Nêu gương, trước hết cần từ trong gia đình

Thứ tư - 24/04/2019 03:32

Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên không chỉ ở cơ quan, đơn vị công tác, hay nơi cư trú mà trước hết là trong từng gia đình. Các phụ huynh là cán bộ, công chức càng phải nêu gương, để con cháu thấy mình thật sự là gương sáng mà phấn đấu noi theo. 

5
Tranh minh họa. (Nguồn: tuoitre.vn)

Vụ việc gian lận trong thi cử xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, điển hình là ở Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La, khiến dư luận xã hội bất bình và lên án.

Hàng chục cán bộ đã bị khởi tố vì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, liên quan việc nâng điểm cho thí sinh. Hàng trăm thí sinh bị hủy kết quả trúng tuyển tại các trường đại học; cá biệt có trường hợp thủ khoa kép đã phải rời trường sau khi có điểm thi thực tế. Trong số đó, có khá nhiều con em của cán bộ ở các địa phương.

Mất mát không nhỏ ở đây là sự ảnh hưởng tới niềm tin, cũng như sự kỳ vọng vào ngành giáo dục - một lĩnh vực quan trọng hàng đầu của đất nước. Môi trường trước đây được cho là trong sạch, ít xảy ra tiêu cực, nay bị giảm sút đến mức đáng báo động. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, đó là sự khủng khoảng niềm tin đối với ngành giáo dục; làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ các ngành ở địa phương.

Nhiều học sinh trong trường hợp này chỉ là nạn nhân, cần được giảm bớt áp lực để tiếp tục được học và thi vào các trường theo nguyện vọng để có cơ hội lập thân, lập nghiệp.

Đáng trách nhất là một số phụ huynh là cán bộ có chức, có quyền và những cán bộ đã tiếp tay cho việc nâng điểm tại kỳ thi nêu trên. Không ít trường hợp còn bao biện, rằng không liên quan, không có tác động gì để con mình được nâng điểm; có trường hợp khẳng định như “đinh đóng cột” là con mình xứng đáng đỗ đại học!

Thực tế từ vụ việc trên cho thấy, phần lớn số phụ huynh, những người liên quan việc nâng điểm cho thí sinh là cán bộ, đảng viên, nhưng đã không làm tròn bổn phận của bậc cha mẹ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, trong đó có Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương. Quy định nêu rõ, cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương;… thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi; dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ…

Chưa kể, quá trình giải quyết, xử lý vụ việc nêu trên của một số cơ quan chức năng chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, có biểu hiện né tránh, chưa làm đến nơi, đến chốn, không công khai, minh bạch về những cán bộ, đảng viên vi phạm.

Để bảo đảm sự công bằng xã hội và kỷ cương phép nước nghiêm minh, đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Quy định về trách nhiệm nêu gương, các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xem xét xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình; đưa ra khỏi ngành những cán bộ này.

Các tổ chức đảng trong ngành giáo dục nên mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, quán triệt, nhận thức đầy đủ nội dung tinh thần Quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là nêu gương về đạo đức, lối sống của thầy giáo, cô giáo gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tránh xa “vết xe đổ” mà đồng nghiệp đã vướng vào, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, “thầy ra thầy, trò ra trò”.

Các cơ quan, tổ chức đảng tại những địa phương có cán bộ, đảng viên liên quan cần kiểm điểm sâu sắc, xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm và lấy đó làm bài học trong công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là khi thi hành công vụ.

Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên không chỉ ở cơ quan, đơn vị công tác, hay nơi cư trú mà trước hết là trong từng gia đình. Các phụ huynh là cán bộ, công chức càng phải nêu gương, để con cháu thấy mình thật sự là gương sáng mà phấn đấu noi theo. Nêu gương trong các mối quan hệ gia đình; trong việc thực hiện trách nhiệm của mình, trong cách ứng xử với họ tộc, hàng xóm,…

Việc chạy điểm cho con vô tình đã gieo rắc tư tưởng xấu vào những tâm hồn vốn trong sáng, làm cho các em đánh mất niềm tin, ý thức tự lực trong cuộc sống và có thể sẽ biến các em thành người làm việc gì cũng chạy chọt, hối lộ. Cần nêu gương gạt bỏ thành tích giả và những ảo tưởng huyễn hoặc về thanh danh để con em mình được lớn lên hồn nhiên, trung thực giữa cuộc đời, tránh gây ra hậu quả khôn lường cho chính gia đình mình và cả xã hội./.

nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Quyết định về việc ban hành Quy định cung cấp, biên tập và đăng tải tin, bài lên Trang Thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

I-  NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh 1. Quy định này quy định việc tiếp nhận, cung cấp, biên tập và cho phép đăng tải tin, bài lên Trang Thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; về trách nhiệm quản lý và phân công phụ trách cung cấp thông tin. 2. Đối tượng là...

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây