Đang truy cập: 73
Hôm nay: 16,892
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 383,850
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,094,167
- Đang truy cập73
- Hôm nay16,892
- Tháng hiện tại383,850
- Tổng lượt truy cập10,094,167
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Thanh Nghị có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, trong đó có lĩnh vực thi đua yêu nước. Những quan điểm chỉ đạo và thành tựu của phong trào thi đua yêu nước thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam in đậm dấu ấn cá nhân Phó Thủ tướng kiêm Trưởng Ban Thi đua Trung ương Lê Thanh Nghị.
Thi đua yêu nước là phong trào được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động từ năm 1948 và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của toàn Đảng, toàn dân. Thi đua yêu nước trong kháng chiến chống Pháp đã đem lại hiệu quả thiết thực góp phần to lớn thực hiện nhiệm vụ diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.
Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (năm 1954), công tác thi đua ở Trung ương không có ai phụ trách. Ban Thi đua Trung ương do đồng chí Nguyễn Văn Tạo - Bộ trưởng Bộ Lao động đảm nhiệm, hoạt động thi đua không được như Ban vận động thi đua yêu nước thời kháng chiến chống Pháp.
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, ngay từ năm 1957, đồng chí Lê Thanh Nghị đã trực tiếp chỉ đạo và quán triệt phong trào “thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm” theo đúng tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động “thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm”, “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Từ đó, đã tạo ra phong trào thi đua ở nhiều xí nghiệp, công trường với nội dung cụ thể, hình thức phong phú, nhiều nơi đi vào nền nếp như: nhà máy dệt Nam Định, nhà máy Điện Hà Nội, mỏ than Mạo Khê, góp phần nâng cao hiệu suất lao động, chất lượng, hiệu quả của sản xuất.
Năm 1961, miền Bắc bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của toàn Đảng, toàn dân. Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong cuộc họp Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra ý kiến cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Theo Người, đây là một biện pháp tổng hợp, là động lực quan trọng để thúc đẩy một cách toàn diện việc hoàn thành kế hoạch Nhà nước và các nhiệm vụ khác như củng cố quốc phòng, chi viện cho miền Nam, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ Chính trị cần tăng cường sự lãnh đạo phong trào thi đua, chấn chỉnh lại tổ chức Ban Thi đua và đề cử đồng chí Lê Thanh Nghị phụ trách công tác thi đua. Ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được sự tán thành của Bộ Chính trị.
Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách ngành công nghiệp, nay đảm trách thêm công tác thi đua, đồng chí Lê Thanh Nghị xác định trước hết tự mình phải là tấm gương thi đua yêu nước để động viên, thuyết phục những người khác tham gia thi đua. Đồng chí đã dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua; tham khảo thêm tài liệu thi đua của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa và đặc biệt đồng chí dành thời gian nghiên cứu, học tập tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Mặt khác, đồng chí còn dành nhiều thời gian đi về các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, nông nghiệp, cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tiếp xúc với anh chị em công nhân, nông dân, trí thức… để nắm bắt thực tiễn phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, các ngành, từ đó kiến nghị với Đảng, Nhà nước những chủ trương đúng đắn về phong trào thi đua yêu nước.
Trước hết, đồng chí đề xuất và coi trọng việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua và thống nhất tổ chức vận động thi đua giữa chính quyền với các đoàn thể quần chúng. Chính quyền đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, điều kiện vật chất kỹ thuật, đời sống cho việc thực hiện nhiệm vụ còn các đoàn thể tùy theo đối tượng quần chúng thành viên mà sáng tạo các hình thức động viên thi đua thích hợp. Trên cơ sở đó, phong trào thi đua đã được đẩy mạnh, phát triển rộng rãi trong các ngành, địa phương, với khí thế và động lực mới. Trong nông nghiệp có “phong trào Đại phong”, trong công nghiệp có “phong trào Duyên Hải”, trong quân đội có “phong trào Ba nhất”. Đặc biệt phong trào thi đua cũng diễn ra ở các ngành mà trước đây nhiều người cho rằng khó tổ chức phong trào thi đua như: “phong trào Thành Công” ở hợp tác xã thủ công nghiệp, “phong trào Bắc Lý” trong giáo dục, “phong trào Vân Đình” trong y tế…
Từ những thành tựu ban đầu trong công tác thi đua, đồng chí Lê Thanh Nghị đã đề xuất và được Bộ Chính trị và Thường vụ Hội đồng Chính phủ đồng tình, tổ chức Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ ba (1961). Thành công của Đại hội góp phần rất lớn thúc đẩy phong trào thi đua trong điều kiện mới.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn và vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Thanh Nghị đã đề xuất hình thức thi đua tập thể. Theo đồng chí, thi đua tập thể phát triển sẽ khơi dậy, phát huy được tính năng động sáng tạo của từng tổ chức và cá nhân, tạo sức mạnh tổng hợp của tổ, đội. Có nhiều tổ, đội thi đua tốt sẽ tạo sức mạnh cho đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở đề xuất của đồng chí Lê Thanh Nghị, phong trào thi đua tập thể cũng ngày càng phát triển. Năm 1963, Đại hội tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa toàn miền Bắc đã được diễn ra.
Là lãnh đạo sâu sát thực tiễn, tiếp xúc với nhiều anh chị em công nhân, nông dân, trí thức, cán bộ, đồng chí Lê Thanh Nghị tận mắt thấy sự tận tụy của cán bộ, công nhân… trong lao động, sản xuất, tuy nhiên, đời sống vật chất của người lao động vẫn còn nhiều thiếu thốn. Để thúc đẩy phong trào thi đua phát triển, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị khẳng định: “thi đua cần được khuyến khích bằng lợi ích vật chất, người có thành tích thi đua cần được hưởng quyền lợi vật chất thích đáng. Có như vậy mới đẩy mạnh được thi đua bền bỉ, thường xuyên liên tục”. Từ ý kiến của đồng chí Lê Thanh Nghị, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Điều lệ khen thưởng sáng kiến. Điều lệ ra đời có tác dụng rất lớn động viên, khuyến khích công nhân, cán bộ ở các đơn vị sản xuất và cán bộ, nhân viên ở các đơn vị hành chính.
Trước sự phát triển rộng rãi của phong trào thi đua, đồng chí Lê Thanh Nghị thấy không chỉ dừng ở bề rộng mà cần phải hướng phong trào đi vào chiều sâu, đi vào thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, cải tiến quản lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phục vụ tốt đời sống nhân dân hơn nữa. Từ thực tế thí điểm một số đơn vị, đồng chí Lê Thanh Nghị đã cho phát động phong trào thi đua đạt năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều, gọi tắt là ba điểm cao. Hưởng ứng phong trào nhiều tổ và đội tiên tiến, tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa, đơn vị tiên tiến, đơn vị lao động xã hội chủ nghĩa trong công nghiệp đã xuất hiện.
Ở miền Bắc, mặc dù đế quốc Mỹ ném bom phá hoại (8/1964), nhưng phong trào thi đua đạt ba điểm cao đang trên đà vẫn phát triển sôi nổi. Đến cuối năm 1964, đã có 985 đơn vị cơ sở mở hội nghị thi đua đạt ba điểm cao, thu hút từ 80% đến 100% công nhân, cán bộ tham gia, 24 tỉnh, thành phố đã mở 55 hội nghị ngành, nghề. Mười ba Bộ và Tổng cục đã mở 32 hội nghị ngành, nghề. Trong nông nghiệp, hòa nhịp với công nghiệp có phong trào thi đua đạt “năng suất thóc cao, hoa mầu nhiều, chăn nuôi giỏi” phát triển khá rộng rãi.
Trên cơ sở những thành tựu đạt được, ngày 10/2/1965, diễn ra Đại hội thi đua đạt ba điểm cao (năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều) toàn miền Bắc. Tại Đại hội, đồng chí Lê Thanh Nghị được bổ nhiệm làm Trưởng ban Thi đua Trung ương.
Trong năm 1965, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc diễn ra ngày càng ác liệt. Phong trào thi đua chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến, vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Qua hai năm chiến đấu, quân và dân ta đã đẩy mạnh cao trào thi đua chống Mỹ, cứu nước, giành được nhiều thắng lợi to lớn. Phát biểu tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước năm 1967, đồng chí Lê Thanh Nghị đã thay mặt Đảng, Chính phủ biểu dương tinh thần thi đua của toàn Đảng, toàn dân đặc biệt là thanh niên. Đồng thời rút ra 5 nội dung của chủ nghĩa anh hùng cách mạng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Trung thành tuyệt đối, hy sinh, chiến đấu, lao động quên mình, quyết đánh, quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược, đó là biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của toàn quân, toàn dân ta.
Sự tâm huyết, nỗ lực không ngừng của Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đã góp phần rất lớn thúc đẩy sự phát triển của phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực, sức mạnh cho sự nghiệp cách mạng. Những quan điểm chỉ đạo, hướng dẫn; sự quan tâm sâu sát của đồng chí đến phong trào thi đua yêu nước và tấm gương thi đua, nỗ lực không ngừng của bản thân đồng chí Lê Thanh Nghị có sức sống mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành công của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thành tựu của công tác thi đua trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong đó có giai đoạn đồng chí Lê Thanh Nghị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo là cơ sở quan trọng thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đổi mới đất nước. Đánh giá vai trò của công tác thi đua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”.
Đồng chí Lê Thanh Nghị, tên khai sinh là Nguyễn Khắc Xứng sinh ngày 6/3/1911, tại làng Thượng Cốc, huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương),nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. |
Hiện nay, đất nước đang bước vào thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những thuận lợi, đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước càng trở nên cấp thiết. Thi đua cần diễn ra trong tất cả các các ngành, các giới, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân cả nước để vượt qua mọi khó khăn thách thức, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển của các loại hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, để đưa đất nước tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, ngày càng phát triển, phấn đấu thực hiện thành công, toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Nhìn lại chặng đường hoạt động gắn với công tác thi đua của đồng chí Lê Thanh Nghị, chúng ta vẫn thấy trong đó những bài học quý giá. Đó là bài học về sự nỗ lực, cố gắng không ngừng vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trở ngại; Bài học về lấy quyền lợi của nhân dân làm gốc, đặt lên trên hết, trước hết; Bài học về sự sâu sát thực tiễn, gắn công tác thi đua với hoạt động, công tác và đời sống hàng ngày của mọi người dân… Những bài học đó vẫn có ý nghĩa tích cực trong giai đoạn hiện nay./.
Liên kết website
Đang truy cập: 73
Hôm nay: 16,892
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 383,850
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,094,167