Văn hóa - nguồn lực đặc biệt

Thứ ba - 20/12/2022 22:20

Phát huy nguồn lực văn hóa là quá trình nhận diện, khơi dậy, phát triển, lan tỏa, khai thác tài nguyên văn hóa một cách phù hợp, hiệu quả, phục vụ cho phát triển đất nước toàn diện và bền vững trong thời kỳ mới.

1
Đua ghe Ngo - lễ hội mang đậm văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn: phuhunglife.com

Khai thác giá trị kinh tế

Thảo luận tại Hội thảo Văn hóa 2022 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, GS.TS. Từ Thị Loan nhấn mạnh văn hóa như một nguồn lực đặc biệt. Phân tích trong lĩnh vực văn hóa dân gian, GS.TS. Từ Thị Loan nhận định đây là nơi lưu giữ đậm đặc nhất bản sắc văn hóa dân tộc. Trong khi văn hóa đương đại đang bị giao lưu, tiếp biến, văn hóa dân gian vẫn tiếp tục phát huy vai trò nguồn lực, đóng góp vào công cuộc phát triển bền vững trên nhiều khía cạnh.

Việt Nam có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc đến từ các cộng đồng sinh sống khắp mọi miền đất nước. Lễ hội góp phần giáo dục truyền thống, văn hiến dân tộc, góp phần củng cố đời sống tinh thần, phát triển xã hội theo hướng nhân văn, nhân bản. Đồng thời, lễ hội cũng thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp trực tiếp vào ngân sách địa phương. Nhiều lễ hội như đền Hùng, chùa Hương… từ lâu đã nổi tiếng cả nước. Có lễ hội như Vía Bà Chúa Xứ núi Sam ở An Giang, mỗi năm đem lại doanh thu trên 90 tỷ đồng, hay Lễ hội Đền Trần đóng góp cho ngân sách tỉnh Nam Định trên dưới 40 tỷ đồng/năm…

Rõ ràng, bên cạnh giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cố kết cộng đồng, lễ hội còn là nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong văn hóa dân gian, các điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, phong tục tập quán đều là các nguồn tài nguyên nhân văn phong phú có thể khai thác phục vụ du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Nhiều hình thức trình diễn dân gian, đặc biệt là sân khấu truyền thống có khả năng giúp thu hút công chúng nước ngoài, định vị bản sắc Việt Nam trên bản đồ văn hóa, du lịch thế giới. Ví dụ, múa rối nước là đặc sắc riêng có của Việt Nam, đã chinh phục bạn bè năm châu, đưa lại ấn tượng về đất nước hình chữ S giàu văn hóa đặc sắc. Hay tri thức bản địa đến nay vẫn phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng, như tri thức lao động sản xuất trong nông nghiệp, ngư nghiệp; y học cổ truyền…

“Ngay các làng nghề truyền thống cũng là một nguồn lực rất lớn để phát huy tài khéo, sự sáng tạo của nghệ nhân dân gian. Rồi ẩm thực truyền thống với nhiều món ăn dân dã cũng được thế giới yêu thích… Tất cả đều là sức mạnh để quảng bá văn hóa Việt Nam cũng như khai thác để đem lại giá trị kinh tế, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước”, GS.TS. Từ Thị Loan nói.

Quan tâm 3 trục phát triển

Rõ ràng, các khía cạnh đa dạng của văn hóa đang mang lại nguồn lợi không nhỏ song tài nguyên ấy đến nay chưa được nhìn nhận đầy đủ, có chính sách khuyến khích phát huy, khai thác phù hợp. GS.TS. Từ Thị Loan chỉ ra thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang xuất khẩu đến 163 nước và đáp ứng khoảng 10% nhu cầu toàn cầu. Thế nhưng hiện nay vẫn chưa có luật làng nghề, trong khi các sản phẩm này gắn chặt với làng nghề thủ công truyền thống. Điều đó gây nên tình trạng các làng nghề phát triển tự phát, manh mún, mạnh ai nấy làm và giẫm chân lên nhau, tự làm khó nhau trong cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Nhìn sang lĩnh vực điện ảnh, năm 2022 đánh dấu bước tiến quan trọng khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua, cập nhật nhiều phương pháp quản lý mới, tiếp thu kinh nghiệm phát triển điện ảnh của các nước châu Á và thế giới. Nhiều kỳ vọng tháo gỡ điểm nghẽn, huy động nguồn lực cho phát triển điện ảnh Việt Nam, trong đó có quy định liên quan đến hậu kiểm, tiền kiểm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ còn tiếp tục khó khăn nếu chúng ta không thể hiện tư duy mới, phù hợp xu thế thời đại khi can thiệp vào văn hóa.

Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, văn hóa là lĩnh vực đặc biệt tinh tế và nhạy cảm. Chính vì thế, mỗi can thiệp vào văn hóa đều phải tính toán kỹ lưỡng. Xu thế chung thế giới là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. “Cơ chế hậu kiểm giúp thúc đẩy phát triển văn hóa. Hậu kiểm không có nghĩa là không có tiền kiểm mà chúng ta vẫn thông qua các quy định có từ trước để văn nghệ sĩ sáng tạo, biết được mình được hay không được làm gì, từ đó có những sản phẩm phù hợp”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Xây dựng thể chế, chính sách để văn hóa phát triển không chỉ liên quan đến lĩnh vực văn hóa mà cần quan tâm đến lĩnh vực khác. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Lê Thanh Liêm dẫn chứng: "Hiện nay, khuyến khích đầu tư cho văn hóa mới chỉ là khuyến khích bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Trong khi chúng ta xác định có 3 trục phát triển văn hóa: Di sản; văn hóa nghệ thuật; văn hóa quần chúng. Luật Đầu tư mới chỉ khuyến khích bảo tồn, phát huy di sản, hai trục còn lại thì chưa. Phương thức đầu tư theo mô hình hợp tác công tư (PPP) cũng vậy, pháp luật hiện hành quy định chỉ 5 lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP, trong đó không có văn hóa. Cho nên ngoài văn bản điều chỉnh trực tiếp thì cũng cần rà soát hệ thống văn bản liên quan để có lộ trình hoàn thiện thời gian tới”, ông Lê Thanh Liêm đề xuất.

Thái Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Chức năng, nhiệm vụ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên

1. Chức năng: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu của Tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng thuộc các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa giáo, biên soạn lịch...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về NukeViet 4?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây