Nhận diện thông tin sai lệch, xuyên tạc

Thứ ba - 14/04/2020 20:25 257 0

Việc đề cập bước đầu tới nhận diện thông tin sai lệch, xuyên tạc sẽ góp phần tạo cơ sở quan trọng cho việc đề xuất các giải pháp phòng chống, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong tình hình hiện nay, nhất là trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

1
(Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, sự xuất hiện của làn sóng thông tin sai lệch, xuyên tạc đang diễn ra tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của mọi đối tượng xã hội, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Có một số dấu hiệu nhận biết thông tin sai lệch như sau:

Một là, thông tin phản ánh không chính xác hoặc phản ánh một mặt, một khía cạnh mang tính phiến diện, đơn chiều, lệch lạc về sự việc, hiện tượng hay quá trình xã hội

Sự sai lệch của thông tin xã hội từ quá trình phản ánh của chủ thể. Thông tin xã hội là sự phản ánh các quá trình xã hội, song không phải bao giờ và lúc nào cùng phản ánh đúng cái khách quan vốn có. Sự phản ánh các hiện tượng, quá trình xã hội thông qua lăng kính chủ quan, có ý thức của con người. Xã hội là tổng hòa các mối quan hệ đa dạng và phức tạp. Thành viên xã hội lại đa dạng về độ tuổi, giới tính, văn hóa, tôn giáo, giai cấp... Quá trình phản ánh của các chủ thể do vậy rất khác nhau. Trong đó, sự khác nhau về lợi ích kinh tế cơ bản đem đến những phản ánh không giống nhau cơ bản khi phản ánh xã hội.

Một mặt, thông tin sai lệch về các hiện tượng, quá trình xã hội có thể do năng lực phản ánh của chủ thể. Chủ thể phản ánh yếu về năng lực hoặc đơn giản hóa hoạt động phản ánh của mình chắc chắn sẽ đem lại thông tin sai lầm. Thông tin chỉ là thông tin hiện tượng, thông tin về vẻ bề ngoài của các quan hệ xã hội mà không “với tới” bản chất sâu xa, ẩn dấu trong các hiện tượng, quá trình hay quan hệ xã hội. Đây là một dạng thông tin sai xuất phát từ năng lực phản ánh của chủ thể.

Bên cạnh đó, mỗi chủ thể phản ánh do những nhu cầu, lợi ích mà mình theo đuổi, những giá trị mà mình hướng tới, có thể cố tình phản ánh những hiện tượng, quá trình hay quan hệ xã hội theo kiểu “tô hồng, bóp méo” sự kiện. Sự sai lệch trong phản ánh một cách có chủ đích cũng có thể xảy ra trong việc tạo ra thông tin và đưa thông tin vào hệ thống lưu chuyển xã hội.

Chủ thể tiếp nhận thông tin luôn chịu sự chi phối của các yếu tố như tâm lý, năng lực, thế giới quan, nhân sinh quan, hệ tư tưởng của người nhận tin...Vì vậy, cùng một nội dung thông tin phát ra, mỗi chủ thể có một hiệu ứng khác nhau khi tiếp nhận.

Bản chất của thông tin xã hội là phản ánh xã hội, song sự phản ánh này không đơn giản mà là sự phản ánh trong tính đa dạng, đa chiều của nó. Chính từ tính chất phức tạp của quan hệ xã hội mà thông tin xã hội cũng rất phong phú và đa dạng. Trên cơ sở một định hướng chung, thông tin xã hội phải bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau. Sự khái quát càng cao thì ý nghĩa xã hội của thông tin càng thể hiện rõ.

Do những nguyên nhân khác nhau, thông tin xã hội chỉ phản ánh một mặt, một mối liên hệ, một khía cạnh của hiện thực xã hội, tách rời nó với chính các yếu tố hợp thành sự việc, hiện tượng hay quá trình xã hội, tuyệt đối hóa cái được phản ánh khiến cho thông tin trở nên sai lệch. Loại thông tin này thường xuất hiện chủ yếu khi chủ thể phản ánh (người thông tin) hạn chế về năng lực tư duy lý luận. Khả năng khái quát hóa, trừu tượng hóa không cao, chỉ nhìn thấy hiện tượng mà không thấy bản chất, phản ánh được cái hiện thời mà không thấy tính quy luật của sự tồn tại sự việc, hiện tượng xã hội.

Sự sai lệch của thông tin xã hội từ quá trình truyền phát, trung chuyển. Thông tin xã hội là kết quả của sự phản ánh xã hội. Để kết quả phản ánh trở thành thông tin xã hội thì tri thức đó phải được đưa vào hệ thống lưu chuyển xã hội, tức là khi được truyền từ người này qua người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thông tin thuộc về phạm trù tinh thần, ý thức, song không thể tách rời khỏi giá đỡ vật chất của nó. Do vậy, trong quá trình truyền tin, sự tham gia của các loại hình vật chất (như ngôn ngữ, chữ viết, băng đĩa, tín hiệu... phong phú) có thể làm cho thông tin giữ nguyên vẹn, cũng có thể đã thay đổi, méo mó đi sự phản ánh ban đầu. Đây cũng là lý do tồn tại thông tin sai lệch. Ở phương diện vật chất trong quá trình thông tin, chúng ta có điều kiện vô cùng thuận lợi của cuộc cách mạng công nghệ thông tin đem lại. Song sự hiện đại và phát triển của công nghệ thông tin không đồng nghĩa với sự đảm bảo tính trung thực hoàn toàn cho thông tin mà nó chuyển tải, nhất là khi phương tiện đó được điều khiển bởi con người với các quan hệ phức tạp. Để đến được với đối tượng tiếp nhận, thông tin xã hội không phải là sự phản ánh một lần, sự phản ánh trực tiếp đối với các sự việc, hiện tượng hay quá trình xã hội. Trong quá trình lưu chuyển, thông qua nhiều hệ thống chuyển tải khác nhau, sự phản ánh gián tiếp, phản ảnh qua các khâu trung gian là nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch của thông tin xã hội. Quá trình trung chuyển, mức độ trung thực, khách quan của thông tin phụ thuộc vào mục đích, phương thức truyền tin của các cơ quan thông tin. Do vậy, thông tin sai lệch còn tồn tại bởi yếu tố con người trong công tác thông tin, năng lực, ý chí của cá nhân và tổ chức các cơ quan thông tin trong xã hội hiện nay.

Sự sai lệch của thông tin xã hội được xem xét từ đối tượng tiếp nhận. Thông tin xã hội đem lại những lợi ích tương ứng với nhu cầu của đối tượng tiếp nhận. Thông tin xã hội không chỉ đơn thuần là tri thức được ghi nhớ trong ý thức mà sự khác biệt làm nên bản chất của thông tin xã hội là khả năng làm thay đổi nhận thức, hoàn thiện xúc cảm, tri thức, chi phối hành động của con người. Thông qua hoạt động thực tiễn, thông tin xã hội là cơ sở của quá trình cải tạo xã hội. Tất nhiên, sự thay đổi ấy không phải bao giờ cũng bộc lộ trực tiếp, ngay lập tức và cụ thể. Cùng một thông tin, mỗi đối tượng tiếp nhận (đồng thời là chủ thể tiếp nhận) có cách xử lý, sử dụng thông tin khác nhau theo nhu cầu, mục đích và những quan điểm riêng biệt.

Trong xã hội, quá trình thông tin là thường xuyên, liên tục. Mối quan hệ giữa chủ thể - đối tượng của quá trình thông tin nêu trên thường xuyên được chuyển hóa. Nghĩa là vai trò vừa là chủ thể vừa là đối tượng là phổ biến khi bàn đến lĩnh vực hoạt động thông tin. Do đó, sự sai lệch so với phản ánh ban đầu cũng có thể xuất hiện dưới màu sắc chủ quan của đối tượng nhận tin nhưng lại là chủ thể xử lý và tiếp tục truyền tin trong xã hội.

Hai là, sự phản ánh không mang tính thời sự, sự phản ánh thiếu tính lịch sử, cụ thể, tính hệ thống.

Tính thời sự của thông tin xã hội có thể đưa đến cho con người những thông báo về những sự kiện mới nhất, cho phép nhận thức đúng đắn, kịp thời và giúp cho việc giải quyết các nhiệm vụ của hoạt động xã hội một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tính thời sự của thông tin xã hội phải được xem xét ở hai góc độ: Tính thời sự ở hệ phát hay ở hệ thu. Trên thực tế, tính thời sự của hai hệ này không phải bao giờ cũng song trùng. Xét về mặt thời gian, chỉ những thông tin nào đem lại cho chủ thể tiếp nhận thông tin những nhận thức mới một cách nhanh nhất mới đảm bảo tính thời sự.

Thông tin xã hội tự nó không có giá trị. Giá trị của thông tin xã hội gắn với tính thời sự và được xác định bởi người tiếp nhận và sử dụng nó; thể hiện rõ giá trị khi nó đáp ứng nhu cầu, mục đích của chủ thể tiếp nhận. Cùng một thông tin có thể không giống nhau về giá trị khi xem xét nó trên giác độ sử dụng cho những mục đích khác nhau. Thông tin được coi là có giá trị khi có sự hiện diện của chủ thể sử dụng thông tin với những mục đích xác định mà chủ thể đặt ra cho mình. Mục đích, lợi ích, nhu cầu của chủ thể sử dụng thông tin chính là dấu ấn chủ quan của thông tin xã hội.

Giá trị của thông tin xã hội không mất đi trong quá trình chuyển giao thông tin. Nếu người này chuyển thông tin cho người kia thì người giao và người nhận thông tin vẫn còn giá trị của thông tin đó. Song giá trị của một thông tin xã hội không giống nhau trong từng thời điểm sử dụng đối với cùng một chủ thể. Nếu thông tin được sử dụng cho một mục đích nào đó và mục đích đó đạt được thì đối với chủ thể, thông tin đã mất đi giá trị trực tiếp, mặc dù bản thân giá trị với tư cách là chất lượng của thông tin này vẫn tồn tại. Thời hạn sử dụng của thông tin không vô tận. Thông tin có thể trở nên lỗi thời do sự xuất hiện của những thông tin mới. Như vậy, giá trị của thông tin xã hội thể hiện ra như là một đặc trưng nhiều mặt của nó. Thông tin có thể là có giá trị xét theo nội dung nó phản ánh, theo chủ thể sử dụng, theo mục đích đạt tới của chủ thể tiếp nhận thông tin.

Như vậy, xét ở góc độ chủ thể, thông tin sai lệch, xuyên tạc về xã hội được thể hiện như là quá trình phản ánh cái đã qua, cái lỗi thời của các sự việc, hiện tượng hay quá trình xã hội. Xã hội vận động không ngừng, những mối quan hệ, những quá trình xã hội vốn không bao giờ lặp lại hay tồn tại vĩnh viễn. Thông tin là sự phản ánh cái mới nhất của sự tồn tại. Sự xuất hiện của thông tin sai lệch do không phản ánh được cái mới, cái hiện thời về bản chất của một hiện tượng xã hội có nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chủ yếu lại nằm ở sự lạc hậu trong cập nhật cái mới nhất về đối tượng. Có nghĩa là sự luẩn quẩn: không có thông tin mới - không có phản ánh mới và ngược lại tồn tại không hiếm ở lĩnh vực truyền thông, kể cả lĩnh vực nghiên cứu ở nước ta. 

Những phản ánh cũ về một hiện tượng không chỉ do sự trì trệ, lười biếng của người làm tin, truyền tin mà còn do chủ ý của một bộ phận xã hội theo những lợi ích mà họ hướng tới. Đó là sự tuyệt đối hóa phản ánh hoặc tích cực hoặc tiêu cực về một giai đoạn, một mối quan hệ xã hội theo một định hướng tư tưởng nào đó.

Xét ở góc độ đối tượng tiếp nhận, họ nhận thông tin không phản ánh cái mới nhất của xã hội cũng do nhiều nguyên nhân. Kiến thức phông nền của người tiếp nhận thông tin quá cũ, lạc hậu không đủ để họ tiếp nhận thông tin mới. Tâm lý “hoài cổ”, định kiến, hoài nghi khi đánh giá, tiếp nhận và xử lý thông tin cũng làm cho đối tượng khó có được thông tin mới nhất về đời sống xã hội.

Tâm lý “hoài cổ”, định kiến, hoài nghi khi đánh giá, tiếp nhận và xử lý thông tin cũng làm cho đối tượng khó có được thông tin mới nhất về đời sống xã hội.

Thông tin xã hội là sự phản ánh xã hội, tuy nhiên, thông tin xã hội không phải là sự phản ánh chung chung, mà bao giờ cũng gắn với một điều kiện, địa điểm và thời gian cụ thể, với một thời kỳ lịch sử cụ thể của sự phát triểnxã hội. Nói khác đi, thông tin xã hội bao giờ cũng là thông tin khi nào, cho ai và như thế nào.

Các hiện tượng hay quá trình xã hội luôn tồn tại cụ thể trong bối cảnh không gian, thời gian, trong các điều kiện và môi trường cụ thể. Tính cụ thể thể hiện ở cả sự tác động, vận hành của bối cảnh khách quan xác định, ở cả những tác động chủ quan của con người, bao gồm hệ thống quan điểm, chính sách, sự chi phối của các nhóm người, quốc gia, dân tộc và nhân loại. Vi phạm nguyên tắc lịch sử - cụ thể trong quá trình phản ánh là nguyên nhân dẫn đến thông tin sai lệch, xuyên tạc.

Thông tin sai lệch do thiếu tính lịch sử cụ thể hiện nay xuất hiện khá nhiều do cả trình độ của người phản ánh, người tiếp nhận thông tin và do chất lượng của chính quá trình truyền tin. Trong xã hội, việc sử dụng và tạo ra những thông tin sai lệch do vi phạm tính lịch sử cụ thể cũng không phải là hiện tượng hiếm gặp. Bên cạnh đó, sự cố tình tách những phản ánh mang tính lịch sử ra khỏi bối cảnh của nó cũng là cách thức chống phá khá phổ biến của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng lý luận. 

Ba là, thông tin xuyên tạc nhằm mục đích chống phá của các thế lực thù địch.

Thông tin xã hội bao giờ cũng mang tính giai cấp. Mỗi giai cấp có thái độ khác nhau, cách sử dụng thông tin khác nhau. Mỗi thông tin dù trực tiếp hay gián tiếp bao giờ cũng mang dấu ấn của một hệ tư tưởng nhất định. Không thể và không thể có thông tin xã hội nằm ngoài những lợi ích và mục tiêu của các giai cấp, các đảng phái sử dụng nó. Đây là đặc điểm chủ yếu làm nên bản chất của thông tin xã hội, phân biệt thông tin xã hội với các dạng thông tin khác.

Các nhà xã hội học tư sản ra sức chứng minh tính phi giai cấp, phi tính đảng của thông tin. Họ viện dẫn rằng các thông tin đều là sự phản ánh chung và được truyền tải thông qua các phương tiện, công nghệ thông tin thống nhất trong việc xử lý, phổ biến thông tin. Điều này làm nên sự giống nhau của mọi thông tin xã hội. Song dù phương diện kỹ thuật của công tác thông tin như nhau thì thông tin xã hội không nằm ngoài những lợi ích và mục tiêu của các giai cấp sử dụng nó.

Sự phát triển của đất nước ta đang diễn ra trong bối cảnh trong nước và quốc tế vô cùng phức tạp. Các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội, bất mãn chính trị không ngừng các hoạt động chống phá trên các lĩnh vực với nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nhằm chia rẽ nội bộ, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Nội dung sự chống phá không mới, song hình thức, thủ đoạn chống phá thường xuyên thay đổi, sức công phá của thông tin chống phá này tăng mạnh mẽ hơn. Cách thức thông tin của các thế lực thù địch phổ biến hiện nay là sử dụng thông tin bịa đặt, xuyên tạc, thông tin chỉ có một phần sự thật, với dụng ý xấu. Ngoài ra, còn kể tới hiện tượng thông tin dưới danh nghĩa tự do tư tưởng, dân chủ, phi chính trị... phản ánh cái nhìn xét lại, công kích những sự kiện lịch sử đã diễn ra nhằm làm cho mọi người hoang mang, lung lay tư tưởng.

Những thông tin xuyên tạc, bịa đặt do các thế lực thù địch chống phá nước ta “sáng tạo” ra đang xuất hiện với mật độ dày đặc và tốc độ chu chuyển nhanh, diện phủ rộng trong môi trường thông tin xã hội ở nước ta hiện nay đang đặt ra những vấn đề cấp bách cho công tác tư tưởng, lý luận.

Bên cạnh đó, cuộc chiến chống tham nhũng của nước ta càng mạnh mẽ thì đồng thời thông tin xuyên tạc, bịa đặt, cố tình làm sai lệch chủ trương, phương thức lãnh đạo của Đảng với mục đích giảm niềm tin trong nhân dân vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, vào vai trò của Đảng càng nhiều hơn, xuất hiện dày đặc hơn, cường độ bịa đặt xuyên tạc mạnh mẽ hơn. Mặt khác, lợi dụng giá trị của lòng yêu nước trong nhân dân, các thế lực thù địch thường xuyên xuyên tạc những vấn đề về chủ quyền biển đảo nhằm làm hoang mang trong nhân dân.

Đối với quần chúng nhân dân, nhận diện thông tin này không dễ bởi sự bịa đặt được thực hiện trên cơ sở một phần sự thật, lắp ghép sự phản ánh một cách phi logic, phi lịch sử nhưng lại “đánh trúng” tâm lý tò mò, đánh vào sự hoang mang dao động của một bộ phận nhân dân, cán bộ, đảng viên. Nếu không kịp thời và mạnh mẽ xử lý, những loại thông tin độc, xấu trên sẽ công phá nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng, sự tồn vong của Đảng, sự ổn định và phát triển xã hội Việt Nam hiện nay.

(TG)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 57

Máy chủ tìm kiếm: 1

Khách viếng thăm: 56

Hôm nay: 10,537

Hôm qua: 17,490

Tháng hiện tại: 142,095

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 9,852,412

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây