Tấm gương sáng ngời, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, suốt đời hy sinh, phấn đấu quên mình cho đất nước và nhân dân của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là tài sản vô giá trong giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lập trường chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là trong tình hình hiện nay.
TẤM GƯƠNG MẪU MỰC VỀ PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chiến sĩ cộng sản trung kiên, hiến dâng trọn cuộc đời cho cách mạng, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương và sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng vô sản, Võ Nguyên Giáp đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng khi mới 14 tuổi (1925). Mười lăm năm sau, người chiến sĩ cách mạng ấy được kết nạp vào Đảng và được Trung ương cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (1940) khởi đầu quá trình phát huy tài năng, đức độ, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng củaĐảng và dân tộc.
Trước Cách mạng Tháng Tám, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, tuyên truyền, giác ngộ, vận động quần chúng nhân dân tham gia cách mạng với phương pháp sáng tạo, hiệu quả cao; được Hồ Chí Minh ủy quyền công bố Sắc lệnh thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22/12/1944). Thông qua hoạt động thực tiễn, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng vào xây dựng, chuẩn bị lực lượng chính trị, quân sự vững mạnh, bảo đảm cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công đảm nhiệm các trọng trách: Tổng tư lệnh Quân đội, Tổng Chính ủy, Tổng Quân ủy, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, v.v. Đại tướng đã đóng góp quan trọng vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, trưởng thành về mọi mặt, là Quân đội anh hùng, bách chiến, bách thắng, tận trung với Đảng, tận hiếu với Dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Tên tuổi, sự nghiệp của nhà quân sự kiệt xuất, nhà chính trị lỗi lạc - Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khi đất nước bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới, dù ở cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ, hay đã nghỉ hưu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết của người cán bộ, đảng viên, có nhiều đóng góp quan trọng vào những vấn đề lớn của đất nước, nhất là trong phát triển khoa học, kỹ thuật, giáo dục, đào tạo; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền; mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực và thế giới, v.v. Đặc biệt, Đại tướng dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ tiến hành nghiên cứu, tổng kết các công trình khoa học về: Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng, nghệ thuật quân sự, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy… thể hiện tinh thần sống ngày nào cũng là vì nước, vì dân ngày đó(1) của mình. Những công trình này là tài sản vô giá, cẩm nang quý báu đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội ta trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt đời tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, hết mực yêu thương cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp có được sự yêu mến, kính trọng của các tướng lĩnh đến những người lính bình thường trong toàn quân bằng tên gọi gần gũi, thân thương “Anh Cả”, “Anh Văn”; nhân dân vinh danh là “Đại tướng của nhân dân”; phía bên kia chiến tuyến dành sự tôn trọng, nể phục, gọi là “Vị tướng huyền thoại”, v.v. Điều đó có được bởi trong Đại tướng đã hội tụ đầy đủ các phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; các đức tính của người làm tướng Trí, Dũng, Tín, Nhân, Liêm, Trung theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xem đó là phương châm sống, phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng suốt đời.
Khi đảm nhiệm Tư lệnh các chiến dịch, Đại tướng luôn sâu sát, cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nghiên cứu, trinh sát nắm chắc tình hình chiến trường để tìm ra phương án tác chiến tối ưu nhất với phương châm: Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh; kiên quyết, dứt khoát phải giành cho bằng được thắng lợi dù địch mạnh đến bao nhiêu nhưng phải hạn chế cao nhất sự hy sinh xương máu của chiến sĩ, đồng bào. Trước, trong và sau mỗi trận đánh, Đại tướng đều đến tận chiến hào để thăm hỏi, động viên, chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ; căn dặn bộ đội quan tâm, giúp đỡ chính quyền, nhân dân địa phương ổn định tình hình, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào. Từ quyết định thay đổi phương châm tác chiến “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đến mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng” trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đều thể hiện trách nhiệm, tư tưởng nhân văn trong nghệ thuật chỉ đạo dành thắng lợi vì nước, vì dân của Đại tướng.
Là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Đại tướng gương mẫu, làm gương về phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trung thực, đoàn kết, khiêm tốn, giản dị, chí công vô tư, gần gũi, hết mực thương yêu cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đại tướng cũng thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, giữ vững khí tiết, tư tưởng tiến công, ý chí tự lực tự cường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Luôn đề cao công lao, sự hy sinh to lớn của nhân dân, quân đội, những người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường và chỉ nhận mình là “hạt nước giữa đại dương” bình đẳng với mọi người lính. Đại tướng từng nói: “Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng như giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trên bình diện nhiệm vụ thì tôi cũng là người lính bình đẳng, cho nên tôi rất tôn trọng người lính”(2).
Với người bên kia chiến tuyến, Đại tướng, Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo toàn quân, toàn dân thực hiện nghiêm chính sách nhân đạo, khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về tù, hàng binh; qua đó, giác ngộ cho họ về cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam và bản chất phản động của chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Dù là người chiến bại, nhưng từ tướng lĩnh, sĩ quan đến binh sĩ luôn dành cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp sự tôn trọng, nể phục, như lời của Tướng Pháp De Castries: “Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, để được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp; tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.
Danh tiếng, uy tín, phẩm chất đạo đức, nhân cách của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, chống áp bức, bóc lột, bất công ở các nước thuộc địa Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ - La tinh; được thế giới vinh danh và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hoà bình ngưỡng mộ, cảm phục.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương mẫu mực suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Đại tướng, học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết phải học, hiểu về tinh thần “dĩ công vi thượng”. Đó là, làm gì cũng phải đặt lợi ích của chung lên trên hết, lợi ích của dân tộc, lợi ích của đất nước lên trên lợi ích của gia đình, lợi ích của bản thân mình. Đại tướng luôn gương mẫu và chỉ bảo, hướng dẫn mọi người cùng thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ được giao, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho Tổ quốc. Tiếp thu, vận dụng sáng tạo, thành công tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn đấu tranh cách mạng, nhất là các vấn đề: Phương pháp cách mạng; vai trò của quần chúng nhân dân; chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân; người trước, súng sau, chính trị trọng hơn quân sự, v.v.
Là một trong những cán bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ dạy, được gần gũi, gắn bó gần 30 năm, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã sớm nghiên cứu viết về tư tưởng và cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi thôi đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý, chấp hành sự phân công của Trung ương Đảng, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại tướng đã chuyên tâm nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh và có nhiều đóng góp đặc biệt quý báu, góp phần xây dựng nền móng cho bộ môn khoa học Hồ Chí Minh học. Cùng với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ, Đại tướng đã góp phần quan trọng đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Trọn cả cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Cuộc đời hoạt động của Đồng chí gắn liền với quá trình phát triển của cách mạng nước ta và những mốc son lịch sử trọng đại, oanh liệt, đầy hy sinh, gian khổ của Đảng và dân tộc.
Hơn 30 năm trên cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Đồng chí luôn nêu tấm gương sáng về tinh thần cách mạng tiến công, sáng tạo trong nghệ thuật quân sự, nghệ thuật cầm quân, quyết chiến và quyết thắng, đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn chiến tranh thâm độc của kẻ thù. |
HỌC TẬP TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Học tập tấm gương đạo đức Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tình cảm, trách nhiệm của nhân dân cả nước nói chung, cán bộ, chiến sĩ quân đội nói riêng đối với người “Tổng Tư lệnh - Người Anh Cả” của mình. Trong đó, quyết tâm thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, không ngừng học tập, phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội. Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; xác định rõ mục tiêu chiến đấu, đối tượng, đối tác cách mạng, không hoang mang, dao động trước những khó khăn, thách thức, v.v. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong nghiên cứu, học tập, nắm vững, hiểu đúng, vận dụng sáng tạo các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc Phòng và điều lệnh, kỷ luật của quân đội… vào thực tiễn công tác, sát với cương vị, chức trách được giao. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ luôn là lực lượng xung kích, tiên phong, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn, vất vả nhất, ở nơi khắc nghiệt, nguy hiểm nhất; xông pha vào “tâm bão”, “rốn lũ”, “biển lửa”, “tâm dịch”… để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Tấm gương 33 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai trong đợt bão lũ tháng 10/2020 ở miền Trung; hình ảnh người lính nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám trụ trên các điểm chốt đường mòn, lối mở ở biên giới, ở các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến, sẵn sàng hành quân huấn luyện dã ngoại ngủ võng, nằm hầm để nhường doanh trại cho nhân dân… đã tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế.
Đồng thời, mỗi cán bộ, chiến sĩ chủ động đẩy mạnh đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; bác bỏ có cơ sở khoa học, có sức thuyết phục những luận điệu tuyên truyền, kích động của các thế lực thù địch, đi đối với khẳng định tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của cách mạng và công cuộc đổi mới, v.v. Qua đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân hiểu rõ bản chất, âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa quân đội với nhân dân; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội hòng “phi chính trị hóa” Quân đội… của các thế lực thù địch; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng và giữ vững “trận địa tư tưởng” của Đảng trong Quân đội. Phát huy tinh thần tự giác trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu; chấp hành nghiêm các quy chế, quy định, chế độ, nền nếp chính quy, kỷ cương, kỷ luật… nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của đơn vị .
|
Thứ hai, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh, cộng đồng, trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân. Noi gương Đại tướng, cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên gương mẫu, tu dưỡng, rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống của người quân nhân cách mạng. Đề cao vai trò, trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, nói đi đôi với làm để cấp dưới học tập, noi theo. Cán bộ cương vị càng cao, càng phải gương mẫu và thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kiên quyết chống mọi biểu hiện suy thoái, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Phát huy tinh thần tự giác, tích cực đấu tranh tự phê bình, phê bình để phát hiện, ngăn ngừa, khắc phục những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và chủ nghĩa cá nhân. Mọi nơi, mọi lúc, nhất là trước những cám dỗ vật chất phải tự đấu tranh với chính mình, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không được bằng lòng với chính mình về trình độ hiểu biết, đạo đức và phương pháp, tác phong công tác.
Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ phải tích cực, tự giác học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kiến thức cơ bản về kỹ năng sống, văn hoá ứng xử, giao tiếp. Quán triệt và phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện theo 5 chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới: Bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ trong sáng, trách nhiệm cao; Đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; Có văn hóa, tri thức khoa học, trình độ quân sự, năng lực, phương pháp, tác phong công tác và sức khỏe tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Thực hành dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; Chăm lo xây dựng đoàn kết nội bộ tốt, tôn trọng, giúp đỡ, gắn bó máu thịt với nhân dân, có tinh thần quốc tế trong sáng(3).
“Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi đó là kết tinh sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được dẫn dắt bởi đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; được làm nên bằng ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta cùng trí tuệ của một tập thể cán bộ lãnh đạo tài năng, được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng mà Đồng chí là một trong những người tiêu biểu”. (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) |
Thứ ba, thực hiện có hiệu quả các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tấm gương đạo đức của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là niềm tự hào, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng và thực hiện đầy đủ các nội dung Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì theo phương châm: Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo để tạo sự đoàn kết, thống nhất nhận thức, tổ chức thực hiện các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong từng cơ quan, đơn vị và toàn quân.
Có thể khái quát tài năng, phẩm chất đạo đức, nhân cách mẫu mực, sáng ngời của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp qua câu đối: “Văn lo vận nước Văn thành Võ; Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn” mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc, là “tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo”(4)./.
Đại tá. TS. Thái Doãn Tước/TG
Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
---------------------------------
(1) Phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại buổi tiếp Đoàn Đại biểu Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và chúc mừng Đại tướng nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/2009.
(2) Phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại buổi gặp mặt giữa Đại tướng với ông Robert McNamara, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 23/6/1997 tại nhà khách Chính phủ, trong khuôn khổ Hội thảo Việt - Mỹ.
(3) Chỉ thị số 855-CT/QUTW ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới”.
(4) Điếu văn do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 13/10/2013.
I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh 1. Quy định này quy định việc tiếp nhận, cung cấp, biên tập và cho phép đăng tải tin, bài lên Trang Thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; về trách nhiệm quản lý và phân công phụ trách cung cấp thông tin. 2. Đối tượng là...