Lịch sử đã chọn Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo (bài 1)

Chủ nhật - 25/06/2023 21:32 459 0

Một trong những âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá nước ta của các thế lực thù địch, phản động là tìm mọi cách phủ nhận, bác bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam và coi đây là khâu đột phá, là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để xóa bỏ thành quả cách mạng, xóa bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, hướng lái Việt Nam phát triển đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.

2

Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch

Thời gian qua, lợi dụng môi trường internet và truyền thông xã hội, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cho rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm quyền của dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền”; “Đảng không nên giữ vai trò lãnh đạo, không nên và không thể lãnh đạo tuyệt đối”; “phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì đất nước mới phát triển”...

Thông qua những quan điểm, luận điểm này, chúng đã bộc lộ dã tâm, mưu đồ đen tối là xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi Đảng ta phải thoái lui, thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội để đưa đất nước theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản; từ đó gây tâm lý hoài nghi, dao động, giảm sút niềm tin trong nhân dân, đặc biệt là niềm tin vào vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là những quan điểm, luận điểm hết sức phản động, sai lầm, phi khoa học, không có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn, chứa đựng nhiều mâu thuẫn trong phân tích, đánh giá; nhiều nhận xét là chủ quan, vô căn cứ.

Đây là một loại luận điệu hết sức nguy hiểm bởi nó cố tình đánh đồng giữa vấn đề đa nguyên, đa đảng với dân chủ và phát triển. Thực chất những luận điệu này là gì nếu không phải là muốn đa nguyên, đa đảng, chia quyền lãnh đạo dẫn tới tiếm quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Mục đích của chúng là phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam.

Chế độ một đảng lãnh đạo không cản trở dân chủ và phát triển

Đảng là tổ chức chính trị của giai cấp, mang tính chất giai cấp, là sự liên kết tự nguyện của những người cùng chí hướng và cùng quyền lợi. Bản chất của đảng chính trị chính là bản chất giai cấp mà nó đại diện.

Trong xã hội có phân chia giai cấp, mỗi giai cấp khác nhau có đảng khác nhau, thậm chí trong cùng một giai cấp cũng có thể có nhiều đảng khác nhau. Những đảng của cùng một giai cấp sẽ có cùng bản chất của giai cấp, có lợi ích gắn liền với giai cấp sinh ra nó, chúng chỉ khác nhau về hình thức tổ chức, phương thức hoạt động và những mục tiêu cụ thể mà không đối lập về bản chất. Những đảng của các giai cấp khác nhau hoặc đối lập nhau thì không chỉ khác nhau về tôn chỉ, mục đích, phương cách hoạt động, nguyên tắc tổ chức mà còn đối lập về bản chất của đảng. Như vậy, sự đa đảng cũng có nhiều sắc thái khác nhau. Có hiện tượng đa đảng nhưng vẫn nhất nguyên chính trị, có hiện tượng đa đảng đồng thời là đa nguyên chính trị.

Về vấn đề một đảng thì mất dân chủ, cản trở sự phát triển, còn đa đảng đồng nghĩa với dân chủ, phát triển, cho đến hiện nay, vẫn chưa có cơ sở khoa học nào chứng tỏ được điều này. Thực tiễn cho thấy, dân chủ và sự phát triển của một nước không tỷ lệ thuận với số lượng các đảng mà nước đó có. Có nước một đảng vẫn bảo đảm dân chủ và phát triển; có nước nhiều đảng vẫn kém phát triển, vẫn mất dân chủ. Vấn đề thuộc về bản chất của các đảng, lợi ích xã hội mà nó đại diện, bảo vệ; uy tín và năng lực tập hợp, liên kết, lãnh đạo các lực lượng xã hội cùng thực hiện mục tiêu chung của quốc gia-dân tộc. Nếu một đảng chỉ phục vụ cho lợi ích riêng của đảng mình, giai cấp mình thì đảng đó khó có thể được các giai tầng khác chấp thuận làm lực lượng lãnh đạo xã hội, lãnh đạo đất nước. Một đảng đại diện cho lợi ích của giai cấp, của nhân dân và dân tộc, vì dân, vì nước mà hành động, chắc chắn sẽ được nhân dân suy tôn, ủy thác làm lãnh đạo.

Trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, có hai khả năng phải tính đến: Thứ nhất, một đảng cầm quyền có lợi ích riêng thì đa đảng trong hệ thống chính trị là cần thiết. Trong trường hợp này, nếu chỉ có một đảng là độc tài. Thứ hai, một đảng không có lợi ích riêng khi cầm quyền, cầm quyền vì lợi ích chung thì đa đảng dễ gây bè phái, phân tán.

Cơ sở khoa học, thực tiễn chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền

Hiện nay, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo chính trị, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Để làm rõ vấn đề, chúng ta  phân tích và làm rõ những cơ sở khoa học, thực tiễn trên các khía cạnh sau.

Một là, mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo đất nước phát triển.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả sự hợp nhất của 3 tổ chức cách mạng tiền thân là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Trước khi hợp nhất, các tổ chức này hoạt động độc lập và có hiện tượng tranh chấp sự ảnh hưởng trong quần chúng và mỗi tổ chức đều muốn đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt tình trạng phân tán lực lượng, tạo sự thống nhất về tổ chức trong cả nước, nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của Đảng. Đảng trở thành hiện thân đại diện tiêu biểu cho lợi ích của toàn thể giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam.

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”(1). Ngoài lợi ích trên, Đảng Cộng sản Việt Nam không còn lợi ích nào khác.

Mục đích của Đảng là “Xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản”(2).

Hai là, Đảng đã tìm ra định hướng phát triển và trực tiếp lãnh đạo các cuộc cách mạng để phát triển.

Trong những năm của thập niên 1920, cách mạng Việt Nam rơi vào bế tắc, tưởng như không có đường ra. Nhiều sĩ phu yêu nước, nhiều phong trào cách mạng đưa ra những lựa chọn để giải phóng dân tộc, phát triển đất nước, song tựu trung, tất cả đều thất bại. Giữa lúc đen tối ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, rẽ đám mây mù, chỉ ra con đường duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc, đưa giống nòi bước qua lầm than, nô lệ. Trong Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng (tháng 10-1930) xác định phương hướng chiến lược của cách mạng là: Lúc đầu là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, sau đó tiếp tục phát triển, bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa. Hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là đánh đổ đế quốc và phong kiến có quan hệ khăng khít với nhau. Động lực cách mạng là giai cấp vô sản và giai cấp nông dân. Lãnh đạo cách mạng là giai cấp vô sản với đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản.

Với đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, vì vậy mới 15 tuổi, Đảng lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lật đổ ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, thiết lập nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam-kỷ nguyên độc lập, tự do.

Sau khi vừa mới ra đời, chính quyền cách mạng non trẻ đã phải đối phó với một tình thế hết sức hiểm nghèo, hàng loạt nguy cơ, thách thức tưởng chừng khó có thể vượt qua. Đó là nguy cơ của “giặc đói”, “giặc dốt” và đặc biệt là “giặc ngoại xâm”. Trong tình hình đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết sách đúng đắn, sáng suốt trong việc phát huy các yếu tố thuận lợi, hạn chế và vượt qua khó khăn, kịp thời có đối sách thích hợp để ứng phó với những thách thức đe dọa sự tồn vong của chính quyền cách mạng non trẻ, xây dựng chế độ mới, đưa cách mạng đi lên.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với thắng lợi thuộc về nhân dân ta, Hiệp định Geneva năm 1954 được ký kết, nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền, với hai chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành, tạo điều kiện cho miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, tháng 5-1956, Pháp rút quân khỏi miền Nam khi chưa thực hiện cuộc hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam-Bắc. Mỹ vào thay chân Pháp, đưa Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ.

Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam lúc này được Đảng ta xác định là: Tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Cách mạng hai miền có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, phối hợp với nhau, tạo điều kiện cho nhau phát triển. Đó là quan hệ giữa hậu phương với tiền tuyến.

Với Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, nước ta đã kết thúc thắng lợi 21 năm chiến đấu chống Mỹ, cứu nước và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc (1945-1975), chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân trong cả nước, thống nhất Tổ quốc.

Sau chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế, vừa tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; đồng thời tập trung lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân lao động.

Ba là, thực tế đất nước đạt nhiều thành tựu và phát triển không ngừng.

Trên cơ sở đánh giá tình hình đất nước và qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Những thành tựu của gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

(còn nữa)

--------

(1), (2) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.4

PGS, TS VŨ VĂN PHÚC/QĐND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 45

Hôm nay: 16,386

Hôm qua: 17,587

Tháng hiện tại: 268,680

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 9,978,997

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây