Chấn chỉnh việc lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái luật

Chủ nhật - 28/11/2021 19:41 237 0
Hiện nay, có hiện tượng một số nhà báo, phóng viên, cộng tác viên nắm được thông tin nội bộ một chiều của cơ quan, doanh nghiệp nên gây sức ép, thậm chí đe dọa để đề nghị ký hợp đồng truyền thông.
1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 4854/BTTTT-CBC gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Hội Nhà báo Việt Nam; các cơ quan chủ quản báo chí; tổng biên tập các cơ quan báo chí về việc chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật.

Công văn trên nêu rõ thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được nhiều thông tin, phản ánh về việc có một số cơ quan báo chí, trong đó chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương.

Đó là tình trạng một số cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên có hành vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với nhiều cách thức gây phiền hà như: gửi văn bản yêu cầu giải trình, cung cấp thông tin, cử nhà báo, cấp giấy giới thiệu cho phóng viên, cộng tác viên tác nghiệp về những vấn đề không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép bằng cách liên tục gọi điện, nhắn tin...

Đặc biệt, có hiện tượng một số nhà báo, phóng viên, cộng tác viên lợi dụng việc nắm được những thông tin nội bộ một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai sót của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để gợi ý, gây sức ép, thậm chí đe dọa, sau đó đề nghị ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo hoặc thu lợi bất chính; vòi vĩnh cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, nhất là trong giai đoạn gần Tết Nguyên đán và những ngày lễ lớn.

Đây là những hoạt động thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái quy định pháp luật; ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp và gây bức xúc cho cơ quan, doanh nghiệp, địa phương; làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của những cơ quan báo chí, người làm báo chân chính...

Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí theo Nghị định số 119/2000/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, trong đó tập trung về các hành vi cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích; hành vi người đứng đầu cơ quan báo chí cử hoặc giao quyền cho cấp dưới cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích; hành vi nhà báo hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép của cơ quan đang công tác.

Đối với những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm hình sự, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chuyển, phối hợp các cơ quan chức năng xem xét, xử lý.

Để chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cơ sở trực thuộc phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin đối với những yêu cầu cung cấp thông tin đúng quy định, đúng tôn chỉ, mục đích, bảo đảm quyền được thông tin của cơ quan báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật; kiên quyết không thực hiện hợp đồng truyền thông, quảng cáo khi có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, trục lợi.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu, lưu lại bằng chứng, kịp thời báo cho cơ quan chức năng của địa phương (cơ quan công an, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo cấp tỉnh...) xử lý nghiêm theo quy định, đồng thời thông báo kết quả xử lý để Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương; thực hiện trách nhiệm quản lý, kiểm tra hoạt động của Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn theo quy định; chủ động phát huy thẩm quyền được pháp luật giao, nhất là tại Nghị định 119/2020/NĐ-CP để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả đối với hoạt động của cơ quan báo chí của Trung ương.

Các cơ quan chủ quản báo chí chú trọng công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí; nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng, của người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc; quan tâm sâu sát hơn nữa đối với hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc; chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí nếu cơ quan báo chí bị xử lý vi phạm hoặc để nhà báo, phóng viên, cộng tác viên vi phạm quy định pháp luật; tập trung đầu tư, bảo đảm kinh phí thường xuyên và các điều kiện cần thiết cho hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc.

Hằng năm, cơ quan chủ quản báo chí bố trí ngân sách, nguồn lực để đặt hàng hoặc hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền; không áp đặt nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan báo chí trực thuộc trái quy định pháp luật; chỉ đạo cơ quan báo chí trực thuộc xây dựng để thông qua kế hoạch hoạt động theo năm; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện.

Người đứng đầu cơ quan báo chí tăng cường kỷ luật, kỷ cương thông tin và công tác quản lý nhà báo, phóng viên, cộng tác viên; chỉ đạo cơ quan báo chí tổ chức thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; khi yêu cầu cung cấp thông tin hoặc cấp giấy giới thiệu, nội dung phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; giấy giới thiệu phải ghi rõ làm việc với cơ quan, tổ chức nào, nội dung gì, thời gian cụ thể; không cấp giấy giới thiệu cho người không phải phóng viên cơ quan báo chí, không cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên nhưng ghi chức danh là phóng viên.

Trưởng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương, do ở xa tòa soạn, cần tuyển chọn kỹ lưỡng những nhân sự có phẩm chất tốt về chính trị, đạo đức và theo dõi, giám sát hoạt động một cách thường xuyên, chặt chẽ.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam nâng cao vai trò giáo dục, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo; chỉ đạo các Hội Nhà báo cấp tỉnh, các liên chi hội, chi hội nhà báo đầy mạnh theo dõi, giám sát, kiểm tra, kết luận rõ ràng đối với người làm báo vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam để làm cơ sở xử lý tiếp theo.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm góp phần chấn chỉnh, hạn chế triệt để tình trạng nhức nhối nêu trên, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm liên quan.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các đơn vị liên hệ, phản ánh về Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông, số 7 Yết Kiêu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; số điện thoại đường dây nóng: 0865.28.28.28) để trao đổi, hướng dẫn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 63

Máy chủ tìm kiếm: 2

Khách viếng thăm: 61

Hôm nay: 16,892

Hôm qua: 16,487

Tháng hiện tại: 380,617

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,090,934

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây