Đại tướng Chu Huy Mân - Vị tướng tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam

Thứ tư - 15/03/2023 21:36 463 0

Đại tướng Chu Huy Mân là một trong những vị tướng tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy, chiến đấu, công tác trên nhiều chiến trường trọng điểm, đồng chí đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.

3
Thượng tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng Quân khu 5 đang kiểm tra, theo dõi các mũi tiến công của quân giải phóng đánh vào thành phố Đà Nẵng (3-1975). Ảnh: Tư liệu/TTXVN 

Đồng chí là nhà lãnh đạo, chỉ huy văn-võ song toàn, mưu lược và quyết đoán, được cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam gọi là “Tướng Hai Mạnh” (mạnh cả chính trị lẫn quân sự), được Quân đội và nhân dân Lào thân mật gọi là “Tướng Thao Chăn”. Với những kinh nghiệm thực tiễn phong phú và tầm nhìn chiến lược sâu rộng, đồng chí đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế và sự nghiệp xây dựng Quân đội.

1. Người chỉ huy tài năng, mưu lược và quyết đoán

Tham gia hoạt động cách mạng từ khi tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí Chu Huy Mân được tôi luyện và trưởng thành trong phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ bước khởi đầu tham gia và chỉ huy Đội tự vệ đỏ ở quê nhà Nghệ An, trải qua lao tù đế quốc, đến khi tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Nam, đồng chí luôn tỏ rõ là người cộng sản kiên trung, có bản lĩnh và khả năng hoạt động quân sự, chính trị.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12-1946), với tài năng cả về chính trị và quân sự, từ chiến trường Khu 5, đồng chí được điều ra Bắc và liên tục được giao những nhiệm vụ quan trọng mang tầm chiến lược: Trưởng ban Kiểm tra xây dựng Đảng Khu ủy Khu 1, Trung đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 72 Bắc Kạn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 Cao Bằng-những trung đoàn chủ lực đầu tiên của Việt Bắc. Đồng chí Chu Huy Mân đã cùng Ban chỉ huy Trung đoàn chỉ huy đơn vị tiến hành nhiều trận đánh giành thắng lợi. Tiêu biểu như trận đánh đồn Phủ Thông (11-1947), góp phần làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến trong Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947, trận phục kích địch ở Tà Noong (1-1948), trận tiến công đồn địch ở Nà Pặc, Lũng Vài, Lũng Phầy, Khuổi Đăm...

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh vận động chiến, từ năm 1949, các trung đoàn, đại đoàn chủ lực lần lượt ra đời. Đồng chí Chu Huy Mân được giao trọng trách làm Chính ủy Trung đoàn 174-Trung đoàn Cao-Bắc-Lạng. Ngay sau khi được thành lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính ủy Chu Huy Mân và Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt, Trung đoàn đã thực hiện nhiều trận đánh quan trọng trên đường số 4 làm tê liệt, cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược của địch như trận Bông Lau-Lũng Phầy, Thất Khê-Na Sầm (9-1949)... Đây là những trận phục kích lớn, xuất sắc của Quân đội ta trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong Chiến dịch Biên Giới-Thu Đông 1950, Trung đoàn 174 được Bộ giao nhiệm vụ cùng Trung đoàn 209 tiến công cứ điểm Đông Khê, một trong những cứ điểm quan trọng của quân Pháp trên đường số 4. Trận đánh then chốt mở màn thắng lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta phát triển thế tiến công, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.

Sau chiến thắng Biên Giới, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn tiến lên giành và giữ thế chủ động. Đồng chí Chu Huy Mân được giao trọng trách là Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316. Đồng chí đã cùng Ban chỉ huy Đại đoàn chỉ huy đơn vị tham gia nhiều chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến tranh, như các chiến dịch: Hòa Bình (12-1951 / 2-1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953). Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 316 đảm nhiệm hướng tiến công ở phía Đông, góp phần quyết định đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (20-7-1954).

Đảm nhiệm nhiều cương vị chỉ huy khác nhau ở các đơn vị chủ lực trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ở đâu, làm gì, đồng chí Chu Huy Mân luôn có tác phong sâu sát của một cán bộ lãnh đạo, thái độ quyết đoán, dứt khoát, dám chịu trách nhiệm của một người chỉ huy quân sự. Đó chính là những nhân tố quan trọng để những đơn vị dưới sự chỉ huy của đồng chí lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về việc cử Đoàn cố vấn quân sự giúp Chính phủ kháng chiến và Bộ Quốc phòng Lào, tháng 7-1954, đồng chí Chu Huy Mân được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn 100. Từ kinh nghiệm chiến đấu trên các chiến trường Việt Nam, đồng chí đã giúp bạn xây dựng, củng cố lực lượng, đẩy mạnh hoạt động du kích, chống càn, đánh nhỏ, tiêu hao, tiêu diệt địch, tạo thế và lực cho cách mạng Lào và hạn chế sức mạnh của địch. Tuy nhiên, trong tình hình mới, nếu chỉ dựa vào những trận đánh nhỏ, lẻ thì không thể tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ cho cách mạng Lào. Từ thực tế đó, đồng chí Chu Huy Mân đã trao đổi, bàn bạc với Bộ Quốc phòng Lào chuẩn bị phương án, kế hoạch cho một số trận đánh lớn với yêu cầu tiêu diệt và làm tan rã một tiểu đoàn quân địch, qua đó củng cố niềm tin, nâng cao khả năng tác chiến cho Quân đội Pathet Lào. Trong những năm đầu thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào, Đoàn cố vấn quân sự 100 dưới sự chỉ huy của đồng chí Chu Huy Mân đã giúp bạn nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng chiến đấu, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu lấn chiếm, phá hoại của các thế lực thù địch và lực lượng phản động có sự hậu thuẫn của Mỹ; giúp bạn đánh lui hơn 600 cuộc tấn công lớn nhỏ của địch, tiêu diệt và làm bị thương gần 4.000 địch, bảo vệ vững chắc hai tỉnh tập kết là Hủa Phăn và Phongsaly, hỗ trợ đắc lực cho đấu tranh chính trị, đưa cách mạng Lào sang giai đoạn phát triển mới(1).

Cuối năm 1960, trước tình hình Thủ đô Viêng Chăn của Lào có thể bị uy hiếp, đồng chí Chu Huy Mân một lần nữa được giao nhiệm vụ vừa trực tiếp giúp Trung ương Đảng nhân dân Lào vừa là phái viên của Chính phủ Việt Nam làm việc với đại diện Chính phủ Phuma. Với tư duy sâu sắc và nhãn quan chính trị, quân sự nhạy bén, cùng với những kinh nghiệm dày dạn, đồng chí Chu Huy Mân luôn tỏ rõ bản lĩnh của một người lãnh đạo, chỉ huy có tầm nhìn chiến lược, một chuyên gia, cố vấn có tác phong sâu sát và hành động cương quyết. Đồng chí đã trao đổi với bạn, thống nhất thực hiện phương án tiến công giải phóng Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, địa bàn có ý nghĩa chiến lược. Ngày 1-1-1961, cuộc hành quân táo bạo của lực lượng trung lập, lực lượng Pathet Lào cùng bộ đội Việt Nam dưới sự chỉ huy của đồng chí Chu Huy Mân đã giành thắng lợi, nối liền với căn cứ kháng chiến Sầm Nưa. Với kinh nghiệm và tài năng của mình, đồng chí Chu Huy Mân đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Lào, buộc đế quốc Mỹ và quân ngụy Lào phải chấp nhận giải pháp hòa bình, công nhận Mặt trận Lào yêu nước cùng tồn tại như các đảng phái khác, chấp nhận thành lập Chính phủ liên hiệp ba phái, trong đó Mặt trận Lào yêu nước là một thành viên quan trọng.

Dấu ấn quan trọng nhất của đồng chí Chu Huy Mân trên cương vị người chỉ huy trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thời kỳ đồng chí hoạt động tại chiến trường Khu 5-Tây Nguyên từ tháng 9-1963 đến năm 1975. Đây là chặng đường dài đầy cam go, thử thách mà đồng chí đã “gánh cả hai vai”, là người lãnh đạo, chỉ huy cả quân sự và chính trị trên một chiến trường nóng bỏng. Với tác phong sâu sát, luôn bám sát thực tiễn, đồng chí đã đến nhiều địa bàn để cập nhật tình hình, bàn bạc tìm phương án đánh Mỹ và thắng Mỹ. Đồng chí nêu quyết tâm “trước hết phải dám đánh Mỹ, cứ đánh khắc tìm ra cách đánh” và đưa ra phương châm “vừa học, vừa làm, vừa chiến đấu, vừa rèn luyện”(2). Tài thao lược của đồng chí ở Mặt trận Khu 5, B3-Tây Nguyên đã góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội như chiến thắng Núi Thành (5-1965), chiến thắng Vạn Tường (8-1965)... Từ những trận đầu thắng Mỹ trên chiến trường đã cung cấp luận cứ cho các phương án tác chiến với quân Mỹ trong “chiến tranh cục bộ” trên chiến trường Khu 5 mà đồng chí luôn tìm tòi, trăn trở. Tiếp theo là hàng loạt chiến thắng quan trọng khác của quân và dân ta trên chiến trường Tây Nguyên và Khu 5 như chiến thắng Ba Gia (7-1965) tiêu diệt chiến đoàn quân ngụy, chiến thắng lẫy lừng Plei Me-Ia Đrăng (11-1965) tiêu diệt chiến đoàn quân ngụy và lần đầu tiên tiêu diệt một tiểu đoàn quân Mỹ, chiến thắng Cấm Dơi-Quế Sơn trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, chiến thắng Tiên Phước-Phước Lâm tạo điều kiện giải phóng Tam Kỳ, Đà Nẵng (1975)...

Với nhãn quan chính trị sâu rộng, tư duy quân sự sắc sảo, dù ở bất kỳ vị trí chỉ huy nào, đồng chí cũng luôn có dự đoán và phát hiện những vấn đề nảy sinh trên chiến trường để xây dựng cách đánh phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Theo đồng chí, bộ đội chủ lực không thể phân tán, đánh nhỏ, đánh tiêu hao mà phải tác chiến tập trung quy mô thích hợp, đánh tiêu diệt từng đơn vị địch, có cách đánh phù hợp từng chiến trường, từng đối tượng cụ thể, bảo đảm càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Chủ trương đó đã góp phần làm nên những chiến thắng to lớn trên chiến trường Khu 5, nơi đồng chí đảm nhiệm trọng trách vừa là Tư lệnh, vừa là Chính ủy Quân khu.

2. Người tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) xuất sắc

Quá trình tham gia hoạt động cách mạng, được thử thách, rèn luyện và trưởng thành, đồng chí Chu Huy Mân đã sớm bộc lộ những tố chất và bản lĩnh của người lãnh đạo, người có khả năng tổ chức vận động quần chúng của Đảng cũng như tài năng tổ chức xây dựng LLVT. Trực tiếp lãnh đạo tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Nam thành công, đồng chí được phân công làm Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Trong thời gian này, đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong việc vận động, tập hợp quần chúng, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng ở địa phương, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng ngay từ những ngày đầu thành lập Nhà nước dân chủ nhân dân.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, với tài năng tổ chức lực lượng, đồng chí liên tục đảm trách nhiệm vụ của người đứng đầu các trung đoàn chủ lực đầu tiên của Việt Bắc cho đến một trong những đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam-Đại đoàn 316. Đặc biệt, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa bộ đội qua phối hợp với lực lượng cách mạng Trung Quốc đánh quân Quốc dân Đảng theo đề nghị của Bộ tư lệnh giải phóng Biên khu Việt Quế, Chính ủy Mặt trận thứ nhất Chu Huy Mân với tầm nhìn sắc sảo và nhãn quan chính trị nhạy bén đã chủ trương giúp bạn từ xây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng, tiến tới xây dựng căn cứ địa nhỏ lẻ rồi từ đó tiến tới hình thành một vùng căn cứ liên hoàn, rộng lớn; truyền thụ lại kinh nghiệm công tác chính trị cho số cán bộ cách mạng ở địa phương, giúp họ nhanh chóng củng cố cơ sở, phát triển lực lượng; giao lại toàn bộ vũ khí, chiến lợi phẩm thu được của địch cho các đơn vị vũ trang cách mạng còn non trẻ của địa phương nước bạn.

Với những kinh nghiệm và khả năng về tổ chức xây dựng lực lượng, sau kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí có hai lần được giao nhiệm vụ giúp cách mạng Lào những năm 1954-1957 và 1960-1961. Trên cương vị là Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn 100-Đoàn cố vấn quân sự giúp Quân đội Itxala (sau này là Quân đội Pathet Lào), đồng chí Chu Huy Mân đã từng bước giúp cách mạng Lào xây dựng LLVT.

Căn cứ vào đặc điểm tình hình nhiệm vụ của cách mạng Lào và yêu cầu của bạn về xây dựng LLVT làm nòng cốt để bảo vệ thành quả cách mạng Lào vừa giành được, đồng chí Chu Huy Mân đã triển khai xây dựng đề án tổ chức lực lượng giúp bạn. Dựa vào kinh nghiệm chiến đấu ở Việt Nam trong giai đoạn đầu xây dựng lực lượng, đồng chí đã đề xuất phương án tổ chức xây dựng Quân đội Pathet Lào với quy mô cao nhất là cấp tiểu đoàn, gồm các đơn vị bộ binh và trợ chiến. Tại Hội nghị quân chính Quân đội Pathet Lào do đồng chí Kaysone Phomvihane-Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào chủ trì (đầu tháng 12-1954) đã thông qua Đề án “Xây dựng LLVT” và sau đó, Bộ Quốc phòng Lào quyết định thực hiện biểu biên chế toàn quân. Phương châm xây dựng Quân đội Pathet Lào là phải lấy giáo dục chính trị, tư tưởng làm chính, bồi dưỡng cán bộ làm trọng tâm; tổ chức gọn nhẹ, dựa vào tính chất dân tộc, phù hợp với trình độ chỉ huy của cán bộ và khả năng cung cấp tại chỗ; tăng cường xây dựng hệ thống tổ chức đảng và hệ thống công tác chính trị trong Quân đội. Cuối tháng 12-1954, với sự giúp đỡ của Đoàn 100 mà trực tiếp là đồng chí Chu Huy Mân, ba cơ quan: Tham mưu, chính trị, hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng Lào cùng hệ thống cán bộ thuộc các đơn vị, địa phương từng bước được hình thành(3). Thành tích giúp bạn chuẩn bị Đề án “Xây dựng LLVT” là kết quả bước đầu của Đoàn 100 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng Quân đội Pathet Lào, góp phần củng cố và phát triển tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa Quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào. Kết quả đó thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 100, trong đó đồng chí Chu Huy Mân đóng góp một phần quan trọng.

Trong quãng thời gian giữa hai lần giữ trọng trách giúp đỡ cách mạng Lào và sau khi về nước, đồng chí Chu Huy Mân được giao nhiệm vụ Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4 (đầu năm 1958, 1961-1962); Bí thư Khu ủy Tây Bắc, đồng thời là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc (5-1958 / 1959), đồng chí đã cùng với Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo những chủ trương, quan điểm cơ bản của Đảng về tổ chức, xây dựng LLVT nhân dân và tiến hành chiến tranh nhân dân trên địa bàn rừng núi, từng bước xây dựng thế trận phòng thủ, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị, bảo đảm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Trên cương vị là người lãnh đạo cả về chính trị và quân sự, trên chiến trường Khu 5 nóng bỏng khi quân Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam, đồng chí luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dũng cảm, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Từ đặc điểm chiến trường Khu 5, Tây Nguyên cũng như đặc điểm của cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam, đồng chí luôn chăm lo xây dựng LLVT ba thứ quân, tạo thành sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng tác chiến ở mọi lúc, mọi nơi. Với chủ trương đó, đồng chí Chu Huy Mân đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng LLVT Quân khu.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất nhiều chủ trương và giải pháp đúng đắn, đồng thời trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; luôn quan tâm, chăm lo xây dựng Quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, “xứng đáng là lực lượng trụ cột của quốc phòng toàn dân, là nòng cốt của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc”(4). Trong đó, nổi bật nhất là việc chỉ đạo nghiên cứu, hoàn chỉnh Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (1982); đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW (2005) về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

3. Người Chính ủy mẫu mực với những cống hiến xuất sắc về hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân, bên cạnh hình ảnh của một vị tướng tài ba, chính trị-quân sự song toàn còn là một hình ảnh của người Chính ủy mẫu mực với những cống hiến xuất sắc về hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Được giác ngộ và tham gia cách mạng từ lúc 16 tuổi (1929), đến năm 1930 (17 tuổi), đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó liên tục giữ các chức vụ về Đảng: 20 tuổi là Bí thư Chi bộ xã, 23 tuổi là Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên (Nghệ An). Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí làm Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam; cuối năm 1945 giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân chính Khu C gồm 4 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam; Chính trị viên Mặt trận Đường 9-Đông Hà-Savannakhet. Cuối năm 1946, đồng chí được điều lên Việt Bắc làm Trưởng ban Kiểm tra xây dựng Đảng Quân khu Việt Bắc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế, đồng chí đã kinh qua nhiều chức vụ về Đảng: Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 72 Bắc Kạn (1946-1948), Chính ủy Mặt trận thứ nhất phối hợp với Giải phóng quân Trung Quốc mở rộng khu giải phóng Việt Quế biên khu (1949); Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 174 (1949-1951); Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316 (1951-1954); Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu Tây Bắc (1958), hai lần làm Chính ủy kiêm Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4 (1957, 1961). Tháng 9-1963, đồng chí vào chiến trường miền Nam và trải qua nhiều chức vụ: Trưởng đoàn Kiểm tra Quân ủy Trung ương, Phó bí thư Khu ủy, Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 5, Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên-B3, Chính ủy Chiến dịch Huế-Đà Nẵng. Đất nước thống nhất, theo yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng Quân đội, tháng 3-1977, đồng chí Chu Huy Mân được Bộ Chính trị giao trọng trách là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Chu Huy Mân là nhà chính trị-quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam, một Chính ủy mẫu mực, người chỉ huy sắc sảo có những đóng góp to lớn trong xây dựng bản lĩnh chính trị, năng lực quân sự, niềm tin và phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ. Là một Chính ủy từ cấp trung đoàn, tỉnh đội đến cấp quân khu, mặt trận... ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn là một tấm gương sáng, mẫu mực về phẩm chất đạo đức cách mạng, có tác phong sâu sát thực tế, luôn quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng chủ nghĩa anh hùng cách mạng đi đôi với xây dựng tư tưởng tích cực tiến công cho cán bộ, chiến sĩ; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về phẩm chất, năng lực và tác phong công tác; chú trọng xây dựng tình đoàn kết, đồng cam cộng khổ với cán bộ chiến sĩ, vượt lên khó khăn, thách thức, giành chiến thắng vẻ vang.

Thực tiễn trên cương vị lãnh đạo, chỉ huy qua các thời kỳ kháng chiến, cho đến khi giữ trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí luôn nắm chắc vị trí, vai trò, bản chất, nguyên tắc, chức năng, nhiệm vụ công tác Đảng, công tác chính trị, từ đó đặt ra những yêu cầu cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, lao động, sản xuất và công tác của Quân đội. Theo đồng chí, “công tác Đảng, công tác chính trị từ trước đến nay sở dĩ đạt được những thành tựu to lớn, có nhiều tiến bộ chính là nhờ đã biết thường xuyên quán triệt đường lối, nhiệm vụ chính trị, đường lối, quan điểm, tư tưởng quân sự của Đảng, chú trọng bám sát thực tiễn chiến đấu và xây dựng của Quân đội ta qua các thời kỳ khác nhau”(5). Trên cơ sở đó, đồng chí vừa đề xuất, vừa lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội. Đại tướng Chu Huy Mân rất coi trọng gắn việc xây dựng tổ chức với xây dựng con người, trong đó đặc biệt chăm lo củng cố, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong LLVT; xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đồng thời thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng cơ quan chính trị, nhất là đội ngũ chính ủy, chính trị viên các cấp, bảo đảm giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt”.

Không chỉ là một nhà tổ chức thực tiễn xuất sắc, Đại tướng Chu Huy Mân còn đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu lý luận quân sự với nhiều công trình, bài viết có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Nâng cao phẩm chất cộng sản của người đảng viên”, “Chiến thắng Pleime-30 năm sau nhìn lại”, “Nâng cao hiệu lực của công tác Đảng, công tác chính trị trong các LLVT nhân dân”, “Người chính ủy Quân đội nhân dân Việt Nam”...

Cuộc đời của Đại tướng Chu Huy Mân gắn bó với sự ra đời, phát triển, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Con người của Đại tướng là sự thống nhất giữa chính trị và quân sự, quân sự và chính trị luôn hòa quyện. Những đóng góp của đồng chí luôn mang tầm chiến lược, sâu sắc, thiết thực. Đặc biệt, đồng chí đã có nhiều đóng góp vào chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh, không ngừng phát huy truyền thống, bản chất của Quân đội anh hùng, để Quân đội là lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Đồng chí Chu Huy Mân là một cán bộ lãnh đạo cấp cao tiêu biểu của Đảng và Nhà nước, một tướng lĩnh xuất sắc, chính trị, quân sự song toàn của Quân đội ta, là một tấm gương sáng cho toàn quân, toàn dân ta học tập”(6).

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân, cán bộ, đảng viên, nhân dân và LLVT nhân dân Việt Nam luôn tự hào về Đại tướng Chu Huy Mân-vị tướng tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của một quân nhân cách mạng, nghiêm túc thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ra sức học tập, lao động, sáng tạo, đoàn kết thống nhất, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

--------------

(1) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự, Danh nhân quân sự Việt Nam, Tập 9, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2022, tr.332-333.

(2) Đại tướng Chu Huy Mân, Thời sôi động, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.240.

(3) Gồm 9 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn trợ chiến, 1 tiểu đoàn vận tải, 1 đại đội thông tin, 1 đại đội quân báo, 1 trung đội bảo vệ cơ quan, 12 đại đội độc lập và đại đội địa phương, 1 trường quân chính (commadam), 2 cơ quan tỉnh đội Hủa Phăn và Phongsaly. Theo Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự, Danh nhân quân sự Việt Nam, Tập 9, Sđd, tr.327-328.

(4) Đại tướng Chu Huy Mân, Mấy vấn đề cơ bản trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984, tr.165.

(5) Đại tướng Chu Huy Mân, Nâng cao hiệu lực của công tác Đảng, công tác chính trị trong các LLVT nhân dân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1979, tr.50.

(6) Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng (Hồi ký), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.27.

 Thượng tướng, TS LÊ HUY VỊNH/QĐND
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 54

Hôm nay: 17,926

Hôm qua: 19,435

Tháng hiện tại: 417,577

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,127,894

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây