Đang truy cập: 57
Hôm nay: 16,892
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 382,292
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,092,609
- Đang truy cập57
- Hôm nay16,892
- Tháng hiện tại382,292
- Tổng lượt truy cập10,092,609
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước ta. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng hàng đầu, được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển của đất nước. Mới đây, vào thời điểm chuẩn bị năm học mới, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã có buổi làm việc với ngành giáo dục của thành phố. Dù buổi làm việc ở phạm vi một địa phương song những chủ đề được nêu ra tại đây đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên: “Đổi mới trước hết là đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp tiếp cận, thậm chí phải dũng cảm thay đổi chính mình, từ lãnh đạo quản lý đến thầy cô giáo, từ chỗ dạy học ép buộc thay đổi qua dạy học cởi mở hơn, lắng nghe tiếng nói học sinh, có nhiều sự tương tác hơn giữa thầy và trò. Dạy học trong bối cảnh mới là dạy học khai phóng, đề cao sự tương tác, gợi mở để phát triển năng lực tư duy cho học sinh. Để thực hiện đổi mới, ngành giáo dục cần quan tâm đổi mới bắt đầu từ đâu, theo hướng nào để thực hiện một cách trung thực? Bắt đầu tự sự gương mẫu của các thầy, cô giáo, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, trung thực, không thành tích ảo, xây dựng hệ thống tiêu chí thi đua khen thưởng, nói thật làm thật, chấm điểm thật, thành tích thật, chống sự giả dối”.
Đổi mới giáo dục, tất nhiên không phải vấn đề riêng của Thành phố Hồ Chí Minh mà là mối quan tâm của toàn xã hội. Tư duy giáo dục đơn thuần là truyền bá kiến thức, phục vụ cho mục đích thi cử thuần túy tồn tại nhiều năm qua giờ đã lạc hậu. Giáo dục hiện đại mang nhiều ý nghĩa lâu dài, có tính bền vững và rộng mở hơn cho mỗi cá nhân tham gia vào quá trình ấy. Đặc biệt tinh thần giáo dục khai phóng được quan tâm vì giúp phát huy sự chủ động, sáng tạo cho người học, khiến cho người học hứng thú trong quá trình tiếp nhận kiến thức mới và làm bệ đỡ vững chắc cho sự phát triển đa dạng sau này.
Nó tạo ra tiền đề để mỗi cá nhân có thể thích ứng ở nhiều môi trường làm việc, nghề nghiệp khác nhau, nhất là trong một thế giới ngày càng đa dạng và biến đổi không ngừng. Tinh thần của giáo dục khai phóng không chỉ dừng lại trong khuôn viên nhà trường, trong lứa tuổi đi học mà mở rộng phạm vi ra môi trường lao động và duy trì trong suốt cuộc đời của một con người. Giáo dục khai phóng không phải là một khái niệm mới, nó đã có từ lâu trên thế giới, tuy nhiên gần đây vấn đề này rất được quan tâm tại Việt Nam khi mà nền giáo dục vẫn còn những bất cập và đang phải nỗ lực để bắt kịp với trình độ giáo dục của thế giới cũng như yêu cầu phát triển của tương lai.
Thế hệ những người đến trường như chúng tôi, trước đó và cả sau này đã quá quen thuộc với hình ảnh người thầy giảng bài trên lớp: Tất cả học sinh im phăng phắc lắng nghe, lời thầy là khuôn vàng, thước ngọc, là chân lý, rất ít những tranh luận, trao đổi. Kiến thức được đưa ra một chiều thụ động, thầy giảng bài, cố gắng truyền giảng quy luật, các con số, kinh nghiệm; học trò thi nhau ghi chép, học thuộc, làm theo đúng như thầy và như thế được coi là thành công, là trò giỏi, trò ngoan.
Vậy nên mới có tình trạng không ít học trò dù giỏi đến đâu cũng không thoát khỏi “cái bóng” của ông thầy. Ảnh hưởng từ thầy quá sâu sắc và nặng nề nên nhiều học sinh chỉ cố lặp lại bản sao của người đi trước. Thông thường với các học sinh như vậy đều rất ít sự sáng tạo trong học tập, lao động và nghiên cứu, gặp những cái mới, cái khó là bối rối, nản lòng, chủ yếu dựa vào chủ nghĩa kinh nghiệm hoặc những lý thuyết cũ kỹ để áp dụng. Chưa kể tình trạng nếu có những học trò mạnh dạn, tranh luận, phản biện với thầy hoặc với những điều đã cũ kỹ, lạc hậu chưa chắc các em đã được ghi nhận hoặc được khuyến khích.
Tuy nhiên, theo sự phát triển chung của xã hội, dần dần, ngành giáo dục đã có những đổi mới, từ chỗ người thầy là trung tâm đã chuyển dịch sang người học là hạt nhân. Quá trình này đã có những tiến bộ nhưng chưa thật triệt để, vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm cần phải giải quyết như bệnh thành tích, nặng nề thi cử và có những nơi, những thời điểm còn chưa trung thực trong đánh giá, xếp loại. Quá coi thành tích và điểm số sẽ dẫn đến cách học máy móc và đối phó, mất đi tính nhân bản, mất đi niềm hân hoan của việc tiếp nhận tri thức mới. Học trò trên lớp vẫn quá phụ thuộc vào người thầy và những cuốn sách giáo khoa, những kỳ kiểm tra; đôi khi học sinh sợ đến trường, đến lớp vì phải đối mặt với những áp lực rất lớn.
Nhiều người nói rằng, cách tốt nhất giúp cho một người nghèo là cho họ một cái cần câu hơn là một con cá. Một con cá chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt là cơn đói tạm thời, còn chiếc cần câu mới giải quyết được những vấn đề lâu dài và căn bản. Giáo dục khai phóng ở điểm nào đó cũng gần giống như vậy, đó là việc đưa ra những nền tảng chung hữu dụng, kích thích con người sáng tạo, thích nghi, sẵn sàng tiếp nhận và tạo ra những cái mới và không bị gò bó vào một hướng duy nhất. Giáo dục cần hướng đến mục tiêu một người có thể làm được nhiều việc, nhiều nghề, thích nghi được với những thay đổi liên tục và thách thức trong xã hội hiện đại.
Ngành giáo dục có một khẩu hiệu rất ý nghĩa đó là “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Điều đó rất đúng, niềm vui chứ không phải sự bó buộc. Làm việc và học tập trong sự hứng thú sẽ hiệu quả hơn nhiều lần so với sự bó buộc. Tất nhiên, giáo dục hay bất cứ ngành nghề nào cũng cần những nguyên tắc, quy định nhất định phải tuân theo, nhưng bằng cách nào đó có thể biến các quy định cứng nhắc thành những hoạt động nhẹ nhõm, dễ chịu, kích thích khả năng sáng tạo của trẻ em thì việc học tập sẽ hiệu quả và hữu ích hơn nhiều. Nhà trường cần là nơi giúp cho các em được học tập với tinh thần vui vẻ, thoải mái, vừa được trang bị những kiến thức căn bản, gợi mở sự khám phá, đào sâu suy nghĩ, vừa giúp hình thành kỹ năng để có thể làm việc trong một môi trường cạnh tranh và hợp tác.
Gần đây, tôi có đến thăm một mô hình trường học kết hợp với dạy nghề ở thành phố Nam Định và thấy nhà trường đã chủ ý tạo ra nhiều sự tự do và thoái mái cho học sinh. Thí dụ như: Thư viện là thư viện tự giác, câu lạc bộ nghệ thuật, khu vệ sinh, nhà ăn cũng giao cho học sinh tự quản lý và mọi thứ đều khá gọn gàng sạch sẽ. Các em được làm chủ và tự chịu trách nhiệm cho những hoạt động của mình. Ngay thầy hiệu trưởng cũng sẵn sàng cất tiếng chào các em học sinh của mình trước và chủ động cúi xuống nhặt rác cho vào thùng để làm gương cho các em. Quan hệ giữa thầy trò là cởi mở và gần gũi, vừa giữ được sự kính lễ nhưng không quá xa cách và khô cứng. Người thầy làm gương cho học trò thì bao giờ cũng thu được những hiệu quả tích cực và có sức lan tỏa.
Tất nhiên, ai cũng mong sự đổi mới toàn diện và căn bản trong giáo dục và đào tạo nhưng điều đó cũng không hề dễ dàng, nóng vội mà phải tiến hành theo quy trình và đòi hỏi sự phối kết hợp đồng bộ. Từ việc hoàn thiện thể chế, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, đổi mới cơ chế, chính sách, triết lý giáo dục, các bộ sách giáo khoa cho đến đơn vị cơ sở là nhà trường và từng giáo viên.
Bất cứ sự thay đổi nào cũng cần thực tế và khả thi. Có những cơ chế hiệu quả, chính sách tốt, triết lý giáo dục hiện đại sẽ là bộ khung vững chắc để cả guồng máy vận hành đạt kết quả như mong muốn. Sách giáo khoa, nhà trường, giáo viên là những bộ phận cấu thành, có vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa những thay đổi đó. Và người thầy vẫn luôn có một vai trò không thể thiếu trong quá trình này vì tác động trực tiếp đến nhận thức, suy nghĩ, hành động của trẻ em. Hiện nay, nhiều trường học đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chính sách của Nhà nước, ngành giáo dục để tạo ra những sự khác biệt, được phụ huynh học sinh và xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Học trò đến với những môi trường giáo dục như vậy không phải chịu quá nhiều áp lực vì nhà trường chủ trương tăng cường giảng dạy và phát triển các kỹ năng mềm, thiết thực cho người học và giảm bớt các yếu tố, nội dung khô cứng, nặng nề. Nhiều giáo viên công nhận rằng, môi trường giáo dục như vậy giúp học sinh cảm thấy thoải mái và hào hứng hơn khi đến trường. Nhờ đó, việc tiếp nhận kiến thức của các em cũng hiệu quả hơn. Đó là những thí dụ minh chứng rằng trong khi chờ đợi hoặc tìm kiếm các giải pháp vĩ mô để tháo gỡ các khó khăn chung của ngành giáo dục thì bản thân nhà trường và thậm chí từng giáo viên vẫn có thể phát huy được vai trò của mình một cách chủ động và sáng tạo, tất nhiên khi họ được đãi ngộ xứng đáng và được khuyến khích làm việc đó.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một vấn đề lớn và rất được quan tâm trong bối cảnh hiện nay. Để thay đổi được căn bản, toàn diện nền giáo dục trên tinh thần hiện đại, cho trẻ em, vì trẻ em, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội và theo đúng định hướng chiến lược của Nhà nước thì cần sự quan tâm, đầu tư của toàn xã hội, các thiết chế liên quan, đặc biệt là những đơn vị, những người thực hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp là nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh. Tin tưởng vào những đổi mới thực sự và hiệu quả của ngành giáo dục trong tương lai gần là điều mà nhiều người đang kỳ vọng và chờ đợi.
UÔNG TRIỀU/NHÂN DÂN
Liên kết website
Đang truy cập: 57
Hôm nay: 16,892
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 382,292
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,092,609