Kích hoạt “lá chắn” phòng chống dịch tại các khu công nghiệp
Thứ tư - 09/06/2021 20:322070
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là DN tại Khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu công nghiệp (gọi tắt các KCN) đã đồng loạt kích hoạt các biện pháp, xây dựng kế hoạch ứng phó và thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh doanh.
Chủ động
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, các KCN trên địa bàn tỉnh có 64 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh với hơn 9.000 lao động. Nhằm ngăn ngừa, không để lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho NLĐ và cộng đồng, ổn định sản xuất, kinh doanh, ban quản lý đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch và xây dựng phương án mẫu “Xử lý nếu xảy ra tình huống các ca bệnh nghi dương tính trong các cơ sở sản xuất, nhà máy”. Theo đó, các DN nghiên cứu và căn cứ tình hình cụ thể của đơn vị mình xây dựng phương án, các bước xử lý tình huống trong phòng, chống dịch.
“Hiện nay, 57/64 DN thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp phòng dịch hiệu quả như: đẩy mạnh khai báo y tế điện tử bằng mã QR; đo thân nhiệt, bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn, đề nghị NLĐ, khách hàng đeo khẩu trang; yêu cầu NLĐ cài đặt phần mềm ứng dụng NCOVI, Bluezone để khai báo tình trạng sức khỏe hàng ngày; bố trí phòng cách ly tạm thời theo đúng quy định khi có trường hợp nghi nhiễm; thiết lập đường dây nóng của DN để NLĐ phản ánh yêu cầu kịp thời. Tại khu vực sản xuất, công nhân làm việc trong điều kiện được giãn cách tối đa; còn trong phòng ăn thì bố trí ngồi một bên bàn ăn (không ngồi đối diện) để thực hiện phòng, chống dịch…”, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên kiêm trưởng ban chỉ đạo cho biết.
Công ty CP Thủy sản Tôm Vàng có 270 công nhân đang làm việc. Theo ông Võ Thiên Phúc, Giám đốc kiêm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại công ty này, không chờ đến khi dịch diễn biến phức tạp, mà trước đó ban lãnh đạo công ty đã chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện công tác phòng chống dịch bệnh đến các tổ, đội sản xuất; xây dựng phương án phòng chống dịch đảm bảo mục tiêu kép không để dịch bệnh lây lan và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Bình thường, NLĐ tập trung làm việc, nhưng do tình hình dịch bệnh nên được bố trí giãn cách, chia thành nhiều nhóm và làm việc xoay ca từ khâu tiếp nhận, bóc vỏ tôm đến khâu băng chuyền đóng thành phẩm. Hiện các phân xưởng áp dụng triệt để biện pháp bàn giao ca, nhận lệnh, ký hồ sơ, sổ sách bằng phương pháp trực tuyến để tránh việc tập trung đông người; nhân viên, NLĐ tuyệt đối không tự ý đổi ca để bảo đảm việc kiểm soát…
Còn tại Công ty THHH Sơn Á, công tác phòng dịch luôn đặt lên hàng đầu nên DN đã sớm thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch, chủ động lên kịch bản, diễn tập tình huống và chuẩn bị trang thiết bị cần thiết trong trường hợp khẩn cấp. “Công ty cũng đang tuyên truyền công nhân khai báo y tế bằng việc quét mã QR; che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi và nghiêm cấm hành vi khạc, nhổ tại nơi làm việc; hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị, các hoạt động tập trung đông người trừ trường hợp thực sự cần thiết và để phục vụ phòng chống dịch; sử dụng 3 phòng nội trú tại khu ở tập thể cho cán bộ, công nhân viên làm phòng tạm thời cách ly trong trường hợp NLĐ có biểu hiện sốt, ho, khó thở trong quá trình làm việc”, ông Lê Văn Hải, Tổng Giám đốc kiêm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Công ty TNHH Sơn Á cho hay.
Tăng cường giám sát
Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết: “Các KCN tập trung nhiều lao động, nếu không có biện pháp phòng chống dịch quyết liệt thì rất dễ hình thành các ổ dịch lớn, nguy cơ lây nhiễm chéo cao. Do đó, ban quản lý đã chỉ đạo DN đang hoạt động tại các KCN trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp phòng COVID-19, siết chặt công tác kiểm soát ngay từ khâu tiếp đón người ra vào DN”.
Theo đó, ban quản lý đã chỉ đạo các DN thực hiện nghiêm túc việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở lao động theo quy định; hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch tại nơi làm việc và ký túc xá cho NLĐ; hướng dẫn thực hiện nghiêm thông điệp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế), đặc biệt là bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch tại nhà máy, xí nghiệp. Đồng thời chỉ đạo giám đốc DN trong các KCN quản lý NLĐ có nhu cầu đi ra khỏi tỉnh và sau khi trở về địa phương, hoặc đối tác người ngoài tỉnh đến liên hệ công tác, làm việc tại DN phải báo cáo kịp thời về ban quản lý.
Ngoài ra, để công tác phòng chống dịch được đảm bảo, sâu sát hơn, ban quản lý đã phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả NLĐ trong các KCN (kể cả người cung cấp, vận chuyển vật tư, hàng hóa, suất ăn trong KCN). Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra và nắm tình hình các DN về công tác phòng chống dịch COVID-19…
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, cùng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, nhiều DN tại các KCN trong tỉnh đã tiếp tục duy trì sự phát triển, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021…
Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên Nguyễn Hoàng Phúc