Đang truy cập: 49
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Tháng hiện tại: 581,972
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 9,714,566
- Đang truy cập49
- Hôm nay0
- Tháng hiện tại581,972
- Tổng lượt truy cập9,714,566
Trân trọng giới thiệu nội dung bài viết.
Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương Đảng chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ.
Việc phát hiện, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là vụ án tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhằm hệ thống hóa sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, giúp các ngành, các cấp, các địa phương, các tổ chức đảng và nhân dân nắm vững, quán triệt và triển khai có hiệu quả công tác quan trọng này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản cuốn sách "Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Cuốn sách gồm 31 bài phát biểu, bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nhất là từ Đại hội lần thứ XII đến nay.
Cuốn sách được sắp xếp làm hai phần. Phần thứ nhất là một số bài phát biểu, bài viết và trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống tham nhũng.
Phòng, chống tham nhũng là công việc khó khăn, gian khổ và lâu dài, không phải của riêng một người, một cơ quan hay một ngành, mà là công việc của toàn Đảng, toàn dân, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Do vậy, xuyên suốt trong các bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước với các cơ quan, ban, ngành, trong đó có những đơn vị trực tiếp tham gia công tác quan trọng này, như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao... đều cho thấy sự chỉ đạo rất sát sao, cụ thể và nhất quán của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, đồng thời nhắc nhở mỗi cơ quan, đơn vị, đặc biệt là mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, góp phần làm cho “Đảng ta, Nhà nước ta luôn trong sạch, vững mạnh; toàn hệ thống chính trị vững mạnh."
Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 23/01/2014, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhở: “Ban Nội chính Trung ương phải là tai mắt của Đảng, là bộ óc của Đảng về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng”; đồng thời dặn dò: “Cán bộ nội chính phải hết sức tâm huyết, trách nhiệm, đặc biệt có bản lĩnh, dũng khí, biết bảo vệ cái đúng và phê phán bác bỏ cái sai, kiên quyết đấu tranh với cái sai."
Trong mọi công việc, cán bộ là khâu quan trọng nhất, quyết định thành công hay thất bại, do vậy khi làm việc với ngành Kiểm sát nhân dân ngày 17/01/2015, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước căn dặn cán bộ, kiểm sát viên được giao nhiệm vụ xử lý án tham nhũng “phải luôn giữ cho mình thật sự trong sạch, thật sự liêm chính, phải là người có bản lĩnh, dũng khí, kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với tham nhũng."
Đồng thời, để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi nạn tham nhũng, phát biểu tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (tháng 10/2017), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần “thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng."
Phòng, chống tham nhũng là công việc to lớn, quan trọng, liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của dân tộc, do vậy các bài phát biểu, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từ năm 2011 đến nay, đã cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ cũng như tinh thần quyết liệt, chỉ đạo sâu sát của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đối với việc ngăn chặn và đẩy lùi nạn tham nhũng.
Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 5/5/2014, Tổng Bí thư đã chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân phải đấu tranh không khoan nhượng với “quốc nạn” tham nhũng, được ví như “giặc nội xâm” này: “Khi đã xảy ra tham nhũng thì nhất quyết phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp, không có vùng cấm." “Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh phát hiện và loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng ra khỏi bộ máy để làm cho Đảng trong sạch hơn."
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII của Đảng đến nay, nhiều vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp, trong đó có những vụ án tồn tại từ nhiều năm trước, được điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng quy định của pháp luật. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao của Đảng, ở cả Trung ương và địa phương, các cấp, các ngành, trong lực lượng vũ trang... bị phát hiện và xử lý, kỷ luật, cho thấy đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền.
Chống tham nhũng là quan trọng, cấp bách, song cùng với đó, phòng tham nhũng mới là căn bản và lâu dài. Không phải cứ cốt phát hiện và xử lý cho thật nặng, mà phải răn đe, phòng ngừa, cảnh tỉnh để không xảy ra sai phạm. Do vậy, trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) nhân dịp đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cùng với chống tham nhũng, chúng ta phải làm tốt, đồng bộ các giải pháp, hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không còn muốn tham nhũng; phải “tuyên truyền, vận động để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không mắc vào tham nhũng, tiêu cực và khinh ghét, lên án hành vi tham nhũng, tiêu cực."
Dù cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng “cực kỳ khó khăn, phức tạp, đụng chạm đến những người có chức, có quyền,” là cuộc chiến nhằm cắt bỏ những “ung nhọt,” hư hỏng trong nội bộ, song với những kết quả đã đạt được, sự chuyển biến tích cực của tình hình thực tế những năm qua, cùng với quyết tâm cao và sự đoàn kết, nhất trí, chúng ta luôn tin tưởng rằng, tham nhũng nhất định phải được ngăn chặn và từng bước bị đẩy lùi.
Phần thứ hai của cuốn sách là phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại một số phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, đặc biệt là từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập (tháng 2/2013) do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, đã có tác động mạnh mẽ, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, tạo những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Các bài phát biểu của Tổng Bí thư tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho thấy quan điểm nhất quán là: “Ban Chỉ đạo cho ý kiến về chủ trương, đường lối,… về yêu cầu chính trị, pháp luật, đối ngoại; chỉ đạo việc phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện... Ban Chỉ đạo không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan chức năng” (phát biểu tại Phiên họp thứ 13).
Quán triệt quan điểm đó, các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo đã có sự chỉ đạo về định hướng, phương hướng nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm.
Với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn và hành động quyết liệt hơn, hiệu quả đạt được của công tác phòng, chống tham nhũng cũng tích cực hơn, lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, trở thành phong trào, thành xu thế. Mỗi phát biểu, chỉ đạo của đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trở thành mệnh lệnh của người đứng đầu trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, được quán triệt, thực hiện trong thực tiễn và đem lại hiệu quả thiết thực.
Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện tăng lên, nhất là các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp, được đưa ra xét xử công khai, đúng quy định của pháp luật, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không qua loa đại khái, tạo sức răn đe và cảnh tỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn.
Phát biểu tại mỗi phiên họp của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo đều phân tích rõ những việc Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo đã làm được, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, chỉ rõ những việc cần làm ngay.
Phương pháp, cách thức làm việc của Ban Chỉ đạo cũng được đồng chí quán triệt rõ, như trong phát biểu tại Phiên họp thứ 12: “Chúng ta làm bài bản, có phân công cụ thể, xác định thời gian hoàn thành và kết quả cụ thể; triển khai các công việc theo chương trình, kế hoạch, có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, có vướng mắc thì kịp thời bàn bạc, tháo gỡ; rõ đến đâu xử lý đến đó, làm từng việc, làm việc trước tạo tiền đề cho việc sau; tất cả các cơ quan đều vào cuộc, kịp thời công khai thông tin, huy động sức mạnh toàn dân, hệ thống chính trị, nhân dân và báo chí."
Cùng với việc định hướng công việc chung, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo cũng sâu sát với nhiệm vụ của từng đồng chí thành viên trong Ban Chỉ đạo, của các cơ quan chức năng trực tiếp tham gia phát hiện, xử lý tham nhũng; nhắc nhở những vấn đề còn tồn tại, những việc cần làm, cần quán triệt, chỉ rõ những tồn tại phải tập trung giải quyết, ấn định thời gian cụ thể để công việc phòng, chống tham nhũng mang lại hiệu quả thiết thực. Những phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thể hiện quyết tâm cao, sự quyết liệt, gắn với kết quả cụ thể, chuyển biến tích cực trong thực tế, nói đi đôi với làm, đã đáp ứng lòng mong mỏi, trông đợi của Nhân dân cả nước, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Đánh giá kết quả sau 5 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (2013-2018), tại Phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, nhân dân."
Kết quả đạt được đó là do chúng ta “quyết tâm cao, đồng thuận lớn, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt,” với cách làm phù hợp, bài bản, vững chắc, dựa trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, như khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong nhiều bài phát biểu, chính là nguyên nhân dẫn đến thành công.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng cùng với “chống” là “xây," cùng với “đẩy lùi” là “ngăn chặn," cùng với xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc thì phải phòng ngừa, giáo dục, góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng luôn quán triệt nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đúng quy định của pháp luật và yêu cầu chính trị, xử lý nghiêm khắc với sai phạm, nhưng cũng có lý, có tình, nhân văn; làm quyết liệt, nghiêm minh, nhưng phải giữ ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Đó cũng là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng.
Thực hiện nhiệm vụ này, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cải cách bộ máy nhà nước các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ... được quan tâm. Hệ thống các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng cũng được ban hành tương đối đầy đủ, tạo cơ sở chính trị, pháp lý đồng bộ, góp phần hình thành cơ chế phòng ngừa tham nhũng ngày càng chặt chẽ hơn, thể hiện rõ hơn tính răn đe, cảnh tỉnh với mọi hành động vi phạm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Nhà nước.
Những kết quả đạt được về công tác phòng, chống tham nhũng là rất lớn và quan trọng, song như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiều lần nhắc nhở, phòng, chống tham nhũng là công việc đầy chông gai, khắc nghiệt, đòi hỏi sự kiên trì, làm liên tục, lâu dài.
Trong bối cảnh những năm sắp tới, khi sự nghiệp đổi mới đất nước chuyển sang giai đoạn cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn giữ được đà quyết liệt, được xu thế như hiện nay, tại Phiên họp thứ 15 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngay đầu năm mới 2019, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu: “Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được bằng lòng với những kết quả đã đạt được, mà phải kiên trì đẩy mạnh, tiếp tục làm với một quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới." Đó cũng chính là lời nhắc nhở của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tới toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trước thềm Xuân mới Kỷ Hợi 2019: Đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng không chỉ là một “cao trào,” không thể “chững lại."
Những kinh nghiệm, những kết quả đạt được, nhất là sự chỉ đạo rất trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng, cùng với quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa; ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; vì uy tín của Đảng, vì sự phát triển của đất nước, vì ý nguyện và hạnh phúc của nhân dân./.
Liên kết website
Đang truy cập: 49
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Tháng hiện tại: 581,972
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 9,714,566