Chiến thắng Điện Biên Phủ - thành công xuất sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng
Thứ ba - 09/04/2024 23:042890
Thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”(1). Thắng lợi đó được bắt nguồn từ truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, chiến đấu với ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do của Tổ quốc; đánh dấu thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng.
Một là, phát huy thế chủ động mở các đòn tiến công chiến lược phá vỡ Kế hoạch Navarre.
Đến giữa năm 1953, sau gần 8 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào bị động. Để cứu vãn tình thế, Chính phủ Pháp đã điều tướng Navarre sang giữ chức Cao ủy kiêm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.
Đáp lại kỳ vọng của giới quân sự thực dân, Navarre cho ra đời kế hoạch quân sự với cốt lõi là xây dựng khối chủ lực cơ động mạnh, từng bước giành lại quyền chủ động tiến tới giành thắng lợi quyết định, buộc ta phải đầu hàng, hoặc chấp nhận kết thúc chiến tranh theo những điều kiện có lợi cho Pháp. Được đế quốc Mỹ giúp sức, chỉ sau một thời gian ngắn, Navarre đã xây dựng được 84 tiểu đoàn cơ động, trong đó tập trung 44 tiểu đoàn ở Đồng bằng Bắc Bộ, mở nhiều cuộc hành quân đánh phá, càn quét bình định, với tham vọng trong vòng 18 tháng sẽ chuyển bại thành thắng.
Trước âm mưu của địch, cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp, nhận định: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn...”(2) và đề ra chủ trương: “Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ tiêu diệt địch ở những hướng chúng có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta”(3). Đây là định hướng chỉ đạo chiến tranh quan trọng của Đảng để lãnh đạo quân và dân ta phá Kế hoạch Navarre-nỗ lực chiến tranh cao của thực dân Pháp, được Mỹ giúp sức.
Chấp hành chủ trương chiến lược của Đảng, trong Đông Xuân 1953-1954, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo quân và dân ta phối hợp chặt chẽ cùng với quân, dân hai nước bạn Lào và Campuchia mở liên tiếp 5 đòn tiến công chiến lược trên khắp chiến trường Đông Dương, buộc địch phải điều động lực lượng đối phó(4). Đến tháng 2-1954, khối chủ lực cơ động của quân Pháp xây dựng nhằm tập trung để bình định Đồng bằng Bắc Bộ đã bị phân tán trên 5 khu vực(5), buộc phải căng ra đối phó với các đòn tiến công của ta, không thể hỗ trợ được cho nhau; Kế hoạch Navarre bước đầu đã bị phá sản(6).
Đây là lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ta mở các đòn tiến công chiến lược quy mô rộng lớn trên gần khắp bán đảo Đông Dương, phá vỡ kế hoạch tập trung khối chủ lực của Pháp, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, tạo ra thế và lực mới cho sự nghiệp kháng chiến.
Hai là, chỉ đạo tiến hành trận quyết chiến chiến lược đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp.
Giữa tháng 11-1953, phát hiện Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc, Navarre lập tức đưa 6 tiểu đoàn nhảy dù chốt giữ Điện Biên Phủ. Trước hành động của địch, Bộ Chính trị nhận định: “Vô luận rồi đây tình hình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta”(7), đồng thời chỉ rõ: “Phải nhằm trường hợp địch tăng cường thành lập Tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ mà chuẩn bị lực lượng”(8). Như vậy, với tư duy khoa học, tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng đã sớm nhận định Điện Biên Phủ sẽ là nơi quyết định đến cục diện chiến tranh.
Đầu tháng 12-1953, Navarre quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, hòng thu hút và tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta, nhanh chóng đưa số quân chiếm đóng lên 12.000 quân, trở thành nơi tập trung quân lớn thứ hai của quân đội Pháp ở Đông Dương, chỉ sau Đồng bằng Bắc Bộ, tạo nên thách thức lớn đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Trước hành động của địch, Đảng đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng quán triệt nguyên tắc “đánh chắc thắng”, vừa thấu triệt phương châm “cơ động, linh hoạt”, phát huy tinh thần tích cực, chủ động, khi thời cơ xuất hiện sẽ nhanh chóng tập trung lực lượng chủ lực, tiêu diệt sinh lực quan trọng của địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh.
Quá trình chỉ đạo triển khai các hướng tiến công chiến lược đập tan Kế hoạch Navarre cũng là quá trình Đảng ta hình thành phương án và chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ. Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch tác chiến và quyết định tập trung đại bộ phận quân chủ lực, mở chiến dịch tiến công tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng toàn bộ Tây Bắc, tạo sự chuyển biến mới cho cuộc kháng chiến. “Đây là quyết định sáng suốt, thể hiện sự nhạy bén, linh hoạt trong điều hành chiến tranh của Đảng, thể hiện bản lĩnh của Đảng trước thử thách của lịch sử”(9).
Để tập trung sức mạnh tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chỉ trong thời gian ngắn, ta đã đưa 3 đại đoàn bộ binh (308, 312 và 316), Trung đoàn Bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn Công-Pháo 351, Trung đoàn Lựu pháo 45, Trung đoàn Sơn pháo 675, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 lên triển khai thế trận tiến công. Navarre và Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp không thể ngờ ta lại có thể nhanh chóng huy động, tập trung một lực lượng chủ lực lớn nhất để giao chiến tại Điện Biên Phủ. Sớm tập trung binh lực lớn cho trận quyết chiến chiến lược đã thể hiện sự quyết tâm, cũng là bước phát triển trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng.
Quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ theo nguyên tắc chắc thắng, nên trước ngày lên đường ra mặt trận, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tổng Tư lệnh ra trận “Tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú toàn quyền quyết định”(10). Đáp lại sự tin tưởng của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”(11) cho phù hợp với khả năng của ta và tình hình thực tiễn. Quyết định này đã được Bộ Chính trị nhất trí. Ngày 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn bằng trận tiến công cứ điểm Him Lam.
Qua 56 ngày đêm, với 3 đợt chiến đấu, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, trung tâm đề kháng của địch, quân và dân ta đã đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất của địch, đánh bại biện pháp tác chiến chiến lược cuối cùng, những nỗ lực quân sự cuối cùng của địch, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Xác định Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược để giành thắng lợi quyết định, xoay chuyển cục diện chiến tranh đã khẳng định sự tài tình trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng.
Ba là, chỉ đạo phát huy thế trận chiến tranh nhân dân tạo sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Để phá Kế hoạch Navarre, Đảng đã chỉ đạo “đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường địch hậu, tích cực chuẩn bị mọi sự cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích ở các vùng tự do, sẵn sàng đối phó với địch để cho bộ đội chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ”(12).
Hoạt động của chiến tranh du kích đã khiến cho chiến trường chính Bắc Bộ, nơi Navarre tập trung binh lực để bình định đã phải thừa nhận: “Đại bộ phận quân tinh nhuệ Pháp (khoảng 100.000 người) bị giữ chân ở đây”, nhưng “trong khoảng 7.000 làng thì họ kiểm soát được 5.000 làng... Hậu quả trầm trọng nhất của tình trạng trên là 9 phần 10 lực lượng của chúng ta bị giam chân vào nhiệm vụ chiếm đóng, hoặc có cơ động thì cũng rất hạn chế...”(13).
Cùng với đó, các đòn tiến công chiến lược ở Bắc Tây Nguyên, Trung-Hạ Lào, đẩy mạnh tác chiến ở Bình Trị Thiên, Liên khu 5, Nam Bộ và Đông Bắc Campuchia, ta đã phân tán, kìm giữ 80% lực lượng cơ động chiến lược của địch; trong những vùng địch chiếm, đồng bào đẩy mạnh đấu tranh chính trị và công tác địch vận, làm cho tinh thần của chúng bị lung lay, dao động; trở thành mũi giáp công góp phần làm tan rã hàng ngũ địch. Các cuộc tập kích thắng lợi vào sân bay Gia Lâm (4-3-1954), sân bay Cát Bi (7-3-1954), đánh phá giao thông, đã góp phần hạn chế địch tiếp tế cho Điện Biên Phủ... Những hoạt động mạnh mẽ trên khắp các chiến trường phối hợp đã làm cho thực dân Pháp gặp nhiều khó khăn trong bổ sung lực lượng ứng cứu cho Điện Biên Phủ, đặc biệt là giai đoạn cuối của chiến dịch, khi quân Pháp ở Điện Biên Phủ đang bị quân ta siết chặt vòng vây, tiến công tiêu diệt.
Để tập trung giành thắng lợi, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong cả nước huy động tối đa sức mạnh vật chất, tinh thần, với khẩu hiệu “Tất cả cho Điện Biên Phủ; tất cả để chiến thắng”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, nhân dân ta dồn sức người, sức của chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Một hệ thống tuyến đường vận tải gồm cả thủy, bộ được tổ chức chặt chẽ, hàng trăm ô tô, hàng nghìn thuyền mảng, hàng chục nghìn xe thồ, ngựa thồ, dân công vượt qua những đoạn đường hiểm trở bị địch đánh phá ác liệt, ngày đêm vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men cung cấp cho chiến dịch. Ta đã huy động được 25.056 tấn gạo, 1.824 tấn thịt và thực phẩm cùng 261.453 dân công(14) phục vụ chiến dịch.
Cả nước hướng về Điện Biên Phủ, cả dân tộc anh dũng chiến đấu với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, tạo nên sức mạnh tổng hợp đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Navarre phải thừa nhận rằng: “Quân đội viễn chinh Pháp không phải chỉ chống chọi với một quân đội chính quy, mà còn phải đương đầu với cả một dân tộc”(15). Phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, thế trận của toàn dân đánh giặc tạo thành sức mạnh tổng hợp để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định sự thành công về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng.
Bốn là, chỉ đạo kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bước vào năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng, trong khi thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, là điều kiện quan trọng để chúng ta kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao đi đến kết thúc chiến tranh. Ngày 26-11-1953, trả lời phỏng vấn Báo Expressen (Thụy Điển), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”(16).
Tuy vậy, phía Pháp vẫn muốn tìm lối thoát chiến tranh trong danh dự nên đã xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm để tiêu diệt lực lượng ta. Trước âm mưu của địch, ngày 27-12-1953, Thông tri của Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ: “Ta phải đẩy mạnh kháng chiến, tiêu diệt cho thật nhiều sinh lực địch hơn nữa, thì địch mới chịu nhận thương lượng để giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam, tôn trọng quyền tự do, độc lập của dân tộc ta”(17).
Đúng như nhận định của Đảng, từ ngày 25-1 đến 18-2-1954, Hội nghị Tứ cường (Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp) đã thỏa thuận triệu tập hội nghị quốc tế ở Geneva vào ngày 26-4-1954, nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên và sau đó cùng Trung Quốc và các bên liên quan khác sẽ xem xét việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Như vậy, vấn đề Việt Nam chưa được đặt lên bàn nghị sự của các nước lớn. Trong bối cảnh đó, buộc chúng ta phải chiến đấu, giành thắng lợi trên chiến trường mới có thể được tham dự hội nghị. Một tuần trước khi Hội nghị Geneva được tổ chức, ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết khẳng định: “Chiến dịch Điện Biên Phủ đối với tình hình quân sự và chính trị ở Đông Dương, đối với sự trưởng thành của Quân đội ta, cũng như đối với công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới có một ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong lúc Hội nghị Geneva sắp họp. Bởi vậy, ta phải kiên quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này”(18).
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, quân và dân ta đẩy mạnh tiến công, buộc các nước Mỹ, Anh và Pháp chấp nhận đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Geneva (2-5-1954). Ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Ngày 8-5-1954, Hội nghị Geneva về Đông Dương khai mạc, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bước vào cuộc đàm phán với tư cách người chiến thắng. Thất bại Điện Biên Phủ làm cho hy vọng thương lượng trên thế mạnh của Pháp tan vỡ. Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneva được ký kết.
Lần đầu tiên trong lịch sử, các nước lớn tham gia hội nghị công nhận và cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, buộc Pháp phải chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước. Đây là thắng lợi quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao của Đảng đã đưa đến thắng lợi quan trọng này, đánh dấu kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây cũng là thành công lớn về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng. Thành công của Đảng trong chỉ đạo chiến tranh, giành thắng lợi cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cần vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thứ nhất, quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, kịp thời xử lý tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu, thường xuyên của cách mạng Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề lớn, hệ trọng, liên quan đến vận mệnh, tương lai của dân tộc luôn được xác định rõ trong các nghị quyết của Đảng.
Do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần tập trung quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, đề án về quân sự, quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII “Về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời đề xuất các chủ trương, đối sách đúng đắn, xử trí kịp thời, hiệu quả các tình huống; chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất, soạn thảo kế hoạch, nội dung về chiến lược, sách lược bảo vệ Tổ quốc, dự kiến những tình huống có thể xảy ra và các biện pháp đối phó có hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, ngăn chặn xung đột từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; chuẩn bị các phương án, lực lượng, phương tiện, ứng phó thắng lợi các thách thức an ninh phi truyền thống...
Thứ hai, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên từng khu vực, hướng chiến lược.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là chủ trương chiến lược, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, khả năng phòng thủ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đây là chủ trương phù hợp với truyền thống và thực tiễn của đất nước. Để có được nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, cần tập trung củng cố, nâng cao tiềm lực chính trị-tinh thần, kinh tế, khoa học và công nghệ, quân sự, đối ngoại. Trong đó, tập trung xây dựng tiềm lực chính trị-tinh thần thực sự là thành tố cơ bản, động lực để huy động, xây dựng các tiềm lực khác tạo thành sức mạnh tổng hợp.
Cốt lõi của xây dựng tiềm lực chính trị-tinh thần là phải xây dựng tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Thường xuyên chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết là đoàn kết trong Đảng thành một khối thống nhất, làm hạt nhân đoàn kết toàn dân tộc; khắc phục kịp thời những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ sức mạnh của truyền thống, văn hóa dựng nước, giữ nước của dân tộc; chủ trương, đường lối quốc phòng, quân sự, xây dựng nền quốc phòng toàn dân... Phát huy dân chủ rộng rãi, tạo đồng thuận, nhất trí cao trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với kinh tế-xã hội trên từng vùng, miền và cả nước. Tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố vững chắc, phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ, khả năng kinh tế của từng địa bàn; gắn kết chặt chẽ với thế trận tác chiến phòng thủ quân khu, hình thành thế trận phòng thủ trên các hướng chiến lược và cả nước. Tiếp tục điều chỉnh thế bố trí chiến lược của các đơn vị bộ đội chủ lực, biên phòng... trên các hướng phòng thủ chủ yếu, quan trọng, địa bàn biên giới xung yếu gắn với điều chỉnh, bổ sung phương án tác chiến phòng thủ các cấp, các biện pháp phòng, chống an ninh phi truyền thống, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thứ ba, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, phát huy vai trò lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại là một tất yếu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện tốt nội dung này, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 05 ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII; Nghị quyết 230 ngày 2-4-2022 của Quân ủy Trung ương (QUTƯ) “Về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo”. Xây dựng, điều chỉnh tổ chức Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, có cơ cấu đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng; giảm đầu mối trung gian và đơn vị phục vụ, bảo đảm; điều chỉnh lực lượng phù hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, khả năng bảo đảm vũ khí, trang bị, giữ vững và phát huy truyền thống Quân đội, nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Tổ chức một số đơn vị dự bị chiến lược phù hợp với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu chiến đấu trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, nâng cao chất lượng giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản chất cách mạng, truyền thống, nhiệm vụ của Quân đội và đơn vị; xác định rõ đối tác, đối tượng; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Kịp thời khắc phục những nhận thức, tư tưởng lệch lạc, chủ động đấu tranh phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 1659 ngày 20-12-2022 của QUTƯ “Về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo”, Nghị quyết 1657 ngày 20-12-2022 của QUTƯ “Về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới”. Duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn kiện và luyện tập, diễn tập theo các phương án tác chiến, nâng cao khả năng dự báo, tham mưu chiến lược, sẵn sàng chiến đấu, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Thứ tư, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là một mặt hoạt động quốc phòng nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình, là một trong 3 trụ cột ngoại giao của Nhà nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, ngăn ngừa xung đột và nguy cơ chiến tranh, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng, cần tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII “Về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết 34 ngày 9-1-2023 của Bộ Chính trị “Về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”; Kết luận 53 ngày 28-4-2023 của Bộ Chính trị “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết 2662 ngày 26-2-2024 của QUTƯ “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; đồng thời, bám sát định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp chiến lược liên quan đến hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, trên cơ sở kiên định với những vấn đề mang tính nguyên tắc, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu tối thượng; mềm dẻo, linh hoạt trong ứng xử, xử lý các mối quan hệ, để tăng cường sự đoàn kết, hợp tác quốc tế, củng cố tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia; góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong mọi tình huống.
Có thể khẳng định, bước phát triển nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng là một trong những yếu tố quyết định nhất để quân và dân ta giành thắng lợi trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày nay, bối cảnh trong nước, khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; vận dụng kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, toàn quân cần thường xuyên quán triệt nghiêm và thực hiện có hiệu quả mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là QUTƯ, Bộ Quốc phòng; vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên tắc, quan điểm của Đảng về lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong Cương lĩnh, các nghị quyết, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII “Về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thượng tướng, TS LÊ HUY VỊNH, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
--------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tr.315.
(2) Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Nxb QĐND, H, 2001, tr.26.
(3) Bộ Quốc phòng, Chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ (13-3 / 7-5-1954), Nxb QĐND, H, 1991, tr.10.
(4) Đòn tiến công lên Tây Bắc, buộc địch phải đưa lực lượng lên xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đòn tiến công sang Trung Lào, buộc địch đưa lực lượng sang xây dựng Tập đoàn cứ điểm ở Sê Nô (tỉnh Savannakhet, Lào). Đòn tiến công sang Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, giải phóng một vùng rộng lớn nối thông Trung-Hạ Lào với Đông Bắc Campuchia. Đòn tiến công Tây Nguyên, buộc địch đưa lực lượng xây dựng Tập đoàn cứ điểm An Khê và Pleiku. Đòn tiến công sang Thượng Lào, buộc địch đưa lực lượng xây dựng Tập đoàn cứ điểm ở Luang Prabang và Mường Sài.
(5) Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc, Trung Lào, Tây Nguyên và Thượng Lào.
(6) Sau này, các nhà quân sự phương Tây bình luận: Khi tướng Navarre còn chưa kịp “ra đòn” thì Bộ chỉ huy kháng chiến của Việt Minh, với tài dụng binh xuất sắc của tướng Giáp đã khéo điều các đơn vị tinh nhuệ của Pháp đến những nơi họ muốn. Kế hoạch Navarre thất bại ngay từ buổi bình minh.
(7) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, H, 2006, tr.887.
(8) Bộ Tổng Tham mưu, Ban Tổng kết-Biên soạn lịch sử, Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp, 1991, tr.724.
(9) Bộ Quốc phòng-Tỉnh ủy Điện Biên, Chiến thắng Điện Biên Phủ-Giá trị lịch sử và hiện thực (7-5-1954 / 7-5-2019), Nxb QĐND, H, 2019, tr.879.
(10) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quyết định khó khăn nhất, Báo Nhân Dân chủ nhật, ngày 8-5-1989.
(11) “Đánh chắc, tiến chắc” là cách tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực vào từng mục tiêu, bảo đảm chắc thắng cho từng trận đánh, vừa đánh vừa học, đánh trận trước, đợt trước xong, củng cố lực lượng, chấn chỉnh tổ chức, rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho trận sau, đợt sau.
(12) Chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ (13-3 / 7-5-1954), Sđd, tr.10.
(13) H.Navarre, Thời điểm của những sự thật, Nxb Công an nhân dân, H, 2004, tr.57.
(14) Ban Khoa học Hậu cần-Tổng cục Hậu cần, Công tác hậu cần Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tổng cục Hậu cần xuất bản, H, 1979, tr.554.
(15) Henri Navarre, ĐôngDương hấp hối, Nxb Công an nhân dân, H, 2004, tr.427.
(16) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tr.340.
(17) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2001, tr.595.
(18) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2001, tr.88.