Đang truy cập: 57
Hôm nay: 13,694
Hôm qua: 16,024
Tháng hiện tại: 311,439
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,021,756
- Đang truy cập57
- Hôm nay13,694
- Tháng hiện tại311,439
- Tổng lượt truy cập10,021,756
NHỮNG CỐNG HIẾN QUAN TRỌNG
Kế thừa truyền thống quê hương và gia đình, người thanh niên Nguyễn Vịnh đã sớm giác ngộ lý tưởng và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc; đi theo con đường đấu tranh cho độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, trở thành người cộng sản kiên trung, nhà chính trị quân sự xuất sắc, vị tướng tài năng, đức độ, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Những đóng góp, cống hiến của Nguyễn Vịnh - Nguyễn Chí Thanh thể hiện trên những phương diện cơ bản sau:
Một là, xây dựng, bổ sung phát triển lý luận chính trị quân sự cách mạng.
Với tư duy nhạy bén, sắc sảo, tài năng xuất chúng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tiếp thu, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, nội dung, bản chất và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn hoạt động cách mạng, nhất là lý luận về đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản. Theo đó, chủ nghĩa Mác - Lênin “là nhân tố quyết định cho sự tồn tại, phát triển và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng”(1); quá trình vận dụng phải gắn với quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm “người trước, súng sau”, “quân sự phải phục tùng chính trị” của Hồ Chí Minh.
Khi được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao đảm nhiệm các trọng trách từ Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên đến Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam; Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lập trường tư tưởng chính trị cho Quân đội và cán bộ, đảng viên vững mạnh. Yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải không ngừng học tập, nắm vững lý luận cơ bản chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, nhiệm vụ cách mạng của Đảng… để xác định tinh thần, thái độ, trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với nhiệm vụ cách mạng. Đồng thời, chủ động tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy các chủ trương, biện pháp nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị quân sự; nội dung, phương pháp thay thế chế độ “chính ủy tối hậu quyết định” bằng chế độ cấp ủy đảng; hướng dẫn điều chỉnh về tổ chức, biên chế quân đội; tổ chức các đợt chỉnh huấn chính trị; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị Quân đội; nghiên cứu biên soạn tài liệu để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, lý luận, tư tưởng;… đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong hoàn cảnh mới.
Trên cơ sở tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nghiên cứu, khái quát thành những bài viết, tác phẩm lý luận chính trị quân sự làm tài liệu tuyên truyền, giáo dục và chỉ đạo hoạt động cách mạng. Đây là những tư liệu quý, cung cấp cơ sở khoa học cho Trung ương Đảng bổ sung, hoàn thiện, phát triển đường lối chính trị quân sự cách mạng; bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với Quân đội và Quân đội phải luôn lấy mục tiêu chính trị của Đảng để phấn đấu, bởi vì “ngoài mục tiêu đó ra, Quân đội không còn mục tiêu chính trị nào khác”(2).
Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, làm cho công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trở thành “linh hồn và mạch sống” của Quân đội.
Khi được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao chủ trì về hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã “có công lớn trong việc củng cố sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, xây dựng Quân đội về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bồi dưỡng và phát huy bản chất cách mạng của Quân đội ta, xây dựng nền nếp CTCT, nâng cao nhanh chóng sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân”(3); luận giải rõ vị trí, vai trò, bản chất, nội dung, tầm quan trọng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động CTĐ, CTCT: Là “linh hồn và mạch sống” của Quân đội; là vấn đề có tính nguyên tắc để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc; là cội nguồn sức mạnh chiến đấu, bảo đảm Quân đội luôn sẵn sàng nhận, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào. Từ đó, đề ra yêu cầu phải không ngừng xây dựng hệ thống cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị vững mạnh và xây dựng, bổ sung, hoàn thiện nguyên tắc, chế độ hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội.
Theo đó, hệ thống cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp phải không ngừng được xây dựng, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng, gắn với xây dựng hệ thống tổ chức đảng “vững mạnh, chặt chẽ và đều khắp”; bảo đảm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ; trước hết là xây dựng Cơ quan Tổng cục Chính trị vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược, giúp Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Tổng Tư lệnh xác định chủ trương, nội dung, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội. Kết hợp xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ trì với xây dựng cấp ủy mạnh, có năng lực tổ chức, thực hiện hiệu quả các nguyên tắc về tổ chức, sinh hoạt đảng, theo phương châm “đề bạt cán bộ đúng chính sách, phục vụ kịp thời cho nhu cầu công tác và lớn mạnh của Quân đội”(4); kiên quyết đấu tranh, phê bình những biểu hiện hình thức chủ nghĩa và giáo điều chủ nghĩa. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống nguyên tắc và chế độ hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội, như: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện đối với Quân đội; CTCT phải đi sâu vào cuộc sống, chiến đấu và xây dựng của Quân đội; CTCT không thể chung chung, xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng...
Nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện đối với Quân đội “là nguyên tắc bất di bất dịch trong việc xây dựng Quân đội kiểu mới như Quân đội ta”(5). Vì thế, yêu cầu cấp ủy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, chỉ huy các cấp phải quan tâm, chú trọng lãnh đạo tốt công tác tư tưởng nhằm “làm cho cán bộ, chiến sĩ có lập trường quan điểm, tư tưởng cách mạng đúng đắn, kiên quyết và triệt để thực hiện đường lối, nhiệm vụ cách mạng của Đảng đề ra”(6); làm cho CTĐ, CTCT thực sự trở thành “linh hồn và mạch sống”, để Quân đội ta “thực sự trở thành một quân đội của dân tộc, của giai cấp, một đội quân tất thắng”(7).
Ba là, nhà lãnh đạo chiến lược tài ba, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc.
Trong những giai đoạn, thời điểm và tại những địa phương, lĩnh vực mà phong trào cách mạng gặp khó khăn, thách thức, như phong trào cách mạng ở Thừa Thiên và Phân khu Bình - Trị - Thiên cuối 1946, đầu 1947; phong trào hợp tác hóa và phát triển nông nghiệp cuối 1960; đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân, hải quân từ nửa cuối 1964... cần có một người tài năng để lãnh đạo, tổ chức, khôi phục, tạo bước phát triển mới cho phong trào, thì Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn là người được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn đảm nhiệm trọng trách.
Với tư duy nhạy bén, sáng tạo, sự nhạy cảm, tinh thông về chính trị và phương pháp, tác phong dân chủ, sâu sát, tỉ mỷ, bám sát cơ sở, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhanh chóng nắm bắt, đánh giá đúng diễn biến thực tiễn phong trào cách mạng, tương quan lực lượng địch - ta..., đúc rút thành những bài học kinh nghiệm, vấn đề lý luận và phương pháp có tính lý luận để chỉ đạo, soi đường cho thực tiễn. Các nhận định: “Mất đất, chưa phải là mất nước, chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân; có lòng tin của dân là có tất cả”(8); “phá xiềng ba sào”, thi đua với Hợp tác xã Đại Phong; “Dám đánh Mỹ ta sẽ tìm ra cách đánh Mỹ và nhất định thắng Mỹ”; “Nắm thắt lưng địch mà đánh”... của Đại tướng đã trở thành nguyên tắc, phương châm chỉ đạo phong trào cách mạng; kịp thời cổ vũ, động viên toàn quân, toàn dân hăng hái chiến đấu, phát triển sản xuất với nhiều phương pháp, cách làm sáng tạo, độc đáo, trở thành phong trào thi đua rộng khắp.
Quá trình chỉ đạo thực tiễn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn chú trọng nghiên cứu phát hiện ra những vấn đề mới, cấp thiết và mô hình hay, cá nhân điển hình để tổ chức phát động thành những phong trào thi đua sâu rộng, thiết thực, hiệu quả cao, vì lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Các phong trào thi đua nổi tiếng, phát triển mạnh mẽ, sức lan tỏa cao như: “Cờ Ba nhất” trong Quân đội; “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp; “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp; “Trống Bắc Lý” trong ngành giáo dục... đều in đậm dấu ấn và cống hiến tâm huyết của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
NHỮNG GIÁ TRỊ TO LỚN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN N AY
Những cống hiến to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vừa là động lực thúc đẩy, vừa là cơ sở củng cố niềm tin để cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, chiến sĩ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, tích cực nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng về quân sự, quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới.
Nắm vững nội dung, bản chất nghị quyết, chiến lược, chỉ thị, kết luận của Đảng về đường lối quân sự, quốc phòng thời kỳ đổi mới, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII; các chiến lược về quân sự, quốc phòng; Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về CNXH và con đường đi lên CNXH, về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng, về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, v.v..
Thấu suốt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quan điểm của Đảng về đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân phải dựa vào dân, “dân là gốc”; khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa tốt đẹp, sức mạnh con người Việt Nam, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; “thế trận lòng dân”, yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây là những nội dung quan trọng, là kết quả nghiên cứu, tổng kết 40 năm vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự, quốc phòng của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Qua đó, xác định đúng động cơ, thái độ trách nhiệm trong xây dựng, củng cố niền tin tất thắng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, thực hiện hiệu quả nguyên tắc, chế độ, nội dung hoạt động CTĐ, CTCT đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới.
Cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp xác định tốt vai trò, trách nhiệm trong trong quán triệt, thực hiện nghiêm quan điểm “Người trước, súng sau”, Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Quy định số 51-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về “Tổ chức cơ quan chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Tổ chức Quân đội giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo”, v.v.. Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp vững mạnh theo mô hình tổ chức, biên chế mới của Quân đội, phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đồng thời, tăng cường bám sát cơ sở, chú trọng sơ kết, tổng kết nội dung thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và hoạt động của bộ đội để xác định những vấn đề khó khăn, bất cập... Từ đó, tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy có thẩm quyền kịp thời đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nội dung, phương pháp tiến hành hoạt động CTĐ, CTCT; nội dung, biện pháp xây dựng hệ thống cơ quan chính trị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, gắn với xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng, cấp ủy trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ làm nền tảng vững chắc để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; góp phần “giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với QĐND”(9).
Thứ ba, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng, hoàn thiện phương pháp, tác phong công tác của người cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm về vị trí, vai trò của tu dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác khoa học, dân chủ, cộng đồng, trách nhiệm... cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là năng lực tư duy, khái quát, nhận định, đánh giá thực tiễn công tác, xác định đúng khâu yếu, mặt yếu nhằm tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.
Đề cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện: “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”(10).
Thực hiện tốt các quy định của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương về xây dựng, bồi dưỡng, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên trong Quân đội gắn với thực hiện “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo” của người đứng đầu, cán bộ chủ trì các cấp.
Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương phát động và phong trào thi đua Quyết thắng của Quân đội. Đồng thời, chủ động, tích cực phát hiện, nhân rộng mô hình mới, nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và các phong trào tiêu biểu như: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Đền ơn đáp nghĩa”.../.
Danh xưng “Đại tướng nông dân” dành cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không phải xuất phát từ hàm Đại tướng được phong hay đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương; mà bởi, nông dân là đại diện, biểu trưng của nền nông nghiệp, là một trong những giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam, trong đó người cộng sản Nguyễn Chí Thanh được tôn vinh là Đại tướng. Điều này phản ánh sự ghi nhận của Đảng, Bác Hồ và lòng kính trọng, biết ơn của nhân dân, lực lượng vũ trang về những cống hiến to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. |
Đại tá, TS. THÁI DOÃN TƯỚC/TG
Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam
___________________
(1) (3) (5) (6) Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Nxb. Thời đại, H, 2013, t.1 (Quyển 1), t.3, t.2, tr.56, 641, 533, 252.
(2) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tăng cường công tác đảng, CTCT trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2013, tr.241.
(4) Nguyễn Chí Thanh: Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1977, tr.75.
(7) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và CTCT trong quân đội (tuyển chọn những bài nói và viết), Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1997, tr.284.
(8) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người công sản kiên trung mẫu mực nhà lãnh đạo tài năng, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2013, tr .8.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.160.
(10) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 3/7/2023.
Liên kết website
Đang truy cập: 57
Hôm nay: 13,694
Hôm qua: 16,024
Tháng hiện tại: 311,439
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,021,756