Kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2018): Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ vẻ vang của Nhà giáo

Chủ nhật - 18/11/2018 18:57 352 0
Cách đây 36 năm (năm 1982), xuất phát từ ngày kỷ niệm mang tính quốc tế về Hiến chương các nhà giáo, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã chính thức chọn ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày hội truyền thống của các thầy giáo, cô giáo nói riêng và của những người làm công tác giáo dục nói chung. Ngày này là dịp để mọi người tôn vinh nghề giáo và các thế hệ học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh bày tỏ lòng thành kính về công ơn dạy dỗ của các thầy giáo, cô giáo.
chu tich
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương thăm chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giá dục và đào tạo
Giáo dục là sự nghiệp vô cùng quan trọng, quyết định sự hưng thịnh, giàu có và hùng mạnh của quốc gia, dân tộc. Bác Hồ đã từng nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"(1). Bác còn chỉ rõ "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật"(2) và trước lúc đi xa, trong Di chúc, Bác căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".

Nghề giáo đã được coi là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Bác Hồ nói: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang"(3). Trồng người là nhiệm vụ của toàn Đảng, của Nhà nước và toàn xã hội, trong đó thầy cô giáo là lực lượng hết sức đặc biệt. Bác Hồ đã từng khẳng định: "Nhiệm vụ giáo dục quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói đến kinh tế, văn hóa”(4).
Vai trò của người thầy giáo và nghề giáo được truyền thống dân tộc tôn vinh và coi trọng, cho nên để xứng đáng được tôn vinh, người thầy giáo phải thật sự mẫu mực và tự mình trở thành mẫu mực để dạy chữ và dạy người. Bác ví: "Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt."(5)  Người còn nói rõ: "Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên."(6)

Người thầy giáo như tấm gương sáng cho học sinh soi vào và noi theo, trước hết là ở đạo đức và phẩm chất, đến cả tri thức. Người nhắc: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu nhất là đối với trẻ em."(7). Học hỏi là công việc phải làm suốt đời. Không ai có thể tự cho mình là biết đủ rồi, hiểu đủ rồi. Bác căn dặn: "Cán bộ, giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại thì lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội"(8). Người thầy giáo phải học hỏi nhiều, từ trau dồi phẩm chất, đạo đức, kiến thức nghề nghiệp, còn phải học trong đời sống, trong nhân dân, trong xã hội, học suốt đời…

Điều mà Bác tâm huyết căn dặn về trách nhiệm và nghĩa vụ của các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học sinh là: "Thầy và trò phải luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho... Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt"(9).

Thấm nhuần lời dạy của Người, các thế hệ thầy giáo, cô giáo ra sức nâng cao đạo đức, thi đua dạy tốt, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương cao quý được Đảng, Nhà nước và xã hội tôn vinh là Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, đào tạo ngày càng nhiều tài năng cho đất nước, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển không ngừng.

Đảng và Nhà nước ta coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn dân. Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng trong phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.

Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới toàn diện, để giáo dục nước ta đáp ứng nhiệm vụ chính trị đặt ra, BCH Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới: “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học… Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động. Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, đảm bảo dân chủ, thống nhất, chất lượng; tăng cường tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo… Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiến tiến trong khu vực”

 Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết mà toàn Đảng, toàn dân ta đang quyết tâm thực hiện, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà phát triển ngang tầm với thời đại mới./.
--------------------------------------------------------------------
 (1) Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa , ngày 3/9/1945.
(2) Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam năm 1961.

(3),(9) HCM - Toàn tập - T12 - 1996 - trang 403.
(4) Bài nói ở lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I, ngày 12/6/1956.
 (5) Nói chuyện với lớp đào tạo cán bộ mẫu giáo, ngày 23/3/1959.
(6) HCM, toàn tập, tập 4. Nxb Sự thật, Hà Nội 1984, trang 333.
(7), (8) Bài nói chuyện tại lớp chính trị của giáo viên năm 1959.

Hồng Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 94

Máy chủ tìm kiếm: 7

Khách viếng thăm: 87

Hôm nay: 16,892

Hôm qua: 16,487

Tháng hiện tại: 380,905

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,091,222

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây