Đang truy cập: 74
Hôm nay: 16,892
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 383,994
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,094,311
- Đang truy cập74
- Hôm nay16,892
- Tháng hiện tại383,994
- Tổng lượt truy cập10,094,311
Thực tế cuộc sống đã chứng minh rằng, bằng cấp, chứng chỉ là một nền tảng để đào tạo, nhưng bằng cấp, chứng chỉ cũng không hoàn toàn phản ánh năng lực thực chất của mỗi người. “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Vì thế, văn bản mới đây của Bộ Nội vụ đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký văn bản số 2499/BNV-CCVC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.
Trong báo cáo, Bộ Nội vụ cho rằng công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ với công chức, viên chức còn một số tồn tại. Đó là nội dung một số chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm; còn trùng lặp nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học.
Vì bất cập như vậy, nên trong kiến nghị, đề xuất của Bộ Nội vụ lên Thủ tướng, có hai điểm đáng chú ý. Đầu tiên là Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học với tất cả 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng, để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Phải khẳng định, bằng cấp là thước đo năng lực cụ thể nhất của mỗi người. Điều đó đúng nếu bằng cấp song hành với chuyên môn, năng lực của cán bộ. Nhưng thực tế, không hoàn toàn như vậy. Với việc chuẩn hóa cán bộ như hiện nay, nhiều người tếu rằng, đến tuổi về hưu vẫn phải “chạy đua” với thời gian, tham gia các khóa học để lấy đủ các loại bằng cấp, chứng chỉ…
Và vì phải “chạy đua” với thời gian, bằng cấp, nên nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã đăng ký học ngoại ngữ, tin học… với thời gian rất ngắn, dẫn đến chất lượng các chứng chỉ không thực chất, thậm chí còn được “mua” với giá không hề rẻ và cũng không phục vụ yêu cầu công việc. Cùng với đó, không ít chứng chỉ nghề nghiệp, chức danh khác vẫn gây ra không ít băn khoăn bởi cũng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch theo yêu cầu của các bộ chuyên ngành.
Có thể nói rằng, với những ngành đặc thù, quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hoặc chứng chỉ hành nghề là rất cần thiết, bởi nó phục vụ yêu cầu của quản lý Nhà nước và xuất phát từ việc nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp của họ. Tuy nhiên, với một số ngành, lĩnh vực, thực sự đây là một quy định gây thêm rườm rà và không giúp ích được cho công tác chuyên môn.
Cùng với đó, việc mở ra rất nhiều các khóa học, huy động lực lượng lớn cán bộ công chức “tất bật đi học”, chủ yếu để lấy cho đủ cái bằng này, chứng chỉ nọ để bổ sung đầy đủ vào hồ sơ công chức, viên chức, vừa gây lãng phí, tốn kém về thời gian, tiền bạc, thậm chí cả sự mệt mỏi về tinh thần của người học. Đó là chưa nói đến việc nhiều khi chất lượng của các tấm bằng, chứng chỉ trong những khóa học này thực tế chỉ là “hình thức”. Vậy nên trong cuộc sống mới có những câu nói vần điệu nhưng lại đầy hàm ý như “Bằng cấp phụ không làm nên một chuyên viên chính”…
Nắm bắt được thực tế đó, khi đương chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Lê Vĩnh Tân đã nhiều lần cam kết trước Quốc hội kiên quyết loại bỏ những văn bằng, chứng chỉ không phù hợp như chứng chỉ ngoại ngữ, tin học... Và việc tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký văn bản số 2499/BNV-CCVC đang được dư luận xã hội quan tâm, đồng tình..
Nhiều người cho rằng, đề xuất của Bộ Nội vụ rất phù hợp thực tiễn, sẽ giúp nhiều công chức, viên chức “thở phào” vì loại bỏ được “gánh nặng” chứng chỉ, văn bằng không cần thiết cho công việc của họ. Bởi trong công việc quan trọng nhất vẫn là năng lực thực chất của mỗi người ở mỗi ngành nghề.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là các loại như chứng chỉ ngoại ngữ, tin học… không quan trọng. Việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học là một yêu cầu và quan trọng nhất là xuất phát từ yêu cầu tự thân của mỗi người, mỗi công việc. Nếu không tự nâng cao thì họ sẽ không thực hiện được công việc và sẽ bị “bỏ lại phía sau”. Vì vậy, không nên đưa ra một tiêu chí chung để áp dụng cho tất cả… Mà tùy theo ngành nghề, các cơ sở đào tạo cần có quy định về việc chuẩn đầu ra phải đạt được trình độ theo các cấp độ tương ứng…
Có những vị trí không cần trình độ ngoại ngữ thì không phải quy định, những vị trí cần có trình độ ngoại ngữ ở cấp bậc cao hơn thì sẽ quy định trong từng vị trí việc làm. Việc này cũng sẽ tránh tình trạng đổ xô đi học cái bản thân người học không để tâm, học xong không dùng đến, không mang lại lợi ích, thuận tiện cho công việc mà chỉ để bổ sung cho đủ hồ sơ.
Thiết nghĩ, để quy chuẩn cán bộ, ngay từ đầu vào xét tuyển cũng cần phải có những tiêu chí cụ thể để tuyển chọn được những người bằng cấp đi đôi với năng lực, những người thực sự làm được việc, trả lương theo vị trí việc làm để tránh tình trạng “trọng bằng cấp” như hiện nay. Việc đánh giá chuẩn cán bộ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục hằng tháng, hằng năm qua công việc, sát hạch chứ không chỉ bằng bộ tiêu chuẩn về “bằng cấp”…
Và dư luận đang rất mong đợi đề xuất của Bộ Nội vụ gửi đến Thủ tướng Chính phủ sẽ được triển khai nhanh chóng trong thực tế cuộc sống, đạt hiệu quả thực sự và đặc biệt không phát sinh tiêu cực…/.
Trung Anh/ĐCSVN
Liên kết website
Đang truy cập: 74
Hôm nay: 16,892
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 383,994
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,094,311