Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Các đại biểu thảo luận về kinh tế - xã hội và hai dự án luật

Thứ năm - 21/10/2021 20:13

Ngày 21/10, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc, thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, báo cáo về công tác thực hiện phòng chống dịch COVID-19, tình hình dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và một số nội dung quan trọng khác. Tại điểm cầu Phú Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận với sự điều hành của đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.

1
Đồng chí Phạm Đại Dương tham gia phát biểu thảo luận tổ tại điểm cầu Phú Yên. Ảnh: THÙY THẢO

Theo đó, Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia 4 lượt phát biểu ý kiến thảo luận. Các ý kiến thống nhất cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng như báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 và dự toán kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; thống nhất với báo cáo công tác phòng chống dịch COVID-19. “Từ đầu năm 2020 đến nay, chúng ta đã trải qua một giai đoạn chưa có tiền lệ, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 bùng phát ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước làm ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động sâu rộng đến mọi mặt KT-XH của đất nước. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư cùng Quốc hội, đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, đồng chí Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Từ đó, chúng ta xây dựng được niềm tin, huy động được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, toàn xã hội. Nhờ đó, tình hình phòng, chống dịch đến nay cơ bản được kiểm soát, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội để phát triển kinh tế”, đồng chí Phạm Đại Dương phát biểu.

Thống nhất bài học kinh nghiệm được đưa ra về phát triển KT-XH cũng như các bài học kinh nghiệm trong báo cáo công tác phòng chống dịch, đồng chí Phạm Đại Dương nhấn mạnh: Chúng ta trải qua một giai đoạn chưa có tiền lệ như thời gian vừa qua, sự lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến từng thôn, xóm và việc xây dựng niềm tin, khơi dậy, phát huy sức mạnh của người dân, doanh nghiệp chính là chìa khóa để vượt qua khó khăn. Đó chính là cách làm bài bản, khoa học. Tôi thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2021; các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH trong 2022.

Theo đồng chí Phạm Đại Dương, thời gian tới, việc phát triển KT-XH gắn liền với công tác phòng, chống dịch cần ứng dụng một cách linh hoạt. Bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh để phục hồi phát triển kinh tế, cần tập trung vào các giải pháp về “chính sách tiền tệ”, “chính sách tài khóa”, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư; tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản trị xã hội. Tuy nhiên, trong việc ứng dụng công nghệ, cần tổ chức bài bản, khoa học; các cơ sở dữ liệu cần được thống nhất và đồng bộ góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.

Các đại biểu Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Dương Bình Phú, Lê Đào An Xuân cũng đã tham gia phát biểu tại buổi thảo luận. Đại biểu Lê Văn Thìn đề nghị Quốc hội có ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật đang gây khó khăn, ách tắc, cản trở đến hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, tổ chức, cá nhân phục hồi sản xuất. Đề nghị Chính phủ có chính sách điều tiết giá một số mặt hàng nguyên vật liệu đang tăng cao như: thép, thức ăn và thuốc chăn nuôi; tiếp tục ban hành các gói hỗ trợ tín dụng, kích cầu đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đề nghị các bộ, ngành Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các nghị định, nghị quyết của Chính phủ nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo phát triển KT-XH sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Đề nghị Bộ KH-ĐT sớm trình Chính phủ phê duyệt đề án về cơ chế, chính sách liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa.

Đại biểu Dương Bình Phú đề nghị hướng dẫn cụ thể để triển khai điều trị COVID-19 tại nhà; ngành Y tế đánh giá lại và có giải pháp để điều trị về tâm lý do COVID-19. Đại biểu Lê Đào An Xuân nhìn nhận cần có định hướng truyền thông về việc phục hồi kinh tế; chính sách nhà ở cho công nhân chưa thực hiện tốt. Đề nghị có chính sách cụ thể, thiết thực, đồng bộ về sử dụng lao động; các chính sách miễn thuế, giảm thuế, cơ cấu nợ chưa được thực hiện tốt, chưa đến được với doanh nghiệp, cần tiếp tục có sự quan tâm…

Phiên họp buổi chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Tiếp đó, sau khi nghe Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Quốc hội tập trung thảo luận hai dự án luật này.

THÙY THẢO/PYO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Chức năng, nhiệm vụ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên

1. Chức năng: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu của Tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng thuộc các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa giáo, biên soạn lịch...

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây