Nghị định đầu tiên của Chính phủ trong năm 2021

Thứ hai - 11/01/2021 19:33 174 0
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Đây là Nghị định đầu tiên được Chính phủ ban hành trong năm 2021, cụ thể hoá những cải cách, đổi mới của Luật Doanh nghiệp, đồng thời khắc phục những bất cập, xử lý những vướng mắc trong thời gian qua.
1
Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2020 - Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020 được ban hành với mục tiêu tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn hơn nữa cho thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, với 5 cải cách quan trọng.

5 cải cách này bao gồm: cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc thành lập doanh nghiệp; cải thiện khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế; nâng cao hiệu lực quản trị của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; góp phần bổ sung kênh phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh và tạo thuận lợi hơn cho việc tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.

Trong tuần làm việc đầu tiên của năm 2021, cả nước đã có 18.000 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được xử lý, với 2.100 doanh nghiệp thành lập, tăng 46% so với năm ngoái và tăng 55% so với cùng thời điểm bắt đầu thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2015. 

Để đảm bảo những quy định mới của Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngay trong quá trình xây dựng Luật, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động dự thảo các Nghị định hướng dẫn, trong đó có Nghị định về đăng ký doanh nghiệp. Ngày 04/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP. Đây là Nghị định có phạm vi tác động lớn, trực tiếp đến toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp.

Nghị định số 01/2021/NĐ-CP được ban hành đã cụ thể hoá những cải cách, đổi mới của Luật Doanh nghiệp, đồng thời khắc phục những bất cập, xử lý những vướng mắc trong thời gian qua, ông Bùi Anh Tuấn nhận định. 

Trước hết, quy định rõ ràng, cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đơn giản hóa, cắt giảm thành phần hồ sơ, giảm tải các thông tin phải kê khai nhờ tận dụng tối đa các thông tin sẵn có trong Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và các hệ thống thông tin đã kết nối. Bãi bỏ một số thủ tục hành chính không cần thiết như: công bố con dấu, Thông báo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp, chào bán cổ phần riêng lẻ,…

Cùng với đó, tiếp tục hiện đại hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác đăng ký doanh nghiệp thông qua việc nâng cấp, hoàn thiện các quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, thực hiện cung cấp hầu hết dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giúp giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người. Công khai hóa các thông tin cơ bản về doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin chính thống, có giá trị pháp lý về doanh nghiệp, tăng khả năng giám sát của cộng đồng đối hoạt động của doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả công tác “hậu kiểm”, minh bạch hóa môi trường kinh doanh.

Nghị định cũng bổ sung thêm một cộng đồng doanh nghiệp mới thực hiện đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài và chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019.

Nghị định hoàn thiện các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt là xử lý triệt để hành vi kê khai không trung thực, không chính xác, giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, xử lý các doanh nghiệp “bỏ trốn, mất tích” nhằm tăng tính răn đe, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, an toàn.

Cuối cùng, Nghị định hoàn thiện một bước khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh, thể chế hoá các quy định về hộ kinh doanh. Nghị định đã xác định rõ chủ thể thành lập hộ kinh doanh phù hợp với Bộ luật Dân sự, phân tách rõ quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh và thành viên hộ gia đình, đảm bảo quyền kinh doanh và nghĩa vụ của hộ kinh doanh, quy định tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và một số nội dung quan trọng khác.

Thủ tục khởi sự kinh doanh giảm 10 ngày

Trước đó, thực hiện mục tiêu tiếp tục cải cách thủ tục gia nhập thị trường cho doanh nghiệp và cải thiện xếp hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh của Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cải cách toàn diện các quy định về khởi sự kinh doanh. Ngày 15/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.

“Nghị định được ban hành tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, thông qua các giải pháp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, giảm khối lượng thông tin cần kê khai, giảm số lượng cơ quan nhà nước cần tiếp xúc”, ông Bùi Anh Tuấn nhận định.

Cụ thể, Nghị định đã tích hợp 4 quy trình gồm: đăng ký thành lập doanh nghiệp; đăng ký bảo hiểm xã hội; khai trình lao động; đăng ký sử dụng hóa đơn vào 01 quy trình. Theo đó, doanh nghiệp sẽ chỉ phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, kê khai 01 biểu mẫu, thực hiện thủ tục tại 01 cơ quan là cơ quan đăng ký kinh doanh và nhận 01 kết quả duy nhất. Các cơ quan nhà nước sẽ chia sẻ thông tin với nhau thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai ở nhiều nơi như trước đây. Toàn bộ quy trình trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được thực hiện qua mạng điện tử.

Sau khi triển khai những cải cách này, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống chỉ còn 3 thủ tục với 6 ngày, giúp tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh ở Việt Nam.

Cục trưởng Bùi Anh Tuấn cho biết, để triển khai thi hành Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh đại diện cho tất cả các Phòng Đăng ký kinh doanh trên phạm vi cả nước, cho một số tổ chức, cá nhân có liên quan; biên tập và phát hành Cẩm nang giới thiệu những điểm mới của Luật Doanh nghiệp để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện; chủ động, khẩn trương nghiên cứu sửa đổi và nâng cấp Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để đáp ứng quy định mới. Kể từ ngày 04/01/2021, cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh, người thành lập doanh nghiệp và doanh nghiệp đã có thể thực hiện đăng ký doanh nghiệp trên Hệ thống mới. Toàn bộ hệ thống biểu mẫu trong đăng ký doanh nghiệp được xây dựng theo khung pháp lý mới cũng đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và tích hợp vào Hệ thống để người dân, doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh tham khảo, thực hiện.

Để đảm bảo từ thời điểm ngày 01/01/2021 việc thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp không bị gián đoạn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thiết lập đường dây nóng hỗ trợ các địa phương và nâng cấp tổng đài 19001026 để hỗ trợ người dân thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định mới.

Như vậy, cùng với Nghị quyết 01 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ  yếu năm 2021 và Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngay ngày đầu tiên của năm mới, việc Chính phủ dành Nghị định đầu tiên trong năm cho việc hoàn thiện thể chế, quy định liên quan tới hoạt động kinh doanh một lần nữa cho thấy quyết tâm  mạnh mẽ của Chính phủ trong thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. 

Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2020 có sự giảm sút nhẹ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới với 134.941 doanh nghiệp, giảm 2,3% so với năm 2019. Mặc dù vậy, đây cũng là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng toàn diện đến đời sống kinh tế xã hội như năm nay.

Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2020 đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm 2019. Điều này cho thấy mặc dù gặp phải nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng quy mô của doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục có xu hướng tăng lên.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2020 là 5.577.570 tỷ đồng (tăng 39,3% so với năm 2019), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 2.235.626 tỷ đồng (tăng 29,2% so với năm 2019) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động là 3.341.944 tỷ đồng (tăng 47% so với năm 2019) với 39.476 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn. Số vốn đăng ký tăng thêm đã cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp đang hoạt động về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 là 1.042.995 lao động, giảm 16,9% so với năm 2019.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 nay là 44.096 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm 2019.

Trong năm 2020, có 101.719 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019, bao gồm: 46.592 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 37.663 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 17.464 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. /.

Theo chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 62

Máy chủ tìm kiếm: 3

Khách viếng thăm: 59

Hôm nay: 13,894

Hôm qua: 19,435

Tháng hiện tại: 413,259

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,123,576

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây