 người, trong đó ở trung ương xấp xỉ 19.000 người và tỉnh, thành phố xấp xỉ 23.000 người.
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là cơ quan đầu mối, tập hợp, là mái nhà chung của 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 63 Hội các tỉnh, thành phố. Các Hội từ Trung ương đến địa phương là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp do Đảng lãnh đạo, thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Nhìn chung, các hội giữ được sự đoàn kết nhất trí, hàng năm đều hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao cho trên mặt trận văn hóa, văn nghệ.
Trong nhiều năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước luôn kiên định, vững tin đối với Đảng, gắn bó sâu sắc với đời sống của nhân dân, toàn tâm phấn đấu nâng cao chất lượng sáng tác. Đại bộ phận trí thức văn nghệ sỹ tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới và những quyết sách của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, kiên trì, tâm huyết với công việc sáng tác của người nghệ sỹ, gắn bó với các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc. Các cuộc thi sáng tác, các công trình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn học nghệ thuật do các Hội tổ chức được các văn nghệ sỹ tham gia hưởng ứng với sự say mê, tâm huyết.
Trong sáng tạo nghệ thuật, về căn bản, các tác phẩm văn nghệ đi đúng hướng, phản ánh hiện thực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, các tác giả tiếp tục tái hiện hiện thực cách mạng và kháng chiến hào hùng của dân tộc, lịch sử kiên cường bất khuất và những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Văn nghệ cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái mới tiến bộ, tạo dựng những tấm gương điển hình của con người thời đại: người lao động sáng tạo, những người làm giàu chân chính cho đất nước, những gương công hiến, hy sinh bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh xã hội…
|
Văn nghệ phê phán khá mạnh mẽ cái tiêu cực như tình trạng mất dân chủ, tham nhũng, lộng quyền và lạm quyền, thoái hóa biến chất về lý tưởng, đạo đức, lối sống vị kỉ, không tình nghĩa, chạy theo đồng tiền và lợi ích vật chất thiển cận... Văn nghệ sĩ được đảm bảo tự do sáng tạo, được chú trọng bảo vệ bản quyền về sáng tác, biểu diễn. Từ năm 2000, Nhà nước đảm bảo hỗ trợ cho việc sáng tạo và quảng bá tác phẩm, duy trì hoạt động của tổ chức Hội Văn học nghệ thuật với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.
Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thực sự trở thành một sinh hoạt văn hóa sâu rộng, bền bỉ đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của các văn nghệ sỹ, góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bồi đắp nền tảng tư tưởng, đạo đức, văn hóa trong Đảng và toàn xã hội; phát hiện, cổ vũ, nêu gương, góp phần nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực.
Các sinh hoạt chuyên môn như hội thảo khoa học, giao lưu nghệ thuật trong nước và quốc tế luôn được duy trì. Những vấn đề lớn của đời sống văn học nghệ thuật hiện nay như văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực, văn học nghệ thuật với việc thể hiện các đề tài lịch sử dân tộc, với truyền thống và hiện đại, các khuynh hướng văn học nghệ thuật… đã được tổ chức thông qua các cuộc hội thảo, trao đổi, đặt ra nhiều vấn đề mới. Giải thưởng hằng năm của các hội văn học nghệ thuật vẫn được duy trì, xuất hiện nhiều tác phẩm tốt, khẳng định những giá trị mới trong đời sống nghệ thuật.
Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, nhiều địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình… đã xây dựng chương trình hành động cụ thể với nhiều đề án xây dựng, phát triển văn học nghệ thuật; quan tâm bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sỹ và đầu tư kinh phí, có cơ chế, chính sách phát triển văn học nghệ thuật. Đơn cử như Đà Nẵng hằng năm, Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức các cuộc gặp mặt các văn nghệ sỹ tiêu biểu, tạo điều kiện để văn nghệ sỹ thành phố nói lên tiếng nói của mình, góp ý kiến vào việc xây dựng phát triển văn hóa thành phố; kịp thời động viên văn nghệ sỹ lao động, sáng tạo. Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật, khuyến khích văn nghệ sỹ sáng tạo, tổ chức tốt các hoạt động văn học, nghệ thuật, đưa văn học, nghệ thuật đến với công chúng.
2-MỘT SỐ HẠN CHẾ, KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC ĐANG ĐẶT RA
Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành về thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản khác của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ còn chưa đầy đủ, công tác triển khai thực hiện ít được quan tâm, chưa thật sự quyết liệt. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền hiện nay chưa thực sự quan tâm tới trí thức, văn nghệ sỹ, còn có sự thiếu hiểu biết về văn học nghệ thuật, đánh giá chưa đúng, chưa toàn diện các giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật. Ở một số địa phương, do không hiểu tính đặc thù của văn hóa, văn học nghệ thuật, áp dụng máy móc, vội vã thay cán bộ chủ chốt, đưa người không có nghiệp vụ chuyên môn sang lãnh đạo dẫn đến tình trạng trì trệ, yếu kém, lục đục, mất đoàn kết. Vừa qua, trong thực hiện công tác tổ chức, cán bộ ở một số địa phương như Long An, Vĩnh Long, Ninh Thuận, Bắc Kạn do không hiểu đúng vấn đề đã vội xóa bỏ, sáp nhập tổ chức Hội văn học nghệ thuật dẫn đến tình trạng bất ổn về mặt tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sỹ.
Vai trò phản biện của người trí thức, văn nghệ sỹ trong các hoạt động văn học nghệ thuật, trong đời sống xã hội chưa được các cơ quan quản lí nhà nước coi trọng đúng mức: ví dụ như trong các công trình kiến trúc, mĩ thuật, văn hóa dân gian, di tích, âm nhạc truyền thống… Các cơ quan quản lí thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các Hội. Quốc hội từ nhiệm kì 2011 - 2020 không có văn nghệ sỹ nào được tham gia là đại biểu Quốc hội, Quốc hội thiếu tiếng nói của văn nghệ sỹ. Quản lý nhà nước về hoạt động văn học nghệ thuật hiện nay thiếu vắng những người có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết rộng; còn buông lỏng trong quản lý, chỉ đạo, nhất là hoạt động biểu diễn. Một số đề án về văn học nghệ thuật chưa được thể chế hóa cụ thể. Báo, tạp chí, các nhà xuất bản của các Hội còn gặp nhiều khó khăn trong phát hành, xuất bản mà chưa được tháo gỡ, giải quyết phù hợp trong tình hình mới
Việc chăm lo xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế nhiều nơi còn lúng túng, chưa có nhiều mô hình hiệu quả. Nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa ngay cả ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng... cũng chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng, chưa đáp ứng được chỉ tiêu phát triển của ngành văn hóa, cũng như còn thấp so với đầu tư trong lĩnh vực kinh tế và một số lĩnh vực khác. Kinh phí của từng địa phương có hạn nên việc chi cho các hoạt động văn học, nghệ thuật còn hạn chế nhất là các tỉnh, miền núi, vùng sâu, vùng hải đảo. Nguồn cán bộ quản lý là văn nghệ sĩ giỏi tại các địa phương thiếu hụt, nên ảnh hưởng tới các hoạt động văn học, nghệ thuật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ trẻ nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Ở các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, những văn nghệ sỹ tiêu biểu, có bề dày sáng tác, có uy tín cao ra đi rất nhiều, thiếu cán bộ thực sự đủ tầm để thay thế. Đời sống của đại bộ phận anh chị em văn nghệ sỹ còn khó khăn, nhất là những cán bộ làm công tác quản lý văn nghệ tại các tổ chức Hội kể cả người đang hưởng lương và người đã về hưu.
|
Đội ngũ văn nghệ sỹ đã có sự phân hoá: một bộ phận lớn văn nghệ sỹ, chủ yếu là những người cao tuổi gắn bó với cách mạng và kháng chiến là lực lượng nòng cốt trong các Hội Văn học nghệ thuật vẫn giữ quan điểm sáng tác của Đảng. Còn một bộ phận văn nghệ sỹ trẻ, có tài, có tác phẩm hiện nay hành nghề tự do, không muốn vào Hội. Tác phẩm của họ tự xuất bản, tổ chức biểu diễn, làm phim theo đơn đặt hàng của các Hãng tư nhân. Nội dung tác phẩm chủ yếu đề cập tới hiện thực đời sống xã hội đương đại với cách nhìn, cách nghĩ của giới trẻ. Tác phẩm ít có chiều sâu về tư tưởng, giá trị nhân văn nhưng lại được các cơ quan truyền thông quảng bá rộng rãi có tác động không nhỏ đến thị hiếu thẩm mĩ của công chúng, nhất là tầng lớp bình dân và giới trẻ. Cá biệt có văn nghệ sĩ chưa đề cao trách nhiệm xã hội, công dân, suy giảm lòng tin vào sự nghiệp cách mạng, phát ngôn, viết hồi ký, sách báo bộc lộ sự dao động, hoài nghi về lý tưởng và niềm tin đối với sự phát triển của đất nước trong vận hội mới.
Vẫn tồn tại dai dẳng khuynh hướng thương mại hóa, giải trí tầm thường hóa ở một số lĩnh vực, chi phối một bộ phận công chúng. Thiếu vắng những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, tâm huyết về đề tài cách mạng và hai cuộc kháng chiến; đặc biệt là những tác phẩm phản ánh công cuộc đổi mới hiện nay có tác động mạnh mẽ tới công chúng. Còn có biểu hiện dễ dãi, bằng lòng với tình trạng nghiệp dư, “ăn xổi ở thì”, chiều theo thị hiếu cũ kĩ hoặc tầm thường, thậm chí lập dị, ngộ nhận dưới danh nghĩa các trào lưu văn học nghệ thuật phương Tây như: hậu hiện đại, giải cấu trúc, đại tự sự... Một số ngành văn học nghệ thuật hiện nay đang bị mai một, khủng hoảng, chịu sự tác động của cơ chế thị trường, xu hướng hội nhập như điện ảnh, sân khấu truyền thống dân tộc, nghệ thuật biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học, bảo tồn các di sản văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số… đang báo động đỏ. Hoạt động lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học, nghệ thuật vẫn chưa được chú trọng phát triển tương xứng.
2. MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT HUY VAI TRÒ LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VÀ ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ ĐỒNG HÀNH CÙNG CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO VÀ SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, hướng tới các mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường gắn với dấu mốc 100 năm lập Đảng và 100 năm lập quốc đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác lập, khẳng định không thể thiếu vai trò, tâm huyết, sự cống hiến và “bùng cháy” hết mình của đội ngũ văn nghệ sỹ. Quan tâm, đồng hành, phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sỹ phải trở thành một trọng tâm xuyên suốt trong các chiến lược chấn hưng, phát triển văn hóa, là bộ phận quan trọng thực hiện công tác tuyên giáo của Đảng. Kết quả từ các cuộc khảo sát, làm việc của Ban Tuyên giáo Trung ương thời gian qua cho thấy cần triển khai một số giải pháp sau:
Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt những nội dung trọng tâm và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc đồng thời với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tăng cường giám sát việc thực hiện các giải pháp Nghị quyết 05-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (khóa VIII), Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 33-NQ/TW (khóa XI), Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền về vai trò, vị trí của văn hóa, văn nghệ, văn nghệ sỹ; xác định rõ mô hình tổ chức Hội Văn học nghệ thuật là một mắt xích quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng và Nhà nước.
Củng cố tổ chức các Hội Văn học nghệ thuật từ trung ương tới địa phương. Bố trí cán bộ làm công tác Văn học nghệ thuật nắm vững quan điểm, đường lối, các chính sách về văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước; tập hợp được đội ngũ văn nghệ sỹ, động viên sáng tác để có được những sản phẩm văn hoá, văn nghệ tốt phục vụ nhân dân. Thường xuyên tổ chức học tập các Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, bản lĩnh, tầm nhìn cho văn nghệ sỹ, làm cho văn nghệ sỹ nhận thức sâu sắc tính chất sâu xa của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, trách nhiệm của văn nghệ sỹ đối với cơ đồ và vị thế phát triển của đất nước.
Tăng cường nguồn lực cho văn hóa. Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ sáng tạo cho văn nghệ sỹ, mỗi năm có tăng dần theo sự tăng trưởng của kinh tế quốc dân. Tăng cường cơ sở vật chất cho một số Hội Văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương đủ mạnh để thực hiện công tác văn học nghệ thuật. Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật và báo chí phục vụ cho nhiệm vụ tuyền truyền chính trị của Đảng và Nhà nước giai đoạn 2020 - 2025. Phát huy hiệu quả việc văn nghệ sỹ tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của các cơ quan quản lý nhà nước.
Đổi mới cơ chế hỗ trợ đầu tư, không cào bằng, có nhiều hình thức tôn vinh xứng đáng những người giỏi, khuyến khích mọi tài năng, thực sự coi trọng động lực sáng tạo. Tìm kiếm mọi điều kiện mở rộng đầu ra, tăng cường quảng bá tác phẩm, đưa sản phẩm văn học nghệ thuật đến đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Tạo mọi điều kiện để văn nghệ sỹ gắn bó với thực tiễn, đến với cuộc sống sôi động, rộng lớn của đất nước, vừa để tích lũy vốn sống, lấy cảm hứng sáng tạo và cũng là cách tốt nhất để nâng cao nhận thức, tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm với cuộc sống. Chú ý đúng mức đến tính chất đặc thù của văn học nghệ thuật để có đội ngũ cán bộ giỏi, có tâm, có tài, hiểu biết, quý trọng văn nghệ sỹ, vừa kế thừa, vừa trẻ hóa đội ngũ./.[1]
TG
[1] Tóm lược từ Báo cáo kết quả triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ năm 2022 của Đảng đoàn Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam
Liên kết website
Đang truy cập: 70
Hôm nay: 17,157
Hôm qua: 18,245
Tháng hiện tại: 131,225
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 9,841,542