Vai trò Chủ tịch ASEAN 2020: Cơ hội, thách thức và định hướng công tác thông tin đối ngoại

Thứ năm - 30/01/2020 19:12 242 0

Với Việt Nam, 2020 là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN. Việt Nam cũng đồng thời đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA/LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021. Năm 2020 còn đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng như kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 75 năm thành lập nước, đồng thời toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thi đua lập thành tích chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII. Do đó, việc đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 càng có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam.

1
(Ảnh minh họa)

2020 - NĂM BẢN LỀ NHIỀU Ý NGHĨA ĐỐI VỚI ASEAN VÀ VIỆT NAM

Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo luân phiên từ ngày 1-1-2020. Đây là thời điểm có nhiều ý nghĩa với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Với ASEAN, 2020 là năm bản lề quan trọng để kiểm điểm giữa kỳ công tác triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 - 2025. Cùng tiến trình xây dựng Cộng đồng được thúc đẩy toàn diện, mạnh mẽ trong 5 năm qua, ASEAN dần vươn lên trở thành một lực lượng nòng cốt trong kiến tạo cấu trúc khu vực; lấy hòa bình, ổn định và phồn vinh làm mục đích chung; đoàn kết, thống nhất làm phương châm hành động; và đối thoại, hợp tác làm công cụ chính trong quan hệ. Đây là những thành công để các đối tác và cộng đồng quốc tế tôn trọng, đề cao hình ảnh, vị thế và vai trò của Hiệp hội trong khu vực. Tuy vậy, ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tình trạng mất cân đối trong phát triển giữa các thành viên; lôi kéo, phân hóa của các nước bên ngoài và cả những lực cản nội tại như bộ máy làm việc cồng kềnh, chồng chéo, thiếu hiệu quả đang là những “căn bệnh” mà ASEAN phải tìm cách giải quyết.

Năm 2020 sẽ là một mốc quan trọng trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và tăng cường quan hệ với các bên đối tác. Về nội bộ, ASEAN dự kiến sẽ tiến hành đánh giá giữa kỳ tiến độ thực hiện các biện pháp, dòng hành động và chương trình công tác của Kế hoạch Tổng thể về ba trụ cột thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch Công tác giai đoạn 3 Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI)… Về quan hệ đối ngoại, ASEAN và các đối tác sẽ kỷ niệm 15 năm thành lập Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)…

Bối cảnh nêu trên đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội để phát huy vai trò, vị thế Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030. Đồng thời, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức không nhỏ, nhất là sức ép từ nhiều chiều, đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ lưỡng, xác định mục tiêu, phương châm hợp lý, bố trí nguồn lực, lực lượng để vừa đảm bảo thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN, vừa hoàn thành tốt các nhiệm vụ đối nội và đối ngoại quan trọng khác.

CƠ HỘI LỚN, THỜI CƠ LỚN CỦA VIỆT NAM

Trọng trách kép Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021 là những hoạt động ngoại giao quan trọng để Việt Nam thể hiện và nâng cao vị thế, uy tín, cũng như năng lực trên trường quốc tế. Việt Nam sẽ đóng góp không chỉ tiếng nói của mình, mà còn đại diện cho cả Cộng đồng ASEAN ở một diễn đàn quan trọng và tầm cỡ toàn cầu như Liên hợp quốc. Với vai trò Chủ tịch luân phiên, Việt Nam cần thể hiện rõ vai trò ngoại giao tích cực để nâng cao vị thế của ASEAN. Việt Nam cũng sẽ nỗ lực vận động tất cả các quốc gia thành viên cùng tham gia bảo vệ và duy trì lợi ích tại khu vực; đưa ra các ý tưởng, xây dựng kế hoạch và mang lại động lực cho các nước ASEAN trong việc đối phó với những thách thức và tình huống khó khăn mà họ gặp phải. Đồng thời, Việt Nam sẽ có cơ hội thuận lợi để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trên phạm vi toàn cầu, giúp mở rộng và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trên trường quốc tế.

Vị trí Chủ tịch ASEAN cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường quan hệ song phương với nước lớn; huy động nguồn lực phát triển đất nước. ASEAN đã thiết lập Quan hệ Đối thoại với 9 nước, 1 tổ chức khu vực (EU) và 1 tổ chức quốc tế (LHQ). Ngoài ra, ASEAN còn lập nhiều quan hệ đối tác ở các mức độ thấp hơn nhưng thực chất, như Đối tác theo lĩnh vực với Pakistan, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Thuỵ Điển; Đối tác phát triển với Đức; hợp tác với các tổ chức như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), MERCOSUR, Tổ chức Hợp tác Kinh tế (ECO)..; và đang xem xét gần 30 đề nghị thiết lập quan hệ của các nước và tổ chức trong và ngoài khu vực. Đến nay, ASEAN đã hình thành các khuôn khổ đối tác chiến lược với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand và Nga; đối tác toàn diện với EU; đối tác tăng cường với Canada kèm theo các chương trình, Kế hoạch hành động cụ thể. Trong các cơ chế hợp tác do ASEAN chủ trì, ASEAN+1 là khuôn khổ chính để Hiệp hội tranh thủ sự ủng hộ chính trị, sự hỗ trợ về nguồn lực và kinh nghiệm của các đối tác cho mục tiêu an ninh và phát triển của ASEAN, trước hết là phát triển Cộng đồng và hội nhập khu vực. Các nước ngày càng coi trọng, tranh thủ vai trò của ASEAN, đồng thời tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng và thiết thực hơn với ASEAN trên nhiều lĩnh vực như chính trị - an ninh, kinh tế, văn hoá-xã hội, và hợp tác phát triển.

Với vai trò Chủ tịch, Việt Nam sẽ trực tiếp chủ trì, điều hành 3 tuần lễ lớn gồm Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tháng 4-2020, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Hội nghị liên quan tháng 7-2020 và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Cấp cao liên quan tháng 11-2020. Đây sẽ là dịp quan trọng để Việt Nam thể hiện vai trò Chủ tịch, điều phối quan hệ đối thoại của ASEAN, cũng như tranh thủ thúc đẩy tiếp xúc, hợp tác song phương với các đối tác cả trong và ngoài ASEAN, trong đó có tất cả các nước lớn. Đây là cơ hội lớn để đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, huy động nguồn lực phát triển và tăng cường hợp tác xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, khoa học - công nghệ phục vụ phát triển đất nước. 

THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN

Thuận lợi lớn nhất là cơ đồ đất nước sau hơn 30 năm đổi mới. Kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới và đặc biệt từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng và nhanh chóng nổi lên là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất, một đối tác đáng tin cậy ở khu vực, cũng như trong khối ASEAN. Sau 25 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã trở thành một trong những thành viên chủ chốt của Hiệp hội. Thành công trong xây dựng, phát triển đất nước và đối ngoại trong thời gian qua giúp Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 với tâm thế mới.

Cùng với tiến trình hội nhập, Việt Nam cũng đã tích lũy kinh nghiệm ngoại giao đa phương nói chung, ASEAN nói riêng một cách dày dặn. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 1998 và 2010; Chủ tịch APEC năm 2006 và 2017; Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Có thể thấy, trải qua hơn 30 năm đổi mới, đối ngoại đa phương đã trở thành một bộ phận quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Các hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam được mở rộng và đi vào chiều sâu ở tất cả các kênh đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại quốc hội và đối ngoại nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hỗ trợ phát triển và tạo vị thế mới của Việt Nam...

Trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là động lực kinh tế toàn cầu, trọng tâm quyền lực thế giới chuyển từ Tây sang Đông, ASEAN ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác. Đông Nam Á được xem là khu vực tương đối ổn định trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp và thay đổi sâu sắc. Đây cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất trên thế giới. Với quan hệ đối thoại sâu rộng, đa tầng nấc, đa lĩnh vực, ASEAN hiện là tổ chức khu vực thu hút sự quan tâm, coi trọng hợp tác nhất trên thế giới. Do đó, năm 2020 sẽ là thời điểm để Việt Nam thể hiện vai trò lãnh đạo chiến lược, dẫn dắt ASEAN phát triển bằng những chính sách do mình đề ra. 

Một vấn đề nữa vừa là cơ hội, song cũng vừa là thách thức đối với Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 là việc các nước cùng thúc đẩy đàm phán xây dựng hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Về chủ quan, trước hết là nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp, nhất là việc đồng thời đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ. Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải tối ưu hóa các nguồn lực, đồng thời cần huy động nguồn lực toàn dân, trong đó nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của các doanh nghiệp tư nhân tham gia hỗ trợ triển khai nhiệm vụ đối ngoại quốc gia. Về khách quan, ASEAN còn nhiều chia rẽ, còn nhiều bất cập, vấn đề nội bộ. Lâu nay, thách thức lớn nhất đối với tất cả các chủ tịch ASEAN luôn là làm sao tập hợp được đoàn kết, nhất trí, ủng hộ các ưu tiên, trọng tâm mà nước Chủ tịch thúc đẩy; đồng thời làm sao các tác động của tình hình khu vực và thế giới không làm cho ASEAN bị suy yếu.

Một thách thức lớn khác là xu thế đơn phương, chính trị cường quyền đang nổi trội, có lúc lấn át xu thế đa phương. Một mặt, đối thoại và hợp tác vẫn là xu thế chung trong quan hệ giữa các nước, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, gia tăng kết nối giữa các quốc gia và khu vực sẽ tạo tiền đề cho châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động, là động lực chính cho phát triển toàn cầu. Mặt khác, những yếu tố tiêu cực như cạnh tranh nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, tình trạng coi thường luật lệ, lạm dụng sức mạnh trong quan hệ quốc tế vẫn còn phổ biến, thậm chí gia tăng. Các yếu tố này tác động trực tiếp tới tâm lý của các nước trong khu vực, trong đó có các nước thành viên ASEAN. Đồng thời, nhiều vấn đề mang tính quốc tế như Biển Đông, Rakhine-Myanimar, bán đảo Triều Tiên… chưa được giải quyết triệt để, sự khác biệt trong lợi ích của các nước sẽ tiếp tục là những vấn đề nổi lên, ảnh hưởng đến việc điều phối, chèo lái quan điểm, lập trường của ASEAN.

ĐỊNH HƯỚNG CỦA VIỆT NAM

Để phát huy cao nhất cơ hội do vai trò Chủ tịch ASEAN mang lại, đồng thời xử lý hiệu quả các thách thức, trước hết Việt Nam cần tạo đồng thuận trong nước để phát huy sức mạnh toàn dân. Thực tế hiện nay, nhận thức của người dân ở Đông Nam Á nói chung và người dân Việt Nam về ASEAN còn hạn chế. Do đó, để phát huy được sức mạnh toàn dân, công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 cần được đặc biệt coi trọng. Mục đích là tăng cường nhận thức của người dân về cộng đồng ASEAN, thúc đẩy tự hào về bản sắc ASEAN, về lợi ích mà Cộng đồng mang lại.

Trong bối cảnh phức tạp hiện tại của khu vực, để duy trì được vai trò trung tâm của ASEAN, vấn đề then chốt là tăng cường đoàn kết, thống nhất, duy trì môi trường hòa bình ổn định để đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy liên kết khu vực và kết nối.

Việt Nam cần góp phần nâng cao tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy triển khai hiệu quả các kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột; thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong ASEAN cũng như với các đối tác, trong đó có kết nối hạ tầng cơ sở, kết nối vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời, để tiếp tục củng cố vị trí trung tâm của ASEAN và nâng tầm vai trò của Việt Nam, cần thúc đẩy quan hệ đối ngoại với các đối tác bên ngoài. Việt Nam cần tích cực tham vấn, phối hợp lập trường trong và ngoài ASEAN, trước và trong thời gian diễn ra các hội nghị để tạo đồng thuận và điều kiện thuận lợi cho các quyết định của Chủ tịch; phối hợp chặt chẽ với Malaysia (nước Chủ tịch APEC 2020) và Campuchia (nước Chủ tịch ASEM 2020) trong việc thúc đẩy các vấn đề liên quan đến khu vực. Việt Nam cũng cần tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia, nhất là các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga… để thúc đẩy các lợi ích của đất nước và của ASEAN. Đối với các điểm nóng, các vấn đề an ninh phi truyền thống, trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc, Việt Nam có cách tiếp cận phù hợp, thể hiện tối đa trách nhiệm của nước Chủ tịch trong dung hòa lợi ích chung của ASEAN, trên cơ sở đảm bảo lập trường, nguyên tắc, đoàn kết và đồng thuận của Hiệp hội.

Đáng chú ý, với vai trò trách nhiệm kép (vừa đồng thời đảm nhiệm Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ), Việt Nam cần thúc đẩy ASEAN kết nối toàn cầu. Về nội bộ cần có sự thống nhất cao, phối hợp liên ngành chặt chẽ, thông suốt. Đối với đối ngoại, cần gắn kết chủ trương và các hoạt động của năm Chủ tịch ASEAN trong tổng thể các nhiệm vụ đối ngoại khác của Việt Nam như ASEM, APEC, G20, đặc biệt là với vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ.

Để Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, công tác thông tin đối ngoại cần phát huy tinh thần chủ động, tích cực.

Trong năm 2020 và các năm tiếp theo, cần tập trung vào các định hướng: Đối với trong nước, công tác thông tin đối ngoại cần nâng cao nhận thức nội bộ để tiếp tục tăng cường niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, tự hào về vị thế của đất nước. Đồng thời, tăng cường thông tin để người dân hiểu rõ, hiểu đúng và tin tưởng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong đó có đối ngoại đa phương. Trong đó, tập trung vào nhận thức về ASEAN, về Cộng đồng ASEAN và các giá trị thiết thực đối với người dân. Làm rõ chính sách của Việt Nam đối với những đối tác lớn trong thời gian đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Một vấn đề đáng chú ý là cần làm cho người dân hiểu rõ khả năng và mức độ giải quyết các điểm nóng của ASEAN trong bối cảnh hiện nay. Đối với ngoài nước, cần tập trung làm rõ chủ trương của Việt Nam về định hướng, mục tiêu của năm Chủ tịch ASEAN 2020, qua đó cho thấy Việt Nam là thành viên tích cực, trách nhiệm với công việc chung. Đồng thời, làm rõ quan điểm, lập trường Việt Nam về quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác lớn. Đối với các điểm nóng, các vấn đề an ninh phi truyền thống nổi bật trong khu vực và trên thế giới, sau khi tham vấn đầy đủ theo nguyên tắc chung của ASEAN, cần kịp thời làm rõ quan điểm, lập trường của Chủ tịch. Bên cạnh đó, cần tranh thủ cơ hội lớn để tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh Việt Nam với thông điệp hòa bình, ổn định, phát triển, đóng góp tích cực vào lợi ích chung của khu vực.

Với đường lối đúng đắn và kinh nghiệm đa phương dày dặn của Đảng và Nhà nước ta, chắc chắn, Việt Nam sẽ đảm đương thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020, qua đó tiếp tục nâng cao vị thế đất nước, tăng cường niềm tin, niềm tự hào dân tộc cũng như niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Đây sẽ là thành tựu to lớn để toàn Đảng, toàn dân ta khởi đầu chặng đường 10 năm hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021)./.

TS. Lê Hải Bình/TG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 3,856

Hôm qua: 5,404

Tháng hiện tại: 80,218

Tháng trước: 214,418

Tổng lượt truy cập: 6,129,987

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây