Đang truy cập: 76
Hôm nay: 16,892
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 384,774
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,095,091
- Đang truy cập76
- Hôm nay16,892
- Tháng hiện tại384,774
- Tổng lượt truy cập10,095,091
Dịch bệnh kéo dài khiến trẻ em sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều, thời gian lên đến 5-7 tiếng/ngày. Trẻ em cũng có có xu hướng “nghiện” mạng xã hội ngoài giờ học trực tuyến.
Đó là những thông tin cảnh báo mà bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đưa ra trong hội nghị “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” diễn ra ngày 24/8 tại Hà Nội.
Cấm đoán trẻ vào mạng không còn phù hợp
Tại hội nghị, các chuyên gia đã chỉ rõ internet và mạng xã hội đã đem lại cho trẻ em nhiều giá trị tích cực, giúp trẻ em có thể tìm hiểu thế giới một cách dễ dàng, gặp gỡ, giao lưu được với nhiều người, chia sẻ tình cảm, thông tin...
Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực thì mạng xã hội cũng kèm theo những mặt tiêu cực cho trẻ em như: Tiếp cận với thông tin giả; truy cập vào những nội dung xấu độc; nghiện sử dụng mạng xã hội. Nguy hiểm hơn, khi các em chưa ý thức được hết những nguy cơ rình rập khi sử dụng mạng xã hội.
Trong khi đó, chỉ 36% trẻ em tham gia mạng xã hội (hầu hết ở độ tuổi 16–17) được dạy để đảm bảo an toàn trên mạng.
Bà Nguyễn Thị Nga cho biết: “Khảo sát của Cục Trẻ em và một số tổ chức quốc tế cho thấy hầu hết kỹ năng bảo vệ trẻ em trên mạng là do tự tìm hiểu hoặc truyền tai nhau còn giáo dục bài bản gần như chưa có. Nhà trường có phổ biến thông tin trong giờ tin học nhưng chưa đầy đủ. Do đó, kỹ năng này cần sớm được trang bị rộng rãi và toàn diện hơn.”
Bà cũng khẳng định việc cấm đoán trẻ em dùng internet không còn phù hợp, mà cần có sự đồng hành của cha mẹ, nhà trường và cộng đồng trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, trong đó nâng cao kỹ năng khi dùng internet được ví như là “vaccine số” giúp bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng.
“Chúng ta cần tăng cường vai trò của gia đình và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, biết cách nên và không nên khi sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng cũng như cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân. Cha mẹ cũng là những người ‘gác cổng’ chủ động bảo vệ trẻ em,” bà Nga nói.
Truyền thông phải vào cuộc
Đại diện Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay đứng trước thực tế nói trên, đơn vị này tổ chức hội nghị nhằm giúp các phóng viên, biên tập viên tiếp nhận thông tin liên quan đến công tác bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng như: Hiện trạng vấn đề bảo vệ trẻ em và một số quy định hiện hành về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xu hướng công nghệ nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Chương trình có sự tham gia của hơn 100 phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và các cơ quan báo chí địa phương khu vực miền Bắc cùng các chuyên gia của Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí khẳng định internet là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Với internet, trẻ em có thể truy cập, tìm kiếm những điều bổ ích. Song hành cùng những tiện ích lành mạnh là những tác động xấu, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ. Để an toàn trên môi trường mạng, trẻ em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng nhận biết cần và đủ để không lạc lối.
“Để thực hiện tuyên truyền hiệu quả và không vi phạm quyền của trẻ em, báo chí cần được trang bị nhiều hơn nữa về kiến thức và chia sẻ các giá trị đạo đức cụ thể trong truyền thông để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng,” ông Đặng Khắc Lợi nói.
Đóng góp ý kiến về vấn đề truyền thông, nâng cao nhận thức bảo vệ trẻ em, bà Đinh Thị Như Hoa, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin) cho rằng cơ quan báo chí cần xây dựng các nội dung lành mạnh phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và các tiêu chuẩn cộng đồng.
Ngoài ra, báo chí cũng cần kiểm tra và xác minh thông tin trước khi truyền thông, bảo đảm bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em theo quy định của pháp luật; giám sát và phản biện độc lập về việc thực hiện các cam kết bảo vệ trẻ em trên không gian mạng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân./.
Theo thống kê từ Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, các cuộc gọi tư vấn, hỗ trợ liên quan đến không gian mạng tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể, năm 2021 có 422 cuộc gọi, trong 7 tháng đầu năm 2022 có 268 cuộc gọi với 3 nhóm vấn đề lớn liên quan đến tư vấn về xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng (31%); nhóm vấn đề về cách sử dụng internet an toàn (chiếm 31,3%); nhóm vấn đề tư vấn khi trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm trên mạng (chiếm trên 7%). Theo thống kê của Cục Báo chí, từ ngày 1/1/2022 đến nay, các cơ quan báo chí đã có 145.130 tin bài phản ánh liên quan đến trẻ em, ngày nhiều nhất lên tới 1.186 tin bài (1/6/2022). |
Minh Thu (Vietnam+)
Liên kết website
Đang truy cập: 76
Hôm nay: 16,892
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 384,774
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,095,091