Đang truy cập: 55
Hôm nay: 10,530
Hôm qua: 17,117
Tháng hiện tại: 178,194
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 9,888,511
- Đang truy cập55
- Hôm nay10,530
- Tháng hiện tại178,194
- Tổng lượt truy cập9,888,511
Sự phát triển của truyền thông, mạng xã hội đem lại những cơ hội thuận lợi trong việc tiếp cận, tìm kiếm, chia sẻ thông tin, tri thức với những giá trị nhân văn, tiến bộ được lan toả. Tuy nhiên bên cạnh những thông tin chính xác, khoa học, khách quan là sự xuất hiện của hàng loạt tin giả có nội dung xấu độc được biểu hiện một cách tinh vi nhằm truyền bá những giá trị ảo để trục lợi niềm tin của công chúng. Nhận diện hiện tượng “ngụy giá trị” để phòng chống, đẩy lùi là việc làm cần thiết nhằm kiến tạo không gian, môi trường sống lành mạnh ở nước ta hiện nay.
NHẬN DIỆN HIỆN TƯỢNG “NGỤY GIÁ TRỊ”
Ngụy giá trị là những giá trị ảo, phi thực tế, có nội dung xấu độc, sai trái nhưng được bọc lớp vỏ hình thức giống như những giá trị thật, thậm chí có sức hấp dẫn hơn giá trị thực nhằm đánh tráo khái niệm, đánh lừa niềm tin, làm thay đổi nhận thức, hành động của người tiếp nhận. Đây là phương thức tinh vi, được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp với sự hỗ trợ đắc lực của phương tiện truyền thông, mạng xã hội khiến cho những hiện tượng “ngụy giá trị” xuất hiện với tần suất ngày càng lớn trong thời gian gần đây, gây hệ luỵ xấu trong đời sống tinh thần của nhân dân, làm bất an dư luận, gây mất ổn định tình hình chính trị - xã hội.
Hiện tượng “ngụy giá trị” xảy ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chỉ khác ở phạm vi, tính chất, mức độ.
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng lại được những kẻ xấu vì tiền, vì lợi nhuận mà bất chấp đạo đức, pháp luật đã phù phép cho những loại mặt hàng đó giống hàng thật về cả bao bì, hình thức sản phẩm. Những sản phẩm kém chất lượng lại được tuyên truyền, giới thiệu qua lời của người nổi tiếng, được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, đã đánh lừa tâm lí, lòng tin của người dân, để lại những hậu quả về sức khoẻ, tiền bạc, làm mất đi niềm tin của người tiêu dùng.
Trong lĩnh vực y tế, là tình trạng buôn bán thuốc giả, đặc biệt là những loại thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo đã được một số gian thương, doanh nghiệp móc nối với cán bộ quản lý, các nhà phân phối, các hiệu thuốc, bệnh viện để quảng cáo, tiếp thị, đánh lừa người bệnh, “móc túi” bệnh nhân, khiến người bệnh không chỉ tổn thương về sức khoẻ, hao tiền tốn của mà là sự tuyệt vọng khi họ luôn đặt trọn niềm tin vào những người thầy thuốc mà họ vốn kính trọng như những người mẹ hiền - “lương y như từ mẫu”. Trong đại dịch COVID-19, lợi dụng tình thế cấp bách, một số cơ sở nghiên cứu y học, đơn vị kinh doanh về sản phẩm, dụng cụ, thiết bị y tế đã quảng cáo, tiếp thị những sản phẩm không đúng với giá trị thực tế, nâng khống giá thành sản phẩm, vội vàng công bố những kết quả nghiên cứu khi chưa được các cơ quan, tổ chức chuyên môn quốc tế công nhận. Đây cũng có thể coi là tình trạng “ngụy khoa học” để đánh lừa các cơ quan chức năng và người dân để đạt được lợi ích cá nhân, lợi ích vật chất của một nhóm người hám tiền, hám danh vị, quyền lực, lơi dụng tình thế khó khăn, cấp bách của đất nước, của người dân để trục lợi, tham nhũng.
Ngụy giá trị là những giá trị ảo, phi thực tế, có nội dung xấu độc, sai trái nhưng được bọc lớp vỏ hình thức giống như những giá trị thật, thậm chí có sức hấp dẫn hơn giá trị thực nhằm đánh tráo khái niệm, đánh lừa niềm tin, làm thay đổi nhận thức, hành động của người tiếp nhận. |
Trong đời sống giáo dục, là tình trạng một số người mang danh thầy cô giáo nhưng lại có những hành vi phản giáo dục, có lối sống lệch chuẩn, chà đạp lên giá trị, chuẩn mực đạo đức cộng đồng khi xâm hại, quấy rối tình dục học sinh; gạ tình, đổi tình lấy điểm; là căn bệnh chạy theo thành tích, theo điểm số, chỉ tiêu nhưng thực chất đằng sau những bản cáo cáo đẹp, là sự nâng khống, hợp thức hoá chứ không phản ánh đúng năng lực, phẩm chất thật của học trò. Đó là những tiêu cực, gian lận trong thi cử, chạy trường, chạy lớp; là nạn học giả bằng thật, mua bán bằng cấp công khai, biến nhà trường, cơ sở giáo dục thành thương trường khi người dạy và người học đóng vai là kẻ bán người mua.
Giáo dục là lĩnh vực cao quý, tôn nghiêm, nơi gieo trồng, ươm mầm tri thức, tài năng, nơi có sứ mệnh giáo dục, đào tạo những con người mới. Tuy nhiên, những vụ việc liên quan đến tiêu cực trong thi cử, mua bán bằng cấp, sự suy thoái đạo đức, nhân cách của một số thầy cô, tình trạng mất dân chủ trong nhà trường… khiến những người có trách nhiệm không khỏi băn khoăn, lo lắng khi giá trị thực bị xem nhẹ, còn những giá trị ảo, phi văn hóa lại có dịp lên ngôi, trỗi dậy, chi phối đời sống giáo dục trong thời gian dài nhưng chậm được phát hiện, xử lý để lại những hình ảnh xấu xí trong tâm thức thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Trong đời sống văn hóa tinh thần, hiện tượng “ngụy giá trị” diễn ra một cách tinh vi hơn khi nhiều kẻ xấu lợi dụng vấn đề tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, làm những điều phi pháp. Những hành vi, việc làm đó đều được lên kế hoạch chi tiết, bài bản để đối phó, qua mặt các cơ quan chức năng, lừa bịp công chúng. Bằng nhiều thủ đoạn, một số cá nhân có tâm địa xấu đã tìm mọi cách để kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân và cả thế lực thù địch trong và ngoài nước hậu thuẫn về tài chính, xây dựng trụ sở hoạt động. Họ tận dụng triệt để ưu thế của internet, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông, đánh vào sự nhẹ dạ cả tin của con người để dụ dỗ, lôi kéo người dân. Đồng thời, họ thiết lập mạng lưới kết nối với các tổ chức nhân quyền, những hội đoàn chính trị ở nước ngoài, gây sức ép lên chính quyền địa phương không được can dự vào những việc làm, hành động sai trái của họ.
Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, tự do lập hội, một số cá nhân, tổ chức núp bóng dưới hình thức cơ sở thờ tự tôn giáo, tu viện, thiền viện, tự phong mình là Ngọc hoàng đại đế, là vua, thánh thần, là người sáng lập đạo… Điều đáng quan ngại là thời gian gần đây, một số kẻ lấy danh nghĩa nuôi dưỡng trẻ mồ côi trong các tư viện, cơ sở phật giáo, cho trẻ tham gia các chương trình nghệ thuật giải trí để quảng bá, thu hút sự quan tâm của dư luận, cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước tích cực tài trợ, quyên góp về tiền bạc nhằm thu lợi bất chính. Những luận điệu, những thông tin, hình ảnh họ phát tán, chia sẻ, livestream trên mạng xã hội với những phân cảnh được dàn dựng sinh động, có sức hấp dẫn lớn đã đánh vào trái tim nhạy cảm của khán thính giả nhằm lấy nước mắt và sự chia sẻ, cảm thông, ủng hộ, tin tưởng của công chúng.
|
Chỉ sau khi bản chất giả tạo và những hiện tượng “ngụy giá trị” được người dân và các cơ quan chức năng phát hiện thì bộ mặt thực của những trò ngụy tạo, trá hình mới lộ rõ bản chất thực của những hành động mang màu sắc tà đạo, mê tín dị đoan, lợi dụng tự do dân chủ, nhân quyền để chà đạp lên niềm tin của dân chúng, gây bất an tình hình chính trị - xã hội, làm ô nhiễm môi trường văn hóa.
Có thể nói, hiện tượng “ngụy giá trị” ngày càng phổ biến trong đời sống xã hội, xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, tạo nên những hệ luỵ xấu. Nếu không sớm nhận diện, đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi, những giá trị ảo, phi thực tế sẽ lên ngôi, chi phối đời sống tư tưởng, tình cảm suy nghĩ của con người. Khi giá trị ảo và hiện tượng ngụy giá trị “thống lĩnh” và chi phối đời sống tinh thần, nó kéo lùi sự phát triển, tiến bộ của xã hội; gieo rắc sự bi quan, hoài nghi, ảo tưởng, mất phương hướng của con người.
Hậu quả lớn nhất của hiện tượng “ngụy giá trị” là xói mòn niềm tin của công chúng. Khi lòng tốt đặt không đúng chỗ, tình thương gửi nhầm người, nhầm đối tượng sẽ dẫn tới sự khủng hoảng, mất niềm tin. Khi con người mất/thiếu niềm tin vào cuộc sống thì khát vọng, lý tưởng, động lực cống hiến cũng sẽ bị suy giảm, triệt tiêu. |
Hậu quả lớn nhất của hiện tượng “ngụy giá trị” là xói mòn niềm tin của công chúng. Khi lòng tốt đặt không đúng chỗ, tình thương gửi nhầm người, nhầm đối tượng sẽ dẫn tới sự khủng hoảng, mất niềm tin. Khi con người mất/thiếu niềm tin vào cuộc sống thì khát vọng, lý tưởng, động lực cống hiến cũng sẽ bị suy giảm, triệt tiêu.
Khi những giá trị ảo, những tư tưởng thiếu lành mạnh xuất hiện hàng ngày hàng giờ trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, được nhiều người tung hô, ủng hộ, tin theo, nó sẽ lấn át những giá trị thực, tạo mảnh đất tốt để cho ác, cái xấu nảy sinh.
Hiện nay, cùng với nạn tham nhũng, lãng phí thì căn bệnh giả dối, nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo đang trở nên phổ biến, là chuyện thường ngày. Điều này làm dấy lên những lo ngại về tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; là quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hoá” không chỉ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà cả trong một bộ phận quần chúng nhân dân khi họ đề cao, tin vào giá trị ảo, từ đó có những ngộ nhận, đánh giá thiếu khách quan, công bằng với những người kiên định niềm tin vào những giá trị đích thực của cuộc sống. Khi hiện tượng ngụy giá trị thắng thế nó sẽ đẩy người tài vào sự cô đơn, lấn át những thông tin tốt đẹp, huỷ hoại môi trường sống, khiến nhiều người lạc lối, hoang mang, hoài nghi về cuộc sống, con người.
Vì thế nhận diện, đấu tranh với hiện tượng “ngụy giá trị” là công việc cấp bách, mang tính lâu dài để những giá trị “chân” (sự thật, khách quan, khoa học, tiến bộ), “thiện” (lòng tốt, sự nhân văn, cao cả), “mĩ” (hướng về cái đẹp, tôn thờ cái đẹp) luôn được đề cao, tôn trọng, trở thành những giá trị chuẩn mực trong việc định hướng con người đến những điều tốt đẹp, nhân văn, tiến bộ.
ĐẤU TRANH, ĐẨY LÙI HIỆN TƯỢNG “NGỤY GIÁ TRỊ”
Để đấu tranh, từng bước đẩy lùi hiện tượng phản giá trị, “ngụy giá trị” ra khỏi đời sống xã hội cần sự vào cuộc của các cấp các ngành và toàn thể nhân dân. Trong đó cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản như:
Thứ nhất, xây dựng thế giới quan khoa học cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cung cấp cho họ những tri thức nền tảng mang tính khách quan, khoa học về tự nhiên, xã hội và con người. Bởi khi con người thiếu tri thức, thiếu niềm tin vào cuộc sống, bất lực, bi quan trước thực tại, họ thường tìm đến những hiện tượng tâm linh, thần bí để mong được giải thoát, an ủi. Trong tình thế đó, con người rất dễ lầm tưởng, tin vào những điều không có thật, phi giá trị.
Việc xây dựng, hình thành thế giới quan khoa học phải được tiến hành thường xuyên với nội dung giáo dục cụ thể, hữu ích, sát hợp với từng đối tượng. Phát huy vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện, hình thành nhân cách tốt đẹp cho con người, nhất là với thế hệ trẻ để ngay từ nhỏ các em được trang bị tri thức, vốn văn hóa cần thiết để phân biệt được phải trái, đúng sai, tốt xấu, biết đấu tranh, phản bác các hiện tượng “ngụy giá trị”, các hành vi sai trái, giả chân, bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong cuộc sống.
Xây dựng thế giới quan khoa học là công việc thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành và là công việc hằng ngày của mỗi người để không ngừng tự hoàn thiện mình. Trong bối cảnh phức tạp hiện nay với thông tin thật giả, tốt xấu đan xen, khó phân biệt, việc tăng cường thế giới quan khoa học, nhất là tinh thần biện chứng, duy vật, khách quan của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn lý luận với thực tiễn là việc làm cần thiết, có ý nghĩa.
Thực tiễn là tiêu chuẩn, thước đo của chân lý, là cơ sở của nhận thức. Vì thế cần gia tăng niềm tin của nhân dân vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; vững tin vào chế độ, vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Để có sự thống nhất, đồng thuận trong nhận thức trong toàn xã hội, tạo sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, cần phải tôn vinh những giá trị đúng, những hành động đẹp, tạo điều kiện cho cái tốt nảy sinh, lan toả, đồng thời cái xấu, cái ác phải bị lên án, đẩy lùi, tạo niền tin vững chắc trong nhân dân.
Thứ hai, xây dựng môi trường sống lành mạnh, nhân văn, khoa học với những giá trị văn hóa truyền thống được phát huy. Không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đề cao tinh thần, ý thức trách nhiệm cá nhân trước cộng đồng; tinh thần thượng tôn pháp luật; tinh thần dân chủ trong đối thoại, tranh luận khoa học; tính minh bạch trong thông tin, chuẩn mực trong lối sống…
Thực hành tốt tinh thần nêu gương của các thế hệ đi trước với những chuẩn mực trong ứng xử, giao tiếp, quan hệ xã hội; trong đạo đức, lối sống. Biểu dương, khen thưởng những tấm gương tiêu biểu, những lời nói, hành động, nghĩa cử cao đẹp của con người với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Lan toả những giá trị tích cực, những thông điệp nhân văn, truyền cảm hứng tích cực và định hướng con người đến những điều tốt đẹp.
Môi trường văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục, hình thành tri thức, đạo đức, lối sống tích cực cho con người. Chính trong không gian của gia đình, nhà trường, xã hội với những giá trị nhân văn được thực thi sẽ mang đến cho thế hệ trẻ những bài học kinh nghiệm, vốn sống, vốn tri thức cần thiết, tạo sức đề kháng và tấm màng lọc quan trọng để họ chủ động tiếp nhận những giá trị mới, đồng thời đẩy lùi những hiện tượng phản giá trị, phản nhân văn ra khỏi đời sống cộng đồng.
Có thể nói, thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, bên cạnh những giá trị tiến bộ, tốt đẹp đóng vai trò chủ đạo là sự xuất hiện của hiện tượng “ngụy giá trị” với luồng thông tin xấu độc đã và đang chi phối, tác động tiêu cực đến đời sống tư tưởng, tình cảm, lối sống, hành vi của con người. Để nhận diện, phát hiện và xử lý kịp thời hiện tượng “ngụy giá trị” cần sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm của mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội, hướng đến xây dựng môi trường sống lành mạnh, nhân văn với những giá trị chân, thiện, mĩ được lan toả, góp phần hình thành những con người mới có nhân cách, đạo đức, tri thức, lối sống tốt đẹp, tạo nguồn lực chất lượng cao để xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. |
Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, đảm bảo môi trường tự do, dân chủ, minh bạch với những thông tin chính thống, chính xác, kịp thời để định hướng, củng cố niềm tin xã hội của công chúng. Hình thành thói quen ứng xử văn minh, lịch sự nơi công cộng cũng như trên không gian mạng. Tăng cường quản lý thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội. Các cơ quan thông tấn, báo chí trước khi cung cấp thông tin, hình ảnh cho công chúng cần có sự thẩm định, biên tập kỹ về nội dung, hình thức, tránh đưa những thông tin thiếu kiểm chứng, sai lệch, gây hoang mang, bức xức dư luận, để cho các thế lực xấu lợi dụng, lái vấn đề, câu chuyện theo hướng bất lợi, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, xã hội của đất nước.
Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng tự do dân chủ, tự do ngôn luận để truyền bá những tư tưởng sai trái, có nội dung xuyên tạc, “ngụy giá trị” để lừa dối, lôi kéo người dân nhằm mục đích vụ lợi. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực của quần chúng trong phát hiện những hiện tượng sai trái để có biện pháp xử lý kịp thời, mang tính cảnh tỉnh, răn đe, hướng đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khoa học, nhân văn với những giá trị tốt đẹp.
Liên kết website
Đang truy cập: 55
Hôm nay: 10,530
Hôm qua: 17,117
Tháng hiện tại: 178,194
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 9,888,511