Phòng và chống tệ cơ hội chính trị hiện nay

Thứ hai - 23/12/2019 19:53 284 0

Để phòng, chống tệ cơ hội chính trị hiện nay có hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện kiên quyết và đồng bộ nhiều giải pháp

1
(Ảnh minh họa)

TỆ CƠ HỘI CHÍNH TRỊ VÀ CUỘC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG

Đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội đã trở thành một quy luật vận động và phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đó là cuộc đấu tranh lâu dài và hết sức quyết liệt, khó khăn phức tạp diễn ra ngay từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX do C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I. Lênin tổ chức tiến hành để bảo vệ sự trong sáng, tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh giải phóng nhân loại khỏi áp bức, bất công.

Ở Việt Nam, trong gần 90 năm Đảng lãnh đạo cách mạng đã trải qua nhiều thời kỳ, mặc dù chủ nghĩa cơ hội không xuất hiện với tư cách một học thuyết về lý luận và một trào lưu hoạt động trong thực tiễn, nhưng những biểu hiện của nó thì ở thời kỳ nào cũng có. Vì thế, cùng với quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải không ngừng đấu tranh để phòng và chống những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, trong đó nổi bật là phòng và chống tệ cơ hội chính trị nhằm loại bỏ những phần tử cơ hội trong đội ngũ, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong Đảng.

Thực chất của tệ cơ hội chính trị là một bộ phận không nhỏ những kẻ cơ hội, thiếu lý tưởng cộng sản, tìm cách chui vào Đảng, mang danh cán bộ, đảng viên cộng sản để tìm cơ hội “thăng quan tiến chức”. Bất chấp lợi ích của Đảng, của nhân dân, họ tìm cách vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, dòng tộc cốt để “vinh thân phì gia”. Họ say mê quyền lực, địa vị, coi như một thứ có thể mua bán, tiến thân, từ đó mà khéo luồn lách, nịnh bợ lấy lòng cấp trên, để tranh thủ lá phiếu trước mỗi đợt bầu cử. Họ kéo bè kết cánh, móc ngoặc trên dưới, trong ngoài, dựa vào những lợi thế là “hậu duệ”, “quan hệ”, “tiền tệ” với những cán bộ cấp trên để tìm mọi cách chạy chức, chạy quyền, chạy danh, chạy lợi, chạy chỗ, chạy bằng cấp, chạy tuổi... khi bị phát hiện thì tiếp tục chạy tội. Họ lợi dụng việc tuyển chọn, đánh giá, luân chuyển cán bộ để trục lợi cá nhân, tìm mọi cách đưa người “cùng cánh” vào nắm những chức vụ trong cơ quan mà không chịu chọn những người có đủ đức, tài, gây mất đoàn kết nội bộ. Từ đó, họ dần từ bỏ trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, không còn là “công bộc” của dân, trở thành những “ông quan” cách mạng đục khoét tiền bạc, của cải của nước, của dân. Hình ảnh và hành động của họ làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, làm suy yếu sức mạnh của Đảng.

Trong những năm đổi mới đất nước và tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ở Việt Nam, bên cạnh những thành tựu trong xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức thì dưới tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” đã dẫn tới một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ đó, đã tiếp tục nảy sinh tệ cơ hội chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đe dọa tới sự sống còn của Đảng, của chế độ.

Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ rõ: “Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó, không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh... tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích... Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen biết lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”(1).

Trước thực trạng đó, Đảng ta đã đẩy mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống tham nhũng và phòng, chống những biểu hiện của tệ cơ hội chính trị. Chỉ tính từ sau Đại hội XII đến nay (1-2016 đến 10-2019), đã có hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý và hơn 53.000 cán bộ các cấp khác bị kỷ luật, trong đó có cả người từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, gần 20 Ủy viên Trung ương và nguyên Ủy viên Trung ương; 1 nguyên Phó Thủ tướng và nhiều Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, cùng nhiều Bí thư tỉnh uỷ và gần 20 tướng lĩnh... “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân”(2). Mặc dù vậy, điều đáng chú ý là trong thời gian gần đây, khi toàn Đảng triển khai công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đã xuất hiện tình trạng như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cảnh báo trong các Hội nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp  hành Trung ương Đảng là vẫn còn một số cán bộ, đảng viên có chức có quyền đã không tập trung vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội ở cơ quan, địa phương mình, mà chỉ lo chạy chức, chạy quyền để có những vị trí cao ở nhiệm kỳ tới. Điều này đặt ra đòi hỏi toàn Đảng phải chú trọng tiếp tục đẩy mạnh phòng và chống tệ cơ hội chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ năng lực phẩm chất, thực sự là “công bộc” của nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

GIẢI PHÁP PHÒNG VÀ CHỐNG TỆ CƠ HỘI CHÍNH TRỊ HIỆN NAY

Để phòng, chống tệ cơ hội chính trị hiện nay có hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện kiên quyết và đồng bộ nhiều giải pháp.

Một là, nhận thức đúng những biểu hiện của tệ cơ hội chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và tính chất phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh phòng, chống tệ cơ hội chính trị hiện nay. Thực tế, tệ cơ hội chính trị đang diễn ra ở nước ta hiện nay là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó cũng là biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cơ hội mà những kẻ cơ hội chính trị lại rất tinh vi và xảo quyệt, bằng trực quan chúng ta không thể xét đoán được bộ phận nào trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đúng như V.I. Lênin đã nhận định: “Đặc điểm của tất cả chủ nghĩa cơ hội hiện đại trong mọi lĩnh vực là nó mang tính chất không rõ ràng, lờ mờ và không thể hiểu được... Phái cơ hội chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt các vấn đề một cách rõ ràng và rứt khoát, bao giờ nó cũng tìm con đường chung dung, nó quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau”(3).

Nhận dạng đúng những biểu hiện của tệ cơ hội chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhận thức đúng tính chất phức tạp, khó khăn, lâu dài, quyết liệt của cuộc đấu tranh phòng, chống tệ cơ hội chính trị hiện nay chính là để tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân. Từ đó, chủ động, kịp thời, kiên quyết thực hiện những biện pháp, bước đi thích hợp, kết hợp chặt chẽ giữa “phòng” và “chống”, không thỏa hiệp với những tư tưởng, biểu hiện của tệ cơ hội chính trị ở mọi nơi, mọi lúc. Đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, lý luận, kinh tế, văn hóa, xã hội, không cho chúng có cơ hội trở thành một trào lưu, một lực lượng ảnh hưởng tới sự nghiệp cách mạng, góp phần vào việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc tiến lên. Quá trình đó cần gắn với đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và cuộc đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Một điều có tính nguyên tắc là luôn phải giữ vững tính đảng trong cuộc đấu tranh này, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hai là, tăng cường sức chiến đấu và hiệu quả của công tác tư tưởng, lý luận và công tác tổ chức. Cần phải làm cho công tác tư tưởng luôn chủ động, kịp thời, sắc bén, có tính thuyết phục cao, góp phần củng cố sự đoàn kết thống nhất về chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân. Đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp gắn với đẩy mạnh thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kiên quyết, kịp thời đấu tranh chống những quan điểm sai trái, những biểu hiện cơ hội chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong công tác tổ chức phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thực hiện chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội... như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ ra, cho dù họ ở bất cứ cương vị nào. Đặc biệt phải thực hiện nghiêm Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Trong đó, kiên quyết xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền và hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền theo Điều 10 và Điều 11 của Quy định này. Quá trình đó, chúng ta phải chấp nhận chịu “đau xót” cần thiết để loại bỏ những phần tử cơ hội chính trị ra khỏi đội ngũ của Đảng. Cần kiên quyết thực hiện điều V.I.Lênin đã nhắc nhở những người cộng sản: “Điều rất cần thiết hiện nay là, về mặt tổ chức, phải hoàn toàn tách hẳn những phần tử cơ hội chủ nghĩa ấy ra khỏi các đảng công nhân”(4), dù cho bản thân Đảng có “phải tạm thời chịu đau đớn kịch liệt đi nữa”(5).

Ba là, đẩy mạnh đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhânSinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ một số cán bộ, đảng viên “do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(6). Do chủ nghĩa cá nhân mà phạm nhiều sai lầm và sinh ra nhiều chứng bệnh, mỗi chứng bệnh là một kẻ địch hết sức nguy hiểm, vì nó phá hoại từ trong nội bộ Đảng phá ra. Từ đó, làm cho tệ cơ hội chính trị càng diễn biến phức tạp, làm suy yếu sức mạnh của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, gây ra thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Chính vì thế, để phòng và chống tệ cơ hội chính trị, đòi hỏi toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền phải đặt lợi ích của nhân dân, của cách mạng, của Đảng lên trên hết. Phải kiên quyết đấu tranh “quét sạch” chủ nghĩa cá nhân, nêu cao tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Thường xuyên cảnh giác đấu tranh ngăn ngừa và đẩy lùi tệ cơ hội chính trị trong Đảng.

 Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể quần chúng nhân dân. Để phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tệ cơ hội chính trị, đòi hỏi cấp bách hiện nay và trong các năm tới là phải tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đây là yếu tố có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, quyết định nhất, bởi các cấp ủy đảng có chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối mọi hoạt động của tất cả các tổ chức, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong phạm vi phân cấp quản lý. Đi liền với đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm cao nhất trước cấp ủy và cấp trên việc quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Theo đó, trong thời gian tới cần nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tệ cơ hội chính trị. Thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu  của tổ chức đảng các cấp và xây dựng đội ngũ người đứng đầu có phẩm chất, năng lực, trình độ tương xứng, thực sự là tấm gương tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức, lối sống. Tổ chức đảng và người đứng đầu phải lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhưng cần chú trọng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Muốn loại trừ tệ cơ hội chính trị, vừa phải đấu tranh mạnh mẽ vừa phải đi sâu, sát quần chúng để tìm hiểu rõ, hiểu đúng từng loại cơ hội chính trị. V.I. Lênin đã nhắc nhở: “Bổn phận của chúng ta, nếu chúng ta vẫn muốn còn là những người xã hội chủ nghĩa, là phải đi sâu, đi sát hơn vào quần chúng thật sự, đấy là toàn bộ ý nghĩa của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và toàn bộ nội dung cuộc đấu tranh đó”(7). Theo đó, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền và kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xử lý; đồng thời, giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm phát hiện và lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Đấu tranh phòng, chống tệ cơ hội chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng sẽ tiếp tục diễn ra quyết liệt, phức tạp và lâu dài. Thành bại của cuộc đấu tranh này hoàn toàn phụ thuộc vào sự đồng tâm, hiệp lực và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Do đó, phải luôn luôn đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phải coi trọng ngăn chặn, đẩy lùi tệ cơ hội chính trị. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn thấm nhuần lời dạy của V.I.Lênin: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta... Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”(8) để từ đó không ngừng đấu tranh phòng, chống tệ cơ hội chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức./.

tuyengiao.vn
_____________________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.29-32.

(2) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XII, chiều ngày 12-10-2019.

(3) V.I. Lênin: Một bước tiến, hai bước lùi, Nxb. Mátxcơva, tr.473.

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1975, t.26, tr.327.

(5) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1980, t.27, tr.154.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.15, tr.547.

(7) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1981, t.30, tr.229.

(8) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ Mátxcơva, 1977, t.42, tr. 311.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 60

Máy chủ tìm kiếm: 1

Khách viếng thăm: 59

Hôm nay: 15,441

Hôm qua: 16,892

Tháng hiện tại: 395,371

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,105,688

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây