Đang truy cập: 54
Hôm nay: 19,435
Hôm qua: 16,892
Tháng hiện tại: 399,565
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,109,882
- Đang truy cập54
- Hôm nay19,435
- Tháng hiện tại399,565
- Tổng lượt truy cập10,109,882
Đã 75 năm, kể từ ngày 2/9/1945, khi bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được phát đi trên sóng của Đài phát sóng Bạch Mai (Hà Nội) bằng hai thứ tiếng nước ngoài là tiếng Anh và tiếng Pháp - bản tin đối ngoại đầu tiên và hết sức đặc biệt của nước Việt Nam tự do, độc lập, vang vọng khắp năm châu, mang theo khát vọng cháy bỏng của một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Từ đó đến nay, công tác thông tin đối ngoại đã luôn là "một bộ phận quan trọng của công tác đối ngoại và công tác tư tưởng", đưa thế giới đến gần với Việt Nam và mang "tiếng chuông" Việt Nam vang xa "nơi xứ người".
Trong giai đoạn hiện nay, trước những biến chuyển không ngừng của thời cuộc, đất nước ta đang ở trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo tiền đề cho việc hướng tới các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI. Thực tiễn này đặt công tác thông tin đối ngoại đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và yêu cầu mới, trong đó có nhiệm vụ nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái thù địch, góp phần thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận xã hội, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
NHẬN DIỆN CÁC CHỦ ĐỀ XUYÊN TẠC VÀ THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ
Bất chấp những thành tựu đối ngoại mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã giành được, các thế lực thù địch trong thời gian qua đã ra sức phủ nhận, tìm mọi cách tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền, tôn giáo”, bằng một thái độ bất mãn và những quan điểm xuyên tạc, bóp méo, các thế lực thù địch đã vu cáo trắng trợn là Đảng “hèn nhát” trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, phủ nhận hoàn toàn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đòi “đa nguyên, đa đảng” ở Việt Nam. Họ lợi dụng lòng yêu nước, tự tôn dân tộc để kích động một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng giọng điệu là Việt Nam đang “đi dây trong quan hệ với các nước lớn”; để giữ độc lập, chủ quyền... phải “thoát Trung”; “chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc mạnh thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo”; chính sách quốc phòng “bốn không” là “tự trói tay mình”… Thậm chí, ngay cả với việc gánh vác các trọng trách quốc tế lớn, cũng có ý kiến lệch lạc cho rằng đất nước còn nghèo, tốn tiền dân, không nên đảm trách các sự kiện quốc tế (1). Trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, vừa kích động phải cấm biên, “bài Trung”, vừa tuyên truyền luận điệu cho rằng những hỗ trợ mang tính nhân đạo, hữu nghị là “cống nạp”. Ngay cả khi công tác chống dịch có được những thành công đáng khích lệ, được dư luận quốc tế đánh giá cao, vẫn có ý kiến cho rằng Việt Nam “giấu dịch” hoặc tìm cách bôi đen uy tín của Đảng và Chính phủ bằng lập luận “Việt Nam thành công nhờ hệ thống theo dõi, đàn áp”…
Những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc nêu trên được các thế lực thù địch đẩy mạnh trên các nền tảng ứng dụng công nghệ truyền thông thế hệ mới. Sự chống phá trên bình diện thông tin đối ngoại diễn ra thường xuyên và liên tục, với sự cấu kết chặt chẽ của các thành phần thù địch, cơ hội trong và ngoài nước. Trên những trang mạng, các cá nhân và một số hãng truyền thông nước ngoài, vì mục tiêu chính trị hoặc vốn mang nặng định kiến, thiếu thiện chí với Việt Nam, đã tập trung đăng tải các bài viết, video sử dụng những ngôn từ kích động lòng thù hằn dân tộc, khoét sâu vào những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng khu vực, các đối tác quan trọng, núp dưới cái bóng của những “nhà dân chủ, trí thức, học giả, người dân yêu nước chân chính” để “phê phán, chỉ ra” những “khuyết điểm, sai lầm” trong đường lối của Đảng, Nhà nước.
Mục tiêu của các thế lực thù địch là cố gắng tạo ra một hình ảnh xấu về Đảng, Chính phủ Việt Nam; gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng và quan ngại trong dư luận trong và ngoài nước, gây ảnh hưởng tới cách nhìn, nhận thức của cộng đồng quốc tế đối với chủ trương, quan điểm, vai trò và uy tín của Đảng, Nhà nước ta. Từ đó, cản trở, tạo sức ép dư luận nhằm thay đổi, “lái” đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng ta ngả theo quốc gia này hoặc quốc gia kia; làm xói mòn lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân, gây mất ổn định về chính trị - xã hội. Hệ quả của một số sự việc năm 2014, 2018 ở một số tỉnh, thành không chỉ gây mất an ninh, trật tự xã hội, mà còn làm xấu đi hình ảnh của một Việt Nam ổn định, hòa bình, điểm đến an toàn, hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế, làm tổn hại tới mối quan hệ Việt Nam với một số đối tác.
NHẬN ĐỊNH VỀ CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, CHỐNG PHÁ
Mặc dù những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch rất phi lý, vô căn cứ, song có lúc, có nơi vẫn có thể tác động tới tư tưởng, tâm lý của một bộ phận cán bộ, nhân dân ta. Thực tế này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về bối cảnh, trong một thập niên trở lại đây, chúng ta đã và đang chứng kiến những sự đổi thay, biến động to lớn của tình hình thế giới, tác động đến tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mặc dù hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn tiếp tục là xu thế lớn, chi phối đời sống quan hệ quốc tế nhưng chủ nghĩa đơn phương, dân túy, bảo hộ đang trở thành thách thức lớn đối với quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Hòa bình và thịnh vượng toàn cầu liên tục bị đe dọa bởi nguy cơ suy thoái kinh tế, dịch bệnh, xung đột tôn giáo, sắc tộc, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ... Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến sự cạnh tranh giữa cơ chế hợp tác quốc tế cũ - mới, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn. Mối quan hệ giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, đã chuyển sang giai đoạn gia tăng cạnh tranh chiến lược, đối đầu trên nhiều lĩnh vực. Bối cảnh đó đặt ra nhiều khó khăn, thách thức to lớn đối với Đảng và Nhà nước ta trong việc kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.
Bên cạnh đó, với sự phát triển như vũ bão của Cuộc cách mạng khoa học Công nghệ lần thứ tư, những tiến bộ kỹ thuật đã làm giảm thiểu một tỷ lệ lớn các chi phí xử lý và truyền đạt thông tin. Ngày nay, mỗi cá nhân có thể trở thành “phóng viên”, nhà bình luận tin tức, người phê phán... chỉ với một chiếc máy tính hay điện thoại thông minh cầm tay có kết nối mạng. Điều này dẫn tới hệ quả là sự bùng nổ thông tin đa chiều và vô hình chung cũng tạo ra môi trường thuận lợi cho các thế lực thù địch lợi dụng, biến các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại, như: Internet, mạng xã hội trở thành "vũ khí" chống phá Đảng và Nhà nước ta trên không gian mạng.
Nguyên nhân chủ quan xuất phát từ một số điểm hạn chế và tồn tại trong quá trình lãnh đạo và phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước ta. Ngoài ra, công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục của chúng ta còn bộc lộ một số hạn chế, trong đó đáng chú ý nhất là thiếu tính chủ động, kịp thời, đồng bộ, nội dung còn thiếu sắc sảo và thuyết phục. Do khả năng dễ dàng tiếp cận thông tin, có tâm lý thích nghe cái lạ, trái chiều, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng chưa đầy đủ, có nơi, có chỗ còn hiểu sai, hiểu chưa đúng. Cộng đồng quốc tế và đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, do không được tiếp xúc nhanh chóng với thông tin chính thống, dẫn tới việc hiểu không đúng về tình hình đất nước, hoài nghi về chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước. Trong đó, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài (thế hệ người Việt sinh ra, lớn lên và học tập tại môi trường nước ngoài, chịu ảnh hưởng của các quan niệm, luận điểm, giá trị, văn hóa của các quốc gia sở tại) không có được hình dung đầy đủ, cụ thể về sự thay đổi, quá trình đổi mới, quyết sách chủ trương, đường lối của đất nước ta qua từng thời kỳ, có sẵn hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thậm chí còn có biểu hiện phê phán khi đề cập tới “cộng sản”, “chủ nghĩa xã hội”.
THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI GÓP PHẦN ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH
Bên cạnh nhiều thách thức, công tác thông tin đối ngoại có thuận lợi to lớn là vị thế và uy tín của Đảng ta, của đất nước ta. Đặc biệt, những thành công trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 đã mang lại những cơ hội hiếm có cho công tác thông tin đối ngoại. Thông qua truyền thông và dư luận quốc tế, Việt Nam đang là hình mẫu thành công chống đại dịch, với tính ưu việt của hệ thống chính trị, xã hội và con người nhân văn, nền kinh tế dẻo dai, bền vững, thích ứng cao, đường lối đối ngoại tích cực và đầy trách nhiệm. Đây là cơ hội thuận lợi để công tác thông tin đối ngoại chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực, thù địch cơ hội, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy quá trình hội nhập, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè thế giới, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam. Cụ thể là:
Thứ nhất, công tác thông tin đối ngoại cần tiếp tục tập trung quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cần chú trọng tuyên truyền kịp thời đối với nội dung nhạy cảm, được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm; những chủ đề mà các thế lực thù địch, cơ hội tập trung chống phá như dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tình hình Biển Đông... và các vấn đề còn tồn tại trong mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước. Ngoài ra, cần xây dựng, củng cố các luận cứ có cơ sở khoa học và thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện lý luận về bản chất ưu việt của chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới để làm “chất liệu” trong phản bác, đấu tranh.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng tới việc tuyên truyền cho đối tượng là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - cầu nối hữu nghị giữa nước ta với các nước khác trên thế giới. Việc nâng cao nhận thức, tăng cường sự gắn kết của cộng đồng kiều bào với quê hương sẽ góp phần tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh đất nước và đấu tranh có hiệu quả với nhóm đối tượng cực đoan người Việt ở nước ngoài. Theo đó, công tác thông tin đối ngoại phải chú trọng tới các việc tuyên truyền sâu rộng những thành tựu, những điển hình, nhân tố mới trong hội nhập quốc tế, đặc biệt những chủ trương, chính sách đối ngoại liên quan tới phát triển kinh tế, thúc đẩy đầu tư, thương mại.
Thứ hai, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác trên không gian mạng.
Hiện nay, không gian mạng đang bị các thế lực thù địch, cơ hội triệt để lợi dụng để tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đặc biệt là tuyên truyền chống phá (2). Chính vì vậy, trong thời gian tới, công tác thông tin đối ngoại cần thực sự có sự đổi mới trong tư duy, cách thức để giành được thế chủ động và đấu tranh có hiệu quả trên “miền chiến sự thứ năm” này(3).
Tình hình phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua cho thấy tính hiệu quả, thuận lợi trong thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phản bác qua Internet, mạng xã hội và các hình thức trực tuyến khác. Đây có thể là một bước đệm để thúc đẩy việc sử dụng, phát triển các ứng dụng khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực thông tin và rút ra các bài học kinh nghiệm. Trước hết, phải xây dựng, duy trì việc giám sát, kiểm soát và xử phạt nghiêm, công khai các trường hợp cá nhân, tổ chức tung tin sai lệch, gây tâm lý hoang mang cho dư luận, ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc ngăn chặn hoàn toàn các thông tin trái chiều, cần phân biệt rõ ràng giữa “thông tin xấu, độc” và “thông tin phản biện mang tính tích cực”. Hai là, tăng cường chất lượng nội dung và hình thức các trang mạng, website của các cơ quan, đơn vị và thành lập các nhóm (group) trên mạng xã hội để tăng cường lượng thông tin chính thống, tích cực, tạo thế “cân bằng” tiến tới trạng thái “áp đảo” lượng thông tin tiêu cực, xuyên tạc. Ba là, các tuyến tin bài, sản phẩm thông tin đối ngoại phải thực sự có ý tưởng, sáng tạo; đẩy mạnh việc lồng ghép thông tin đối ngoại vào các ấn phẩm văn hóa gần gũi, có khả năng tiếp cận dễ dàng tới các đối tượng (video game, phim, sản phẩm âm nhạc, văn hóa,…), phù hợp với việc tuyên truyền, đăng tải trên không gian mạng. Clip Ghen Cô-vy là một minh chứng rất rõ về tính hiệu quả, sáng tạo của hình thức truyền thông mới. Bốn là, đẩy mạnh xây dựng các chiến lược truyền thông trên mạng xã hội gắn với một nội dung, sự kiện trọng tâm theo từng giai đoạn cụ thể.
Trong gần 1 năm phòng, chống dịch Covid-19, các cơ quan báo chí, thông tấn trên cả nước đồng loạt thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh, đã góp phần tạo nên một hiệu ứng to lớn, lan tỏa và có tác động sâu sắc tới nhận thức của toàn xã hội. Sự “đoàn kết” của các cơ quan báo chí trong một chiến lược thông tin chung là một phương thức quan trọng góp phần đẩy lùi và làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, cơ hội.
Thứ ba, đảm bảo tính nhanh nhạy, kịp thời trong công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Trước hết, cần xác định rõ, đối tượng tiến hành các hoạt động xuyên tạc, chống phá bao gồm cả tổ chức lẫn cá nhân, vừa là các thế lực thù địch ở các nước vừa là một bộ phận người dân thiếu hiểu biết. Khi tiến hành đấu tranh với các đối tượng, phương pháp phải linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên quyết, tránh sự áp đặt, nêu cao tinh thần đối thoại, lắng nghe và tôn trọng. Không tránh né vấn đề nhạy cảm. Qua đối thoại và tranh luận, tính đúng đắn trong đường lối của Đảng sẽ được khẳng định, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội sẽ được tăng cường.
Từ thực tiễn cho thấy, trước các vấn đề chính trị - xã hội nhạy cảm, dù mức độ phức tạp đến đâu nếu thông tin kịp thời, minh bạch để người dân hiểu đúng chủ trương của Đảng thì mọi việc được giải quyết ổn thỏa, bức xúc sẽ được giải tỏa. Ngược lại, dù sự việc không quá phức tạp, mức độ bức xúc chưa cao nhưng nếu thông tin không kịp thời, chậm trễ, không nhất quán, định hướng dư luận không tốt thì sự việc dễ trở thành phức tạp, làm nóng lên bởi nhiều yếu tố trái chiều trong xã hội. Vì vậy, công tác thông tin đối ngoại cần có sự chủ động, nhanh nhạy trong nhận biết các âm mưu, thủ đoạn và phân tích, kịp thời đưa ra được luận điểm phản bác thông tin sai lệch.
Để đấu tranh hiệu quả với các luận điệu sai trái, công tác thông tin đối ngoại cần: (1) Trang bị cho mình các cơ sở lý luận, luận cứ khoa học và thực tiễn để khẳng định được tính đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước; (2) Cung cấp đầy đủ dẫn chứng bằng tính hiệu quả trong thực thi, sự đánh giá tích cực từ cộng đồng quốc tế, học giả và các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước đối với các quyết sách của ta; (3) Chỉ rõ sự bất hợp lý, sai lầm trong quan điểm và tính phản khoa học trong các luận điệu mà các thế lực thù địch, cơ hội đưa ra.
Sau khi hình thành được lập luận khoa học, chính xác thì phải quyết định rõ kênh phản bác chính (tuyên truyền miệng, đối thoại trực tiếp hay phản bác trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là trên mạng Internet) để có thể tối đa hóa nguồn lực, nâng cao mức độ hiệu quả. Việc theo dõi phản ứng của dư luận trong và ngoài nước cần được chú trọng thường xuyên. Phản ứng của dư luận là thước đo, đánh giá chính xác tính hiệu quả, tính chiến đấu của thông tin. Từ đó, nhanh chóng tìm ra những điểm còn hạn chế, thiếu sót để nhanh chóng khắc phục hoặc rút ra bài học kinh nghiệm.
Thứ tư, tiến hành đồng bộ, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng đội ngũ, tranh thủ tối đa các lực lượng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm xuyên tạc.
Trong những năm qua, với việc triển khai Chiến lược thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, công tác thông tin đối ngoại thực sự đã có sự chuyển biến hết sức tích cực. Chúng ta đã xây dựng tổ chức được hệ thống Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại từ Trung ương tới địa phương. Vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng ngày càng đi vào thực chất, chuyên nghiệp, phối hợp ngày càng chặt chẽ với cơ quan, đơn vị trong nước, tạo hiệu ứng thông tin đối ngoại tích cực tới bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Hệ thống các cơ quan báo chí đối ngoại không ngừng lớn mạnh, mở rộng về quy mô và sự gia tăng các kênh, sản phẩm tiếng nước ngoài. Ba nhóm cơ quan nói trên đã có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong việc chỉ đạo, trao đổi thông tin với các báo chí và đặc biệt trong việc nhận diện, đấu tranh, phản bác với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội, không để các cơ quan thông tấn báo chí bị lợi dụng, ảnh hưởng bởi các quan điểm bên ngoài, không chính thống.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả đấu tranh, phản bác, công tác thông tin đối ngoại cần chú trọng tới chú trọng quan tâm, phát triển 3 nhóm lực lượng, đó là: (1) Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; (2) Phóng viên, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (nhóm KOLs (Key Opinion Leader), influencers), trí thức người nước ngoài có thiện cảm, ủng hộ Việt Nam; (3) Đội ngũ trí thức trẻ, học viên, sinh viên. Đây là các nhóm lực lượng tiềm năng cho công tác đấu tranh phản bác với phẩm chất năng động, sáng tạo, thông thạo ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Thực tiễn thông tin và đấu tranh phản bác trong công cuộc phòng, chống COVID-19 vừa qua cho thấy rõ vai trò quan trọng của lực lượng này.
Như vậy, có thế thấy, mặc dù đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn, đặc biệt là sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, song công tác thông tin đối ngoại đang có những thuận lợi lớn. Nhiều nhận định cho rằng, thế giới hậu đại dịch COVID-19 sẽ rất khác, trong đó, sức mạnh mềm sẽ ngày càng được coi trọng. Để có thể phát huy tối đa “sức mạnh mềm”, các nước chú trọng thu hút sự chú ý và thuyết phục dư luận quốc tế thông qua các yếu tố, như: hình ảnh, uy tín, năng lực quốc gia, vai trò của thể chế chính trị và văn hóa – xã hội.... COVID-19 rõ ràng đã mang lại nhiều khó khăn cho đất nước, song chắc chắn cũng tạo ra những cơ hội rất lớn để định vị và quảng bá hình ảnh, vị thế của đất nước, về uy tín của Đảng ta. Nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 đã tạo nền tảng thuận lợi cho việc đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại, phục vụ đấu tranh hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội.
Với cơ hội mới và với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, công tác thông tin đối ngoại sẽ tiếp tục đóng góp vào việc tăng cường sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hiệu quả sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, phục vụ việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
TS. LÊ HẢI BÌNH/TG
Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng
Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại
________________________________________
[1] Như khi Việt Nam làm chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều…
[2] Qua thống kê hiện có gần 3000 trang mạng phản động, chống đối đặt máy chủ tại nước ngoài. Năm 2018, Bộ Công an đã phát hiện hơn 800 trang blog, gần 6000 tài khoản mạng xã hội đăng tải hàng trăm nghìn tin, bài có nội dung tuyên truyền xuyên tạc (trang 274-275, Chuyên đề Hội thi chung khảo Báo cáo viên giỏi toàn quốc năm 2019, Ban Tuyên giáo Trung ương, 2020)
[3] Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”.
Liên kết website
Đang truy cập: 54
Hôm nay: 19,435
Hôm qua: 16,892
Tháng hiện tại: 399,565
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,109,882