Trách nhiệm báo chí trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Thứ năm - 02/05/2019 04:42 449 0
Nói đến nghề báo là nói đến công việc “chữ nghĩa”. “Chữ” bao giờ cũng đi liền với “nghĩa”, nên việc sử dụng từ ngữ trên các phương tiện truyền thông sao cho đúng mực, chuẩn xác, hợp lý, hợp tình để góp phần tác động tích cực đến dư luận xã hội và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của mỗi nhà báo, các cơ quan báo chí.
Các nhà báo Thủ đô tác nghiệp tại Nhà giàn DK1 tháng 4-2018. Ảnh: Bá Hoạt - Nguồn: Báo Hà Nội Mới

LẠM DỤNG TỪ LÓNG “BÃO ĐÊM”, “ĐI BÃO” - LỢI BẤT CẬP HẠI

 Trong suốt năm 2018 và đầu năm 2019, hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã bày tỏ niềm tự hào, phấn khích thăng hoa khi đội tuyển Việt Nam giành chức á quân Giải bóng đá U23 châu Á, giành chức vô địch Giải bóng đá khu vực Đông Nam Á - AFF Cup 2018, vào tứ kết Giải Bóng đá châu Á - Asian Cup 2019. Báo chí, truyền thông nhân cơ hội này cũng thỏa sức ca ngợi những cầu thủ Việt Nam đã mang niềm vui, niềm vinh quang cho nền thể thao nước nhà.

Tôn vinh những người làm nên chiến thắng là điều cần thiết. Tuy nhiên, khi tuyên truyền về niềm vui chiến thắng “bất tận” của người hâm mộ, một số cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử lại tỏ ra thiếu chừng mực, thậm chí thái quá khi sử dụng một số câu từ, chữ nghĩa. Trong đó, đáng nói là một số người cầm bút đã dùng từ “đi bão”, “bão đêm” với hàm ý khích lệ, cổ vũ người dân, nhất là thanh thiếu niên đi xuống đường ăn mừng chiến thắng của đội chủ nhà. Có thể kể đến một số tít như: “Ngất ngây với chức vô địch, cổ động viên “đi bão” quá nửa đêm không muốn về”; “Không “đi bão” thì thôi, đã xuống đường là phải “độc” như thế này đây!”; “Cặp đôi Nghệ An vừa “đi bão”, vừa chụp ảnh cưới mừng Việt Nam vô địch”; “Khóc cười trong trận “bão đêm” khổng lồ thâu đêm mừng Việt Nam vô địch”…

“Bão” vốn là một từ chuyên ngành khí tượng học, nó có ý nghĩa là trạng thái nhiễu động và là một loại hình thời tiết cực đoan, có thể gây đảo lộn, tổn hại nghiêm trọng đến cuộc sống, lao động sản xuất của con người.

“Bão đêm”, “đi bão” là từ lóng dùng để chỉ hiện tượng một số người trẻ thường tụ tập với nhau để trình diễn, đua xe hàng ngang về đêm trên các tuyến phố ở những đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Tham gia “đi bão” thường là những thanh thiếu niên (được gọi là “quái xế”) dùng những loại xe phân khối lớn rồi có những hành động quá khích như bấm còi inh ỏi, nẹt pô, tăng tốc bốc đầu xe, úp nghiêng cả người và xe sát vỉa hè, lái xe bằng chân… Những “quái xế” này thường tạo ra cảnh náo nhiệt kinh hoàng, gây mất trật tự công cộng và tai nạn giao thông và tạo sự khiếp sợ, ám ảnh cho nhiều người dân tham gia giao thông trên đường phố. Tóm lại, “bão đêm”, “đi bão” vốn là từ ngữ ám chỉ sự tiêu cực mà mọi người cần phải tránh xa, loại bỏ.

Một từ vốn mang nghĩa tiêu cực, tại sao một số nhà báo, cơ quan báo chí lại vẫn sử dụng một cách hồn nhiên như vậy? Một mặt, do người viết chưa hiểu rõ nguồn gốc, ý nghĩa, bản chất của từ “bão đêm”, “đi bão” nên vẫn sử dụng từ ngữ một cách… vô tư, vô thức; mặt khác, một số nhà báo cũng có biểu hiện a dua, “ăn theo, nói leo” người khác theo kiểu “tâm lý đám đông”. Dù vô tình hay hữu ý, việc nhà báo sử dụng từ “bão đêm”, “đi bão” để phản ánh việc người dân, giới trẻ tràn ra đường phố, tràn ra các khu vực công cộng để cổ vũ, ăn mừng chiến thắng đội tuyển bóng đá nước nhà là thiếu thận trọng, không phù hợp với những chuẩn mực văn hóa cổ vũ bóng đá.

Như đã nêu ở trên, tự thân từ “bão đêm”, “đi bão” vốn mang nghĩa tiêu cực và bị phê phán nhiều lần, do đó, việc gắn hai từ này với việc chào đón, ăn mừng chiến thắng bóng đá, đã vô hình trung khuyến khích, cổ vũ cho các hoạt động dễ gây mất trật tự công cộng, thậm chí cổ súy cho phong trào đua xe trái phép.

Đúng như nhiều người nhận định khá chí lý rằng, khi “đi bão” là người ta chấp nhận để mình trở thành một phần của “bão gió”, tức là chấp nhận bỏ qua mọi luật lệ, bỏ qua mọi ý chí và sẵn sàng va chạm vào mọi thứ, bất chấp bản thân không cần biết gì cả. Cách truyền thông như vậy là lợi bất cập hại.

Trước đây, báo chí từng có thời điểm so sánh những người sử dụng ma túy như những người bị mê hoặc bởi “nàng tiên nâu”, vì thế đã vô hình trung gợi ý, kích thích sự tò mò cho một bộ phận giới trẻ thử một lần “nàng tiên nâu” xem sao. Cách ví von tưởng như hình ảnh này đã bị nhiều bạn đọc phản ứng vì ít nhiều gây ra sự ngộ nhận, để lại hậu quả cho xã hội. Tất nhiên, báo chí đã tự phản tỉnh mình nên sau đó không sử dụng cái từ tai hại này nữa.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí và nhà báo đã được quy định trong Luật Báo chí 2016 là “góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí và nhà báo đã được quy định trong Luật Báo chí 2016 là
“góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.

GÁN GHÉP TỪ “THÁNH” - VÔ TÌNH XÚC PHẠM ĐẾN TÍN NGƯỠNG LINH THIÊNG

 Trong hội nghị của các chức sắc, chức việc tiêu biểu của một địa phương, một vị chức sắc tôn giáo tỏ ra không hài lòng khi một số báo điện tử thời gian qua đã sử dụng từ ngữ thiếu chuẩn mực liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Đó là các từ “thánh soi”, “thánh phán”, “thánh chửi”. Ví như trên một số báo điện tử có những tiêu đề: “Phục sát đất “thánh soi”, “Thánh phán” M. đoán đâu ngược đó”, “Thánh chửi” bán hàng online”…

Theo vị chức sắc tôn giáo lý giải, “thánh” là một từ để chỉ bậc siêu nhân với một hàm ý rất trang trọng, tôn kính trong một số tín ngưỡng, tôn giáo. Nói đến “thánh” là nhiều người liên tưởng ngay đến những bậc hiền triết anh minh, những nhân vật có phép mầu nhiệm siêu đẳng, những đấng tối cao toàn năng mà mình phải có bổn phận tôn thờ, ngưỡng vọng, chiêm bái với một ý thức thiêng liêng, tâm thế thành kính nhất. Ví như người ta thường dùng từ “thánh” để nói về các bậc hiền nhân (có thể có thật hay chỉ là truyền thuyết, huyền thoại, nhưng đều mang ý nghĩa tường minh, nhân văn) như Thánh Khổng, Thánh Tản Viên, Thánh Ala; hay gắn từ “thánh” với một số từ mang hàm ý trọng vọng như: “Thánh nhân, thánh hiền” (người có đạo đức, tài năng siêu việt, được cộng đồng nể trọng); “thánh thượng” (từ dùng để tôn xưng nhà vua); “thánh chỉ” (từ tôn xưng mệnh lệnh của nhà vua); “thánh cung” (nơi thờ thánh); “thánh sống” (người có tài năng đặc biệt như vị thánh); “thánh sư” (ông tổ dựng nên một môn học hay một nghề nào đó)…

Còn “soi” có nghĩa là soi mói, tò mò, tóc mách; “phán” nghĩa là phán đoán, phán xét, phê phán; “chửi” nghĩa là lời nói thông tục, nhố nhăng, bậy bạ... Người ta vẫn thường nhắc nhở nhau rằng, phải tránh xa những kẻ chỉ thích soi mói, chọc gậy bánh xe, đâm bị thóc chọc bị gạo mà cũng không nên gần gũi với những kẻ hay phán nhăng phán cuội, phán lung tung, cái gì cũng phán, bạ đâu phán đấy. Tất nhiên, cũng không hay ho gì khi giao du, tiếp xúc với những kẻ lúc nào cũng chửi bới vớ vẩn, linh tinh, cứ mở mồm ra là y như rằng kèm theo những câu từ “sặc mùi” đầu đường xó chợ...

 Tóm lại, các từ “soi, phán, chửi” trong những trường hợp này chẳng có tí chút văn hóa, văn minh nào nhưng lại được gắn liền với từ “thánh” vốn rất trang nghiêm, trọng thị. Gắn một từ vốn mang hàm ý “trác tuyệt” như thế với những từ có nghĩa thông tục, thiếu đứng đắn, chuẩn mực, báo chí vô hình trung đã làm tổn thương, nếu không muốn nói là xúc phạm đến niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận người dân Trên thực tế, những từ “thánh phán, thánh soi, thánh chửi” lúc đầu chỉ có trên mạng xã hội, nhưng một số người cầm bút vì giản đơn trong suy nghĩ, nhận thức nên cũng “tát nước theo mưa” cùng cư dân mạng, rồi đưa những từ ngữ thiếu chuẩn mực đó lên mặt báo. Mà như đã biết, mạng xã hội chẳng khác nào cái “chợ trời khổng lồ” với đủ thứ “thượng vàng hạ cám”, hay có, dở có, thật có, giả có, thậm chí có ít suýt ra nhiều, ăn không nói có, đổi trắng thay đen, dệt thêu đủ chuyện, tung tin bát nháo... khiến thực hư lẫn lộn không biết đâu mà lần.

NHÀ BÁO CẦN ĐỀ CAO TRÁCH NHIỆM GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT

Để tránh những tác động xấu đến xã hội, các cơ quan báo chí, nhà báo cũng phải nghiêm túc nhìn nhận lại việc sử dụng từ ngữ trên báo. Khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội hay ngoài xã hội, người làm báo phải tỉnh táo, thận trọng để biết tránh xa, “tẩy chay” những từ ngữ không hay, thiếu chuẩn mực; chỉ nên tinh lọc, tiếp thu những từ ngữ sáng tạo, giàu chất văn hóa, giáo dục để góp phần làm phong phú ngôn ngữ tiếng Việt mà vẫn bảo đảm sự trong lành môi trường thông tin trên báo chí.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí và nhà báo đã được quy định trong Luật Báo chí 2016 là “góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Với tư cách là người truyền tin, người định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, hướng đến những giá trị tiến bộ, lành mạnh, văn minh, cho nên, dù thông tin, tuyên truyền, phản ánh bất cứ vấn đề gì trong xã hội, dù ca ngợi, cổ vũ hay phê bình, phê phán, nhà báo phải luôn chắt lọc, lựa chọn, cân nhắc, sử dụng từ ngữ sao cho phù hợp, đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng. Chỉ có như vậy mới góp phần mang đến những thông tin lành mạnh, tích cực, nhân văn cho công chúng và xã hội.

tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 64

Hôm nay: 14,999

Hôm qua: 18,248

Tháng hiện tại: 93,027

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 9,803,344

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây