Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Phú Yên

https://tuyengiao.phuyen.gov.vn


Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh

Nằm trong hệ thống di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh là công trình xây dựng, địa điểm gắn liền với thân thế và sự nghiệp của Danh nhân Lương Văn Chánh. Việc gìn giữ, tôn tạo di tích này là trách nhiệm của cộng đồng, thể hiện lòng tri ân đối với bậc tiền nhân.

Nằm trong hệ thống di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh là công trình xây dựng, địa điểm gắn liền với thân thế và sự nghiệp của Danh nhân Lương Văn Chánh. Việc gìn giữ, tôn tạo di tích này là trách nhiệm của cộng đồng, thể hiện lòng tri ân đối với bậc tiền nhân.

1
Múa cờ tại lễ dâng hương tưởng niệm Danh nhân Lương Văn Chánh. Ảnh: THIÊN LÝ

Hiện công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh có nhiều chuyển biến tích cực; đóng góp quan trọng vào xây dựng và phát triển văn hóa địa phương.

Tri ân công thần mở đất

Trong chiều dài lịch sử 410 năm Phú Yên hình thành và phát triển, Danh nhân Lương Văn Chánh là bậc khai quốc công thần, có công chiêu tập lưu dân, tổ chức khẩn hoang, lập làng lập ấp, ổn định và phát triển đời sống nhân dân vùng đất Phú Yên những năm cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Công trạng của Lương Văn Chánh được các triều đại phong kiến ghi nhận và ban tặng nhiều sắc phong. Ngày 19/9 âm lịch năm 1611, ông qua đời và được an táng tại ấp Phụng Nguyên, nay thuộc thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa. Ông được nhân dân tôn vinh là Thành hoàng của vùng đất Phú Yên, xây dựng mộ và đền thờ để tưởng nhớ công lao mở đất của bậc tiền nhân. Trong một công trình nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp Lương Văn Chánh, PGS.TS Nguyễn Văn Thưởng, Trường đại học Phú Yên, có đoạn viết: “Phú Yên là miền đất biên viễn của Đại Việt từ thế kỷ XV, sau sự kiện vua Lê Thánh Tông cho quân tiến đến núi Thạch Bi (núi Đá Bia). Từ đó, vùng đất này có nhiều thay đổi theo thời gian rồi thuộc hẳn về Đại Việt năm 1597 mà công lao to lớn gắn với tên tuổi của Lương Văn Chánh - người đầu tiên đưa lưu dân phía Bắc vào khai khẩn, lập làng”.

Ngoài di tích Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh, sự thành kính tri ân công thần mở đất Phú Yên của người dân đất Phú dành cho Lương Văn Chánh còn thể hiện ở việc lập bàn thờ ông tại gia đình, dòng họ; chọn tên danh nhân đặt tên đường, tên trường học. Cụ thể, tại trung tâm TP Tuy Hòa có tuyến đường mang tên Lương Văn Chánh; xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa có trường học mang tên ông. Đặc biệt nhất là Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, được thành lập vào ngày 15/10/1946 tại Tuy Hòa. Theo tài liệu lịch sử hình thành trường, thầy Trần Sĩ, Hiệu trưởng đầu tiên từ năm 1946-1951 nói về tên trường: “Chúng tôi đã suy nghĩ tìm tên một nhân vật thích đáng để đặt tên cho trường và chúng tôi đề nghị lấy tên Lương Văn Chánh”.

Bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị di tích

Theo Sở VH-TT-DL, năm 2009, UBND tỉnh thực hiện dự án Trùng tu, mở rộng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh với tổng kinh phí hơn 34 tỉ đồng với các hạng mục đường vào di tích, xây dựng mới đền thờ, mở rộng và nâng cấp mặt bằng, xây dựng tường rào, trồng cây xanh tại di tích. Năm 2014, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, di tích được tu bổ điện thờ, trang trí nội thất và đúc tượng Danh nhân Lương Văn Chánh bằng đồng trong tư thế ngồi ghế tựa, tay cầm chiếu chỉ, chiều cao của tượng 1,7m. Năm 2018, huyện Phú Hòa tiếp tục thực hiện dự án mở rộng, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh với các hạng mục: xây dựng nhà nghỉ chân kết hợp với bán hàng lưu niệm; xây dựng nhà bếp, nhà ăn; sửa chữa, mở rộng nhà trưng bày; xây dựng hòn non bộ trong khuôn viên đền thờ... với tổng kinh phí đầu tư hơn 5 tỉ đồng.

Ông Lương Công Trình, Trưởng Phòng VH-TT huyện Phú Hòa, cho biết: “Lễ hội là một trong những sự kiện quan trọng của cán bộ và nhân dân Phú Hòa nhằm tưởng nhớ và tri ân vị Thành hoàng đã có công to lớn trong việc mở mang bờ cõi, tạo dựng vùng đất Phú Yên. Đây còn là dịp để người dân phát huy tình đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua gian khó, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; giới thiệu hình ảnh quê hương và con người Phú Hòa đến với bạn bè khắp nơi; đồng thời phát triển du lịch của huyện Phú Hòa. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19, lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh năm nay chỉ tổ chức phần lễ, dừng toàn bộ các hoạt động ở phần hội”.

Trong chiến lược phát triển du lịch Phú Yên, Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh là một trong những địa điểm du lịch tâm linh quan trọng, được đánh giá có tiềm năng khai thác phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế những hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch, hoạt động lễ hội ở đây còn quá đơn điệu, nếu không nói là chưa có gì để hấp dẫn du khách.

Để di tích Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh trở thành điểm du lịch tâm linh đặc trưng cần có một số giải pháp như: định hình và phát triển lễ hội Lương Văn Chánh với các hoạt động lễ hội truyền thống thật sự đặc trưng, mang đậm nét văn hóa truyền thống ở quy mô lễ hội cấp tỉnh; nâng cấp đường đến khu di tích; đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ, các công trình tín ngưỡng, tôn giáo gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh; đầu tư, làm mới các biển chỉ dẫn, giới thiệu về ý nghĩa, giá trị của các di tích để người dân trong và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu... 

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh, tộc Lương cùng với các cấp, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích một cách khoa học. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong dòng họ về giá trị của di tích. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh nói riêng và di sản văn hóa Việt Nam nói chung.

Ông Lương Thế Hùng, Trưởng Ban Trị sự tộc Lương Phú Yên

THIÊN LÝ/PYO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây