Đang truy cập: 145
Hôm nay: 11,697
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 374,735
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,085,052
- Đang truy cập145
- Hôm nay11,697
- Tháng hiện tại374,735
- Tổng lượt truy cập10,085,052
Để giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác lý luận, ở cấp trung ương có Ban Tuyên giáo Trung ương với tư cách là cơ quan tham mưu và Hội đồng Lý luận Trung ương với tư cách là cơ quan tư vấn. Ban Tuyên giáo có hệ thống tổ chức từ trung ương đến tỉnh, huyện, nhưng ở cấp địa phương, chủ yếu là chăm lo cho công tác tuyên giáo nói chung, ít có điều kiện tham gia công tác lý luận.
Công tác lý luận của Đảng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng của công tác tuyên giáo nói riêng và của công tác xây dựng Đảng nói chung.
Về xây dựng Đảng, Đảng ta chủ trương xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trên cả 5 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và phong cách lãnh đạo.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về tư tưởng là bao gồm cả tư tưởng và lý luận, hai mặt đó gắn bó hữu cơ với nhau mà lý luận luôn có vai trò tiên phong.
Tầm quan trọng của công tác lý luận được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nêu rõ trong tác phẩm Đường cách mệnh (năm 1927), với việc trích dẫn ngay ở trang đầu câu nói bất hủ của V. I. Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”(1).
Chữ “cách mệnh vận động” nói ở đây được hiểu là phong trào cách mạng. Còn lý luận cách mệnh tiên phong không gì khác là lý luận Mác - Lênin.
Chín mươi năm qua, trong lãnh đạo cách mạng nói chung, cũng như trong xây dựng Đảng nói riêng, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác lý luận, theo tinh thần Bác Hồ đã nêu.
Công tác lý luận của Đảng bao gồm nhiều mặt: nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, giáo dục lý luận, đấu tranh về lý luận, xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận.
NHỮNG THÀNH TỰU
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã đưa nước ta vào một thời kỳ phát triển mới - thời kỳ cả nước thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là thời kỳ Đảng ta ra sức tìm tòi và sáng tạo lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phù hợp với tình hình và đặc điểm của nước ta qua mỗi giai đoạn phát triển.
Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện. Đổi mới toàn diện là đổi mới từ tư duy đến đổi mới tổ chức, cán bộ và phong cách lãnh đạo; từ đổi mới kinh tế đến đổi mới chính trị và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Đường lối đổi mới toàn diện được đề ra là kết quả việc tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận trong 10 năm sau ngày nước nhà thống nhất, đồng thời cũng mở ra một trang mới cho việc phát triển công tác lý luận của Đảng.
|
Từ Đại hội VI đến nay, Đảng ta đã trải qua 6 kỳ đại hội mà đại hội nào cũng ghi thêm một dấu ấn phát triển của công tác lý luận.
Đại hội VII của Đảng (1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) trong đó vạch ra 6 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội và 7 phương hướng cơ bản cần nắm vững trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đại hội VIII (1996) của Đảng khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn; nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đã cơ bản hoàn thành chặng đường đầu của thời kỳ quá độ và cho phép chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001) một lần nữa khẳng định Cương lĩnh là ngọn cờ chiến đấu và thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội còn xác định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam”, coi tư tưởng Hồ Chí Minh là một học thuyết chính trị - cách mạng và khẳng định việc “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta”(2).
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006), trên cơ sở tổng kết 20 năm đổi mới, Đảng ta khẳng định: “Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản”(3).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011) đã tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), xác định rõ hơn những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa, vạch ra các phương hướng cơ bản và những mối quan hệ lớn cần nắm vững và giải quyết trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Đại hội XII (2016) khẳng định: “Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp to lớn của Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(4)...
Tổng quát lại, thành tựu quan trọng về lý luận mà Đảng ta đạt được qua gần 35 năm đổi mới là đã hình thành được một hệ thống quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, làm cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn. |
Đạt được những thành tựu quan trọng nêu trên là nhờ công tác lý luận của Đảng đã nghiêm chỉnh thực hiện những định hướng nghiên cứu do Trung ương Đảng đã vạch ra, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới (Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 1/8/2007) và Nghị quyết của Bộ Chính trị khoá XI về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 (Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9/10/2014). Cụ thể:
Một là, nghiên cứu sâu hơn về tính chất, đặc điểm mới của thời đại, về tình hình thế giới và khu vực, quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, các lực lượng trên thế giới tác động đến Việt Nam, những trào lưu tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu toàn diện hệ thống lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045, làm rõ cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ba là, tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là một số nội dung của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường, về nhà nước, thị trường và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường...
Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình. (Ảnh: TTXVN) |
Bốn là, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn những vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và môi trường, tập trung vào hệ giá trị, văn hóa con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Năm là, nghiên cứu và làm rõ những vấn đề trọng yếu về bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Sáu là, những vấn đề về đảng cầm quyền, nhà nước pháp quyền, đổi mới chính trị và hệ thống chính trị, tập trung nghiên cứu: mục đích, nội dung, phương thức, điều kiện cầm quyền, thực thi dân chủ trong Đảng...
Những định hướng này, cho đến nay và sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới vẫn còn tính thời sự và có hiệu lực thi hành.
HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác lý luận của Đảng vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Những hạn chế, khuyết điểm ấy đã được Đảng thẳng thắn chỉ rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng cũng như trong các nghị quyết chuyên đề của Trung ương các khóa. Cụ thể là:
Công tác lý luận còn lạc hậu trên một số mặt, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đang vận động nhanh chóng, phong phú, phức tạp, chưa giải quyết được nhiều vấn đề do thực tiễn đất nước đặt ra.
Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ được một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới; lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ như Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (năm 2016) đã đề ra.
Chất lượng, hiệu quả của công tác lý luận chưa cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới.
BÀI HỌC VÀ SUY NGẪM
Một là, bài học về nhận thức.
Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn là bộ phận cấu thành quan trọng nhất của công tác lý luận nói chung. Để làm tốt công tác này, trước hết, cần nhận thức rõ mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và nghiên cứu lý luận với thực tiễn và tổng kết thực tiễn.
Lý luận đạt tầm khoa học phải phản ánh đúng hiện thực khách quan trong những điều kiện lịch sử nhất định. Sự phát triển của hiện thực trong các điều kiện lịch sử thay đổi là cơ sở của đổi mới và phát triển lý luận. Vì vậy, không nên biến các nguyên lý lý luận thành cái giáo điều khô cứng, máy móc và coi là khuôn mẫu bắt hiện thực phải vận động theo một cách duy ý chí. Tổng kết thực tiễn phải nắm vững những vấn đề lý luận cơ bản, có quan điểm tiếp cận thực tiễn đúng đắn, có phương pháp luận khoa học khi đánh giá thực tiễn và giải quyết các vấn đề.
Phải coi nghiên cứu lý luận là một khoa học, không nên đồng nhất lý luận với chính trị hoặc tách rời, đối lập lý luận với chính trị. Nếu đồng nhất công tác lý luận với công tác chính trị thì sẽ làm mất tính khách quan, khoa học, và như vậy, nội dung nghiên cứu lý luận chỉ là tìm cách minh họa các nghị quyết có sẵn, thiếu đột phá, sáng tạo. Mặt khác, cũng phải tránh rơi vào một khuynh hướng cực đoan khác là tách rời hoặc đối lập lý luận với chính trị. Bởi lý luận của chúng ta là lý luận chính trị, cách mạng, cho nên phải gắn bó chặt chẽ với chính trị, cách mạng, với đường lối của Đảng.
Hai là, bài học về xây dựng và phát huy môi trường dân chủ.
Chỉ trong môi trường dân chủ thì nghiên cứu lý luận mới có thể tìm tòi, khám phá, phát hiện ra những vấn đề đòi hỏi phải tổng kết thực tiễn để kiểm chứng, chứng minh, khẳng định hay bác bỏ... Cũng chỉ trong môi trường dân chủ thực sự thì tổng kết thực tiễn mới nhìn thẳng vào sự thật, mới dám rút ra những kết luận trái với mong muốn của các chủ thể nhưng khách quan, trên cơ sở đó, giải đáp và trả lời được về mặt lý luận. |
Trên cơ sở đề nghị của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 25/4/2015, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Quy định số 285-QĐ/TW “Về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước”, trong đó khẳng định: Dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị là bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được tự do sáng tạo, độc lập suy nghĩ, kiến nghị, được tôn trọng, tiếp thu ý kiến, vận dụng, sử dụng, kết quả nghiên cứu trong các hoạt động nghiên cứu lý luận chính trị, phù hợp với pháp luật hiện hành”. Đây là một bước tiến trong nhận thức của Đảng, tạo cơ sở chính trị quan trọng để phát huy dân chủ, tính sáng tạo trong nghiên cứu lý luận. Trên thực tế, vẫn còn có những biểu hiện như: trong nghiên cứu lý luận, nhiều nhà nghiên cứu thường nghiêng về thuyết minh, minh chứng cho những luận điểm chính trị có sẵn, ít phê phán, tìm tòi, khám phá do sợ “phạm quy”. Trong công tác tổng kết thực tiễn cũng vậy, những kết luận rút ra dường như chỉ ở mức chứng minh, làm sáng tỏ thêm cho những luận điểm chính trị đã có.
Ba là, bài học về xây dựng tổ chức, bộ máy.
Để giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác lý luận, ở cấp trung ương có Ban Tuyên giáo Trung ương với tư cách là cơ quan tham mưu và Hội đồng Lý luận Trung ương với tư cách là cơ quan tư vấn. Ban Tuyên giáo có hệ thống tổ chức từ trung ương đến tỉnh, huyện, nhưng ở cấp địa phương, chủ yếu là chăm lo cho công tác tuyên giáo nói chung, ít có điều kiện tham gia công tác lý luận. Nhiều năm qua, giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương đã có những cố gắng phối hợp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Đã tổ chức nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm. Tuy nhiên, chất lượng các sản phẩm đạt được chưa cao. Có những công trình đã được nghiệm thu với mức đánh giá cao nhưng rồi phần lớn đều nằm trong các tủ sách, tập kỷ yếu, ít đi vào cuộc sống.
Về phía Nhà nước, cũng có khá nhiều tổ chức nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn. Hệ thống tổ chức, bộ máy của Đảng và Nhà nước về khoa học và công tác lý luận nói chung là lớn và đông người. Những bài học cần rút ra vẫn là làm sao cho bộ máy tinh gọn hơn nhưng lại có hiệu lực, hiệu quả cao hơn.
Bốn là, bài học về xây dựng đội ngũ.
Để đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác lý luận, điều có ý nghĩa quyết định là phải xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ lý luận ngang tầm nhiệm vụ. Trong mấy chục năm qua, đây vẫn là một khâu yếu.
Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014, của Bộ Chính trị khóa XI “về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” nhận định: “Đội ngũ cán bộ lý luận đông, nhưng không mạnh, còn ít chuyên gia lý luận đầu đàn trên các lĩnh vực”. Đến nay, tình hình chưa được cải thiện bao nhiêu trong khi thách thức thì ngày càng lớn.
Tình hình thế giới và trong nước diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nhiều vấn đề mới nảy sinh đòi hỏi phải được giải đáp một cách thuyết phục, có tính lý luận. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ lý luận có trình độ cao, nhất là cán bộ đầu đàn ngày càng ít. Số cán bộ thay thế có triển vọng không nhiều. Việc sắp xếp lại tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế cũng đang là vấn đề cấp bách. Bài học “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, tức trọng chất hơn lượng, được coi là lẽ phải, nhưng đó lại là bài toán không dễ có lời giải, nếu thiếu bản lĩnh và không có quyết tâm cao.
Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu của Trung ương về công tác tư tưởng, lý luận của Đảng; thông qua nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, sẽ vẽ nên một bức tranh trung thực về công tác tư tưởng - lý luận mấy chục năm qua và có những đề xuất, kiến nghị với Trung ương nhằm phát huy hơn nữa thành tựu, khắc phục những hạn chế, bất cập, tăng cường hơn nữa hiệu lực và hiệu quả công tác. Có như vậy, công tác tư tưởng, lý luận luôn xứng đáng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị và tinh thần của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng; khẳng định và nêu cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức, thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Hà Đăng/TG
_________________________
(1) (2) (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, H, 1997, t.60, tr.178, 179, 488.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.65.
Liên kết website
Đang truy cập: 145
Hôm nay: 11,697
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 374,735
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,085,052