Phú Yên: Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Chủ nhật - 18/12/2022 21:31 231 0
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 05 thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Phú Yên để đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ, làm rõ những nội dung đã làm tốt, những mặt còn hạn chế, khuyết điểm, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư trong thời gian tới.
1
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Thị Hòa An trao tặng bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 05 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư.
Đồng chí Cao Thị Hòa An - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Bùi Thanh Toàn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí là Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, Trường Chính trị tỉnh, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; thường trực cấp ủy và lãnh đạo ban tuyên giáo (tuyên huấn) các huyện ủy, thị ủy, thảnh ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các tập thể, cá nhân được khen thưởng có thành tích xuất sắc qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư.

 Báo cáo tại Hội nghị đánh giá: Qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng từng bước đi vào nề nếp và có những chuyển biến tích cực. Nhận thức của cấp ủy, các cơ quan quản lý và cán bộ làm công tác lịch sử Đảng về vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được nâng lên; các địa phương, đơn vị chú trọng, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử; công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; có sự định hướng chính trị tư tưởng, sâu sắc, chuẩn xác về nội dung, đa dạng và thiết thực về hình thức thể hiện, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân vào con đường cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái và âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, phủ nhận sự thật lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân nỗ lực phấn đấu tiếp tục phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang của Đảng và dân tộc ta.

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng theo tinh thần Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XII) trong thời gian qua ở tỉnh Phú Yên còn những hạn chế nhất định: Một số cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng. Một vài địa phương, đơn vị đã triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử nhưng không đạt tiến độ đề ra. Chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, truyền thống cách mạng của một số địa phương, đơn vị chưa cao, nội dung còn mang tính liệt kê sự kiện, dàn trải, hoặc phản ánh không đầy đủ bức tranh lịch sử vốn có; phải góp ý, sửa chữa nhiều trước khi xuất bản. Một số cán bộ làm công tác lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm thực tế...

Tại Hội nghị có 05 tham luận của các cấp ủy, địa phương, đơn vị được trình bày về kết quả, kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và các ý kiến góp ý của các đại biểu góp phần làm rõ hơn những hạn chế, khó khăn và đề xuất những giải pháp thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư trong thời gian tới như: Các đề tài lịch sử cần có bản ngắn gọn để đưa lên các trang thông tin mạng để chuyển tải đến đông đảo nhân dân; để kịp thời khai thác các tư liệu về lịch sử các địa phương có cách ghi chép các nhân chứng sống để làm kho tư liệu khi cần đến.

Tại Hội nghị sơ kết lần này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen cho 5 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 05 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Cao Thị Hòa An - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Để tiếp tục triển khai tốt công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XII), trong thời gian tới, đề nghị các cấp ủy, từng cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, tích cực đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội về vị trí, tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị - tư tưởng của các cấp ủy, tổ chức đảng. Các cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và sát sao hơn nữa trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng nhằm tạo sự chuyển biến về chất đối với công tác này.

Thứ hai, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn kết chặt chẽ giữa biên soạn, xuất bản và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, đảm bảo tính Đảng, tính khách quan, khoa học. Xác định công tác lịch sử Đảng vừa phải làm sáng tỏ những vấn đề về lịch sử Đảng, vừa có trách nhiệm đấu tranh với các quan điểm sai trái, luận điệu phản động của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và công cuộc đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai nghiên cứu, biên soạn, hoàn thiện lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương, cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định về nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản các công trình lịch sử. Phấn đấu đến cuối năm 2025, 100% đảng bộ xã, phường, thị trấn hoàn thành biên soạn lịch sử Đảng.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng, đảm bảo về nội dung, đa dạng và thiết thực về hình thức, phù hợp, hướng tới đông đảo cán bộ, đảng viên, và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng trong lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên.

Thứ năm, quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng. Đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, kinh phí phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ sáu, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Hồng Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 94

Hôm nay: 15,925

Hôm qua: 19,435

Tháng hiện tại: 415,290

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,125,607

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây