(Trích phát biểu của đồng chí Huỳnh Tấn Việt khai mạc Hội thảo khoa học “Phú Yên 30 năm đổi mới và phát triển”)
|
Đồng chí Huỳnh Tấn Việt phát biểu tại hội thảo - Ảnh: KHANH ANH |
Hôm nay, tỉnh Phú Yên rất vui mừng và phấn khởi chào đón lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh bạn; lãnh đạo tỉnh Phú Yên qua các thời kỳ; các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về dự Hội thảo khoa học “Phú Yên 30 năm đổi mới và phát triển”. Đây là hoạt động trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Phú Yên (1/7/1989-1/7/2019).
Ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Yên được tái lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Phú Khánh theo Nghị quyết Kỳ họp thứ V Quốc hội khóa VII. Xuất phát điểm là một tỉnh nghèo thuần nông (tỉ trọng ngành nông nghiệp trong GRDP chiếm gần 60%, hơn 80% hộ dân sống bằng nghề nông, thu nhập bình quân đầu người rất thấp), quy mô dân số khoảng 637.560 người; cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng yếu kém, hộ nghèo chiếm tỉ lệ cao; lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển; số lượng doanh nghiệp rất ít, quy mô nhỏ, công nghệ máy móc, thiết bị lạc hậu, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ cấp tỉnh mới được hình thành, chưa đồng bộ, còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Năm 1989 là năm mới tách tỉnh, là giai đoạn đầu trong quá trình thực hiện chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mô hình phát triển mới nên công tác quản lý nhà nước cũng chưa kịp thích ứng, hàng loạt những vấn đề cấp bách về kinh tế, xã hội cần phải đặt ra. Đây là những khó khăn và thách thức lớn cho tỉnh trong việc xây dựng một đơn vị hành chính độc lập lúc bấy giờ.
Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các mặt, trong đó đặc biệt chú trọng ổn định về tổ chức bộ máy, cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện làm việc, nơi ăn ở, đời sống của cán bộ, công nhân viên các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; song song với xây dựng lại hệ thống chính trị, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ và sự nỗ lực không ngừng của toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân trong tỉnh, sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước, qua 30 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Phú Yên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, bước đầu khẳng định và nâng dần vị thế của tỉnh trong khu vực và cả nước, tạo ra thế và lực mới cho công cuộc phát triển trong những năm đến.
Một số kết quả nổi bật như: tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức khá, bình quân giai đoạn 1990-2018 đạt khoảng 9%/năm; cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, với tỉ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 11,9% (năm 1990) lên 29,3% (năm 2018), dịch vụ tăng từ 31,9% (năm 1990) lên 43,3% (năm 2018) và ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản giảm từ 56,3% (năm 1990) còn 23,6% (năm 2018). Huy động hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư phát triển, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 1990-2018 đạt 126.970 tỉ đồng. Thu ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước, bình quân hàng năm tăng 21,8%; năm 2018 thu ngân sách hơn 4.570 tỉ đồng, tăng gấp 156 lần so với năm 1990. GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt khoảng 39,7 triệu đồng/người, tăng gấp 11,6 lần so năm 1990.
Công nghiệp, dịch vụ có bước phát triển khá nhanh, đã hình thành được một số khu công nghiệp tập trung và một số cụm công nghiệp ở các địa phương; một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước như: đường, tinh bột sắn, dược phẩm, hàng may mặc, sản phẩm thủy sản... Các ngành dịch vụ phát triển cả về quy mô và chất lượng, nhất là dịch vụ du lịch. Hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước, thông tin liên lạc được đầu tư khá đồng bộ; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, khởi sắc; hiện nay 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, xe ô tô có thể đến được hầu hết các thôn, buôn, kể cả các xã miền núi, đặc biệt khó khăn; 100% thôn, buôn có điện lưới quốc gia; sóng viễn thông phủ kín toàn tỉnh...
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô và chất lượng, với tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp bình quân 16,6%/năm. Đến nay đã cấp mới đăng ký cho khoảng 4.738 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 32.090 tỉ đồng; đến cuối tháng 5/2019 toàn tỉnh có hơn 3.030 doanh nghiệp đang hoạt động. Kết quả thu hút đầu tư của tỉnh tăng theo từng năm, năm 1996 toàn tỉnh chỉ có 1 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 94 tỉ đồng, đến nay trên địa bàn tỉnh đã thu hút 38 dự án FDI, với vốn đăng ký 1,56 tỉ USD và 401 dự án đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký hơn 62.630 tỉ đồng, trong đó có 231 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh (chiếm tỉ lệ 57,6%).
Hệ thống trường lớp học, cơ sở y tế phát triển rộng khắp, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 5,85%. Quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường. Hệ thống chính trị các cấp không ngừng được củng cố, kiện toàn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, với 100% thôn, buôn, khu phố, trạm y tế, trường học từ mầm non công lập trở lên có chi bộ đảng.
|
Cảng Vũng Rô là một trong những lợi thế để Phú Yên khai thác, phát triển kinh tế - Ảnh: NGÔ XUÂN |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tăng trưởng kinh tế của tỉnh thiếu bền vững; quy mô kinh tế nhỏ, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; cơ cấu các nguồn thu ngân sách chưa ổn định; chưa tạo được nguồn thu mới, ổn định từ hoạt động sản xuất kinh doanh; chưa tự cân đối ngân sách, còn phụ thuộc nhiều vào Trung ương; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực có mặt chưa tốt; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; lĩnh vực giáo dục và y tế có mặt còn hạn chế; trình độ và tiềm lực khoa học công nghệ còn thấp...
Do vậy, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Phú Yên 30 năm đổi mới và phát triển” có ý nghĩa rất lớn, là diễn đàn để các đại biểu, chuyên gia trao đổi, thảo luận đánh giá tổng kết toàn diện về những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực, cũng như hạn chế của tỉnh Phú Yên sau 30 năm tái lập; qua đó đúc kết bài học kinh nghiệm và tầm nhìn cho sự phát triển và hội nhập trong thời kỳ mới.
Tại diễn đàn lần này, tôi trân trọng đề nghị các đồng chí, quý vị đại biểu tập trung trao đổi, nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách khoa học những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là những tiềm năng, lợi thế vượt trội so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, để đề xuất cho tỉnh những ý tưởng phát triển trong giai đoạn tới, trong đó cần tập trung đề ra các định hướng tầm chiến lược và những giải pháp mang tính đột phá, theo hướng đi tắt đón đầu để Phú Yên có thể tiến nhanh, tiến mạnh, đuổi kịp với mức trung bình cả nước, tiến tới tỉnh phát triển khá trong khu vực.
Tôi mong rằng những ý kiến tham luận, bài học kinh nghiệm được rút ra từ hội thảo này sẽ giúp tỉnh hoạch định chính sách và đề ra giải pháp hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành trong những năm tiếp theo. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh và các vị đại biểu, nhà khoa học đã tham dự hội thảo.
---------------------------
(*) Tựa đề do tòa soạn đặt
baophuyen.com.vn