Giữ vững đoàn kết bằng xây dựng và vận hành quy chế làm việc của cấp ủy

Thứ hai - 09/12/2019 20:48 336 0

Một điểm hạn chế được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ rõ là: “Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng”.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến biểu hiện này là xuất phát từ việc xây dựng, vận hành quy chế làm việc (QCLV) của cấp ủy đảng chưa tốt. Đây cũng chính là một phần của nguyên nhân dẫn tới hiện tượng mất đoàn kết nội bộ, “bằng mặt mà không bằng lòng”, tiền đề nảy sinh “tự diễn biến”...

QCLV của mỗi cấp ủy là văn bản cụ thể hóa các nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng, các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành các nguyên tắc, chế độ quy định, hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng. Nội dung quy chế (QC) thường quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể cấp ủy và từng cấp ủy viên, cũng như quy định các mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội. Những điều khoản quy định trong QC buộc tất cả mọi thành viên trong cấp ủy phải chấp hành, thực hiện triệt để, giúp lãnh đạo được tập trung, thống nhất và toàn diện.

Giữ vững đoàn kết bằng xây dựng và vận hành quy chế làm việc của cấp ủy
Ảnh minh họa / TTXVN.

Hiện nay, bên cạnh nhiều tổ chức đảng ở các cấp xây dựng được hệ thống QCLV khoa học, chặt chẽ, vận hành thông suốt, mang lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực trong lãnh đạo thì cũng có không ít tổ chức đảng chưa làm tốt.

Khi nghiên cứu những vụ việc tiêu cực, vi phạm kỷ luật, pháp luật thời gian gần đây cho thấy nổi lên một số biểu hiện chung rất đáng lưu tâm và khá phổ biến là có “lỗ hổng” với nhiều mức độ khác nhau trong xây dựng, vận hành QCLV của cấp ủy đảng.   

Biểu hiện dễ thấy nhất là một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức tới việc xây dựng, ban hành QCLV. Có cấp ủy xây dựng QC mang tính đối phó, chỉ nhằm phục vụ mục đích phục vụ việc kiểm tra của trên. Tình trạng không thực hiện đúng QCLV đã xây dựng là khá phổ biến. Tỷ lệ cấp ủy hoạt động theo kinh nghiệm và hầu như không cần đến quy chế làm việc là không hiếm trong thực tế. Những biểu hiện trên dẫn đến hiện tượng phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên chung chung, chồng chéo, không rõ nhiệm vụ chính, nhiệm vụ kiêm nhiệm... nên làm cho hiệu lực lãnh đạo giảm sút. Thế nên tình trạng chạy theo sự vụ để giải quyết và nếu khi gặp khó khăn, vướng mắc thì đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong các tổ chức đảng là không hiếm. Thực tế đã có trường hợp bỏ qua QC và thực hiện theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” trong công tác cán bộ, gây ra những hậu quả hết sức đáng tiếc. Cụ thể là chưa đề xuất chủ trương tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm nhân sự... với cấp ủy nhưng đã âm thầm làm quy trình và khi xong mới báo cáo cấp ủy biểu quyết, đặt tập thể vào những sự đã rồi. Hay trong các dự án đầu tư đã từng xảy ra hiện tượng tập thể bàn bạc quyết định không đồng ý cho chủ trương đầu tư vì doanh nghiệp không có khả năng, điều kiện đầu tư, nhưng sau đó người chủ trì tự ý chỉ đạo sửa lại kết luận và cho thực hiện dự án không thông qua cũng như báo cáo lại với tập thể. Có trường hợp khi thảo luận, kết luận xây dựng nghị quyết một đường nhưng khi ban hành lại sửa chữa theo ý cá nhân, đến khi triển khai thực hiện vướng mắc, cán bộ, đảng viên phản đối buộc phải ra lại nghị quyết. Nhiều vụ việc tổ chức đảng chỉ đạo giải quyết “lấn sân”, vượt thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ đã làm cho chính quyền không phát huy được tính chủ động, tạo ra tiền lệ xin ý kiến cấp ủy trong mọi việc.

Những hiện tượng nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân cấp ủy đảng xây dựng, vận hành QCLV kém hiệu quả. Hậu quả của việc này rất khó lường. Nhẹ thì gây ra sự lẫn lộn giữa trách nhiệm, quyền hạn của tập thể và cá nhân và lớn thì xảy ra hiện tượng lợi dụng chủ trương của tập thể, lợi dụng chức quyền để vụ lợi và sẽ xuất hiện tình trạng "bằng mặt mà không bằng lòng" trong lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ. Điều này sẽ có nguy cơ tạo ra những “ngọn lửa” cháy âm ỉ trong nội bộ tổ chức và sẽ bùng phát khi có thời cơ.

Những biểu hiện trên đã làm cho năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng giảm sút và là cơ sở để “tự diễn biến” bùng phát. Thế nên, biện pháp tối ưu hiện nay không gì khác là cần xây dựng QC đúng nguyên tắc, khoa học, chặt chẽ và tổ chức vận hành QC hiệu quả. Để thực hiện tốt việc này, xin đề xuất một số biện pháp chủ đạo.

Một là, thống nhất nhận thức rằng, xây dựng và vận hành tốt QCLV của cấp ủy là rất quan trọng, không thể thiếu và hết sức cần thiết trong lãnh đạo, chỉ đạo. Quá trình xây dựng và thực hiện QCLV mỗi cấp ủy phải nhận thức đúng, đầy đủ các nguyên tắc sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. QCLV của các cấp ủy được xây dựng vừa bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức điều hành các hoạt động xây dựng phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh... theo quy định của Hiến pháp và pháp luật cũng như phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân thông qua mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội. QC cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể cấp ủy và của từng đồng chí ủy viên. Cần phải phân định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng với quản lý điều hành của Nhà nước để vận dụng vào thực tiễn từng công việc cụ thể, qua đó phát huy vai trò làm chủ của mặt trận, các đoàn thể, từ đó mới nâng cao được năng lực, vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự đoàn kết thống nhất nội bộ.

Các điều khoản, các quy định trong QC của một cấp ủy cần bảo đảm tính khoa học, tuân thủ các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách và phù hợp với các quy định của cấp trên. Khi xây dựng quy chế phải cụ thể hóa nội dung các quy định đối với từng cấp ủy ở mỗi loại hình tổ chức đảng, đặc biệt là không được rập khuôn, sao chép nội dung QC của cấp ủy cấp trên.

Nội dung QC phải xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể cấp ủy và trách nhiệm, quyền hạn cá nhân của các ủy viên cấp ủy, nhất là của bí thư, các phó bí thư, các cán bộ chủ chốt lãnh đạo ngành, lãnh đạo tổ chức chính quyền ở địa phương, đơn vị cơ sở. Quy định rõ sự lãnh đạo của Đảng trong các lĩnh vực xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở các địa phương, đơn vị cơ sở. Mối quan hệ giữa các cấp ủy đảng đối với HĐND, UBND, mặt trận và các đoàn thể cũng phải được xác định cụ thể, phân rõ trách nhiệm lãnh đạo và điều hành giữa cấp ủy đảng và các tổ chức chính quyền.

Hai là, cấp ủy cấp trên cần thường xuyên tiến hành kiểm tra việc xây dựng và tổ chức thực hiện QC của cấp ủy cấp dưới để làm rõ những ưu điểm và kịp thời uốn nắn việc làm chưa đúng, những thiếu sót, tùy tiện và việc làm vi phạm QC, lợi dụng chức quyền, lợi dụng danh nghĩa tập thể để giải quyết công việc theo động cơ cá nhân, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cấp ủy viên phải nêu cao ý thức trách nhiệm, vai trò tiền phong gương mẫu, chấp hành nghiêm các quy định QC, nhất là bí thư, các phó bí thư, các cấp ủy viên trong giải quyết công việc phải đặt lợi ích chung trên lợi ích cá nhân, luôn có sự phối hợp chặt chẽ, vận dụng xử lý linh hoạt các mối quan hệ, khắc phục tư tưởng "quyền tôi, quyền anh”.

Bốn là, trong quá trình xây dựng, nhất là thực hiện QC, các cơ quan tham mưu, giúp việc cần thường xuyên giúp cấp ủy rà soát, phát hiện những điều cần sửa đổi và bổ sung, kịp thời đưa vào quy chế những nội dung mới phù hợp và đặc biệt là khi thấy cấp ủy giải quyết công việc chưa đúng với QC cần phải kịp thời góp ý, đề xuất, tham mưu để giúp lãnh đạo chấn chỉnh, sửa chữa không mắc sai lầm. Đối với các đồng chí được phân công lãnh đạo cấp ủy cần phải biết lắng nghe và xử lý tốt các thông tin để có quyết định chính xác, đúng đắn.

Làm tốt việc xây dựng, vận hành QCLV của cấp ủy đảng sẽ giúp cho công tác lãnh đạo tiến hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chặt chẽ, khắc phục được tình trạng làm việc cảm tình, tùy tiện, chạy theo sự vụ; buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng hoặc tình trạng cấp ủy làm thay, “lấn sân” công việc của chính quyền, hạn chế thấp nhất hiện tượng mất đoàn kết nội bộ. Đây cũng được xem là giải pháp hạn chế tối đa hiện tượng độc đoán, chuyên quyền, lợi dụng chức quyền để đạt mục đích cá nhân.

QĐND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 78

Hôm nay: 13,597

Hôm qua: 16,892

Tháng hiện tại: 393,527

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,103,844

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây