Nhiều mô hình hay trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ ba - 27/04/2021 21:11 1286 0
Ngày 27/4/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 07 năm thực hiện Kế hoạch số 68-KH/TU, ngày 14/02/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”. Dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Đại Dương - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Cao Thị Hòa An - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Phước Thiều - Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng.
ht1
Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị đánh giá qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và 07 năm thực hiện Kế hoạch số 68-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện linh hoạt, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung trong học tập và làm theo Bác; đã lựa chọn, xác định được những nội dung đột phá, góp phần ngăn chặn và xử lý, giải quyết kịp thời những vấn đề trọng tâm, bức xúc, nổi cộm mà dư luận quan tâm, tạo được sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu, xuất sắc trong học tập và làm theo gương Bác với những mô hình mới, cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh.

Điển hình như: Thành phố Tuy Hòa với mô hình “tuyến đường hai không (không rác, không lấn chiếm lòng - lề đường) của các phường nội thành”, mô hình “Diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” của đơn vị Công an thành phố Tuy Hòa; huyện Sơn Hòa với các mô hình “Kết nghĩa chi hội người Kinh với chi hội người dân tộc thiểu số”, “Tham gia quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn phát rừng làm nương rẫy”...; thị xã Sông Cầu với mô hình “Mỗi khu dân cư đóng góp, trợ giúp 01 hộ nghèo được vay Quỹ Vì người nghèo không tính lãi để sản xuất kinh doanh thoát nghèo bền vững”…; huyện Tây Hòa với mô hình “Đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ đối với trưởng phòng và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân huyện”, “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Hộp tiền tiết kiệm giúp trẻ em đến trường”, “Tuyên truyền, cảm hóa giáo dục các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật và có nguy cơ phát sinh tội phạm”; huyện Đông Hòa với nhiều mô hình mang tính xã hội hóa cao như: “Vận động giúp đỡ địa chỉ an sinh xã hội”, “Xây dựng quỹ khuyến học”, “Xây dựng nhà nhân ái”, “Nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ người bệnh”; huyện Phú Hòa với phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”; huyện Đồng Xuân với mô hình“Xây dựng nhà Chữ thập đỏ”, “Tủ bánh mì yêu thương” của Hội Chữ thập đỏ huyện; Mô hình “Những trái tim đồng cảm”, “Cho đi là còn mãi”, “Nồi cháo từ thiện” của Hội LHPN xã Xuân Quang 2, nhóm từ thiện “Hạt gạo tình thương” của hội viên phụ nữ thị trấn La Hai; Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh với các phong trào nổi bật như “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Thùng tiền tiết kiệm”, “Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính bưu chính”; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; Công an tỉnh với các mô hình “Ghi sổ vàng lập công”, “Tiết kiệm theo gương Bác”, “Ngôi nhà thân ái”; Bộ đội Biên phòng tỉnh với các mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, “Nâng bước em đến trường”, “Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên chung sức xây dựng nông thôn mới”…

Mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo” theo Kế hoạch số 68-KH/TU, ngày 14/02/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục được triển khai mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã giúp đỡ 62 xã bằng nhiều hình thức thiết thực. Tổng giá trị kinh phí của các địa phương, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giúp đỡ các xã, thôn, buôn khó khăn và hộ nghèo trong 7 năm qua đạt hơn 201,6 tỷ đồng, số hộ khó khăn và hộ nghèo được giúp đỡ là 13.338 hộ, số hộ nghèo được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo là 3.346 hộ, số học sinh nghèo được giúp đỡ tiếp tục đến trường là 12.762 học sinh... 

Việc thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, ngày 03/6/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong những năm qua cũng được các cấp ủy, cơ quan, đơn vị chú trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, được đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tặng bằng khen cho 16 tập thể và 12 cá nhân và trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 01 tập thể có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
kht
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong học tập và
 làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Thị Hòa An nhấn mạnh: Trước hết các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; cùng với việc triển khai nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.

Thứ hai, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo” gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và các phong trào thi đua yêu nước. Ở đây, đặc biệt lưu ý việc thực hiện Kế hoạch số 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải đảm bảo theo đúng mục đích, yêu cầu, ý nghĩa ban đầu đề ra, chúng ta phải chú trọng hơn đến việc giúp đỡ đơn vị khó khăn và hộ nghèo về cách thức thoát nghèo, không phải giúp đỡ đơn thuần về vật chất. Phải rà soát việc phân công phụ trách giúp đỡ, đảm bảo phù hợp với yêu cầu và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, nhằm phát huy tốt hơn kết quả thực hiện. Đối với những đơn vị, cá nhân không còn thuộc diện khó khăn, đã vươn lên thoát nghèo, các đơn vị giúp đỡ cần chủ động báo cáo, đề xuất dừng, hoặc chuyển sang giúp đỡ các đơn vị, đối tượng khác.

Thứ ba, chú trọng thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót và bổ sung các giải pháp phù hợp để triển khai ngày càng hiệu quả; đồng thời phải chú trọng phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng những mô hình hay, việc làm thiết thực, hiệu quả trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Kế hoạch số 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để những việc tốt, người tốt ngày càng lan tỏa sâu rộng trong xã hội. 

Đồng chí nhấn mạnh: Việc học tập, làm theo Bác và thực hiện Kế hoạch số 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mục đích hướng đến cuối cùng là làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng hiệu lực, hiệu quả, đời sống của nhân dân ngày càng tốt hơn, cho nên việc thực hiện phải hướng đến thực chất, tránh chạy theo hình thức.
 
Hồng Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 79

Máy chủ tìm kiếm: 5

Khách viếng thăm: 74

Hôm nay: 3,602

Hôm qua: 7,250

Tháng hiện tại: 111,612

Tháng trước: 214,418

Tổng lượt truy cập: 6,161,381

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây