Câu chuyện xứ Nẫu hay hành trình trên xứ sở Hoa vàng Cỏ xanh

Thứ tư - 25/10/2023 00:11 249 0
12

“Bất cứ nơi nào bạn đặt chân đến, hãy đến đó bằng cả trái tim”, đó là tâm niệm trước khi khởi hành trải nghiệm những vùng miền của đất nước. Đó cũng là lời tự nhắc nhở khi vượt qua đèo Cả, đặt bước chân đầu tiên đến với xứ sở của Hoa vàng Cỏ xanh, miền đất Phú, trời Yên.

Dừng chân ngắm khung cảnh Hòn Nưa là bắt đầu những dòng chảy cảm xúc. Nhiều địa danh đã ăn sâu trong tiềm thức nay mới được lần đầu được đến dù chỉ là thoáng qua. Quá nhiều háo hức khi được chiêm ngưỡng, khám phá. Quá nhiều rung cảm trước vẻ đẹp của một miền đất tiền nhân khai mở từ hơn bốn trăm năm trước!

Một vùng đất trầm tích văn hoá của những cư dân từ Đàng Ngoài tiến vào Đàng Trong, cùng với những dân tộc bản địa, trải qua những biến động, đến hôm nay định hình một Phú Yên với biểu tượng Tháp Nghinh Phong lấy cảm hứng từ hình ảnh Gành Đá Đĩa.

1
2
3

Trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này, nhiều đặc ân được tạo hoá ban tặng cho người Phú Yên như sự bù đắp cho một vùng đất khó. Mũi Điện, nơi có thời điểm đón bình minh sớm nhất cả nước. Di tích lịch sử Tàu không số - Vũng Rô, minh chứng ý chí mãnh liệt và tinh thần bất khuất của người Phú Yên. Tháp Nhạn trầm mặc, nơi lưu giữ quá khứ và kết nối hiện tại, câu chuyện về các dân tộc anh em cùng ngự cư và cộng sinh trong suốt chiều dài lịch sử lẩn khuất đâu đây trên hành trình dựng nước và giữ nước.

Với chiều dài bờ biển gần 200 km, Phú Yên sở hữu nhiều bãi, vũng, đầm phá, vịnh, gành,… Những vẻ đẹp hoang sơ, tạo nên những sinh cảnh đẹp ngỡ ngàng níu chân du khách gần xa. Những cảnh quan tự nhiên kỳ vĩ đó nằm trong một không gian hơn 5.000 km2, càng giá trị hơn nhờ bàn tay và khối óc của bao thế hệ và trở thành niềm tự hào của gần một triệu người Phú Yên. Mai này, một miền duyên hải trải dài từ đèo Cả vào đèo Cù Mông sẽ tạo sức bật mạnh mẽ nhờ cách tiếp cận mở, tích hợp từ những danh thắng đó. Người Phú Yên đang tư duy lại về con đường phát triển trong tương lai. Quá khứ không thay đổi được, chỉ có tương lai là do người Phú Yên tự quyết định cho mình.

4
2

Rồi đây, với lợi thế từ thiên nhiên, kinh tế biển sẽ gắn với chiến lược Tam ngư: Ngư nghiệp - Ngư dân - Ngư trường; kết hợp yếu tố kinh tế biển, văn hóa biển và cộng đồng cư dân ven biển. Rồi đây, người Phú Yên sẽ chọn con đường phát triển theo tư duy kinh tế biển xanh, thích ứng với xu thế biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Rồi đây, một Phú Yên sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nhờ con đường ven biển trải dài hơn 130 km rộng thoáng thỏa ước mơ bao đời. Một không gian phát triển mới dọc theo con đường mơ ước này đủ chỗ cho các khu cụm công nghiệp, khu đô thị, các tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghề muối, thủy sản,… cùng phát triển hài hòa, đa dạng sắc thái.

“Ngó vô Hòn Yến xanh xanh. Thấy em đan lưới, thấy anh kéo mành”. Thật lắng đọng khi nghe tâm sự của những thành viên trong Tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến. Những con người làn da chai sạm vì nắng gió, can trường vượt qua khó khăn, đối mặt với bão tố, thấm đẫm hồn đất, hồn biển, hồn người. Rạn san hô đẹp lung linh, huyền bí dần được phục hồi mang lại niềm tin về một tương lai tươi sáng cho cộng đồng sau những ngày tháng cùng nhau gìn giữ. Một mô hình quản trị xã hội dựa vào cộng đồng dần được hình thành từ hơn ba mươi con người bao đời gắn bó với biển cả. Đó chính là cách Phú Yên đang tiếp cận tư duy “Phát triển địa phương dựa vào nội lực cộng đồng”.

Hơn bốn trăm năm trước, thế hệ tiền nhân đã khai mở vùng đất này. Bốn trăm năm sau, người Phú Yên đang khai mở tư duy mới. Trong quá khứ, nguồn lực để phát triển thường được “kiểm đếm” dựa vào tài nguyên đất đai, mặt nước, khu công nghiệp, khu đô thị, nguồn thu ngân sách. Với cách tiếp cận mới, yếu tố văn hoá và xã hội khi được kích hoạt sẽ chuyển hóa thành nguồn vốn hữu hình.

Sức sống một địa phương bao gồm cả 3 yếu tố: kinh tế, văn hóa và xã hội, lấy cộng đồng là những hạt nhân. Cộng đồng nông dân, cộng đồng ngư dân, cộng đồng doanh nhân, đang cùng với bộ máy công quyền trăn trở sao cho mặt đất dưới chân mình luôn vững chãi. Với cách tiếp cận “cộng hưởng”, người Phú Yên sẽ hiện thực hóa giấc mơ trở thành một xứ Nẫu phát triển, trù phú, hạnh phúc.

5
6

Một câu mời gọi được treo trên hàng rào cây xanh thật nhiều cảm xúc: “Ai về Hòn Yến cùng Nẫu”. Nẫu, một phương ngữ thân thương ăn sâu vào tiềm thức của những người xứ Nẫu - Phú Yên và Bình Định. Từ chữ Nậu, là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu được gọi là “đầu nậu”. Qua biến động của thời gian, Nậu dần chuyển thành Nẫu, một đại từ nhân xưng thân thuộc. Như vậy, tư duy cộng đồng, nơi tập hợp những người cùng ngành nghề, đã có từ trăm năm trước. “Thiếu cơm, thiếu áo chẳng màng. Thiếu tình đoàn kết, xóm làng không vui”. Trò chơi dân gian Bài chòi đậm chất Phú Yên, từ sân đình, làng, chợ đã được vinh danh “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” đang tạo sự gắn kết trong từng cộng đồng. “Hiệu ứng cánh bướm” từ đây sẽ lan tỏa ra nhiều cộng đồng khác trên miền núi, cao nguyên.

Một thoáng thăm Đập Đồng Cam, nơi trăm năm trước đã đưa nước về tưới mát những cánh đồng phía Nam. Trên đỉnh Trù Cúc còn tấm bia ghi nhận những người Phú Yên tử nạn khi xây dựng công trình kỳ vĩ này. Mỗi con đường, cánh đồng, đỉnh núi, vùng biển đã thấm dòng máu đỏ của người Phú Yên. Mai này, Đồng Cam trở thành một Di sản nông nghiệp, thúc đẩy phát triển dịch vụ, làng nông thôn truyền thống, gắn với du lịch trải nghiệm văn hóa - lịch sử - thiên nhiên. Du lịch Văn hóa di sản nông nghiệp Đồng Cam sẽ nối kết với du lịch biển và danh thắng, du lịch nghỉ dưỡng cao nguyên Vân Hòa.

7

Những không gian du lịch nông nghiệp, nông thôn, sẽ thu hút dòng người đến và trở lại miền cao Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân. Người xứ biển vượt cao nguyên lên miền núi cao tạo ra sự giao thoa giữa các dân tộc anh em, giữa các vùng miền. Người Phú Yên trong tỉnh sẽ kết nối với người Phú Yên đang sinh sống, làm việc ở khắp mọi miền đất nước. Trong một thế giới phẳng, không gian địa lý đâu thể tạo ra sự cách biệt giữa những con người luôn mang trong mình tình yêu, trách nhiệm và lòng tự hào với quê hương, xứ sở.

Là một người sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông nước, không có rừng núi, cao nguyên, không có bờ biển dài, những hòn đảo xanh ngọc, nên đong đầy cảm xúc trước Tháp Nghinh Phong, biểu tượng người Phú Yên đang chủ động đón làn gió của sự thay đổi. Hình như người Phú Yên đang thầm nói với nhau rằng, phải mượn sức gió để bay cao, vươn xa, nhất quyết không dừng lại để ngọn gió xô ngã. Hình như hơn bốn trăm năm trước người Phú Yên đã vậy, thế hệ hôm nay đang vậy, và chắc chắn rằng tương lai vẫn mãi như vậy!

Chào tạm biệt dòng sông Ba: “Con sông hồn nhiên như chưa hề có tuổi. Già nua đến thế mà trẻ trai vô cùng!”.

11
Lê Minh Hoan - UVBCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nongnghiep.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 104

Hôm nay: 9,447

Hôm qua: 16,892

Tháng hiện tại: 389,377

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,099,694

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây