Đang truy cập: 63
Hôm nay: 16,892
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 383,551
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,093,868
- Đang truy cập63
- Hôm nay16,892
- Tháng hiện tại383,551
- Tổng lượt truy cập10,093,868
NHIỀU Ý KIẾN ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG TRONG CUỘC VẬN ĐỘNG PHÊ BÌNH VÀ TỰ PHÊ BÌNH TRONG ĐẢNG
Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, đồng chí Lê Văn Lương tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 15 tuổi, khi đang học trường Bưởi, đồng chí được giác ngộ cách mạng và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 3 năm 1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt. Tháng 1-1934, đồng chí bị đày đi Côn Đảo. Biến nhà tù thành trường học và rèn luyện khí tiết của người cộng sản, đồng chí cùng chi ủy nhà tù lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh cải thiện đời sống, tự học tập lý luận, tổng kết nhiều kinh nghiệm đấu tranh trong nhà tù; góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Đảng ở nơi gông xiềng tàn bạo nhất của đế quốc Pháp ở Đông Dương. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được đón về Nam Bộ.
Tháng 1-1946, đồng chí được điều ra Bắc, đến tháng 12-1946, đồng chí được cử làm Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương. Trên cương vị Bí thư Văn phòng Thường vụ, đồng chí có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, cùng với Ban Thường vụ Trung ương phát động Cuộc vận động phê bình và tự phê bình trong Đảng. Đồng chí đã tiến hành khảo sát thực trạng của tình hình phát triển đảng viên và rút ra kết luận: tuy tăng nhanh về số lượng nhưng trình độ giác ngộ, ý thức Đảng còn kém; từ trước đến nay, việc phê bình và tự phê bình tuy đã làm ở khắp các chi bộ, nhưng không đạt được mấy kết quả vì đảng viên chưa có ý thức đối với phê và tự phê, nên chỉ làm cho lấy lệ, các chi bộ không được cấp trên hướng dẫn chỉ đạo nên không biết nhằm vào điểm quan trọng để phê bình, kiểm thảo, dẫn đến hiệu quả của phê bình kém. Bởi vậy, cần mở cuộc vận động phê bình và tự phê bình trong toàn thể các chi bộ để xem xét công tác của đảng viên, rèn luyện tính Đảng, nâng cao trình độ chính trị của đảng viên và chấn chỉnh tổ chức cơ sở Đảng. Đồng chí lưu ý: Trong khi tiến hành cuộc vận động cần chú ý đến việc giải thích sâu rộng trong toàn thể chi bộ về ý nghĩa cuộc vận động, quy định những vấn đề chính cần kiểm thảo, phải có sự giáo dục và thưởng phạt nghiêm minh, phải có báo cáo tổng kết kinh nghiệm theo thời hạn nhất định. Sự phê bình không dừng lại ở mỗi đảng viên, từng chi bộ mà cả sự phê bình giữa các cấp.
Trong hai năm 1948 và 1949, do quan điểm phát triển Đảng chưa thật sự đúng đắn, chú trọng tăng nhanh về số lượng, nên tuy Đảng đã kết nạp hơn 50 vạn đảng viên nhưng đã đưa một số người không xứng đáng, thậm chí có cả thành phần cơ hội, phản động vào Đảng. Cũng vì phát triển quá nhanh mà công tác giáo dục chính trị không được tiến hành nề nếp, trình độ và nhận thức chính trị, ý thức giai cấp của đảng viên còn hạn chế. Để tăng cường củng cố Đảng và giáo dục đảng viên, đồng chí Lê Văn Lương đã tham mưu cho Ban Thường vụ ra Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 14/9/1950 về việc tạm ngừng kết nạp đảng viên mới trong toàn quốc, để tập trung củng cố hàng ngũ. Đồng chí chỉ rõ, trong khi tạm ngừng kết nạp đảng viên mới, các cấp ủy đảng phải hết sức chú trọng đến việc chấn chỉnh Đảng, bằng cách tích cực thực hiện hai cuộc vận động “đào tạo cán bộ, học tập lý luận” và “phê bình và tự phê bình” mà Trung ương đề ra.
Tháng 2-1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, sau đó là Ủy viên chính thức Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Trên cương vị người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương ở giai đoạn đầu, đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền móng, từng bước kiện toàn cơ cấu bộ máy, đào tạo đội ngũ cán bộ. Sang năm 1952, khi cuộc kháng chiến đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhưng do âm mưu của Pháp muốn kéo dài chiến tranh và sự can thiệp ngày càng sâu của đế quốc Mỹ, làm cho cuộc kháng chiến thêm quyết liệt và có xu hướng kéo dài. Do vậy, trong một số cán bộ đảng viên xuất hiện tư tưởng chủ quan, muốn đánh nhanh thắng nhanh hoặc nản chí, trông chờ vào bên ngoài. Trước tình hình đó, đồng chí tham mưu Trung ương tổ chức chỉnh huấn trong toàn Đảng; chỉ đạo Ban Tổ chức tập trung công tác chỉnh đốn tổ chức, mở nhiều cuộc vận động chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ trung tâm của công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ này. Một trong những nội dung quan trọng của cuộc vận động là vận động chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, làm cho cán bộ nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức chấp hành nghiêm chỉnh mọi nghị quyết của Đảng, của Chính phủ và tinh thần thật thà tự phê bình và phê bình một cách đúng đắn. Thay mặt Ban Bí thư, đồng chí ký nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về Công tác củng cố nội bộ, về Cuộc vận động chỉnh đốn Đảng…trong đó nêu rõ công tác phê bình và tự phê bình đối với mỗi đảng viên, mỗi chi bộ trở thành điều kiện, nền tảng vững chắc cho sự thành công của cuộc vận động.
Thời gian này, đồng chí tham mưu cho Trung ương mở cuộc vận động chỉnh đốn tổ chức gắn với cuộc vận động cải cách ruộng đất tại những vùng mới giải phóng theo đúng thần Cương lĩnh chính trị của Đảng. Đồng thời, chú trọng công tác giáo dục đảng viên, ổn định hệ thống tổ chức đảng, tăng cường mối liên hệ mật thiết Đảng – dân, xây dựng hậu phương vững chắc, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.
Tháng 9-1960, tại Đại hội Đại biểu toàn lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, điều hành công việc hàng ngày của Ban Bí thư bên cạnh Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, công tác xây dựng Đảng, đặc biệt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giáo dục cán bộ đảng viên được Ban Bí thư rất quan tâm. Tháng 5-1969, nhân dịp mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh 79 tuổi, đồng chí Lê Văn Lương thay mặt Ban Bí thư ký Chỉ thị số 171-CT/TW về đợt sinh hoạt chính trị nội bộ, tiến hành một đợt phê bình, tự phê bình về phẩm chất, đạo đức cách mạng nhằm nâng cao ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng; nâng cao lề lối lãnh đạo của các cấp ủy, chống lối làm việc cá nhân, độc đoán, cục bộ; giữ vững lối sống cần cù, giản dị, trong sạch của mỗi cán bộ, đảng viên. Tiếp đó, tháng 2 năm 1972, đồng chí ký Chỉ thị số 196-CT/TW về tăng cường chỉ đạo cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên ở các cơ quan Trung ương, trong đó nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phê bình, tự phê bình và tập trung phê bình những quan điểm sai trái, ưu khuyết điểm của đảng viên, mối quan hệ giữa cơ quan Trung ương với các địa phương, phê bình nghiêm khắc về những hiện tượng tiêu cực mất đoàn kết nội bộ. Kết quả đạt được của các cuộc vận động, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn này đã góp phần to lớn vào thành công của công tác xây dựng Đảng cũng như thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
|
Trên cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương lần thứ hai (1973-1976), đồng chí Lê Văn Lương đã tham mưu cho Trung ương Đảng ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về xây dựng Đảng và tổ chức cán bộ như Nghị quyết số 225-NQ/TW ngày 20/2/1973 của Bộ Chính trị về công tác cán bộ trong giai đoạn mới. Đặc biệt, đồng chí Lê Văn Lương có nhiều ý kiến đóng góp vào Nghị quyết Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Trung Đảng khóa III, ngày 25/12/1974 về tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Nghị quyết chỉ rõ nhiệm vụ xây dựng Đảng trong giai đoạn mới là “có đường lối, chính sách đúng, tư tưởng cách mạng triệt để, có tổ chức vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện đầy đủ, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(1). Nghị quyết 23 là văn kiện quan trọng, ra đời đáp ứng yêu cầu cấp bách về công tác tổ chức xây dựng Đảng trong giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến, bởi theo đồng chí Lê Văn Lương thì “đây là lần đầu tiên Trung ương bàn hoàn chỉnh về công tác xây dựng Đảng”(2). Để góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đồng chí tham mưu Ban Bí thư ban hành Thông tri số 314-TT/TW ngày 19/4/1975 về tự phê bình và phê bình trong đợt sinh hoạt chính trị để thi hành Nghị quyết 23.
Sau ngày miền Nam giải phóng, đồng chí Lê Văn Lương nhận thức rõ, khi đất nước hòa bình và trong công cuộc xây dựng rất nhiều vấn đề mới phức tạp nảy sinh, do đó công tác phê và tự phê vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng. Đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các văn bản về xây dựng Đảng trong thời kỳ mới như Chỉ thị số 230-CT/TW ngày 13/7/1976 của Ban Bí thư về đợt giáo dục chính trị, tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng.
Đại hội toàn quốc lần thứ IV (1976) và lần thứ V (1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trong thời kỳ xây dựng, phát triển kinh tế, cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong Đảng lại càng gay go, quyết liệt hơn. Bởi vậy, trên cương vị là Bí thư Thành ủy, mặc dù bận nhiều công việc nhưng đồng chí thường xuyên quan tâm và yêu cầu các cấp ủy đảng, mỗi đảng viên của Thủ đô luôn chú ý công tác phê bình và tự phê bình, coi đó là nguyên tắc hàng đầu, là công việc hàng ngày để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Năm 1986, do điều kiện sức khỏe và tuổi tác, đồng chí về hưu, nhưng vẫn tiếp tục được Bộ Chính trị phân công tham gia tổng kết công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ. “Đồng chí đã làm nhiệm vụ ấy với tinh thần trách nhiệm cao, thường xuyên theo dõi tình hình của đất nước, tình hình của nội bộ Đảng và có những đề nghị trung thực, thẳng thắn với Bộ Chính trị không ngoài mục đích tăng cường sức mạnh lãnh đạo và tăng cường tinh thần đoàn kết trong Đảng”(3).
Không chỉ trong công tác chỉ đạo, đồng chí Lê Văn Lương còn là tấm gương của tinh thần phê và tự phê. Đối với bản thân, đồng chí luôn tự nghiêm khắc rèn luyện đạo đức cách mạng, một lòng vì nước vì dân. Dù nắm nhiều trọng trách quan trọng trong Đảng, nhưng đồng chí luôn giữ lối sống khiêm nhường, giản dị. Khi Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đồng chí là người rất tích cực đi xuống cơ sở nắm tình hình, xác minh sai lầm, giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đề ra những biện pháp sửa sai. Bản báo cáo do đồng chí chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 10 (khóa II) vào tháng 9-1956 đã nhìn thẳng vào sự thật, nêu lên những sai lầm, chỉ ra nguyên nhân và khuyết điểm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Hội nghị đã nhất trí với những vấn đề đồng chí Lê Văn Lương đề xuất như: Thả ngay những người bị bắt oan, minh oan cho những người bị bắn oan, bị xử lý oan, khôi phục đảng tịch cho đảng viên bị oan… Do đó, công tác sửa sai của Đảng được tiến hành khẩn trương và có kết quả. Là thành viên của Ban Cải cách ruộng đất, nhận thấy trách nhiệm của mình, đồng chí tự xin rút khỏi Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, nhận nhiệm vụ làm Bí thư Khu ủy Tả Ngạn để tiến hành sửa sai.
QUAN ĐIỂM CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN LƯƠNG VỀ CÔNG TÁC PHÊ BÌNH VÀ TỰ PHÊ BÌNH TRONG ĐẢNG
Tuy không có những bài viết riêng về phê bình và tự phê bình trong Đảng, nhưng trong nhiều bài viết về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, đồng chí Lê Văn Lương đều đề cập đến vấn đề phê bình và tự phê bình, coi đó là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong xây dựng, phát triển Đảng. Qua các bài viết, qua công tác chỉ đạo và bằng những hành động thực tiễn của mình, đồng chí Lê Văn Lương đã góp phần to lớn vào công tác phê và tự phê bình trong Đảng cả về lý luận và chỉ đạo thực hiện. Quan điểm của đồng chí về công tác phê và tự phê trong Đảng, có thể tóm lại ở mấy điểm chính sau:
Thứ nhất, phê và tự phê bình phải trở thành công việc hàng ngày, tự giác của mỗi đảng viên, phải đưa vào sinh hoạt thường xuyên của tổ chức Đảng, thông qua các định kỳ kiểm điểm công tác và sinh hoạt chính trị. Phải gắn việc tự phê bình và phê bình với những biện pháp về tổ chức, với các phong trào đấu tranh quần chúng.
|
Thứ hai, phê và tự phê bình trong Đảng là nguyên tắc hoạt động, là vũ khí sắc bén của Đảng. “Điều then chốt để mở rộng dân chủ và nâng cao sự lãnh đạo tập thể trong Đảng là đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Chúng ta cần thực hành và khuyến khích việc phê bình và tự phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên”(4) đồng thời khuyến khích nhân dân phê bình và giám sát cán bộ, đảng viên. Cần phải tránh tình trạng: “ít chú ý khơi gợi ý kiến của cấp dưới; một số cán bộ và đảng viên cấp dưới thường rụt rè, e ngại, không thẳng thắn vì quyền lợi chung của Đảng phát biểu ý kiến và báo cáo kinh nghiệm của mình với cấp trên. Có nơi lại gây dư luận, thầm thì bàn tán, phê bình vô trách nhiệm”(5).
Thứ ba, phê bình nhiều mặt trước hết là đạo đức cách mạng bởi đạo đức là gốc của mỗi con người, vấn đề giữ gìn và nâng cao phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề cơ bản của một đảng cách mạng “phải gánh vác nhiều nhiệm vụ rất nặng nề, cán bộ, đảng viên được giao phó nhiều cương vị rất trọng yếu trong bộ máy nhà nước và các đoàn thể quần chúng”(6). Trong cuộc vận động phê bình và tự phê bình “mỗi đảng viên trước hết phải kiểm thảo lại ý thức phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân của mình. Mỗi đảng viên cần tự hỏi: từ ngày giác ngộ Đảng, mình đã làm được những gì, có lợi hay có hại cho Đảng và cho nhân dân ra sao….? Yêu cầu quần chúng xung quanh nhận xét mình về mặt ấy. Phải hết sức nghiêm khắc với mình, dù thấy những khuyết điểm nhỏ, cũng không nên coi thường, mà trái lại, phải quyết tâm sửa chữa”(7). Đối với các cấp ủy Đảng, không chỉ dừng lại ở việc phê và tự phê trong công việc nội bộ mà trong mối quan hệ với quần chúng, với cấp ủy các cấp.
Thứ tư, phương pháp phê bình: đi đôi với việc khơi gợi tinh thần tự giác của mỗi người, cần phải có sự giúp đỡ của tập thể. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên cần “bình tĩnh xem lại công việc, thành thật tự phê bình, sửa chữa sai lầm để tiếp tục tiến lên”(8). Trước khi phê và tự phê trong nội bộ, cần dựa vào các đoàn thể, cơ quan mà thu thập ý kiến phê bình, nhận xét của quần chúng rộng rãi. Khi phê bình, phải nêu rõ cả ưu và khuyết điểm, việc tốt và việc xấu. Phê bình trên cơ sở lắng nghe, đi tìm hiểu cụ thể, trực tiếp và trên hết là tâm trong sáng, một tấm lòng hết mực yêu thương đối với cán bộ, đồng chí của mình. Sau khi nêu hiện tượng thì tìm rõ nguyên nhân, để có biện pháp thiết thực phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Làm việc với tinh thần nghiêm túc, không xuê xoa, không vùi dập lẫn nhau.
Thứ năm, kết quả của phê và tự phê bình không chỉ dừng lại ở việc khen thưởng hay xử phạt đối với các đảng viên, các cấp ủy mà quan trọng hơn là giúp các đảng viên, các cấp ủy nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của bản thân, rèn luyện ý thức chính trị, “tạo được nền dân chủ rộng rãi và trên cơ sở đó mà nâng cao sự tập trung về mặt lãnh đạo”(9) trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
Đối với xử lý kỷ luật cán bộ đảng viên, Lê Văn Lương chỉ rõ phải rất nghiêm minh, thận trọng, tìm hiểu nguyên nhân cặn kẽ để quyết định kỷ luật một cách thấu tình đạt lý, tạo điều kiện người vi phạm có cơ hội sữa chữa, đồng thời xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan. Đồng chí trăn trở “Đảng phải đưa một đảng viên ra khỏi Đảng cũng phải thực hiện. Nhưng xét tội thì cá nhân phải chịu, còn tổ chức thì soa? Cán bộ phụ trách thiếu tinh thần thì sao”(10). Từ đó, đồng chí nêu vấn đề đến việc củng cố tổ chức, vai trò và trách nhiệm của cán bộ phụ trách, cán bộ chủ chốt trong quản lý, giáo dục đảng viên, đến nhiệm vụ xây dựng Đảng của các cấp ủy Đảng.
Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của công tác phê và tự phê đối với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trong các văn kiện đại hội và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương các khóa đều nhấn mạnh đến phê và tự phê, đặc biệt ở các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và gần đây nhất là Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong thực tế, công tác phê và tự phê tuy đã đạt kết quả quan trọng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế “không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”1. Những hạn chế đó là trở lực của cuộc đấu tranh ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng Đảng trong sạch, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ quan điểm, thực tiễn hoạt động và tấm gương phê và tự phê của đồng chí Lê Văn Lương trong những thời kỳ đầy cam go, thử thách của cách mạng, là bài học kinh nghiệm quý giá với Đảng hiện nay, mà trực tiếp thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị./.
Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28-3-1912, tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình dòng dõi khoa bảng yêu nước, ở miền đất văn hiến và cách mạng, ngay từ khi còn nhỏ Lê Văn Lương đã thấm đẫm trong mình truyền thống quê hương. Năm 1927, khi mới 15 tuổi, đồng chí đã được các hội viên của tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên Trường Bưởi tuyên truyền, giác ngộ và kết nạp. Tháng 6-1929, Lê Văn Lương gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng, sau đó trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. |
TG
----
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2004, t.35, tr. 287
(2) Dẫn theo Lê Văn Lương Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2020, tr. 199-200.
(3) (5) (7) (8) (10) Lê Văn Lương: Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, tr. 81, 63, 54, 71, 257.
(4) (9) Trích bài viết Tăng cường chế độ tập trung dân chủ trong Đảng ta của Lê Văn Lương in trong Thấu suốt nguyên tắc tổ chức của Đảng, Nxb. Sự thật, H, 1962, tr. 51, 51.
(6) Đảng, Bác Hồ về tự phê bình và phê bình, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005, tr. 310-311.
Liên kết website
Đang truy cập: 63
Hôm nay: 16,892
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 383,551
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,093,868